Chủ nghĩa yêu nước trong thời đại toàn cầu hóa

Print Friendly, PDF & Email

000_6E3W4

Nguồn: Bill Emmott, “Patriotism in the Age of Globalization,” Project Syndicate, 21/12/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Theo Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của Pháp, một đường đứt gãy mới trong chính trị đã hình thành giữa những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa và những người yêu nước. Đây cũng là quan điểm của những người phản đối Liên minh châu Âu ở Anh và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, ý kiến này chẳng những nguy hiểm mà còn sai.

Theo kết quả của vòng hai và vòng cuối cuộc bầu cử cấp vùng của Pháp hôm 13 tháng 12, quan điểm đó ít nhất cũng bị cử tri Pháp phản đối kịch liệt. Họ dành 73% số phiếu bầu cho các đối thủ của Mặt trận Quốc gia, và không cho phép đảng này giành bất cứ một thắng lợi nào.

La Pen cáo buộc các đảng chủ lưu đã cấu kết với nhau chống lại bà, gọi sự hợp tác của họ là sự phủ nhận nền dân chủ. Tất nhiên, lập luận ấy của bà chỉ như truyện con cáo và chùm nho; mục đích của hệ thống bầu cử hai vòng là thúc đẩy các đảng và những người ủng hộ họ tìm ra một sự đồng thuận và hình thành quan hệ đối tác. Trừ khi và cho đến khi tìm ra cách có được đồng minh, đảng Mặt trận Quốc gia sẽ không thể tạo ra được một bước đột phá trong bầu cử. (Trường hợp của Trump có lẽ cũng như vậy.)

Nói như vậy không có nghĩa là tuyên bố của Le Pen – rằng chỉ những ai bầu cho bà mới là những người yêu nước thật sự – nên bị bác bỏ. Bà đã nhắm tới một thông điệp mạnh mẽ, một thông điệp có tiềm năng thu hút người ủng hộ từ các đảng khác. Đó mới là lý do vì sao đảng này phải bị bác bỏ, cả ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào khác. Giả định đằng sau những phát ngôn yêu nước hùng hồn kia – rằng lợi ích của một đất nước sẽ được nâng cao bằng việc đóng cửa thay vì mở cửa – là vô cùng nguy hiểm.

Niềm tin rằng mở cửa là bán nước và đóng cửa là yêu nước đã không còn tồn tại trong toàn bộ khuôn khổ chính trị và chính sách của các nước phát triển sau năm 1945. Đây là một nỗ lực quay ngược thời gian về lại thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, khi mà chính sách đóng cửa được ưu tiên: áp đặt những hạn chế thương mại nặng nề cùng với bức hại hoặc trục xuất các nhóm dân tộc thiểu số. Điều này thậm chí cũng đúng với Mỹ, nước ban hành những đạo luật nhập cư hà khắc nhất kể từ ngày lập quốc.

Những năm hậu chiến đã đánh dấu một bước ngoặt hoàn toàn khi các nước bắt đầu mở cửa, cho phép các dòng chảy tự do hơn về vốn, thương mại, ý tưởng, và con người. Dù quá trình này  chỉ được gọi bằng cái tên toàn cầu hóa sau khi Trung Quốc và Ấn Độ tham gia trong những năm 1980, nhưng thực chất nó đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Suy cho cùng, chính toàn cầu hóa đã tạo ra Les Trente Glorieuses của nước Pháp – 30 năm hoàng kim khi mức sống được nâng cao nhanh chóng sau Thế chiến II.

Le Pen và những người cùng theo chủ nghĩa dân túy cho rằng toàn cầu hóa hoặc là một hành động hào phóng ngốc nghếch, hy sinh đất nước mình để giúp các nước khác, hoặc là một hiện tượng chỉ có lợi cho giới tinh hoa mà không phải cho dân thường. Với họ, yêu nước là phải cứng đầu hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và áp dụng các chính sách dân chủ hơn nhằm giúp đỡ nhân dân lao động, chứ không phải những kẻ giàu có thích giao du.

Vế thứ hai của lập luận này – rằng lợi ích của dân thường ít được xem trọng bằng lợi ích của giới tinh hoa – cần phải được lắng nghe và đáp ứng. Một nền dân chủ nơi phần lớn công dân cảm thấy không được quan tâm hay bị lợi dụng sẽ không bền vững. Cả chính phủ và toàn bộ hệ thống cũng sẽ bị lật đổ.

Các quan chức dân cử rõ ràng cần tìm ra lời giải cho bài toán thất nghiệp và suy giảm mức sống. Còn điều mà các đảng chủ lưu cần làm rõ là câu trả lời cho những vấn đề trên không nằm ở việc đóng cửa đường biên giới hay đóng cửa tư tưởng. Chưa có tiền lệ nào, ở bất cứ đâu trong lịch sử, mà một xã hội hay một nền kinh tế phát triển phồn vinh lâu dài bằng cách tẩy chay toàn cầu hóa.

Hơn nữa, dù mở cửa có thể không đảm bảo sự thịnh vượng, nhưng nó luôn là tiền đề để phát triển. Chắc chắn, mức mở cửa tối ưu luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng những tranh luận quan trọng hơn, hiệu quả hơn là về vấn đề làm sao định hình nền giáo dục, thị trường lao động, nghiên cứu khoa học, và các chính sách an sinh xã hội để giúp các xã hội thích nghi với thế giới xung quanh. Sự lựa chọn mang tính yêu nước – tức bảo vệ lợi ích quốc gia – luôn được thể hiện trong việc tạo ra những chính sách đối nội tận dụng tốt nhất lợi ích của toàn cầu hóa.

Với các đảng chủ lưu ở Pháp, Đảng Bảo thủ ở Anh và các đối thủ thuộc Đảng Cộng hòa có đầu óc quốc tế hơn Trump ở Mỹ, sẽ chẳng lợi lộc gì từ việc sao chép lập luận của những đối thủ cực đoan của họ. Làm vậy sẽ giúp giành được cứ điểm quan trọng trên chiến trường chính trị về việc làm sao để phục vụ tốt nhất đất nước và người dân. Các đảng chủ lưu cần phải giành lại ngọn cờ chủ nghĩa ái quốc và tái định nghĩa lợi ích quốc gia cho phù hợp với tư tưởng của mình. Trong thế giới ngày nay, lợi ích quốc gia nằm ở cách quản lý việc mở cửa, thay vì ném bỏ nó đi.

Bill Emmott nguyên là tổng biên tập tờ The Economist.

Hình: Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Patriotism in the Age of Globalization
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]