Tác giả: Nguyễn Hữu Tráng
Khủng hoảng tỵ nạn là hậu quả của chính sách sai lầm của các cường quốc khi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực trong suốt nhiều thập kỷ qua. Và nay châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề đó ngay tại sân nhà. Nước Đức và châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc.
Nước Đức chào đón người tị nạn
Sự việc bắt đầu bằng dòng người tỵ nạn từ Syria tràn ngập nhà ga trung tâm thủ đô Budapest của Hungari cuối tháng 8 năm 2015 đòi được đi tiếp sang Đức và Áo. Ban đầu chính quyền Badapest còn ngăn cản, cố giữ trật tự trong chừng mực có thể, nhưng rồi họ cũng “đầu hàng” trước sức ép của dòng người di cư lớn chưa từng có. Trong bối cảnh đó Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận những người này, chính thức kích hoạt cho dòng di cư từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, tràn vào Đức và châu Âu. Cho đến cuối năm 2015 đã có 1,1 triệu người tỵ nạn đến Đức, chưa kể số người không đăng ký, vượt xa số 800 ngàn mà chính quyền dự đoán trước đó.
Ban đầu đại đa số người dân hoan nghênh quyết định này của bà Merkel. Họ chào đón người tỵ nạn ở biên giới, nhà ga, sân bay với hoa, gấu bông và đồ chơi cho trẻ em, áo quần cho người lớn. Nhiều tổ chức nhân đạo, nhiều cá nhân sẵn sàng dành diện tích văn phòng, thậm chí nhà ở, để bố trí cho người tỵ nạn. Nhà tập thể thao ở các trường học, các khu nhà bỏ trống, trại lính, khu nhà làm thủ tục sân bay Tempelhof ở Berlin đã ngừng hoạt động nhiều năm nay được bố trí làm chỗ ở tạm thời cho người tỵ nạn. Các cơ quan công quyền làm hết công suất, huy động cả người tình nguyện giúp đỡ nhưng cũng không giải quyết kịp thời hàng núi đơn và hồ sơ của người tỵ nạn, khiến cho hàng ngàn người tỵ nạn phải xếp hàng từ 4, 5 giờ sáng thậm chí cả đêm để chờ được giải quyết thủ tục. Các trường học của Đức phải bố trí thêm hàng ngàn giáo viên dạy tiếng Đức cho trẻ em tỵ nạn. Cả xã hội phải gồng mình lên. Con số tiền mà ngân sách nhà nước phải bỏ ra cứ tăng dần từng tỷ euro sau mỗi tháng. Cuối năm ngoái, những tiếng nói từ cơ sở đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quá tải. Lác đác đã có những ý kiến nghi ngờ hay đặt câu hỏi về tính pháp lý và thực tiễn của quyết định mở của biên giới đón người tỵ nạn của Chính phủ. Phản ứng của các nước EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, đã không được lắng nghe ở Đức. Ngược lại, có nhiều người cho rằng các nước này ích kỷ, không cộng đồng trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ của họ với tư cách là thành viên EU v.v… Mặc dầu vậy Thủ tướng Merkel vẫn bảo vệ quyết định của mình với lập luận một nước như nước Đức không thể không có trách nhiệm trước những khổ đau của người tỵ nạn và Đức hoàn toàn có khả năng làm được việc này (“chúng ta làm được” “wir schaffen das”).
Hai sự kiện bước ngoặt
Bước ngoặt đầu tiên tác động tiêu cực lên chính sách tỵ nạn của Thủ tướng Merkel là hoạt động khủng bố của nhà nước hồi giáo tự xưng IS tại Paris khiến hơn 200 người thiệt mạng. Báo động khủng bố ở Paris, Brussels càng củng cố thêm lo ngại của nhiều người là IS có thể cài “chiến binh cảm tử” vào dòng người tỵ nạn, gây ra những hoạt động khủng bố giống ở Paris. Chính phủ làm yên lòng người dân bằng chiến dịch giải thích không phải ai trong số người tỵ nạn đến Đức cũng là khủng bố, càng không được đánh đồng người tỵ nạn với khủng bố hay nghi ngờ toàn bộ người tỵ nạn v.v… Ngược lại, sự việc xảy ra ở Paris còn khiến các đảng phái chính trị thống nhất khá nhanh quyết định gửi quân tham chiến trực tiếp tại Syria (trước đây Đức chỉ tham gia tập huấn cho người Kurd và bán vũ khí).
Bước ngoặt thứ hai chấn động nước Đức là vụ việc xẩy ra ở các thành phố lớn của Đức đêm giao thừa sang năm mới 2016, trong đó nghiêm trọng nhất là ở Köln (Cologne), khi hàng ngàn thanh niên gốc Bắc Phi, Ả-rập chen lấn, xô đẩy, trêu ghẹo, sàm sỡ, cướp giật phụ nữ Đức. Hiện đã có gần một ngàn đơn tố cáo, trong đó có 2 vụ tố bị hiếp dâm. Đây là vụ xâm phạm tình dục quy mô lớn chưa từng có ở Đức do người nước ngoài gây ra. Cả chính giới và xã hội Đức bàng hoàng trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, buộc họ phải suy nghĩ lại về chính sách mở cửa biên giới đón người tỵ nạn của Chính phủ.
Lý giải nguồn gốc chính sách của Đức
Từ góc độ chính trị việc này được nhìn nhận như thế nào?
Nếu không hiểu về lịch sử và xã hội Đức, về cá nhân bà Thủ tướng Merkel chúng ta cũng sẽ không hiểu hết cội nguồn của sự việc để từ đó có cái nhìn khách quan về những quyết định của Chính phủ Đức.
Nước Đức đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu trong thế kỷ 20 mà hậu quả của nó không phải chỉ là lãnh thổ bị thu hẹp lại đáng kể so với trước năm 1913, mà còn là một thời gian dài Đức bị khống chế bởi quy chế nước bại trận. Cũng vì chính sách phi nhân tính của quốc xã Đức mà hàng triệu người Do Thái bị thiêu trong các lò thiêu người, chết dần chết mòn trong các trại tập trung ở Auschwitz hay Buchenwald. Người Do Thái hay những người tham gia phong trào chống phát-xít đều phải rời bỏ quê hương chạy sang các nước khác, đặc biệt là sang Mỹ. Chúng ta cũng chứng kiến những năm cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức khi hàng triệu người dân Đông Đức chạy sang Tiệp Khắc, Hungari để nhờ cưu mang và mở đường cho họ chạy sang Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989. Chính vì lịch sử như vậy nên người dân Đức cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của người dân Syria, Afghanistan, hay Iraq phải rời bỏ quê hương chạy trốn chiến tranh, chết chóc. Những bức ảnh về dòng người tỵ nạn chạy bộ trên vành đai Ban-căng hay vượt biển trên những con thuyền ọp ẹp ở Địa Trung hải rất dễ khiến người dân Đức liên tưởng đến chính bản thân họ cách đây gần một phần tư thế kỷ. Bà Thủ tướng Merkel tuy không chạy trốn khỏi CHDC Đức vào thời điểm đó nhưng cũng chứng kiến đầy đủ những đau khổ do chia cắt gây ra.
Henry Kissinger (92 tuổi), vốn là người Do Thái gốc Đức, năm 1938 khi đó 15 tuổi cũng đã phải cùng cha mẹ chạy trốn khỏi Đức. Trong một bài phỏng vấn của tờ Thương mại (Handelsblatt) số ra ngày 30/12/15-04/01/16 nói ông cảm thông sâu sắc và chia sẻ với những gì mà bà Merkel đã và đang làm. Với lịch sử nước Đức như vậy và với quan điểm nhân đạo của mình bà Merkel không thể nào từ chối những người đang cần sự giúp đỡ. Ông cũng chia xẻ với bà Merkel về việc phải cân nhắc thận trọng giữa thái độ cảm thông với những đau khổ của người tỵ nạn với hậu quả lâu dài của quyết định này đối với nhân dân mình. Vào thời điểm đó câu hỏi then chốt là: “Với tư cách là một người Đức người ta có thể một mình tự chịu trách nhiệm về việc đóng cửa biên giới hay không?” và do vậy ông ngả mũ kính phục quyết định của bà Merkel vừa qua.
Tạm chí Time của Mỹ đã chọn bà Merkel là “Người của năm” và là người phụ nữ đầu tiên sau 29 năm và người Đức thứ tư nhận được sự vinh danh này. Đánh giá về bà Merkel, Time viết “bất cứ khi nào châu Âu đối mặt với khủng hoảng (từ khủng hoảng ở Hy Lạp, Người tỵ nạn, IS) đều có sự can thiệp của Merkel. Bà thể hiện những giá trị như nhân văn, lương thiện, cảm thông và qua đó cho thấy sức mạnh lớn lao của nước Đức là xây dựng chứ không phải phá hoại. Bà thực sự là thủ lĩnh của cả châu lục”. Báo New York Times dịp đó cũng ca ngợi bà Merkel như là một tấm gương vì trong năm nay châu Âu đã nâng số người di dân từ một lên ba triệu và mở đường cho việc di dân hợp pháp nhằm kiểm soát tốt hơn việc nhập cư và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức buôn người bất hợp pháp. Chỉ có điều sau sự việc xẩy ra ở Köln, chính tờ báo này lại quay ngoắt 180 độ khi lên tiếng đầu tiên yêu cầu bà Merkel từ chức vì đã bất lực trong xử lý khủng hoảng tỵ nạn. Theo đó, New York Times số ngày 10/1/16 có bài “Germany on the Brink” với yêu cầu “Merkel phải ra đi để Đức khỏi phải trả cái giá quá đắt cho sự ngu dốt của mình”.
George Soros (85 tuổi) cũng là một người Do Thái như Henry Kissinger buộc phải di cư từ châu Âu (Hungari) sang Mỹ, trong trả lời phỏng vấn Tuần báo kinh tế Đức (WirtschaftsWoche) ngày 04/1/16 đã nói “từ lâu đã coi bà Merkel là thủ lĩnh không thể chối cãi của châu Âu và do đó của cả thế giới tự do… và trong khủng hoảng tỵ nạn lần này bà cũng đã sớm nhận ra khả năng EU có thể bị chia rẽ, trước hết là nguy cơ việc tự do đi lại trong Schengen có thể ảnh hưởng và sau đó là ảnh hưởng đến thị trường nội địa tự do… Nhưng cũng chính vì sự quyết liệt có phần hoang dã đó mà tôi đánh giá cao và rất ấn tượng về hành động của bà”. Ông lý giải thêm “cá nhân tôi cũng là người tỵ nạn chạy trốn phát xít Đức, đã tài trợ một tỷ đô la nhằm góp phần biến châu Âu thành một xã hội cởi mở và hội nhập hơn nữa. Bà Merkel hiện cũng làm như thế, có thể bởi bà bị chi phối bởi những trải nghiệm cá nhân từ thửa nhỏ với tư cách là con gái một mục sư”.
Với vai trò đầu tàu châu Âu của Đức và vai trò thủ lĩnh của bà Merkel, Đức đã làm được một việc hết sức lớn lao là giang tay đón những người tỵ nạn từ các cuộc xung đột và nội chiến ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Không ai có thể phủ nhận được là nếu nước Đức không ra tay thì không một nước nào có thể làm được, kể cả Mỹ (năm 2015 Mỹ nhận có 80 ngàn người tỵ nạn, trong đó có 10 ngàn người Syria; năm 2016 có thể lên đến 100 ngàn so với 1,1 triệu vào Đức). Theo lý giải của Soros thì chỉ có người Đức mới có thể cứu châu Âu khỏi sụp đổ dù đó là do khủng khoảng như ở Hy Lạp hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác vì trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà Merkel người Đức đã lấy lại được vị trí độc tôn của mình, họ được lợi nhiều nhất từ Liên minh tiền tệ nhưng đến nay chưa phải trả giá lần nào. Mặt khác vị trí độc tôn cũng có nghĩa là không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến lợi ích của những người khác đã tin tưởng mình. Nước Đức có nhận lấy trách nhiệm này như Mỹ đã nhận sau năm 1945 hay không là tùy thuộc vào quyết định của họ.
Các phản ứng quốc tế
Nhưng những người châu Âu nghĩ gì về hành động mà họ coi là “đơn phương” này của chính phủ Đức ? (Thủ tướng Hungari đã nói ngay từ khi khủng hoảng bắt đầu “khủng hoảng tỵ nạn là vấn đề của Đức chứ không phải của châu Âu”).
Người Pháp sau vụ khủng bố ở Paris cuối năm ngoái đã ủng hộ nhiệt tình chính sách tỵ nạn của Đức, bây giờ quay sang lo lắng cho hậu quả của việc bỏ ngỏ biên giới với Đức. Điều này cũng có cơ sở vì kẻ tấn công vào đồn cảnh sát ở Paris ngày 07/1 vừa qua đã sống khá lâu trong trại tỵ nạn ở Đức với 7 nhân thân khác nhau mà không bị phát hiện. Lực lượng bảo thủ Pháp thì gọi chính sách tỵ nạn của bà Merkel là “ngây thơ”. Thủ tướng Manuel Valls “bắn tin” sang Đức là Pháp không chào đón người tỵ nạn một cách ồn ào và khi trên mạng xã hội đăng bức ảnh một người tỵ nạn chụp ảnh selfie với Thủ tướng Đức thì Pháp cho đăng ảnh ở trại tỵ nạn Calais của Pháp với những lều trại lầy lội. Kết quả là hầu hết người tỵ nạn chọn đến Đức chứ không sang Pháp.
Các nước đông Âu như Hungari, Séc, Slovakia, Ba Lan từ chối nhận người tỵ nạn vì lý do khác tôn giáo và các giá trị với họ, phớt lờ quyết định của EU về phân bổ người tỵ nạn. Slovakia và Hungari dọa kiện ra Tòa án châu Âu, còn Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói thẳng nước này không nhận bất kỳ người Hồi giáo nào, dù là tự nguyện hay bị phân bổ. Ông cũng nói “xã hội đa văn hóa” coi như thất bại và nguồn tài chính dùng cho người tỵ nạn sẽ chuyển sang cho việc tăng cường bảo vệ đường biên giới. Hungari yêu cầu EU phải sớm có biện pháp hạn chế đi đến chấm dứt cho người nước ngoài nhập cảnh. Tờ Lidove Noviny của Séc viết “những gì xẩy ra đêm giao thừa ở Köln là bằng chứng mạnh mẽ nhất về việc phải thận trọng khi cho người tỵ nạn vào nước mình”. Chính phủ Ba Lan cho rằng những gì xẩy ra ở Đức càng củng cố lập trường của họ và cho rằng họ có toàn quyền lựa chọn những ai được nhập cảnh trong số 100 người tỵ nạn mà nước này đã quyết định nhận từ đầu năm nay (trong số 7000 người mà chính phủ tiền nhiệm đã thỏa thuận). Thái độ chung của các nước này là vụ việc ở Köln đã làm thay đổi nước Đức. Nhiều nước còn coi đây là “sai lầm thế kỷ” của Đức.
Các phản ứng trong nước Đức
Còn trong lòng nước Đức thì quả là gió đã đổi chiều và ngày càng mạnh mẽ hơn, nhất là sau đêm giao thừa kinh hoàng ở thành phố triệu dân và lớn thứ tư ở Đức, vụ phần tử khủng bố tại Pháp có tới 7 nhân thân khác nhau ở Đức, vụ tất cả 10 nạn nhân của vụ đánh bom tự sát sáng 12/1 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đều là công dân Đức. Thật là “họa vô đơn chí”!
Trong bài báo mang tựa đề “Cứu với! Nhà nước chúng ta bất lực rồi!” đăng trên tờ Thế giới (Die Welt) ngày 08/1, nhà báo Wolfgang Weimer viết về tình trạng hiện nay ở Đức sau khi Thủ tướng Merkel “bằng một cái vẩy tay đã vô hiệu hóa luật pháp EU và để cho quy tắc đạo đức chi phối”: Việc kiểm soát biên giới không còn được thực hiện; luật cư trú và tỵ nạn bị vi phạm một cách hệ thống; trong cuộc sống hàng ngày “luật pháp bình thường” không còn được tôn trọng; quyền lực nhà nước ngoảnh mặt khi các vụ tấn công vào người Cơ đốc giáo hay phụ nữ trong các trại tỵ nạn; người tỵ nạn giật phanh khẩn cấp để dừng cả đoàn tầu nhanh mà không bị xử lý; khắp cả nước xẩy ra nhiều vụ đột nhập nhà ở, trộm cắp, gây rối; gia tăng hiện tượng chống người thi hành công vụ; vi phạm quy định về cư trú; sỉ nhục người khác; ở những thành phố lớn hình thành các “xã hội song hành” mang màu sắc Hồi giáo mà ở đó cảnh sát khó lòng kiểm soát mà chỉ đưa ra khuyến nghị là khu vực không nên đến (No-Go-Areas); ngay cả ngành đường sắt cũng không kiểm soát vé của người tỵ nạn…. Đó là bề ngoài của xã hội Đức hiện tại mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và coi đó là cách ứng xử đặc biệt đối với người tỵ nạn không thể nào chấp nhận được.
Còn bên trong của hệ thống công quyền cũng nẩy sinh nhiều bất cập chưa từng thấy ở Đức, đó là tồn tại hàng chục ngàn hồ sơ tỵ nạn không giải quyết được nhưng cũng có hàng ngàn người tỵ nạn sau khi đăng ký đã “lặn mất tăm”, có nhiều người đăng ký dưới nhiều nhân thân khác nhau mà các cơ quan công quyền không biết do chưa được nối mạng hoặc bị quá tải. Sau vụ đêm giao thừa ở Köln, nhiều cảnh sát đã viết trong tường trình là họ cảm thấy bất lực vì thái độ xem thường quyền lực công của những người tỵ nạn khi họ xé giấy tờ trước mặt cảnh sát vứt xuống đất và nói “ngày mai các anh phải cấp mới lại cho chúng tôi; các anh không được bắt chúng tôi mà phải đối xử lịch sự vì chúng tôi được bà Merkel mời đến đây”. Tình trạng quá tải xẩy ra ở tất cả các địa phương. Tâm trạng chung hiện nay là đất nước đang ở trong tình trạng vô pháp luật và thiếu sự lãnh đạo, người dân thì cảm thấy không được bảo vệ; nhiều hình thức “tự xử” đã xuất hiện như lập các nhóm người dân đi tuần ban đêm, còn công chức thì cảm thấy bị bỏ rơi, không còn biết đâu là giới hạn pháp luật trong việc xử lý người tỵ nạn để không bị rơi vào phạm trù “miệt thị người nước ngoài” và “phân biệt chủng tộc”. Đây còn là mảnh đất mầu mỡ cho các lực lượng cực hữu trong chiến dịch tranh cử sắp tới (tỷ lệ ủng hộ tổ chức cực hữu AfD tăng lên từng ngày).
Nội bộ liên minh cầm quyền hiện nay phân hóa sâu sắc. Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo CSU (đảng “chị em” của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU của Thủ tướng Merkel) thậm chí còn cân nhắc đưa sự việc này ra Tòa án Hiến pháp để kiện Thủ tướng Merkel và chắc chắn cuộc bầu cử tới sẽ không đứng chung liên minh với CDU. Thậm chí ngay trong nội bộ CDU mà bà Merkel là Chủ tịch Đảng cũng ngày càng nhiều tiếng nói phản đối chính sách tỵ nạn của Chính phủ. Thành viên Ban lãnh đạo đảng ông Jens Spahn cảnh báo “chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực; biên giới không được bảo vệ; pháp luật không được thực thi; hàng ngàn đơn tỵ nạn không được xử lý. Không một xã hội nào có thể chấp nhận được việc này nếu không rõ ràng những điều kiện cụ thể người (tỵ nạn) nào có thể trở thành một phần trong chúng ta”. Ông Carsten Linnemann, một thành viên khác của Ban lãnh đạo CDU yêu cầu phải hành động khẩn cấp nhằm giảm số người tỵ nạn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ biên giới như Thụy Điển, Đan Mạch và nhiều nước đã làm. Nghị sĩ Quốc hội Đức của CDU Erika Steinbach coi việc mở cửa biên giới vừa qua là trái pháp luật và yêu cầu Quốc hội phải có ý kiến về việc này. Một nghị sĩ khác, ông Ingo Wellensreuther nhấn mạnh nghị quyết của Đảng (CDU) không thể vô hiệu hóa quy định pháp luật. Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich coi sự việc vừa qua làm lung lay sự bền vững của nhà nước và có khả năng dẫn đến khủng hoảng nhà nước nghiêm trọng. Ông cũng yêu cầu phải trao đổi với các nước EU khác để cùng lúc đóng cửa biên giới vì cái khó “họ đến nhiều quá, nhiều hơn khả năng hội nhập họ và quá khả năng của chúng ta”. Có nguồn tin nói ngày 26/1 tới nhóm nghị sĩ của CDU trong Quốc hội Liên bang sẽ phát động đợt sưu tầm chữ ký buộc Thủ tướng Merkel phải điều chỉnh chính sách tỵ nạn của Chính phủ.
Về khía cạnh kinh tế, giới kinh tế Đức hy vọng người tỵ nạn có thể lấp chỗ trống trong thị trường lao động, nhưng trên thực tế đại đa số lại không có nghề nghiệp, tỷ lệ mù chữ cao, không có động lực để học tiếng Đức hay học nghề. Việc đào tạo nghề cho những người này sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy bà Isabel Schnabel, giáo sư kinh tế và trong nhóm tư vấn của Chính phủ cho rằng mỗi năm một triệu người tỵ nạn thì không nhà nước nào chịu được. Đây là cái giá về chính trị mà bà Merkel phải trả cho quyết định của mình vì Đức nhận người tỵ nạn là vì lý do nhân đạo chứ không phải vì lý do kinh tế.
Nền tảng pháp lý của chính sách bị thách thức
Nhưng đỉnh điểm của luồng dư luận trái chiều hiện nay nhằm vào Thủ tướng Merkel là ý kiến của ba luật gia hàng đầu của Đức, ông Papier nguyên Chánh án, ông Di Fabio Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang và ông Michael Betrams, nguyên Chánh án Tòa án Hiến pháp bang Nordrhein-Westfalen.
Ông Di Fabio trong bài phân tích các khía cạnh pháp lý trong chính sách tỵ nạn của Chính phủ đã nêu rõ mấy vấn đề cốt lõi sau : i) việc Chính phủ Liên bang bỏ ngỏ kiểm soát biên giới, mở cửa cho người tỵ nạn ồ ạt vào Đức là vi phạm Hiến pháp, vì Liên bang có nghĩa vụ theo Hiến pháp bảo vệ hiệu quả biên giới quốc gia; ii) Hiến pháp Đức không quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ tất cả mọi người trên thế giới bằng cách cho họ được cư trú. Một trách nhiệm như vậy không có cơ sở pháp lý quốc tế cũng như luật châu Âu; iii) Biên giới quốc gia là trụ cột quan trọng của một Nhà nước và trách nhiệm kiểm soát biên giới không chính phủ nào được sao nhãng. Đáng chú ý là tài liệu của ông Di Fabio là theo đề nghị của ông Seehofer, Chủ tịch CSU và Thủ hiến bang Bayern.
Nguyên Chánh án Tòa án Hiến pháp Hans-Jürgen Papier cho rằng việc không hạn chế nhập cảnh là một sai lầm và phải khắc phục ngay lập tức vì những lý do sau: i) Nghĩa vụ trung tâm của chính trị là sớm nhận ra những nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia và khả năng hành động của nhà nước. Nhà nước Đức có trách nhiệm quan tâm đến an toàn, thịnh vượng của tất cả những người sống ở Đức. Việc nhập cư ào ạt không kiểm soát sẽ cản trở thực hiện nghĩa vụ này; ii) Bà Merkel phải có chính sách tỵ nạn rõ ràng, tách bạch giữa tỵ nạn nhân đạo và nhập cư; phải bảo vệ biên giới vòng ngoài; nếu ở phạm vi châu Âu không làm thì trong phạm vi quốc gia phải làm điều đó; iii) Việc cho người tỵ nạn ồ ạt vào Đức vừa qua không dựa trên một quyết định pháp lý mà trên cơ sở quyết định của Chính phủ là một sai lầm. Người nước ngoài đến từ một nước thứ ba an toàn không có quyền yêu cầu được tỵ nạn, dù là theo luật châu Âu hay luật quốc tế; iv) Nước Đức tiếp nhận được bao nhiêu phải là một quyết định chính trị cơ bản do Quốc hội bàn bạc thông qua chứ không thế chỉ do Chính phủ tự ý quyết định.
Ông còn cho rằng chưa bao giờ mà khoảng cách giữa luật pháp và thực tế lại lớn như hiện nay. Chính sách tỵ nạn của Chính phủ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và vì vậy không phù hợp Hiến pháp Đức, cần phải được điều chỉnh.
Ông Michael Betrams nghi ngờ tính hợp hiến của những việc làm vừa qua của Chính phủ vì trong một nền dân chủ đại diện như ở Đức thì những vấn đề trọng đại của quốc gia và liên quan đến sử dụng ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan dân cử tức Quốc hội Đức. Trong thời gian qua Quốc hội Đức cũng đã phải biểu quyết về việc có cử quân đội Đức tham gia các chiến dịch hòa bình bên ngoài lãnh thổ hay không (ở Afghanistan, Mali). Vì vậy nên quyết định mở cửa biên giới cho hàng triệu người tỵ nạn vào Đức và tiêu tốn của ngân sách đến hàng chục tỷ euro bắt buộc phải được Quốc hội thông qua. Hành động vừa qua của bà Merkel là “lạm quyền”, một hành động “tự tung tự tác”, có nguy cơ chuyển sang “nền dân chủ Thủ tướng” (tập trung quyền lực vào Thủ tướng).
Bang Bayern và ông Seehofer còn đi xa một bước nữa. Sau khi có ý kiến của hai cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang, bang Bayern đang cân nhắc khả năng kiện Chính phủ Liên bang ra Tòa án Hiến pháp vì tính bất hợp hiến của chính sách tỵ nạn và vì đã để các bang phải tự xoay xở xử lý hậu quả của việc này, bao gồm cả việc có thể phải tự có biện pháp kiểm soát biên giới (nếu cảnh sát Liên bang không thực hiện trách nhiệm kiểm soát biên giới của Đức thì bang sẽ cử cảnh sát bang để kiểm soát xuất nhập cảnh vào bang này). Như vậy sẽ xuất hiện tình trạng cát cứ và xung đột thẩm quyền của bang và liên bang. Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực luật Hiến pháp và tổ chức nhà nước vốn dĩ đã rất phức tạp hiện nay ở Đức.
Dù có hay không một vụ kiện hy hữu như vậy thì có thể coi đây như là một “phiên tòa không chính thức”, là đòn mạnh đối với Thủ tướng Merkel về những cái mà hiện nay đang bị coi là sai lầm trong chính sách tỵ nạn “rất nhân đạo, nhưng thiếu nền tảng pháp lý” như dư luận đánh giá.
Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin (1982), Thạc sĩ luật tại Đại học Tổng hợp Ruprecht- Karls, Heidelberg, CHLB Đức (1990), nguyên là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (2011-15) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (2007-11).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]