Nguồn: Dani Rodik, “The Return of Public Investment,” Project Syndicate, 13/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ý tưởng cho rằng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng – đường, đập, nhà máy điện, vv… – là động lực không thể thiếu của tăng trưởng kinh tế luôn ăn sâu vào tâm trí các nhà hoạch định chính sách ở những nước nghèo. Nó cũng là lý do đằng sau các chương trình hỗ trợ phát triển xuất hiện ít lâu sau Thế chiến II, khi Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ song phương đổ nguồn lực vào các nước mới độc lập nhằm tài trợ cho các dự án quy mô lớn. Và nó còn thúc đẩy sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu, với mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng được cho là lên tới 8 nghìn tỷ USD của khu vực.
Nhưng loại mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư công này – thường bị gọi một cách chế giễu là “chủ nghĩa tư bản chính thống” (capital fundamentalism) – từ lâu đã bị các chuyên gia phát triển xem là lỗi thời. Từ những năm 1970, các nhà kinh tế đã cố vấn cho các nhà hoạch định chính sách nên dừng nhấn mạnh khu vực kinh tế nhà nước, vốn vật chất, và cơ sở hạ tầng, và tiến hành ưu tiên các thị trường tư nhân, vốn con người (kỹ năng và đào tạo), và cải cách trong quản trị và thể chế. Dường như kết quả là chiến lược phát triển đã được chuyển đổi một cách rộng rãi.
Có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại sự thay đổi đó. Khi nhìn vào các nước vẫn đang phát triển rất nhanh chóng bất chấp những khó khăn đang ngày càng đè nặng của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ nhận ra đầu tư công đang đóng góp rất nhiều.
Tại châu Phi, Ethiopia là câu chuyện thành công đáng kinh ngạc nhất trong thập niên qua. Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm trên 10% kể từ năm 2004, nhờ đó giảm bớt đói nghèo và cải thiện y tế một cách đáng kể. Không như nhiều nước châu Phi khác, Ethiopia là nước nghèo tài nguyên và cũng không được hưởng lợi từ sự bùng nổ hàng hóa cơ bản (tức giai đoạn giá cả của các hàng hóa cơ bản tăng mạnh trong đầu những năm 2000 – NHĐ). Các dạng tự do hóa kinh tế và cải cách cơ cấu mà Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác thường khuyến cáo cũng không đóng góp gì nhiều ở đất nước này.
Thay vào đó, tăng trưởng nhanh chóng là kết quả của việc tăng mạnh đầu tư công, từ 5% GDP hồi đầu những năm 1990 lên 19% trong năm 2011 – mức tăng cao thứ ba trên thế giới. Chính phủ Ethiopia đã chi tiêu rất mạnh tay, xây dựng đường bộ, đường sắt, các nhà máy điện, và một hệ thống khuyến nông giúp tăng cường đáng kể năng suất ở nông thôn, nơi phần lớn dân nghèo sinh sống. Các khoản chi này được tài trợ một phần bởi viện trợ nước ngoài và một phần bởi các chính sách phi chính thống (chẳng hạn như áp chế tài chính) nhằm chuyển tiết kiệm tư nhân sang chính phủ.
Ở Ấn Độ, tăng trưởng nhanh chóng cũng được củng cố bởi sự gia tăng đáng kể trong đầu tư, hiện chiếm khoảng một phần ba GDP. Phần lớn sự gia tăng này đến từ các nguồn tư nhân, phản ánh sự nới lỏng quản lý khu vực kinh tế tư nhân kể từ đầu những năm 1980. Nhưng lĩnh vực nhà nước vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Chính phủ buộc phải tham gia khi cả đầu tư tư nhân và tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã chững lại trong những năm gần đây.
Chính đầu tư cơ sở hạ tầng công đã giúp duy trì đà tăng trưởng của Ấn Độ hiện nay. “Tôi cho rằng hai nhân tố kìm hãm nền kinh tế là đầu tư tư nhân và xuất khẩu,” Arvind Subramanian, Cố vấn Kinh tế Trưởng của Chính phủ, nói. “Đó là lý do tại sao… đầu tư công sẽ lấp đầy khoảng trống.”
Sang khu vực Mỹ La-tinh, Bolivia là một trong số ít những nước xuất khẩu khoáng sản đã tìm cách vượt qua được cuộc suy thoái giá hàng hóa cơ bản hiện tại. Tăng trưởng GDP hàng năm của nước này dự kiến vẫn ở mức trên 4% trong năm 2015, ở một khu vực mà GDP nói chung đang co lại (đến 0,3%, theo những dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Phần lớn sự tăng trưởng đó cũng là nhờ đầu tư công, thứ được Tổng thống Evo Morales gọi là động lực của nền kinh tế Bolivia. Trong giai đoạn 2005–14, tổng đầu tư công đã tăng hơn gấp đôi so với thu nhập quốc gia, từ 6% lên 13%, và chính phủ Bolivia dự định sẽ đẩy tỷ lệ này lên cao hơn trong những năm tới.
Chúng ta biết rằng tăng đầu tư công, cũng như bùng nổ hàng hóa cơ bản, đều thường kết thúc trong nước mắt. Các lợi ích kinh tế và xã hội giảm dần, còn ngân sách thì cạn kiệt, mở đầu cho một cuộc khủng hoảng nợ. Một nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy rằng sau một vài tác động tích cực ban đầu thì hầu hết các nền kinh tế dựa vào đầu tư công đều chững lại.
Nhưng nó còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện địa phương. Đầu tư công có thể nâng cao năng suất của nền kinh tế trong một thời gian đáng kể, thậm chí lên tới một thập niên hoặc hơn, với Ethiopia là ví dụ rõ ràng. Nó cũng có thể là chất xúc tác cho đầu tư tư nhân, và có một số bằng chứng cho thấy điều này đã xảy ra ở Ấn Độ trong những năm gần đây.
Những lợi ích tiềm năng của đầu tư công không chỉ giới hạn trong các nước đang phát triển. Trên thực tế, chính các nền kinh tế phát triển nhất hiện nay ở Bắc Mỹ và Tây Âu mới là những nước nhận được nhiều nhất từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước. Trong bối cảnh hậu suy thoái kinh tế, có nhiều cách để các nền kinh tế sử dụng hiệu quả nguồn chi tiêu công bổ sung: tăng cầu và việc làm, khôi phục cơ sở hạ tầng đổ nát, và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong công nghệ xanh.
Những lập luận như vậy thường bị phản đối trong các cuộc tranh luận về chính sách bởi các ý kiến liên quan đến cân bằng tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng đầu tư công không giống các dạng chi tiêu chính thức khác, chẳng hạn như chi phí về tiền lương trong khu vực công hay trợ cấp xã hội. Mục đích của đầu tư công là tích lũy tài sản, chứ không phải là tiêu thụ chúng. Vì vậy, miễn là khoản thu về từ các tài sản đó lớn hơn mức chi tiêu thì đầu tư công thực chất đã củng cố bảng cân đối kế toán của chính phủ.
Chúng ta không biết các thử nghiệm ở Ethiopia, Ấn Độ, và Bolivia cuối cùng rồi sẽ ra sao; thế nên hãy thận trọng trước khi ngoại suy từ trường hợp này sang trường hợp khác. Tuy nhiên, cả ba đều là những ví dụ mà các nước khác, kể cả các nước phát triển, nên xem xét kỹ càng khi tìm kiếm các chiến lược tăng trưởng khả thi trong một môi trường kinh tế toàn cầu ngày càng khó khăn.
Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Return of Public Investment
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]