Nguồn: Javier Solana, “Turkey’s Syrian Tangle”, Project Syndicate, 31/12/2015.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vào cuối năm 2015, một bước tiến mới – dù nhỏ và chỉ là dự kiến – đã được thúc đẩy nhằm kết thúc cuộc chiến ở Syria. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2254 để thể hiện sự ủng hộ đối với quá trình chuyển đổi nhằm xóa bỏ các cuộc xung đột, và Nhóm Hỗ trợ Syria Quốc tế (ISSG) đã định ngày cho cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng tới. Nhưng ISSG bao gồm cả các đồng minh và các quốc gia đối địch – chẳng hạn như Ả-rập Xê-út và Iran – đồng nghĩa với việc đạt được tiến bộ tiếp theo sẽ là một thách thức.
Hiện nay, hai quốc gia khác tham gia quá trình này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, dường như cũng đang tiến tới viễn cảnh thù nghịch lẫn nhau. Với vị trí tiếp giáp Syria vốn tạo ra cả những thách thức và cơ hội, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành xu thế diễn biến của tiến trình hòa bình. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga trên biên giới với Syria hồi tháng trước đã châm ngòi cho một sự suy giảm nhanh chóng và rõ rệt trong quan hệ song phương, với việc Kremlin áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế trả đũa.
Nga, về phần mình, đang đối mặt với thực tế khó khăn trong việc duy trì một sự hiện diện quân sự chủ động ở Trung Đông. Những nỗ lực để củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (và do đó tăng cường vai trò của mình trên bàn đàm phán) đặt quốc gia này vào tình thế mâu thuẫn với các quốc gia mong muốn sự ra đi của chính quyền Assad – bao gồm cả thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề đối với Thổ Nhĩ Kỳ là ở chỗ lợi ích của quốc gia này không chỉ đơn giản là xóa bỏ Nhà nước Hồi giáo (ISIS), hay thậm chí khiến Assad phải từ bỏ quyền lực. Thổ Nhĩ Kỳ còn nhắm tới mục tiêu đảm bảo rằng các nhóm người Kurd – như Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) của Syria, vốn có liên kết chặt chẽ với Đảng Công nhân người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) – sẽ không thể củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ Syria tại thời điểm hiện tại hoặc trong quá trình tái thiết hậu xung đột.
Kể từ mùa hè, khi nhiều đợt bùng nổ bạo lực nghiêm trọng đã cơ bản chấm dứt một lệnh ngừng bắn hai năm giữa PKK và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, xung đột với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa được hâm nóng, làm gia tăng lo ngại về tác động khi Đảng PYD gia tăng quyền lực. Các biến động chính trị trong nước đang diễn ra, bao gồm cả hai cuộc bầu cử quốc hội chỉ trong vòng sáu tháng, đã làm phức tạp thêm tình hình của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối trao quyền cho người Kurd là một nguyên nhân gây ra căng thẳng với đồng minh truyền thống của nước này là Hoa Kỳ khi quốc gia này tin rằng người Kurd là lực lượng duy nhất trên thực địa có khả năng chống lại ISIS. Do đó, sự thù địch nhen nhóm trở lại giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã làm suy yếu lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thành công của các cuộc đàm phán hòa bình Syria.
Tuy nhiên, giữa những thách thức này vẫn nhen nhóm một tia hy vọng: các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Sự tuyệt vọng của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm tăng cường động lực cho liên minh này trong việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này tạo ra một cơ hội quan trọng để khởi động lại các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ – một triển vọng đã gần như tắt ngấm trước đây.
Có một điều chắc chắn rằng, trong báo cáo mới nhất về việc đáp ứng các tiêu chí gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban châu Âu đã ghi nhận “những khiếm khuyết quan trọng” liên quan đến bộ máy tư pháp, tự do ngôn luận và tự do hội họp, và kêu gọi nối lại các nỗ lực để giải quyết vấn đề người Kurd. Nhưng nay tình trạng đang được cải thiện một cách đáng kể. Hiện tại, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một kế hoạch hành động chung, trong đó có việc tự do hóa thị thực, và đã có đề cập về một mối quan hệ song phương “đặc biệt” tiềm tàng.
Hơn nữa, đã có một số chuyển biến về phía trước đầy hứa hẹn đối với vấn đề đảo Síp, một trở ngại lâu nay với việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà lãnh đạo của phần đảo Síp của người Hy Lạp và phần đảo Síp thuộc người Thổ Nhĩ Kỳ[1] đã nối lại đàm phán hồi tháng Năm, và Thổ Nhĩ Kỳ hiện có cơ hội để thực hiện các bước đi mang tính quyết định hướng tới thống nhất hòn đảo này.
Nói tóm lại, cuộc khủng hoảng người tị nạn đã đẩy EU nghiêng về hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên việc đánh bại ISIS vẫn là ưu tiên hàng đầu. Điều này sẽ đòi hỏi phải đàm phán với Nga – một điều đã được các thành viên EU thừa nhận. Kể từ cuộc tấn công Paris vào tháng Mười, những nỗ lực để tăng cường hợp tác chống khủng bố, kể cả giữa Pháp và Nga, đã được củng cố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải tham gia quá trình này nếu muốn tiếp tục cải thiện quan hệ với EU.
Sự căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng đã làm ảnh hưởng đến vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, Nga hiện đã trang bị tên lửa không-đối-không cho các máy bay chiến đấu của mình, khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn trong việc việc bảo vệ không phận và duy trì ảnh hưởng của mình trên biên giới Syria phía đông bắc, nơi được xem là một khu vực quan trọng trong việc ngăn chặn PYD băng qua sông Euphrates sang phía Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ nên suy nghĩ về vị thế của mình. Quốc gia này không nên để bị coi là một quốc gia gây nguy hiểm cho các quyền tự do cơ bản, qua đó gia tăng khoảng cách với EU. Hai yếu tố sẽ duy trì vị thế của quốc gia này trong vai trò một đồng minh quan trọng của Mỹ và EU, đó là: mối quan hệ được cải thiện với người Kurd và tiến trình hướng tới việc giải quyết vấn đề đảo Síp. Trong tiến trình hòa bình Syria, những quyết định mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra có thể thúc đẩy hoặc làm cản trở tiến trình giải quyết vấn đề này.
Vô số các yếu tố định hình nên vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho việc đưa ra quyết định trở nên cực kỳ khó khăn. Nhưng có một cách để đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát ra khỏi mớ bòng bong hiện tại: một cách tiếp cận chiến lược tận dụng tối đa sự cải thiện quan hệ với EU, công nhận tầm quan trọng của việc bình ổn Syria càng sớm càng tốt, và làm rõ, một lần và mãi mãi, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được khả năng vượt qua những thách thức phức tạp, như việc nước này đã khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel một cách khôn ngoan sau năm năm bất hòa. Trong bối cảnh này, không thể loại trừ khả năng hòa giải với Nga. Cách tiếp cận như vậy chắc chắn có thể tạo thuận lợi cho việc quản lý một loạt các rủi ro vốn đã trở nên trầm trọng do cuộc xung đột tại Syria.
Javier Solana nguyên là Cao ủy của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh, Tổng thư ký NATO, và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Turkey’s Syrian Tangle
—————
[1] Đảo Síp hiện chia làm 2 phần, một phần do người Síp gốc Hy Lạp quản lý, phần còn lại ở phía Bắc do người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ quản lý (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]