05/02/1989: Liên Xô rút quân khỏi Kabul

article-132412

Nguồn:The last Soviet troops leave Kabul”, History.com (truy cập ngày 3/2/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Trong một động thái quan trọng báo hiệu sự kết thúc gần một thập niên can thiệp quân sự của Liên Xô vào Afghanistan, những người lính Nga cuối cùng đã rút khỏi thủ đô Kabul. Chưa đầy hai tuần sau đó, toàn bộ quân Liên Xô đã rút khỏi Afghanistan, kết thúc điều mà nhiều nhà quan sát gọi là “chiến tranh Việt Nam của Liên Xô.”

Lực lượng vũ trang của Liên Xô tiến vào Afghanistan vào tháng 12 năm 1979 để hỗ trợ chính phủ cộng sản thân Liên Xô của quốc gia này trong các cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo. Gần như ngay lập tức, Liên Xô nhận ra mình đã bị sa lầy trong một cuộc xung đột leo thang nhanh chóng. Phiến quân Afghanistan tiến hành kháng chiến mạnh mẽ một cách bất ngờ chống lại sự can thiệp của người Nga.

Ngay sau đó, hàng ngàn binh lính Liên Xô đã chiến đấu một cách đẫm máu và tốn kém, và cuối cùng là trong tuyệt vọng, để kết thúc sự kháng cự của phiến quân Afghanistan. Đến thời điểm Liên Xô bắt đầu rút quân vào đầu năm 1989, hơn 13.000 binh lính Nga đã chết và hơn 22.000 người bị thương. Liên Xô cũng đã chịu một phản ứng ngoại giao rất tiêu cực từ Hoa Kỳ khi Tổng thống Jimmy Carter đình chỉ các cuộc đàm phán về giải trừ quân bị, yêu cầu trừng phạt kinh tế, và thúc ép việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm 1980 tại Moskva.

Đến năm 1988, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã quyết định rằng sự cạn kiệt nguồn nhân lực và tài chính do vấn đề Afghanistan là không thể chấp nhận được nữa và thông báo rằng quân đội Liên Xô sẽ sớm bắt đầu rút quân. Lúc đó, Liên Xô đang gặp phải bất ổn chính trị và kinh tế lớn trong nước, và hành động của Gorbachev đối với vấn đề Afghanistan là một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh của Liên Xô đang suy yếu dần. Trong vòng chưa đầy ba năm, Gorbachev đã từ chức và Liên Xô tan rã.

Đối với Afghanistan, việc Liên Xô rút quân không đồng nghĩa với sự kết thúc của cái chết và sự hủy diệt. Các phiến quân Afghanistan, những người đã được trang bị tận răng bởi viện trợ của Hoa Kỳ, chỉ đơn giản là chuyển sự chú ý sang các đối thủ chính trị và tôn giáo trong nước. Nội chiến tiếp tục nhấn chìm quốc gia này.

Hình: Một đoàn xe thiết giáp của Liên Xô đi qua cầu ở Termez trên biên giới Liên Xô – Afghanistan để rút về nước, tháng 5 năm 1988. Nguồn: Daily Mail.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]