Tại sao người Hồi giáo dòng Sunni thấy mình thua thiệt?

Print Friendly, PDF & Email

20151205_map505

Nguồn: “Why the Middle East’s Sunnis feel they are victims”, The Economist, 3/12/2015.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm    | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Đã có thời kỳ các tín đồ Hồi giáo dòng Shia, phân nhánh nhỏ hơn trong hai nhánh chính của đạo Hồi, than vãn rằng địa vị của họ chẳng khác gì kẻ thua cuộc bị truy đuổi khắp nơi và cầu nguyện đức Mahdi[1] quay trở lại để khôi phục vinh quang cho họ. Các vụ đánh bom tự sát đầu tiên trong những năm 1980 là do những người Shia thực hiện, với mong muốn rằng thế giới sau đó sẽ được cải thiện. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, chính những tín đồ dòng Sunni, chiếm khoảng 85% trong tổng số 1,6 tỷ người theo đạo Hồi trên thế giới, lại thể hiện hình ảnh của mình như những nạn nhân. Làm thế nào mà bộ phận chiếm đa số trong tôn giáo lớn thứ hai thế giới lại đi đến tình trạng than thân trách phận như vậy?

Đến giữa thế kỷ 19, những hoàng đế Hồi giáo dòng Sunni của Đế chế Ottoman đã kiểm soát đất liền ở ba lục địa, nhưng từ đó trở đi, lịch sử trở thành câu chuyện về sự suy tàn của dòng Sunni. Khu vực người Hồi giáo của đế chế này đã bị giành giật bởi các nhà nước Châu Âu. Có thời điểm, 9 trên 10 người theo đạo Hồi đã phải sống dưới những chính quyền phi Hồi giáo. Và thậm chí khi các nước Châu Âu rút đi, họ cũng thường chuyển giao quyền lực cho các tay sai không theo dòng Sunni. Pháp đã tìm cách tách các cộng đồng người Alawite (nay thuộc Syria), Druze (nay thuộc Israel) và người Thiên chúa giáo ở Maronite (nay thuộc Li-băng) ra khỏi Đại Syria. Kế hoạch của nước này đã bị cản trở bởi một cuộc nổi dậy. Nhưng một cuộc nổi dậy tương tự đã không thể phá vỡ lời hứa của  Anh trao Palestine cho người Do Thái.

Nền độc lập và việc các quốc gia vùng Vịnh kiểm soát lượng dầu mỏ dồi dào chẳng xoa dịu tình hình là bao. Các bộ tộc du mục gốc Ả-rập trở thành các quốc gia có chủ quyền, nhưng dân số của họ ít đến mức họ phải dựa vào các cường quốc thực dân trước đây để bảo vệ lượng tài sản khổng lồ của mình. Kể từ đó các lệnh trừng phạt của phương Tây đã trở thành lời nhắc nhở rằng các thế lực ngoại quốc vẫn tiếp tục kiểm soát khu vực này.

Các thủ lĩnh quân sự nắm độc quyền về sức mạnh trong trung tâm thế giới Hồi giáo cũ thường xem đạo Hồi là một trở ngại đối với các kế hoạch hiện đại hóa của họ. Hàng trăm nghìn sinh mạng và rất nhiều của cải trong khu vực đã bị tiêu hao lãng phí trong các trận chiến tranh chấp biên giới với Israel và giữa các quốc gia Hồi giáo thù địch với nhau.

Về mặt tôn giáo, người Hồi giáo dòng Sunni đã phải khó khăn lắm mới chấp nhận được sự đánh đổi giữa mất mát sức mạnh chủ quyền với sự tự trấn an rằng tôn giáo của họ vẫn tiếp tục tồn tại. Nhà tiên tri Muhammad đã chinh phục được khu vực Ả-rập và chỉ trong vài thập kỷ, những người kế thừa ông đã mở rộng phạm vi của Hồi giáo sang Bắc Phi và Trung Đông, biểu trưng cho sự phát triển cả về tinh thần cũng như vật chất của đạo Hồi. Sự tàn lụi của Đế chế Ottoman được coi là dấu hiệu của sự xói mòn của tôn giáo này.

Sự nghi ngại lên tới đỉnh điểm khi chỉ trong 18 ngày của năm 2003, Mỹ đã lật đổ người cai trị quyền lực nhất của dòng Sunni ở khu vực Lưỡi liềm Phì nhiêu,[2] thay thế chính quyền của Saddam Husein bằng một chính quyền của người Shia đa số, và mở tung biên giới nước này, ít nhất là với Iran, đối thủ (của chế độ Saddam Hussein) theo dòng Shia ở phía Đông. Khi Mỹ rút quân 8 năm sau đó, Iran và các chư hầu của họ đã lấp vào chỗ trống này. Những nhà lãnh đạo già cỗi của Ả-rập Xê-út và Ai Cập, những trụ cột của thế giới Ả-rập nơi dòng Sunni chiếm đa số, chỉ chống cự yếu ớt.

Lực lượng dân quân người Sunni đã lớn mạnh trong lãnh địa của họ tại Iraq và Syria, với một nỗ lực nhằm đánh bật ảnh hưởng của Iran. Những nỗ lực liên tiếp nhằm khôi phục dòng Sunni thậm chí còn mang những hình thức độc ác và đẫm máu hơn bất cứ khi nào, lên đến tột bậc khi Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi lên và tuyên bố mình là một vương quốc Hồi giáo.[3]

Có thời điểm, “mùa xuân Ả-rập” đã mang lại lựa chọn (về một giải pháp khác) và thúc đẩy hi vọng về một cuộc cải tổ dân sự. Một vài người cho rằng có lẽ cuối cùng những người Ả-rập dòng Sunni cũng như các lãnh đạo của họ sẽ giành được độc lập. Nhưng thời đại mới đã chết yểu từ trong trứng nước. Những thế lực cũ, và những nỗi oán giận xa xưa, đã quay trở lại cực kì tàn bạo.

Không chắc chắn về con đường phía trước, các nhà lãnh đạo phương Tây ban đầu đã quay lưng và chấp nhận giải quyết những hệ lụy phụ xuất hiện ở châu Âu. Nhưng khi hậu quả ngày càng chồng chất thì nhu cầu can thiệp cũng lên đến đỉnh điểm, và đây không phải lần đầu tiên. Vào năm 1920, Winston Churchill, khi đó là Bộ Trưởng Chiến tranh Anh, đã yêu cầu Lực lượng Không quân Hoàng gia đánh bom Iraq nhằm đánh bại một cuộc nổi loạn ở đây. Những thói quen cũ thường khó xóa bỏ. Và những nỗi oán hận cũng vậy.

—————

[1] Mahdi chỉ người “phục hồi” Hồi giáo trở về trạng thái hoàn hảo và mang lại công lý sau những thời kỳ đàn áp. Mahdi thường cai trị 7, 9 hoặc 19 năm (tùy cách diễn giải) trước Ngày Phán xét (NBT).

[2] Nguyên văn: Fertile Crescent (lưỡi liềm phì nhiêu), khu vực hình lưỡi liềm có phần đất màu mỡ nhất trong khu vực Tây Á, hiện nay gồm Iraq, Kuwait, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine, Cyprus, Ai Cập, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây Iran.

[3] Nguyên văn: Caliphate – vương quốc của Caliph, được xem là người kế vị Nhà tiên tri Muhammad làm lãnh tụ của người Hồi giáo.

Xem thêm:

Người Hồi giáo Sunni và Shia khác nhau ở chỗ nào?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]