Tân Tổng thống Đài Loan: Chiến thắng cho nữ quyền

Print Friendly, PDF & Email

98fb-0bfc761d4a95

Nguồn: Anthony Bleux, “Tsai Ing-wen, élue présidente à Taïwan, offre une victoire aux femmes“, Le Figaro, 18/01/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Mao Trạch Đông từng nói : “Phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời”. Tuy nhiên, về chính trị, khẩu hiệu nổi tiếng này vẫn chỉ là lời nói suông ở Trung Quốc, nơi quyền lực chính trị hoàn toàn thuộc về nam giới kể từ năm 1949. Nhưng giờ đây đã xuất hiện một âm vang đặc biệt tại Đài Loan, hòn đảo độc lập trên thực tế mà Bắc Kinh luôn khao khát giành lại. Lần đầu tiên, một người phụ nữ, bà Thái Anh Văn, vươn tới đỉnh cao quyền lực chính trị. Đáng ngạc nhiên hơn, nữ tổng thống mới của hòn đảo 23 triệu người được bầu ra một cách dân chủ và giành chiến thắng áp đảo.

Tại Đài Loan, và cả ở Trung Quốc, các giá trị Nho giáo vẫn ngự trị xã hội. Do đó, kết quả bầu cử vào thứ bảy vừa qua mang tính cách mạng. Nữ giới luôn bị gạt ra khỏi những vị trí cao nhất trên chính trường và vị trí của họ thường bị giới hạn ở vai trò hậu phương của gia đình. Thậm chí ngày nay, phụ nữ trên 30 tuổi, có học thức và độc lập về tài chính, đều không được coi là đối tượng lý tưởng cho hôn nhân.

Những nhà nữ quyền bị ngược đãi tại Trung Quốc

Bởi vậy, khi một người phụ nữ 59 tuổi, chưa lập gia đình và không có con, giành được vị trí lãnh đạo cao nhất nhà nước, chúng ta có thể đánh giá được bước tiến xa đến nhường nào. Hiếm có những đại diện từ “phái yếu” có được vinh dự này trong lịch sử Trung Quốc, ngoài trừ một nhân vật cuối thế kỷ thứ 7: Nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Dưới sự trị vì của Võ Tắc Thiên, đã có nhiều chính sách được thực thi nhằm cải thiện giáo dục nữ giới và giúp họ tiếp cận các vị trí chính chức. Không có gì khó hiểu khi vị cựu cung phi lên ngôi nữ hoàng này thường bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích nhưng lại được ngợi ca bởi những người theo chủ nghĩa nữ quyền.

Tuy nhiên, kể từ vài tháng nay, một số hiệp hội bảo vệ nữ quyền Trung Quốc đã nhìn thấy ở Thái Anh Văn một hình mẫu mới. Wu Rong Rong, một người gốc Quảng Đông cho hay : “Khi nghe bài phát biểu của bà, tôi cho rằng bà có rất nhiều ý tưởng nữ quyền”. Nếu như ở Đài Loan, môi trường xã hội và các quyền tự do cá nhân đã góp phần cải thiện tình trạng của phụ nữ, thì ở phía bên kia của eo biển, các nhà hoạt động đôi khi vẫn còn bị các nhà chức trách quấy rầy. Ngày 08/03/2015, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, Wu Rong Rong và bốn nhà hoạt động nữ quyền khác bị bắt giam. Bị buộc tội gây rối trật tự công cộng, họ cuối cùng được thả sau 37 ngày giam giữ. Feng Yuan, một trong số 5 người đó, cho biết ở Trung Quốc “không gian cho các tổ chức như vậy là vô cùng hạn chế.” Ngay sau khi mới đắc cử, cái tên Thái Anh Văn cũng đã bị kiểm duyệt trên mạng Trung Quốc.

Phụ nữ chiếm một phần ba số ghế trong Quốc hội

Vị thế của nữ giới Đài Loan được nâng cao hơn. Xét về bình đẳng giới trong bàn cờ chính trị, Đài Loan thực sự đi tiên phong trong thế giới nói tiếng Hoa. Năm 1951, khi hòn đảo này được cai trị dưới bàn tay thép của Quốc Dân Đảng, phụ nữ đã giữ ghế trong Quốc hội. Sau quá trình dân chủ hóa vào thập niên 1980, hai đảng chính trị cốt lõi, Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), đã đặt ra hạn ngạch (cho các nữ dân biểu). Ngày nay phụ nữ chiếm một phần ba số ghế Quốc hội so với tỷ lệ 10% vào năm 1986.

Ở Trung Quốc hiện đại, một bước đột phá như vậy vẫn là khó có thể tưởng tượng được. Không có người phụ nữ nào góp mặt trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chỉ gồm bảy thành viên đứng đầu nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ở cấp độ thấp hơn, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Kể từ năm 1949, chỉ có bảy phụ nữ đã từng giữ vị trí trong Ủy ban Trung ương, cơ quan chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên, thời Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh, người vợ thứ tư của Mao Trạch Đông, thậm chí đã leo được lên đến trung tâm quyền lực. Với biệt danh “Nữ hoàng đỏ”, người phụ nữ tàn bạo này cũng không đóng góp gì cho việc ủng hộ nữ giới trên chính trường.

Lắng nghe giới trẻ

Giang Thanh của Trung Quốc hoàn toàn đối lập với Thái Anh Văn của Đài Loan. Nếu như Giang Thanh tiến thân chỉ dựa vào mối quan hệ cá nhân, Thái Anh Văn được dân bầu mà không hề nhờ cậy mối quan hệ gia đình nào. Đó là nữ lãnh đạo đầu tiên như vậy ở châu Á. Eric Chu (Chu Lập Luân), ứng cử viên Quốc Dân Đảng bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống ngày thứ 7, đi theo con đường chính trị giống như người cha trước đó. Tốt nghiệp Trường Kinh tế London, bà Thái xuất thân từ một gia đình doanh nhân. Cha bà là một thợ sửa ô tô. Vị cựu giáo sư đại học này thăng tiến nhờ khả năng đàm phán và cách tiếp cận chính trị thực tế.

Từ năm 2000 đến năm 2004, trong thời kỳ chuyển giao quyền lực đầu tiên tại Đài Loan, Thái Anh Văn điều hành Văn phòng Các vấn đề thương mại với đại lục, một cơ quan có nhiệm vụ đàm phán với Bắc Kinh. Sau khi dẫn đầu đảng DPP năm 2008, bà tự ứng cử vào chức Thị trưởng Đài Bắc năm 2010 và là đối thủ của Mã Anh Cửu (đảng KMT) trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012. Trong cả hai lần bà đều chịu thất bại. Hai thất bại liên tiếp đã giúp định hình người phụ nữ vốn không che giấu sự ngưỡng mộ đối với thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bốn năm qua, bà Thái Anh Văn luôn chịu khó tiếp xúc với công chúng. Bà ra sức nắm bắt những nguyện vọng của những người trẻ và những người cao tuổi vốn phải đối mặt với khó khăn của cuộc sống hàng ngày, trong khi Quốc Dân Đảng, bằng việc thắt chặt các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, luôn bênh vực các tập đoàn công nghiệp lớn. Trong hồi ký được xuất bản mùa thu năm ngoái, bà đã viết: “Tôi vấp ngã và tôi đã cố gắng để đứng lên.” Sứ mệnh đã hoàn thành. Vào hôm thứ bảy, người Đài Loan đã bầu cho người phụ nữ sống độc thân trong căn hộ khiêm tốn với hai con mèo của bà. Giờ đây bà giữ trên vai trọng trách nặng nề. Đó là trọng trách tập hợp cả quốc gia để cùng bà gánh vác nửa còn lại của bầu trời.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]