Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Trong khi dịch Minh thực lục, chúng tôi có dịp tham khảo thêm thư của Bình định vương Lê Lợi gửi cho Vương Thông, do Nguyễn Trãi soạn. Sử liệu này nằm trong mấy chục bức thư được lưu lại trong Quân trung từ mệnh tập, do Giáo sư Thẩm Quỳnh dịch, Giáo sư Trần Huy Bích chú thích. Ðọc kỹ thư, cùng phối kiểm với Minh thực lục, thấy được nghĩa quân Lam sơn biết rõ tình hình địch rất cặn kẽ. Khả năng này, được chiến lược gia hàng đầu Tôn Tử ghi là “Tri bỉ, tri kỷ…” trong thiên Mưu Công, coi đó là yếu tố tất thắng. Sau đây chúng tôi xin chép lại bản dịch bức thư:
Thơ gửi cho Vương Thông [1]
Quan Tri phủ Thanh Hoa [2] họ Lê gửi thơ cho quan Thành Sơn hầu lĩnh chức Tổng binh biết rằng:
Ta nghe nói chỗ quý của bậc tuấn kiệt là biết xét kỹ thời thế. Lúc ta ở Khả Cái, đất chẳng qua có một thành, lính chẳng qua có một lữ, thường bị Mã Kỳ, Chu Kiệt bức bách đến luôn. Ta lại phải trốn ở núi Chí Linh, đất Lão Qua để đợi thời, ăn không đủ hai bữa cơm , áo không đủ mùa nực, mùa rét, binh lính không quá vài ngàn người, khí giới không có gì cả. Họ hàng, con em, thầy, bạn phân tán đi tha phương; mà bọn Phương Chính, Mã Kỳ, Vương Thành, Phùng Quí lại hàng năm tiến quân. Quân lính của ta sớm tối luôn luôn phải mặc áo giáp, không bao giờ được nghỉ ngơi. Nhưng mà gặp lúc cùng khốn lại hoá ra hanh thông, hễ đánh là được, qua nơi nào cũng phá tan cả, há chẳng phải là lòng trời ư!
Ngày nay vận trời tuần hoàn, qua rồi lại lại. Xưa kia ăn không đủ hai bữa, giờ thì lương thực trừ bị được đến ba năm. Xưa kia, binh lính không quá vài ngàn; giờ thì quân Thanh Hoá một lòng như cha con không dưới hai vạn. Quân lính có tiếng tinh nhuệ ở Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hoá không dưới vài vạn, cùng với binh sĩ đồng lực đồng tâm tại các lộ Giao Châu không dưới 10 vạn. Lại còn chiến sĩ các nơi, không dưới 30 vạn. Xưa kia họ hàng, thầy, bạn, phải ly tán; giờ thì những bậc trí mưu tài lược, nhiều như rừng rậm, như răng lược liền nhau. Xưa kia khí giới không có gì, giờ thì chiến thuyền liền với mây, áo giáp rực rỡ; súng tên thuốc súng, chất lại đầy kho. Lấy bây giờ so với ngày xưa, thế mạnh yếu, thật đã rõ.
Huống chi quốc vương các ông, năm năm có trùng tang [3] , cốt nhục tương tàn [4] , phương bắc có giặc muốn xâm lăng [5] , các quan đại thần không qui phụ. Thêm vào đó mùa màng mất luôn, lại hay xây cất nhà cửa, chính lệnh phiền hà. Từ niên hiệu Hồng Vũ đến nay, khinh nhàm việc binh đao, trong nước hao mòn, nhân dân mỏi mệt, lòng trời muốn xoay trở lại chính ở lúc bây giờ.
Các ông không biết thời thế, lại nghe lời nói của Phương Chính, Mã Kỳ, dùng mưu cố thủ. Họ, nếu giỏi về đánh trả, sao không đánh ngay lúc ở Khả Cái, thế ta còn yếu, mà ngày nay lại dám khoa trương. Sao không biết nghĩ như thế? Vả lại bịt cả tai mắt người ta, đặt điều giả dối, nói phao rằng viện binh sắp tới, Trương Phụ lại sang. Các ông sao không nghĩ, ngày nay dẫu có viện binh đến 10 vạn, có dám qua cửa ải không. Nếu mang hết quân trong nước sang đây, các ông không tính xem ngày nay trong nước quả đã vô sự chưa? Hay là trong triều đình còn đang hữu sự. Bọn Trương Phụ kiêu hãnh một lúc mà thành công, là vì bấy giờ họ Hồ cướp ngôi, người trong nước coi như cừu địch, dân chúng phản lại, thân thuộc lìa tan; Trương Phụ thừa cơ mới làm nên công trạng. Các ông sao không nghĩ, ta bây giờ binh với voi rất nhiều, cùng lòng, cùng sức, dù có trăm Trương Phụ có làm gì nổi ta đâu? Ðể Trương Phụ lãnh ba, bốn mươi vạn quân ra khỏi biên cảnh, triều đình các ông có chịu phóng tâm như thế không?
Nay vì các ông tính toán, không gì bằng cùng đô đốc họ Thái thu quân về kinh là hơn. Không thế thì ta phất một lá cờ, đánh một tiếng trống, lũ các ông hối không kịp đâu. Kinh dịch có câu: “Cùng thì phải biến; đã biến tất được hanh thông”, lũ các ông chỉ mong về xứ, lại thêm cơm cháo chẳng no, đeo luôn bệnh tật, lấy ai cùng giữ thế thủ và thế công. Ngạn ngữ có nói: “Một buổi sáng không có ăn, cha con cũng phải ly tán”. Vả lại bọn Phương Chính, Mã Kỳ đều là bại tướng, còn nói gì đến sự dũng cảm nữa. Các ông nên nghĩ cho chín mới được.
Qua văn bản nêu trên, ngoài những sự kiện như: năm năm trùng tang, cốt nhục tương tàn, phương Bắc có giặc xâm lăng đã được Giáo sư Bích chú thích; chúng tôi xin nêu thêm những vấn đề trọng yếu khác trong bức thư, dùng đó làm đề cương, để sưu tầm thêm những sử liệu dưới đây:
1. Các quan đại thần không qui phụ
Viên đại thần đầu tiên chống đối việc đô hộ An Nam là Giải Tấn. Giải Tấn là một tay văn học nổi tiếng dưới thời Vĩnh Lạc triều Minh, từng được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng như Hữu Xuân Phòng, phụ tá cho vua Thái Tông (miếu hiệu của Minh Thành Tổ). Trải qua một thời nhà vua tin dùng, những việc quan trọng đều được hỏi đến, nhưng cuối cùng vì bất đồng chính kiến nên bị đày sang Giao Chỉ làm Tham nghị. Tại đây Giải Tấn lại tiếp tục tâu trình sự bất lợi về chính sách cai trị trực tiếp, chia đất này thành quận huyện:
“Giao Chỉ đặt ra quận huyện không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. [Đặt ra quận huyện] dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại.”
Vua nhà Minh xem tờ tâu nổi giận, cho là Giải Tấn có ý tư vị nhà Trần nước ta, gây bất lợi cho họ nên xuống chiếu bắt giam ở Cẩm Y vệ, rồi ốm chết. [6] Vụ án này dẫn đến cuộc thanh trừng lớn dưới thời Vĩnh Lạc; một số trí thức khoa bảng thời đó bị đưa vào ngục, rồi bị tra khảo cho đến chết:
Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [6-7/1411]
Tháng này Hữu Tham nghị Giải Tấn thuộc ty Bố chánh Giao Chỉ có tội, bị triệu về giam vào ngục rồi chết. Tấn trước kia là Hàn lâm Học sĩ, Hữu Xuân phòng [7] Đại Học sĩ, rất được sủng ái; mệnh đọc quyển tại kỳ thi Đình; vì bất công trong kỳ thi nên bị đổi ra Quảng Tây, làm Hữu Tham nghị tại ty Bố chánh. Lại có tin nói rằng Tấn thường bàn bạc tiết lộ việc lập Thái tử, nên có mật nghị đổi đến ty Bố chánh Giao Chỉ, lo việc lương thực tại Hoá Châu. Bấy giờ có viên Hàn lâm Kiểm thảo Vương Sài có tội bị biếm trích theo quan Tổng binh đến Giao Chỉ, bảo rằng Hoá Châu [8] đây, thuộc Quảng Đông. Rồi hai người cùng đến Quảng Đông du ngoạn núi sông, quên cả ngày về. Tấn lại dâng biểu xin vài vạn dân tạc sông Cống để tiện việc lưu thông.
Thiên tử phán rằng làm bề tôi viện dẫn lý do để tránh né, lại muốn làm cực nhọc dân; hai tội gộp lại bèn bắt giam vào ngục, được vài năm gầy yếu chết. Tấn đương thời văn học thư trát rất độc đáo, tính người khoáng đạt không quan cách, thích tiến dẫn kẻ sĩ; nhưng việc làm thiếu thận trọng, tuỳ theo tình cảm nên can tội. Văn tài của Tấn đáng khen, nhưng tính kiêu ngạo không kiềm chế, kẻ sĩ nên xét để bài truất.
Khi Tấn mới vào ngục, bị tra khảo về kẻ đồng mưu trong vụ trị sách, Tấn không chịu nổi khai những người liên can như Đại lý Tự thừa Thang Tông, Tôn Nhân Phủ Kinh lịch Cao Đắc Dương, Lang trung bộ Lễ Lý Chí Cương, Hữu Xuân Phòng Trung Uông Kiêm, Hàn lâm Tu soạn Lý Quán, Tán thiện kiêm Hàn lâm Biên tu Vương Nhữ Ngọc, Biên tu Chu Huyền, Kiểm thảo Tưởng Ký, Phan Kì, Tiêu Dẫn Cao; tất cả đều bị hạ ngục. Sau đó Đắc Dương, Quán, Nhữ Ngọc, Huyền, Dẫn Cao tiếp tục chết trong ngục. Quán đậu Giáp Tiến sĩ giữ chức Hàn lâm Tu Soạn, Uông Kiêm thanh cao tiết tháo, chết đều được kẻ sĩ thương tiếc. [9]
Tình trạng chống đối việc xâm lăng nước ta không phải chỉ xảy ra trong một thời. Vào đời Tuyên Tông, trong một buổi gặp riêng giữa nhà vua và bốn quan tứ trụ triều đình; Dương Sĩ Kỳ và Dương Vinh đã vin vào những thất bại xảy ra trong quá trình lịch sử, để đề nghị rút quân khỏi Giao Chỉ:
Ngày 3 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ nhất [9/5/1426]
Thiên tử thị triều xong ngự tại điện Văn Hoa, bọn Kiển Nghĩa, Hạ Nguyên Cát, Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh hầu cận. Thiên tử phán:
“Thái tổ Hoàng đế dạy rằng các nước di địch bốn phương cùng các man nhỏ bé tại phương nam; giới hạn bởi núi cao, góc biển, hoang tịch tại một phương; được đất này không đủ để cung cấp, được dân này không đủ để dùng; nên ra lệnh rằng ngoại trừ bọn chúng không biết cân nhắc, đến quấy nhiễu biên cương của ta làm chuyện không lành; trường hợp chúng không gây mối lo cho Trung Quốc, ta lại mang binh đánh thì cũng chính ta làm việc không lành vậy! Ta lo con cháu về sau ỷ Trung Quốc giàu mạnh, tham công nhất thời, vô cớ hưng binh tổn thương nhân mạng, phải ghi nhớ là không thể làm như vậy.
“Sau này họ Lê [Quí Ly] giết vua, độc hại người trong nước, Thái tông Hoàng đế bất đắc dĩ mang quân điếu phạt. Ý lúc khởi đầu là đợi sau khi bình định xong giặc họ Lê, tìm con cháu vua trước lập lên, với thịnh tình phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt. Nhưng con cháu vua trước bị giặc họ Lê giết hết, nên thể theo lời của dân bản xứ xin lập quận huyện, đặt quan cai trị, việc này không phải là bản tâm của Thái tông Hoàng đế.
“Từ đó đến nay tại Giao Chỉ không có năm nào không dùng binh; dân chúng một phương bị giết đã nhiều, người Trung Quốc phải chạy vạy cũng bị mệt mỏi quá lắm! Vua cha [Nhân Tông] thường nghĩ đến điều này, nặng lòng trắc ẩn, nên lúc lên ngôi ban chiếu thi ân cho xứ này rất hậu.
“Hôm qua sai tướng xuất sư, Trẫm suốt đêm không yên lòng, không nỡ phạm đến sinh linh dân vô tội. Đào sâu suy nghĩ chỉ muốn như thời Hồng Vũ và những năm đầu Vĩnh Lạc, cho nơi này tự lập một nước, hàng năm triều cống, bảo toàn sinh mệnh dân một phương, mà cũng để người Trung Quốc được nghỉ ngơi nữa. Ý các ngươi như thế nào?”
Bọn Kiển Nghĩa chưa kịp tâu, Thiên tử lại nói thêm:
“Việc này vốn không phản bội lòng của tổ tông.”
Kiển Nghĩa và Nguyên Cát tâu:
“Thái tông Hoàng đế bình định đất này lao phí rất nhiều, nay chỉ vì một tên tiểu xú tác quái [10] , sao lại lo không dẹp được. Hơn hai mươi năm cần lao, lại bỏ đi trong một buổi sáng, há lại không nghĩ đến sự tổn thương đến uy vọng, xin suy nghĩ thêm nữa!”
Thiên tử quay về phía Sĩ Kỳ và Dương Vinh hỏi:
“Bọn khanh hai người, ý kiến thế nào?”
Tâu rằng:
“Tấm lòng của Bệ hạ cùng chung tấm lòng với trời đất và tổ tiên.Từ thời Đường, Ngu, Tam Đại; Giao Chỉ là đất hoang dã bên ngoài; bấy giờ tuy không có đất này nhưng các vua Nghiêu, Thuấn, Võ Thang, Văn, Vũ không mất tiếng khen là bậc thánh quân. Thái tông Hoàng đế buổi đầu muốn lập họ Trần, nên đáng gọi là bậc thánh. Từ nhà Hán, Đường trở về sau, Giao Chỉ được đặt làm quận huyện; nhưng có lúc phản, lại có lúc phục tòng, bất thường, chết quân, phí của không thể kể xiết; nhưng về đường thực dụng thì không đáng một đồng tiền, không được một tên lính. Thời Hán Nguyên đế, Chu Nhai phản, mang binh đánh, suốt năm không bình định được, các quan ty bàn nên đưa đại binh, Nguyên đế dùng lời bàn của Giả Thôi bỏ quận Chu Nhai, được sử đời trước khen. Nguyên đế là vua hạng thường còn ban bố lòng nhân, thi hành điều nghĩa như vậy; huống Bệ hạ là cha mẹ của thiên hạ há lại dùng cách bàn bạc được mất của những kẻ bụng dạ sài lang ư!”
Nguyên Cát xin cho bốn người suy nghĩ thẩm xét lại rồi tâu sau. Thiên tử nói:
“Được, nhưng ý Trẫm vốn như vậy, không kể đến hậu quả việc dụng binh ra sao.”
Ngày hôm sau tại triều, sau khi Sĩ Kỳ và Dương Vinh tâu xong, Thiên tử nói:
“Ngày hôm qua bàn về việc Giao Chỉ, ý của Trẫm giống với ý của các khanh, không còn có gì phải nói thêm nữa.” [11]
Sự chống đối của quan văn thường thể hiện qua lời tâu trực tiếp hoặc tấu sớ; riêng quan võ nếu chống lệnh sẽ bi ghép vào tội phản loạn, nên phải tìm phương cách riêng. Như trường hợp Thiên hộ Tiền Hoằng, thuộc vệ Tùng Phan, đồn trú tại Quảng Tây; vệ này được lệnh điều sang Giao Chỉ cứu viện. Hoằng cùng quan quân trong vệ lập mưu khích động thổ phiên Dung Nhi Kết nổi loạn, để cấp trên lưu lại dẹp loạn, khỏi phải sang đánh Giao Chỉ. Rồi sự việc đã xảy ra đúng như dự liệu của quan quân vệ Tùng Phan, Dung Nhi Kết khởi sự trước, cấu kết với các dân tộc thiểu số khác gây ra cuộc nổi loạn tại vùng Quảng Tây, Quí Châu, Tứ Xuyên. Triều đình nhà Minh phải mang quân tới đánh dẹp, rồi điều tra được nguyên nhân cuộc biến, bèn xử chém Tiền Hoằng ngay tại Tùng Phan để làm yên lòng dân:
Ngày 27 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [12/3/1428]
Xử chém Tiền Hoằng Thiên hộ vệ Tùng Phan, biếm trích Đô Chỉ huy Cao Long làm Sự quan, bắt Hàn Chính, Đặng Giám sung quân tại Quảng Tây.
Khởi đầu Hoằng khích động Phiên Man Dung Nhi Kết làm loạn. Thiên tử mệnh Chỉ huy Cẩm Y vệ Nhiệm Khải, Giám sát Ngự sử Lý Ngọc tra vấn sự thực, đến nay bọn Khải tâu rằng Phiên Man làm loạn thực do Thiên hộ Tiền Hoằng khích động. Nguyên do vệ Tùng Phan mang quân đánh Giao Chỉ, quân lính sợ không muốn đi bèn mưu với Hoằng. Hoằng nói chỉ có cách là tung tin người Man làm phản, Đô ty phải báo về triều, tất phải sai vệ Tùng Phan đánh dẹp và đình chỉ việc đi đánh tại Giao Chỉ. Rồi vu cáo Phiên Man Dung Nhi Kết làm phản, vệ lập tức báo lên Đô ty, quả nhiên cho đình chỉ việc đi đánh Giao Chỉ và sai Chỉ huy Trần Kiệt mang binh đánh bắt. Nhưng Dung Nhi Kết thực không làm loạn, nên Tiền Hoằng thấy quan quân Đô ty đến bèn cho người bí mật vào trại Man uy hiếp và nói rằng:
“Triều đình bảo các ngươi làm loạn nên mang quân đến đánh; đưa trâu, ngựa, tài vật; bọn ta có thể giúp đình chỉ việc này.”
Man Dung Nhi Kết bèn mang trâu, ngựa cho bọn chúng; nhưng khi thấy quân triều đình đến ngay biên cảnh bèn chạy vạy kết giao với các Sinh Phiên vùng Hắc Thuỷ làm loạn, chém giết quân dân; bọn Trần Kiệt đều bị giặc giết. Quân Phiên quấy nhiễu lớn, bọn Hàn Chỉnh, Cao Long dừng quân không dám tiến, chỉ miệt mài tham dâm làm dân biên giới khổ sở, nên thế giặc hoành hành, cướp phá càng lớn, để lại nhiều tàn phá.
Thiên tử phán dân Man làm loạn Trẫm vốn nghi là bị khích động, bọn Hàn Chỉnh tham dâm dưỡng giặc, ăn hối lộ tội không chối vào đâu được, bèn sắc dụ Khải chém Hoằng tại Tùng Phan, bêu đầu thị chúng, tịch thu gia sản; 20 người tòng phạm được xá tội chết để sung quân; bọn Chỉnh bị phát vãng làm lính tại Quảng Tây. [12]
Cũng có những trường hợp tiêu cực khác, quan quân tìm mọi cớ để trốn tránh việc sang Giao Chỉ đánh nhau:
Ngày 18 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 2 [14/4/1427]
Tuần án Quảng Tây Giám sát Ngự sử Uông Cảnh Minh hặc tấu việc lầm lỗi của bọn Đô Chỉ huy Hồ Quảng Trương Quí, Lỗ Tăng, trên đường mang binh đến Giao Chỉ. Quí đến Quảng Tây dừng lại cưới hầu thiếp, kéo dài hơn 40 ngày không chịu đi; rồi giả bộ mượn cớ thúc giục thêm quân để trở về Hồ Quảng. Tăng mang quân đi, dọc đường chần chừ không tiến. Làm bầy tôi đáng liều mình vì nước, bọn Quí cẩu thả tham sống, không có tinh thần dũng cảm chống địch, vậy xin trị tội. Thiên tử nói trực tiếp cho Đô sát viện biết, đợi khi bọn chúng mang quân trở về sẽ luận tội. [13]
2. Dẫu có viện binh đến 10 vạn, có dám qua cửa ải không?
Tình báo quân sự Ðông, Tây lưu ý hàng đầu đến việc sưu tầm tin tức về thành phần lực lượng đối phương. Trong thư gửi Vương Thông, đặt câu hỏi rằng nếu “viện binh dưới 10 vạn có dám qua cửa ải không ”, gián tiếp cho biết lực lượng tối thiểu quân Minh phải dùng. Lời ước tính này chính xác như nhìn thấu rõ gan ruột của đối phương, vì trong sắc mệnh ngày 23/1/1427, vua Tuyên Tông điều quân tại Bắc Kinh, Nam Kinh cùng 10 Ðô ty gồm 7 vạn người, đặt dưới quyền chỉ huy Liễu Thăng và Mộc Thạnh sang tăng viện cho Vương Thông; nhưng sau đó cảm thấy không đủ, lại phải điều tiếp:
Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427]
Sắc mệnh điều các vệ tại hai kinh Nam, Bắc; Trung đô Lưu thủ ty, Vũ xương Hộ vệ; các Đô ty Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu; Phúc Kiến Hành Đô ty, cùng các vệ quan quân phía nam Trực Lệ do An Viễn hầu Liễu Thăng thống lãnh. Thành Đô Hộ vệ, các Đô ty Tứ Xuyên, Vân Nam; Tứ Xuyên Hành Đô ty do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh thống lãnh; tổng cộng gồm 7 vạn tên, để sang đánh dẹp tại Giao Chỉ. Cần khí giới tinh nhuệ, y giáp tốt mới, dọc đường gia tăng ước thúc, không được nhiễu hại. Lương bổng quân dân tính từ ngày khởi hành; tất theo lệ kỳ đánh Giao Chỉ lần trước chi cấp. Tại Nam kinh cùng các Đô ty, vệ sở; tiền thưởng lúc khởi trình do quan sở tại chi cấp, nếu tiền không đủ có thể dùng vải bố, quyên để chiết khấu ra tiền. Thưởng tiền giấy cho Đô Chỉ huy 500 quan, Chỉ huy 400 quan, Thiên hộ Trưởng quan vệ, trấn 300 quan; Bách hộ Trấn phủ sở 200 quan, Tổng kỳ 150 quan, Tiểu kỳ 120 quan; quân lính, thổ quân 100 quan. [14]
Số quân điều thêm gồm 45.200 tên (1.000+1.200+10.000+33.000); như vậy tổng số trước sau gần 12 vạn:
Ngày 2 tháng 3 năm Tuyên Ðức thứ 2 [30/3/1427]
Sắc dụ điều thêm quan quân hộ vệ Vũ Xương 1.000 người; hộ vệ Thành Ðô 1.200 người; quan quân tinh nhuệ tại Nam Kinh, Nguyên Hạ, Tây Dương 10.000 người; Trung đô lưu thủ ty, Ðô ty Hồ Quảng, Chiết Giang, Hà Nam, Sơn Ðông, Quảng Ðông, Phúc Kiến, Giang Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên; cùng Tứ Xuyên hành Ðô ty 33.000 người; theo An viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh sang đánh Giao Chỉ. [15]
Hậu quả như thế nào thì người đọc sử đã rõ: qua các cuộc giao tranh tại Chi Lăng, Xương Giang, Lê Hoa, quân Minh hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn.
3. Ðể Trương Phụ lãnh ba, bốn mươi vạn quân ra khỏi biên cảnh, triều đình các ông có chịu phóng tâm như thế không?
Thư gửi Vương Thông phân tích rằng Trương Phụ chỉ là một người hùng do thời thế tạo nên, vì bấy giờ tại nước ta lòng người oán ghét Hồ Quí Ly, nên Trương Phụ mới thừa cơ lập nên công trạng. Rồi tiếp theo dẫn đến một câu hỏi quan trọng: Ðể Trương Phụ lãnh ba, bốn mươi vạn quân ra khỏi biên cảnh, triều đình các ông có chịu phóng tâm như thế không?
Ðặt câu hỏi này, nghĩa quân Lam Sơn đã biết rõ nội tình nhà Minh. Thực vậy, vua nhà Minh nghi ngờ viên tướng này ngay trước khi có cuộc xâm lăng nước ta. Trong cuộc nội chiến cướp ngôi của cháu, mà Minh Sử gọi là “Tĩnh nạn”, Trương Phụ là người lập công đầu, nhưng bị Minh Thái Tông xử ép không cho lên chức. Ðến lúc cần một người có khả năng để phụ tá Chu Năng sang đánh nước ta, triều đình nhà Minh mới nghĩ đến việc dùng Trương Phụ, rồi vội phong cho Phụ tước Hầu. Ðể giải thích việc làm bất thường này, họ đem ra một lý do khó tin được là thể theo đạo hiếu không muốn Phụ được phong vượt chức của cha:
Ngày 2 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [23/11/1405]
Gia phong Tín An bá Trương Phụ tước Phụng Thiên Tĩnh Nạn Suy Thành Tuyên Lực Vũ Thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc Tân Thành-hầu, hưởng lộc 1500 thạch; con cháu thế tập, nếu phạm tội được tha chết cho 2 người, riêng con được miễn chết 1 người.
Nhân Thiên tử từng hỏi Kỳ Quốc công Khâu Phúc, Thành Quốc công Chu Năng rằng:
“Các công thần thời Tĩnh Nạn đều được ban thưởng, mọi người bàn về việc này ra sao?”
Hai người thưa rằng:
“Thưởng ban cho đều hết sức công minh chính đáng, có phần dồi dào chứ không đến nỗi bất cập. Riêng việc phong cho Trương Phụ ý chung cho rằng chưa được thoả đáng; vì rằng công của cha Phụ quá cao, đạo làm con nên nhường; nhưng công của Phụ nhiều, nên người ngoài nghĩ rằng Bệ hạ xử ép.”
Thiên tử nói:
“Các khanh nói phải.”
Bèn ra lệnh gia phong. [16]
Trương Phụ mang quân sang nước ta lần thứ nhất; sau khi dẹp tan nhà Hồ, tình hình chưa kịp ổn định, đã phải vội về gấp để dẹp loạn tại Quảng Tây:
Ngày 13 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [17/7/1407]
Sắc dụ bọn quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ:
“Giao Chỉ đã bình định, riêng các châu Liễu, Tầm tại Quảng Tây thì bọn giặc cướp chưa dẹp xong. Vậy khi đem quân trở về hãy báo trước với Đô đốc Hàn Quan để định ngày hợp binh cùng đánh dẹp. Lại riêng tuyển Đô đốc cùng Đô Chỉ huy lãnh 30.000 quân theo đường khác tiến đánh, tất có thể diệt sạch chúng, không để lo lắng cho dân. Nhớ cùng báo tin với Đô đốc Hàn Quan biết.” [17]
Ngay sau đó tại nước ta dấy lên cuộc khởi nghĩa của Giản Ðịnh Ðế, quân Minh do Mộc Thạnh chỉ huy bị đại bại tại trận Bồ Cô, khiến nhà Minh phải điều Trương Phụ sang gấp:
Ngày 27 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 7 [11/2/1409]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm Quốc công Mộc Thạnh tâu xuất sư bị bại. Mệnh bộ Binh điều thêm quân, cùng mệnh Anh Quốc công Trương Phụ tổng chỉ huy dẹp giặc. [18]
Có lẽ không muốn Trương Phụ tạo thế lực lớn tại Giao Chỉ, nên chưa đến một năm, sau khi Giản Ðịnh Ðế bị bắt, nhưng vẫn chưa dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Trần Quí Khoách, vua Thái Tông đã vội vàng điều Trương Phụ về nước:
Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [1/2/1410]
Triệu các quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ, Phó Tổng binh Thanh Viễn hầu Vương Hữu điều lãnh Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc, Lâm Thiếp Mộc Nhi, cùng các quan quân đã đưa đi trở về Bắc Kinh. [19]
Tình hình tại Giao Chỉ sau đó lại tồi tệ trở lại, do đó Trương Phụ được điều sang lần thứ 3 để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Trần Quí Khoách, dẹp xong trở về triều dâng công. Lần thứ 4 Trương Phụ sang nước ta có vẻ được ở lại lâu hơn, vì Trương Phụ được lãnh chức trấn thủ Giao Chỉ:
Ngày 1 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [9/5/1415]
Mệnh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh Di Tướng quân thống lãnh quan binh trấn Giao Chỉ. [20]
Nhưng rồi một sự cố xảy ra. Bấy giờ, nhà Minh ưa dùng hoạn quan đi các nơi thanh sát tình hình, dò la tin tức để mật báo cho nhà vua, quyền uy rất lớn. Viên Nội quan Mã Kỳ được lệnh dò xét Trương Phụ tâu rằng: “Tổng binh Trương Phụ ở Giao Chỉ chọn những thổ nhân mạnh khoẻ can đảm làm vi tử thủ”, do đó vua nhà Minh nghi ngờ gọi Phụ về [21] :
Ngày 19 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [7/12/1416]
Sắc dụ quan Tổng binh Anh Quốc công Trương Phụ theo đường dịch trạm về kinh gấp. [22]
Thư gửi Vương Thông do Nguyễn Trãi soạn thay cho Bình định vương Lê Lợi, nhưng nhan đề bài này “Khả năng am hiểu về địch tình của nghĩa quân Lam Sơn”, ắt phải có lý do. Chúng tôi nghĩ rằng tuy Nguyễn Trãi chấp bút soạn, nhưng tin tức tình báo chính xác nêu trên, do công của nhiều người thu thập. Từ hàng vạn nghĩa quân cẩn thận tịch thu tài liệu trong các trận đánh, rồi những người giỏi chữ khai thác tài liệu nạp lên; từ những người chuyên môn thẩm vấn tù binh, hoặc có thể cả những người Việt làm việc trong hàng ngũ nhà Minh bí mật cung cấp tin tức. Với hàng hàng lớp lớp những người ái quốc, coi việc nước như việc nhà, mới có được những tài liệu quí giá, khiến Vương Thông đọc qua phải toát mồ hôi hoảng sợ, vội vã hội thề với Bình định vương Lê Lợi để rút quân ra khỏi nước ta trước khi có chiếu mệnh của vua Tuyên Tông nhà Minh cho phép.
Nguồn: © 2008 talawas
——————-
[1]Dẫn theo Ðại học Văn khoa Sài Gòn, tập 3, trang 49; Giáo sư Thẩm Quỳnh dịch, Giáo Sư Trần Huy Bích chú thích.
[2]Chú thích của Trần Huy Bích: Tri phủ phủ Thanh Hoá: Năm Giáp Thìn (1424) thấy thế lực quân ta mạnh, nhà Minh phong Bình định Vương làm Tri phủ phủ Thanh Hoa (danh hiệu vùng Thanh Hoá thời ấy) để mua chuộc. Tuy Bình định vương không bao giờ nhận chức này, Nguyễn Trãi đưa chức ấy ra để tạo không khí hoà nhã cho đoạn mở đầu bức thư.
[3]Chú thích của Trần Huy Bích: Chỉ việc tháng 7 năm Giáp thìn (1424) Minh Thành Tổ chết; chưa đầy một năm sau, tháng 6 năm Ất tỵ (1425), Minh Nhân Tông lại chết.
[4]Chú thích của Trần Huy Bích: Cốt nhục tương tàn: Chỉ việc Minh Thành Tổ, nguyên là Yên vương Lệ (tước vương được phong giữ đất Yên) đã giết Huệ đế là cháu gọi bằng chú ruột để cướp ngôi.
[5]Chú thích của Trần Huy Bích: Phương bắc có giặc: Chỉ sự xâm lăng của người Mông Cổ ở biên giới phía bắc Trung Hoa. Riêng trong đời Minh Thành Tổ, nhà Minh đã phải xuất quân chống nhau với Mông Cổ 5 lần, mỗi lần phải huy động hàng chục vạn binh và chục vạn dân phu.
[6]Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 2, trang 229.
[7]Nhà Minh lập 4 quan phụ tá, gồm: Xuân quan, Hạ quan, Thu quan, Đông quan.
[8]Đời Minh Trung Quốc có địa danh Hoá Châu, thuộc phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông.
[9]Minh thực lục, q. 12, tr.1483-1484; Thái Tông, q.117, tr. 5a-5b.
[10]Ý chỉ Bình định vương Lê Lợi.
[11]Minh thực lục, q. 16, tr.0420-0422.
[12]Minh thực lục, q. 37, tr.0921-0922.
[13]Minh thực lục q. 26, t. 0684.
[14]Minh thực lục, q. 17, t. 0621-0622; Tuyên Tông q. 23, t. 10a-10b.
[15]Minh thực lục, q. 17, t. 673; Tuyên Tông q. 26, t. 2a.
[16]Minh thực lục, q. 10, t. 729-730; Thái Tông q. 48, t. 1a-1b.
[17]Minh thực lục, q. 11, t. 959; Thái Tông q. 68, t.9a.
[18]Minh thực lục, q. 11, t 1158; Thái Tông q. 87, 4b.
[19]Minh thực lục, q. 12, t. 1300; Thái Tông q. 99, t. 3b.
[20]Minh thực lục, q. 13, t.1843; Thái Tông q. 163, t.1b.
[21]Ðại Việt sử ký toàn thư tập 2, trang 238.
[22]Minh thực lục, q. 13, t.1966; Thái Tổ q. 182, t. 2b.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]