Phiên tranh tụng thứ hai vụ kiện Biển Đông: Philippines tấn công trực diện

plp laywer at pca

Tác giả: Quách Thị Huyền

Philippines đã kết thúc một tuần tranh tụng về nội dung thực chất và các vấn đề còn lại về thẩm quyền trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) từ ngày 24 – 30/11 tại La Haye, Hà Lan. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự khéo léo, Philippines đã đưa ra các đòn tấn công trực diện trong hiệp hai của cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục trốn tránh

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ kiện này. Trước đó, tháng 12/2014, Trung Quốc đã ra văn bản thể hiện quan điểm của mình rằng PCA không có đủ thẩm quyền để xét xử, vì theo Trung Quốc những gì mà Philippines kiện không thể được phân xử mà không xét đến chủ quyền của các nước, điều mà theo Trung Quốc là PCA không có quyền làm.Tuy nhiên, tháng 10/2015, PCA đã đưa ra phán quyết tiếp tục xét xử vụ này và lắng nghe phần trình bày của phía Philippines.

Tiếp tục từ chối tham dự phiên tranh tụng lần này, Trung Quốc đã vô tình trao cho Philippines cơ hội vạch trần các sai phạm và những điểm yếu trong lập luận yêu sách của mình ở Biển Đông.

Phái đoàn của Philippines tham gia tranh tụng có hơn 50 người, bao gồm Tổng Luật sư, Ngoại trưởng, các thành viên của Toà án Tối cao, các thành viên Hạ viện, các đại sứ, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng và các nhân viên khác.

Trong khi đó, Bồi thẩm đoàn PCA bao gồm 5 thành viên: Thẩm phán Thomas A. Mensah là Chủ tọa cùng các Thẩm phán Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Rüdiger Wolfrum và Giáo sư Alfred H. A. Soons.

Việt Nam cùng các nước Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Úc tham dự với tư cách quan sát viên.

Yêu sách quyền lịch sử phi lý của Trung Quốc

Theo Philippines, mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ bản chất pháp lý của yêu sách quyền lịch sử nhưng quan điểm của Trung Quốc có thể được tìm hiểu thông qua các tuyên bố và các hành động liên quan của Trung Quốc. Philippines cho rằng Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với việc sử dụng các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật tại vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn” nhưng không yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với vùng biển này và cũng không coi vùng biển này là lãnh hải. Điều này có thể thấy thông qua việc Trung Quốc cho phép đi lại và bay trong khu vực đường chín đoạn và phản đối các quốc gia khác đánh bắt cá và thăm dò dầu khí trong khu vực này. Như vậy, yêu sách của Trung Quốc không liên quan đến Điều 15 về phân định lãnh hải hay danh nghĩa lịch sử. Do đó, yêu sách này không rơi vào ngoại lệ về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Điều 298 Công ước Luật Biển và Tòa có thẩm quyền để xem xét vấn đề này.

Philippines cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có căn cứ vì Công ước Luật Biển chỉ giải quyết các quyền đối với tài nguyên biển chứ không đề cập đến quyền lịch sử mà Trung Quốc yêu sách. Không có một điều khoản nào trong Công ước công nhận quyền này. Hơn nữa, luật quốc tế chưa bao giờ chấp nhận một yêu sách vùng biển lớn như Trung Quốc đang đòi hỏi. Từ đầu thế kỷ 17, luật quốc tế chỉ công nhận quyền kiểm soát của quốc gia đối với một vùng biển nhỏ hẹp tiếp giáp bờ biển. Mặt khác, một yêu sách đối với vùng biển nhỏ hẹp cũng chỉ có giá trị pháp lý khi thoả mãn được hai điều kiện: thực thi hiệu quả chủ quyền một cách liên tục và được các quốc gia khác công nhận. Trong trường hợp này, Philippines bày tỏ quan điểm yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc là không có căn cứ bởi lẽ, trước thế kỷ 20, Trung Quốc xác định phạm vi lãnh thổ ở cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam và yêu sách đối với các đảo nằm trong Biển Đông chỉ mới xuất hiện từ những năm 1930. Yêu sách quyền lịch sử đối với vùng nước nằm trong Biển Đông cũng chỉ mới xuất hiện gần đây và lần đầu được Trung Quốc công bố chính thức năm 2009. Đồng thời, các nước ven Biển Đông chưa bao giờ chấp nhận yêu sách này nên yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc không có giá trị pháp lý.

Bản chất pháp lý của các thực thể ở Biển Đông

Theo Philippines, bãi Vành Khăn (Mischief Reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xu Bi (Subi Reef), Ga Ven (Gaven Reef) và Ken Nan (McKennan Reef) (bao gồm cả Tư Nghĩa (Hughes Reef)) là các bãi nửa nổi nửa chìm, nghĩa là nổi khi thủy triều xuống thấp và chìm khi thủy triều lên cao. Theo Công ước Luật Biển, các bãi nửa nổi nửa chìm không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Để phục vụ cho luận điểm này, Philippines đã đưa ra nhiều bằng chứng về thủy văn khác nhau bao gồm các hình ảnh vệ tinh và phép đo độ sâu lấy từ ảnh vệ tinh của từng thực thể. Trong các bãi nửa nổi nửa chìm trên, Philippines đặc biệt yêu cầu Tòa xác định bãi Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines.

Các bãi nửa nổi nửa chìm và đá theo lập luận của Philippines (Ảnh: CSIS)
Các bãi nửa nổi nửa chìm và đá theo lập luận của Philippines (Ảnh: CSIS)

Ngoài các bãi nửa nổi nửa chìm, Philippines còn yêu cầu Toà kết luận bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal), Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef) chỉ là đá vì “không có khả năng cho con người cư trú và không có đời sống kinh tế riêng”. Philippines chỉ ra rằng chỉ có một phần nhỏ của các thực thể này nổi trên mặt nước và cho rằng không có cơ sở để coi chúng “có khả năng cho con người cư trú”. Do đó, chúng chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà không được hưởng quy chế về EEZ và thềm lục địa.

Mặc dù không yêu cầu Toà quyết định về bản chất pháp lý của các thực thể lớn hơn ở Biển Đông nhưng để làm rõ hơn giới hạn tối đa vùng biển mà Trung Quốc có thể hưởng, Philippines cũng xem xét các thực thể mà Trung Quốc yêu sách nhưng không chiếm đóng bao gồm Ba Bình (Itu Aba), Thị Tứ (Thitu) và Bến Lạc (West York). Philippines cho rằng các thực thể này cũng chỉ là đá theo Công ước Luật Biển do các điều kiện và môi trường trên các thực thể này không có khả năng duy trì đời sống cho con người. Theo đó, kể cả khi giả định Trung Quốc có chủ quyền đối với tất các thực thể mà Trung Quốc yêu sách thì chúng cũng phát sinh không quá 12 hải lý lãnh hải và Trung Quốc không có cơ sở để yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với Philippines. Vì thế, không tồn tại vấn đề phân định biển để hạn chế thẩm quyền của Tòa.

Các hành vi vi phạm Công ước Luật Biển của Trung Quốc

Philippines chỉ ra ba loại hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc đã cản trở Philippines hưởng và thực hiện quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong EEZ và thềm lục địa của nước này. Vì yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với việc sử dụng các nguồn tài nguyên trong khu vực đường chín đoạn là vô căn cứ và các thực thể mà Trung Quốc yêu sách chỉ có tối đa 12 hải lý nên không hề tồn tại vùng biển chồng lấn lên EEZ và thềm lục địa của Philippines. Chính vì thế, Trung Quốc không có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên tại EEZ và thềm lục địa của Philippines. Theo Philippines, Trung Quốc đã ngăn cản Philippines tiến hành thăm dò các mỏ dầu và ngăn chặn các tàu của Philippines đánh bắt ở khu vực chỉ có Philippines có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên biển. Philippines cho rằng Trung Quốc cũng đã không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn các ngư dân của mình khai thác tài nguyên tại EEZ của Philippines và đã không tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo Điều 194 Công ước Luật Biển. Philippines đưa ra nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc đánh bắt các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt bằng chất nổ và xyanua, và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực từ việc xây dựng các công trình trên bãi Vành Khăn.

Cuối cùng, Philippines cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước Luật Biển khi triển khai các tàu thực thi pháp luật một cách nguy hiểm, và đã có những hành động làm phức tạp thêm tranh chấp ngay cả khi các hoạt động tố tụng đang diễn ra. Cụ thể, Trung Quốc đã ngăn chặn việc tiếp tế của một đội thuộc thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Ngoài ra, trong năm qua Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo ở gần như tất cả các thực thể dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được PCA đưa ra vào năm 2016. Phán quyết về thẩm quyền của Tòa vào tháng 10/2015 đã đem lại thắng lợi đầu tiên cho Philippines trong cuộc so găng về pháp lý với Trung Quốc. Trên đà thắng lợi đó, Philippines hoàn toàn có quyền hi vọng về một phán quyết cuối cùng có lợi cho mình khi tiếp tục đưa ra được những lập luận sắc bén trong phiên tranh tụng lần này về nội dung thực chất. Và một khi Tòa phán quyết có lợi cho Philippines thì Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép nặng nề cả về phương diện ngoại giao lẫn pháp lý trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các cuộc họp khu vực, bởi nếu Trung Quốc không xem trọng kết luận của định chế trọng tài quốc tế thì đó sẽ là một điểm trừ rất lớn đối với hình ảnh quốc gia trên tư cách là một siêu cường đang lên. Do đó, dù đã khẳng định sẽ phớt lờ mọi phán quyết của PCA nhưng Trung Quốc đang đứng trước một lựa chọn rất quan trọng trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế về một Trung Quốc trỗi dậy thực sự hòa bình và có trách nhiệm.

Tác giả Quách Thị Huyền hiện công tác tại Học viện Ngoại giao.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]