Nguồn: “The Persian Gulf War begins,” History.com (truy cập ngày 15/01/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Đúng nửa đêm ngày 16 tháng 1 năm 1991, hạn chót Liên Hợp Quốc đặt ra cho Iraq rút quân khỏi Kuwait kết thúc, và Lầu Năm Góc chuẩn bị bắt đầu các chiến dịch tấn công nhằm buộc Iraq chấm dứt cuộc chiếm đóng nước láng giềng giàu dầu lửa đã kéo dài năm tháng này. Lúc 16:30 giờ EST (4:30 sáng ngày hôm sau theo giờ Hà Nội), các máy bay chiến đấu đầu tiên đã cất cánh từ Ả-rập Xê-út và các tàu sân bay Mỹ và Anh trên vịnh Ba Tư để tiến hành sứ mệnh ném bom Iraq.
Trong buổi tối ngày hôm đó, các máy bay từ liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã không kích các mục tiêu trong và xung quanh Baghdad trong khi thế giới chú ý theo dõi những sự kiện diễn ra được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh từ Baghdad và những nơi khác. Đúng 19:00, chiến dịch Bão Sa mạc (Operation Desert Storm), tên hiệu của cuộc tấn công lớn vào Iraq do Mỹ dẫn đầu, chính thức được công bố tại Nhà Trắng.
Chiến dịch này được tiến hành bởi một liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy của Đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf và các lực lượng đến từ 32 quốc gia, trong đó có Anh, Ai Cập, Pháp, Ả-rập Xê-út, và Kuwait. Trong sáu tuần sau đó, các lực lượng đồng minh đã tham gia vào một cuộc không chiến ác liệt chống lại quân đội và các cơ sở hạ tầng dân dụng của Iraq, và chỉ gặp phải sự chống cự kém hiệu quả từ các lực lượng không quân và phòng không của nước này.
Bộ binh Iraq đã bị vô hiệu hóa trong giai đoạn này của cuộc chiến, và biện pháp trả đũa đáng kể duy nhất của Hussein là các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud (một loại tên lửa do Liên Xô phát triển thời kỳ Chiến tranh Lạnh) nhằm vào Israel và Ả-rập Xê-út. Saddam hy vọng rằng các cuộc tấn công tên lửa sẽ khiêu khích Israel tham gia vào cuộc xung đột, từ đó làm tiêu tan sự ủng hộ của khối Ả-rập đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Israel vẫn nằm ngoài cuộc chiến.
Ngày 24 tháng 2, lực lượng liên minh bắt đầu một cuộc tấn công lớn trên bộ, và các lực lượng vũ trang đã lỗi thời và thiếu trang bị của Iraq nhanh chóng bị áp đảo. Kuwait được giải phóng trong chưa đến bốn ngày sau đó, và phần lớn các lực lượng vũ trang Iraq hoặc đã đầu hàng và rút về Iraq, hoặc bị tiêu diệt.
Ngày 28 tháng 2, Tổng thống Mỹ George W.H. Bush tuyên bố ngừng bắn, và Iraq cam kết sẽ tôn trọng các điều khoản hòa bình của liên minh và Liên Hợp Quốc trong tương lai. 125 lính Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh vùng Vịnh, và 21 người khác được cho là mất tích trong chiến đấu.
Ngày 20 tháng 3 năm 2003, cuộc chiến tranh thứ hai giữa Iraq và liên minh do Mỹ dẫn đầu bùng nổ, lần này với mục tiêu do Mỹ tuyên bố là lật đổ Saddam Hussein, đồng thời tìm kiếm và phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này. Hussein bị một đơn vị quân đội Mỹ bắt giữ vào ngày 13 tháng 12 cùng năm. Người ta đã không tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Mặc dù Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố chấm dứt các hoạt động chiến đấu chính ở Iraq vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 2003, một cuộc nổi dậy đã kéo dài cuộc chiến du kích dữ dội ở đất nước này, dẫn đến cái chết của hàng ngàn người trong các liên minh quân sự, quân nổi dậy, và dân thường.