Ngoại giao văn hóa (Cultural diplomacy)

globalmeal

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Ngoại giao văn hóa là hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa. Nếu như thế giới có đến hơn 400 định nghĩa về văn hóa thì cũng có rất nhiều định nghĩa về ngoại giao văn hóa. Theo đó, ngoại giao văn hóa có thể là:

  • Một lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của một quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của quốc gia trên thế giới;
  • Sự giao lưu những tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị, truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hoặc
  • Một quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, trong đó các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương.

Như vậy, ở góc độ quan hệ quốc tế, có thể khái quát ngoại giao văn hóa như sau:

Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng.  Hiểu theo nghĩa rộng hơn, ngoại giao văn hóa có thể bao gồm cả việc giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, khoa học xã hội… không chỉ của riêng quốc gia mà còn của các nhóm quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế.

Cũng cần phân biệt rõ giữa ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao. Ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, trong khi đó văn hóa ngoại giao thiên về những biểu hiện, cách ứng xử của các cán bộ ngoại giao (phong thái ngoại giao) hoặc cách thức giải quyết vấn đề đối ngoại của một quốc gia dựa trên tư tưởng, chính sách và các ảnh hưởng văn hóa.

Trong thời đại toàn cầu hóa và với sự nổi trội của xu hướng “đối thoại thay cho đối đầu”, ngoại giao văn hóa được xem là một trong 3 trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Nền ngoại giao của một quốc gia thường chịu ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa dân tộc, văn hóa ngoại giao và kỹ năng của bản thân các nhà ngoại giao, vốn cũng là những yếu tố tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách về ngoại giao văn hóa của một nước.

Đối tượng hướng tới của ngoại giao văn hóa thường là chính phủ và/ hoặc nhân dân của các quốc gia khác.

Mục đích triển khai ngoại giao văn hóa được quyết định tùy vào các bên tham gia. Ví dụ:

  • Đối với các nhóm nước hoặc các liên minh, hiệp hội các nước: ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành nền tảng văn hóa và cách suy nghĩ chung, nhằm dễ dàng đạt được các quyết định đồng thuận.
  • Đối với các quốc gia đơn lẻ: thường dùng ngoại giao văn hóa để thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, tăng cường sự hiểu biết, tạo dựng hình ảnh tốt và giới thiệu các giá trị hấp dẫn của mình để thu hút thương mại, đầu tư, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh. Ngoại giao văn hóa còn có thể là công cụ chuyển đổi những định kiến truyền thống về các nền văn hóa thành sự hiểu biết và hợp tác.Xét ở góc độ này, ngoại giao văn hóa là một công cụ đắc lực của quyền lực mềm.
  • Đối với các tổ chức phi chính phủ (NGOs): ngoại giao văn hóa được dùng để xâm nhập vào các cộng đồng địa phương, tác động lên (hoặc điều chỉnh cho phù hợp với) các tập quán làm việc của chính quyền địa phương nhằm đạt được kết quả hợp tác lâu dài và tốt đẹp.

Vai trò của ngoại giao văn hóa

  • Vai trò chính trị:

Đối với các nước lớn, ngoại giao văn hóa là con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình với thế giới. Ví dụ mục tiêu hàng đầu của Mỹ là mở rộng những giá trị về dân chủ và nhân quyền trên khắp thế giới nhằm tạo lập sự thống trị và ảnh hưởng rộng khắp. Trung Quốc xác định văn hóa là một cấu phần của sức mạnh quốc gia để trở thành một cường quốc thế giới, thiết lập hàng trăm Viện Khổng Tử giảng dậy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa tại khắp các châu lục.

Đối với các nước nhỏ hơn, ngoại giao văn hóa được sử dụng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và tăng cường phát triển, qua đó các nước này sẽ được chú ý nhiều hơn và nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế. Việt Nam chọn ngoại giao văn hóa là một công cụ chủ lực để giới thiệu với thế giới về một đất nước tăng trưởng nhanh và có nền chính trị ổn định.

  • Vai trò kinh tế:

Ngoại giao văn hóa còn giúp thu hút đầu tư, du lịch và khai thác các ngành công nghiệp văn hóa. Hàn Quốc thông qua công nghiệp điện ảnh của mình đã mang văn hóa Hàn Quốc đến với các nước khu vực và thu về cho mình các khoản lợi nhuận cao. Singapore hướng tới quảng bá văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và lao động nước ngoài có tay nghề làm việc tại nước này.

  • Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:

Ngoại giao văn hóa không phải là hoạt động một chiều mà là sự trao đổi qua lại có tương tác. Quá trình trao đổi này giúp các quốc gia tiếp nhận các giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mình, đồng thời định hướng việc gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng cho phù hợp với dòng chảy phát triển chung của thế giới.

Các nguyên tắc và loại hình hoạt động

Những năm đầu thế kỷ 21, ngoại giao văn hóa được Liên Hiệp Quốc đặc biệt chú trọng vì khả năng giải quyết những thách thức lớn của thời đại theo hướng bền vững, đó là những thách thức về sự bất bình đẳng, bất công bằng, nghèo đói và xung đột, dựa trên sự tôn trọng con người, tôn trọng văn hóa và lối sống của nhau. Do đó, các nguyên tắc của ngoại giao văn hóa bao gồm: thừa nhận, thấu hiểu, đối thoại – nghĩa là thừa nhận các giá trị văn hóa của nhau (việc thừa nhận này có thể do dựa trên tinh thần hữu nghị, hoặc do bị hấp dẫn bởi nền văn hóa của quốc gia khác), chia sẻ và cùng đối thoại vì các mục đích chung. Ở đây, đối thoại phi ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng, thông qua nhiều loại hình khác nhau, nổi bất nhất là nghệ thuật. Tùy viên văn hóa tại các đại sứ quán hoặc các cơ quan trực thuộc Bộ ngoại giao (như British Council của Anh, Idécaf của Pháp hay Viện Gothe của Đức) thường chịu trách nhiệm về việc truyền bá văn hóa của một quốc gia ra nước ngoài.

Nhìn chung, nội dung của ngoại giao văn hóa được thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động văn hóa cụ thể khác nhau như:

  • Thông tin tuyên truyền đối ngoại;
  • Xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử ở nước ngoài;
  • Giao lưu, trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật;
  • Hợp tác với quốc gia khác cùng tổ chức các sự kiện văn hóa;
  • Tham gia các hoạt động và các tổ chức hợp tác quốc tế về văn hóa; và
  • Tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua cộng đồng kiều bào.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thực hiện và triển khai thành công chiến lược ngoại giao văn hóa, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam, năm 2009 được chọn là “Năm Ngoại giao Văn hóa”. Trong năm này Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao văn hoá tại nhiều nước trên thế giới và đạt nhiều kết quả được đánh giá là mang tính đột phá, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, mở rộng giao lưu quốc tế.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).