Thực trạng Crimea 2 năm sau ngày bị Nga sáp nhập

crimea

Nguồn: Dimiter Kenarov, “Ending  Crimea’s Isolation”, The New York Times, 27/12/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Crimea, nơi một thời từng là một bán đảo, giờ đã trở thành một hòn đảo. Trong gần hai năm, vùng lãnh thổ vốn không được công nhận, bị cắt đứt khỏi đất liền bởi một ranh giới bị quân sự hóa, bị cấm vận và gần như bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế và giới truyền thông. Sự lạc quan ban đầu của một số người Crimea rằng nước Nga sẽ nhanh chóng hội nhập bán đảo và biến nó trở thành một lãnh thổ kiểu mẫu đã bốc hơi.

Năm ngoái, nhà văn Nga Leonid Kaganov nói rằng việc sáp nhập Crimea giống như việc ăn cắp một chiếc điện thoại đắt tiền mà quên lấy cục sạc. Ông được chứng minh là đã đúng. Mức độ bị cô lập tổng thể của Crimea đã trở nên rõ ràng gần đây: Vào ngày 22/11 (2015), những người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà hoạt động người Tatar ở Crimea đã phá hoại bốn đường dây điện nối Crimea với Ukraine, ném bán đảo hai triệu dân này vào bóng tối. Tình hình chập chờn này đã kéo dài hơn một tháng và cho dù đường điện đã dần được hồi phục, tình hình chung vẫn không ổn định.

Được khuyến khích bởi tác động của cuộc khủng hoảng điện này, thủ tướng Ukraine Arseniy P. Yatsenyuk tuyên bố vào hôm 16/12 rằng nước ông sẽ ngưng trao đổi thương mại với Crimea vào giữa tháng 1/2016 và để ngỏ vấn đề nguồn cung điện tương lai.

Nền kinh tế của Crimea rất khó kham nổi bất kỳ sự cô lập nào nữa. Cho dù Nga đã nâng lương hưu và lương cho các cơ quan chính phủ địa phương và công ty nhà nước sau khi sáp nhập, những gì đạt được đã bị xóa sạch bởi lạm phát cao, đồng rúp suy yếu và giá hàng tiêu dùng cơ bản tăng do những gián đoạn về nguồn hàng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề và mùa du lịch đầy nắng dọc bờ biển, một phần quan trọng của nền kinh tế Crimea từ thời Liên Xô, bây giờ chỉ còn là một cái bóng mờ.

Số ít khách nước ngoài đến đảo bây giờ dường như chỉ có những đại diện của các đảng phái nhỏ của châu Âu tìm cách quảng bá tên tuổi, các bạn cũ của tổng thống Nga Vladimir V. Putin, như là Silvio Berlusconi, cùng những người nổi tiếng hết thời như võ sĩ đấm bốc Roy Jones Jr. Cùng lúc đó, Crimea phải hứng chịu một đợt di dân lớn của những người trẻ có chuyên môn. Vì họ chán ghét kiểu cuộc sống trên đảo, họ đã quyết định tìm kiếm cơ hội lớn hơn tại những thành phố của Ukraine như Kiev và Lviv hay là những thành phố lớn ở Tây Âu.

Bị tách biệt về địa lý và chính trị, không phải chịu trách nhiệm giải trình với thế giới bên ngoài và thậm chí đôi khi với cả Moskva, Crimea đã trở thành cái ổ hoàn hảo cho tham nhũng quy mô lớn, đầu cơ trục lợi, và vi phạm nhân quyền – một điểm đen mà các tổ chức giám sát quốc tế không thể đến được và ngoài vòng pháp luật. Crimea đã được thống trị như là một lãnh địa của các tài phiệt và trùm Mafia trong nhiều thập niên trước cuộc khủng hoảng năm 2014, nhưng tình hình bây giờ ngày càng bi đát hơn, kết quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nền chính trị nhiều chia rẻ.

Người Tatar ở Crimea, dân tộc thiểu số thường phản đối sự cai trị của người Nga, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các nhà chức trách Nga đã chiếm trụ sở của bộ máy quản lý của họ, gọi là Mejlis, và cấm hai lãnh đạo Tatar đến thăm bán đảo, đồng thời từ chối tái cấp phép cho kênh truyền hình của người Tatar ở Crimea. Cùng lúc đó, các thành viên cao cấp của cộng đồng đã phải chịu đựng nhiều quấy rối và hăm dọa. Các nhà hoạt động người Tatar ở Crimea đã phá hoại các đường dây điện trong khi kêu gọi thả tù chính trị và chấm dứt đàn áp chính trị.

Làm thế nào để giải quyết khủng hoảng Crimea? Các nhà chức trách ở Kiev, cũng như nhiều chính phủ nước ngoài, đã từ chối công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và nhấn mạnh rằng Crimea phải được trả lại cho Ukraine. Cùng lúc với việc thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố sẽ chấm dứt giao thương, Tổng thống Petro O. Poroshenko gợi ý rằng khả năng người Ukraine được đi lại trong Liên minh châu Âu mà không cần đến visa sẽ lôi kéo người Crimea về với Ukraine. Chiến lược cây gậy và củ cà rốt này có mục tiêu làm cho đời sống ở Crimea càng tối tăm càng tốt, đồng thời khắc họa Kiev như một ngọn hải đăng tràn ngập ánh sáng của tương lai. Nhưng các chiêu bài này khó có khả năng thành công.

Trong một chuyến thăm Kiev vào đầu tháng này, phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden tuyên bố rằng: “Nước Mỹ không, chưa, và sẽ không bao giờ công nhận âm mưu sáp nhập Crimea của Nga”.

Nhưng Nga đã sáp nhập Crimea. Bán đảo được tiếp quản một cách đầy lường gạt, và cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2014 không hẳn là công bằng, nhưng giờ chúng ta không thể đảo ngược được mọi thứ. Nếu Nga chiếm đóng Crimea một cách không chính thức, như cách họ đã làm với Tranistria của Modolva và Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia, thì có thể vẫn còn hy vọng. Nhưng bất kỳ ai tin rằng điện Kremlin sẽ từ bỏ yêu sách đối với Crimea chỉ vì sự phong tỏa, hay là vì phần lớn người Crimea đồng ý quay trở về làm người Ukraine một cách hòa bình, thì họ sẽ trở nên ảo tưởng hoặc mị dân. Crimea có thể là một cái ách đè lên cổ nước Nga, nhưng nó cũng là một viên ngọc quý mà họ sẽ làm tất cả để bảo vệ. Bán đảo chỉ có thể rời tầm kiểm soát của Moskva khi Liên bang Nga tan rã.

Nhiều chính trị gia đã thừa nhận nhưng không dám nói điều đó trước công chúng. Sớm muộn gì thì Ukraine và cộng đồng quốc tế phải chấp nhận sự thật. Việc giữ bán đảo trong bóng tối và tách biệt, và từ từ bóp nghẹt nó, chắc chắn sẽ không ngăn cản được Putin. Nó sẽ chỉ tạo nên một vùng xung đột bị đóng băng khác tại khu vực biển Đen, cho phép các mạng lưới tội phạm nảy nở mà không sợ bị trừng phạt và tạo điều kiện để che giấu những vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn đến giờ.

Giải quyết việc đã rồi tại Crimea vẫn còn là một điều cấm kỵ về mặt chính trị. Kiev không thể dễ dàng tha thứ những hành động bạo lực mà Nga đã làm ở Đông Ukraine. Có những quan ngại rằng công nhận yêu sách của Nga ở Crimea sẽ bị xem là xoa dịu và có thể bật đèn xanh cho việc xâm chiếm những khu vực “cận Nga”.

Nhưng Crimea là một trường hợp đặc biệt trên phương diện lịch sử, địa lý và chính trị. Nó có vai trò quan trọng không chỉ về mặt lãnh thổ đối với Nga. Nó là một phần của truyền thuyết, một nguồn bản sắc, và nơi từng được gọi là “khu vườn của đế chế.” Hiểu rằng việc trao trả Crimea cho Ukraine là vấn đề duy nhất mà Moskva sẽ không chấp nhận đàm phán, và chấp nhận rằng chính trị là nghệ thuật của những điều có thể, việc mở các cuộc đàm phán quốc tế về việc công nhận tình trạng thuộc Nga trên thực tế của Crimea có thể là giải pháp thực tế duy nhất.

Điều này có thể là hướng đi hiệu quả nhất để buộc Moskva phải hợp tác hoàn toàn trong các vấn đề gai góc hơn, như Đông Ukraine, và giúp Kiev tập trung hoàn toàn vào các cải cách nội bộ. Nó cũng có thể dẫn đến những cải thiện về tình hình nhân quyền ở Crimea bằng cách mở cửa bán đảo cho thế giới (bao gồm các tổ chức giám sát) và đàm phán với chính phủ Nga để đi đến một lộ trình nghiêm túc và chi tiết nhằm đảm bảo quyền văn hóa và chính trị của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Bỏ mặc để tình hình tiếp tục kéo dài trong bóng tối thêm 10-20 năm nữa, biến Crimea trở thành một Cuba khác, sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, dù là người Ukraine, người Nga, hay ít nhất là người Crimea.

Dimiter Kenarov là phóng viên tự do đưa tin ở khu vực Balkan và biển Đen, và được tài trợ một phần bởi Trung tâm Pulitzer về tường thuật khủng hoảng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]