Tại sao Litvinenko bị ám sát?

_84461771_litvinenko_ap

Nguồn: Alex Goldfarb, “Justice for Litvinenko”, Project Syndicate, 02/02/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào năm 2006, Alexander Litvinenko, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nga (FSB), trước gọi là KGB, đã bị đầu độc tại London bằng loại phóng xạ polonium-210. Trong một thập niên qua, goá phụ Marina Litvinenko đã tiến hành một cuộc đấu tranh khó khăn nhằm tìm kiếm công lý cho chồng bà. Cuối cùng, bà đã thắng thế.

Bà Litvinenko không chỉ đối chọi với điện Kremlin, những người bị cáo buộc đã cử hai đặc vụ tới London để thực hiện cuộc ám sát, mà bà còn đương đầu cả với chính phủ Anh Quốc khi họ không muốn phá vỡ mối quan hệ với Nga. Vào thời điểm ba năm về trước, bà đứng trước Toà án Công lý Hoàng gia với đôi mắt đẫm lệ, nơi các vị thẩm phán đã từ chối bảo vệ bà chống lại những thiệt hại pháp lý vốn có thể rất cao nếu bà không thể buộc chính phủ mở một cuộc điều tra.

Song, cuối cùng bà Litvinenko đã có được điều mình muốn sau 34 ngày đấu tranh tại toà. Vào ngày 21/01 (2016), Ngài Robert Owen, chủ toạ của một cuộc điều tra công khai, đã ra phán quyết rằng: “không còn nghi ngờ gì nữa”, rằng hai đặc vụ FSB là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun đã thực hiện vụ ám sát mà Tổng thống Nga Vladimir Putin “có lẽ đã thông qua.”

Bằng chứng chống lại Lugovoi và Kovtun đa phần đến từ các hồ sơ lưu trữ của cảnh sát, những tài liệu này đã xác minh “dấu vết chất polonium” do hai người để lại xung quanh London. Theo các ghi chép, mức độ nhiễm độc rất cao đã được phát hiện, đặc biệt là trong nhà vệ sinh cạnh quán rượu, nơi Litvinenko đã uống phải thứ trà bị tẩm độc, và trong hai phòng tắm tại phòng nghỉ của khách sạn nơi hai sát thủ ở. Litvinenko chưa hề ghé tới bất kỳ địa điểm nào trong ba nơi nói trên, nơi mà rõ ràng các tay sát thủ đã vứt bỏ số chất độc chưa dùng hết. Theo lời khai của một nhân chứng, Kovtun từng tuyên bố trước khi xảy ra sự việc rằng ông đang thực hiện sứ mệnh “thủ tiêu một kẻ phản bội” với “một thứ chất độc rất đắt tiền”.

Cuộc điều tra đã phát hiện thấy hai tay sát thủ đã ám sát hụt hai lần trước khi hoàn thành nhiệm vụ. Vào ngày 16/10, do lượng chất phóng xạ bị đổ gần hết lên khăn trải bàn nên Litvinenko chỉ hấp thụ một lượng nhỏ, và đến ngày 26/10, tất cả số chất phóng xạ Po-210 bị đổ ra sàn phòng tắm khách sạn của Lugovoi. Cuối cùng, vào ngày 1/11, hai người này đã “giải quyết” được Litvinenko với một liều thuốc độc chết người, khiến ông tử vong sau đó 22 ngày.

Tuy rằng chất Po-210 rõ ràng có để lại dấu vết, song khó mà phát hiện được trừ khi người ta cố gắng đi tìm, lý do là vì loại chất này phát ra tia phóng xạ alpha hiếm, do đó các trang thiết bị thông thường của bệnh viện hay cảnh sát như thiết bị của hãng Geiger khó phát hiện ra. Phải mất tới ba tuần sau vụ đầu độc, tức chỉ vài giờ trước khi Litvinenko chết, ông mới được xét nghiệm bị nhiễm tia phóng xạ alpha.

Về vai trò của nhà nước Nga, các bằng chứng đến từ tổ chức MI6, một cơ quan tình báo mật của Anh, và được công bố tại một phiên trình bày kín trong quá trình điều tra. Tuy bằng chứng chưa được công bố rộng rãi, song tờ Daily Telegraph cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã cung cấp cho các nhà chức trách Anh những mẫu liên lạc điện tử giữa các sát thủ và những người chỉ đạo tại Moskva mà cơ quan này chặn được. Lập luận ám chỉ ông Putin dựa vào phân tích của các chuyên gia, theo đó một mệnh lệnh như vậy sẽ không thể được ban bố nếu không có sự chấp thuận của ông.

Câu hỏi đặt ra là tại sao. Ở đây, lý giải của Owen chưa được rõ ràng, ông chỉ liệt kê một vài yếu tố có thể đã khiến Litvinenko trở thành mục tiêu của ông Putin, gồm có việc ông đào thoát sang Anh vào năm 2000, mối quan hệ thân tình giữa ông với đại kình địch của Putin là Boris Berezovsky, cùng với đó là những lời cáo buộc ông về việc FSB đồng lõa trong nhiều vụ đánh bom khủng bố, những sự kiện giúp Putin lên nắm quyền vào năm 1999. Trên trang blog của mình, Litvinenko gọi Putin là “tên ấu dâm của điện Kremlin” khi nói về quyết định kỳ quái của vị tổng thống, đó là hôn bụng của một cậu bé xa lạ trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, điều có lẽ đã khiến điện Kremlin khó chịu.

Vậy nhưng, động cơ xác đáng nhất cho vụ ám sát liên quan tới kế hoạch của Litvinenko ra làm chứng về các mối quan hệ của ông Putin với đường dây tội phạm có tổ chức của Nga đặt tại Tây Ban Nha – những mối liên hệ này được thiết lập vào những năm 1990 khi Putin đang giữ chức Phó Thị trưởng của thành phố St. Petersburg. Với việc Litvinenko dự định cung cấp các bằng chứng chính thức cho một công tố viên tại Madrid chỉ một tuần sau khi ông bị đầu độc, thì thật dễ hiểu khi Lugovoi và Kovtun có lý do để kiên trì và đẩy nhanh tiến độ vụ ám sát.

Nếu ông tới được Madrid, các tiết lộ của Litvinenko có thể sẽ nhắm vào những mối làm ăn giữa các ông trùm của tổ chức tội phạm có tên gọi Tambov và các thành viên trong giới thân cận với Putin. Chính các “đồng chí” này của Putin nay đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt có lựa chọn của Mỹ và Liên minh châu Âu do những phiêu lưu gần đây của Nga ở Ukraine. Sự làm giàu phi pháp của những người này được phản ánh trong một tuyên bố mới đây của Nhà Trắng khi họ gọi Putin là “tham nhũng”.[1]

Không có gì ngạc nhiên khi điện Kremlin đã phản ứng mạnh trước những lời cáo buộc từ phía Nhà Trắng, đúng như cách mà Nga đã phản ứng với chính phủ Anh về cuộc điều tra, cho rằng những phát hiện của cuộc điều tra dù là “trò đùa”, nhưng sẽ “đầu độc” mối quan hệ giữa Anh và Nga. Như thường lệ, điện Kremlin đang cố trốn tránh trách nhiệm giải trình bằng cách tung tin gây nhiễu và cho rằng phương Tây đang “o ép” Nga. Truyền thông nhà nước của Nga thậm chí còn đưa ra một giả thiết thay thế (và rõ ràng là vô căn cứ): Litvinenko đã “vô tình bị trúng độc” khi đang sử dụng chất polonium phục vụ công việc cho MI6.

Trong vụ Litvinenko, những người bị cáo buộc ít có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả ngoài đời thực. Putin được miễn trừ truy tố, và ông cũng từ chối dẫn độ Lugovoi và Kovtun sang Anh để đối mặt với các lời buộc tội giết người. Phản ứng của Anh là đã cho phép bà Marina Litvinenko có buổi gặp riêng với Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, đồng thời đóng băng tài sản của các nghi phạm. Thế nhưng, trong khi Thủ tướng David Cameron đang lên án vụ giết người, thì ông tuyên bố vẫn giữ liên lạc với Nga bởi Anh “cần” Nga cho thỏa thuận tại Syria.

Kết quả là, hình phạt sẽ không tương thích với tội phạm. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc tìm ra sự thật là không thể bị đánh giá thấp – không chỉ vì quyền lợi của nạn nhân, mà còn để làm sáng tỏ những điều mà chế độ của ông Putin có thể làm. Vụ án này – cuộc tấn công khủng bố đầu tiên tại một thủ đô phương Tây có sử dụng vũ khí phóng xạ – sẽ được ghi nhớ như là một dấu mốc dưới triều đại tham nhũng và tàn bạo của ông Putin.

Alex Goldfarb là Chủ tịch của Quỹ Công lý cho Litvinenko tại London.

Hình: Chân dung Litvinenko. Nguồn: AP.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Justice for Litvinenko

————–

[1] Nguyên văn: corrupt. Trong tiếng Anh, “corrupt” không chỉ mang nghĩa là “tham nhũng”, mà còn có thể bao hàm ý xấu xa, hủ bại, tha hóa…
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]