Putin có thực sự muốn Trump làm Tổng thống?

Print Friendly, PDF & Email

PUTIN-TRUMP

Nguồn: Nina Khrusheva, “Does Putin really want a Trump presidency?”, Project Syndicate, 03/08/2016

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các vụ bê bối thư điện tử đang gây bất lợi cho ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Thứ nhất, bà Clinton từng bị phát hiện sử dụng một hệ thống máy chủ cá nhân trong công việc khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, do đó Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành điều tra và chỉ trích bà vì đã “quá bất cẩn.” Giờ đây những tin tặc mà Mỹ nhận định hiện đang làm việc cho Nga đã thông qua Wikileaks tiết lộ một loạt các email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC), trong đó đề cập tới việc các lãnh đạo của DNC ủng hộ bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này. Ngoài ra, các tin tặc của Nga còn bị nghi ngờ đã xâm nhập vào các hệ thống máy tính được sử dụng để phục vụ các chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Đối thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Sanders, đã bỏ qua mọi lùm xùm xung quanh bê bối sử dụng máy chủ riêng của bà trong thời gian đầu của chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, đối thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, đang tán dương nỗ lực của các tin tặc nhằm hạ uy tín của bà Clinton, và có vẻ như ông cũng muốn tán dương đất nước chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng vừa qua này. Câu hỏi đặt ra là phải chăng Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự đứng đằng sau vụ tấn công nhằm gây khó dễ cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton và giúp ông Trump đắc cử?

Mối quan hệ của hai người đàn ông này vốn được nhiều nơi trên thế giới biết đến. Trump nhiều lần lên tiếng ca ngợi tài lãnh đạo của Putin, và ông cũng nhận lại nhiều lời khen từ ông chủ của điện Kremlin. Trump còn bày tỏ mong muốn thiết lập các mối quan hệ sâu sắc hơn với Điện Kremlin cũng như xem xét chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào Nga, tất cả đều không cần điều kiện đáp lại.

Điều đáng lo ngại nhất là có lẽ việc Trump nghi ngờ về việc Mỹ tự động bảo vệ cho các đồng minh NATO của mình như các quốc gia Baltic thuộc Liên Xô cũ, những nước mà nền độc lập của họ đang bị Putin nghi ngờ. Newt Gingrich, một cố vấn về chính sách đối ngoại của Trump, từng ví Estonia là “vùng ngoại ô của thành phố Saint Petersburg”, ý nói Putin có thể tự do kiểm soát các nước láng giềng của Nga.

Bản thân Trump còn sở hữu một đội ngũ các cố vấn chủ trương ủng hộ quan hệ Mỹ-Nga. Chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump do Paul Manafort điều hành, đây là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch đánh bóng tên tuổi cho Viktor Yanukovich, nhân vật được Putin cài cắm ở Ukraine, thành một nhà ngụy dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Kể từ sau khi Yanukovich bị phế truất năm 2014, Manafort đã góp phần vực dậy Đảng các Khu vực (Party of Regions) mục nát do Yanukovich lãnh đạo, đưa đảng này trở thành đảng đối lập chính của chính phủ đương nhiệm ở Ukraine (Hiện Manafort đã từ chức – NBT). Tương tự, Carter Page, nhà cố vấn chính sách đối ngoại chính của Trump, và là một chuyên gia ngân hàng đầu tư, đang làm việc rất chặt chẽ với ‘gã khổng lồ’ ngành khoáng sản Gazprom, cánh tay đắc lực của chính phủ Nga.

Cả Page lẫn Manafort đều từng kiếm bộn tiền ở Nga. Manafort từng điều hành một quỹ đầu tư chuyên đầu tư các khoản tiền của các đầu sỏ chính trị Nga vào Ukraine, và chắc chắn đang mơ về những triển vọng lớn hơn nếu Trump thắng cử. Thậm chí còn có suy đoán rằng bản thân Trump vẫn đang có các mối quan hệ làm ăn với Nga, dù chưa có bằng chứng xác thực ngoài việc ông ve vãn các chính trị gia Nga về việc xây dựng một tòa nhà Trump Tower ở gần Quảng trường Đỏ tại Moskva.

Nếu xét các mối quan hệ trên thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Putin coi việc Trump thắng cử là có lợi cho Nga. Và có lẽ lợi ích lớn nhất đó là việc đánh bại bà Clinton, người mà Putin không thích vì nhiều lý do.

Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton từng nhiều lần chỉ trích  Putin đã kiểm soát biểu tình và truyền thông độc lập của Nga, đồng thời cực lực lên án Nga đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của Ukraine. Bên cạnh quan điểm “truyền thống” của Putin đối với phụ nữ (một điểm nữa giống với tính cách của Trump), có vẻ như ông thích làm việc với bất cứ ai trừ bà Clinton. Thực ra, nếu lựa chọn thay thế là Trump, người có vẻ thực sự ngưỡng mộ Putin, thì đây quả thực là điều trên cả mong đợi.

Điều đó có thể đúng mà cũng có thể sai. Nhiều người dân Mỹ không hề có cảm tình với Nga. Dù người ta có cảm thấy như thế nào trước các thông tin bị rò rỉ, thì việc Nga liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào chiến dịch tranh cử của bà Clinton và DNC càng khiến nhiều người không ưa Nga, một điều không phải hoàn toàn vô căn cứ. Rốt cuộc, Putin, một cựu điệp viên KGB, đã từng nhiều lần sẵn sàng sử dụng các phương tiện số (chưa kể vũ lực) để quấy rối, đe dọa và ép buộc kè thù và các đối thủ.

Tất nhiên không chỉ riêng Nga. Mỹ cũng đã tiến hành nhiều hoạt động gián điệp, điển hình là chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từng được đưa ra ánh sáng năm 2013. Hơn nữa, Mỹ cũng không ngại can thiệp vào vấn đề của nhiều nước khác. Ví dụ như vụ rò rỉ cuộc điện thoại giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geofrey Pyatt vào năm 2014 về phương thức đảm bảo một kết quả có lợi cho phương Tây từ các cuộc biểu tình của người dân chống chính phủ Ukraine vốn khiến Yanukovich bị ngã ngựa.

Tuy nhiên, nếu xét hình ảnh ‘hoen ố’ của Nga trong mắt người dân Mỹ, các bê bối email vừa qua có thể gây tổn hại cho bà Clinton ít hơn so với những gì ông Trump phải chịu, khi việc ông sau đó kêu gọi Nga tìm kiếm 30.000 email còn thất lạc trong thời gian bà Clinton còn là Ngoại trưởng Mỹ đã không mang lại cho Trump bất cứ một lợi ích nào. Putin có thể nhận thấy được điều này.

Nói như vậy không có nghĩa  Điện Kremlin không cảm thấy hả hê trước vụ tấn công mạng, ít nhất là trong trường hợp của DNC, bởi cuộc tấn công có thể đã được tiến hành bởi những người ủng hộ Putin chứ không phải các nhà thầu chính thức của chính quyền Nga. Tuy nhiên, có khả năng đây chỉ là một trò phá đám hơn là một nỗ lực thực sự nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Có lẽ đó là hành động trả đũa sau cuộc họp mới đây của NATO tại Warsaw, nơi mà thái độ hung hăng của Nga trở thành tâm điểm trong chương trình nghị sự, hay có thể là hành động trả đũa cho việc xử lý vụ bê bối doping vốn tí nữa khiến Nga không được tham dự Thế vận hội Olympic Rio. Thậm chí đó có thể là đòn đáp trả nhằm vào bà Clinton do bà đã buông lời xúc phạm ông Putin khi từng ví những nước cờ của Putin tại Ukraine với các hành động của Hitler trước Thế chiến II, một sự sỉ nhục không chỉ đối với Putin mà còn cả với nước Nga vốn tự hào về vai trò đập tan chủ nghĩa phát xít.

Thế nhưng, nếu gạt sự thù hằn sang một bên, Putin vẫn có thể ủng hộ bà Clinton chứ không phải ông Trump. Tuy bà không có thiện cảm với Putin, nhưng bà lại là người có phẩm chất đã được biết đến, với một chính sách ngoại giao mà Nga, một bậc thầy xử lý các mối quan hệ thù địch, vẫn có thể quản lý được. Còn đối với Trump, có lẽ không ai, thậm chí ngay cả bản thân ông ta, có thể đoán trước được điều gì. Putin có thể không phải là một đại chiến lược gia, và hiển nhiên ông cũng không bận tâm tới một gã hề ở Nhà Trắng, nhưng ông có thể sẽ không muốn đặt cược vào điều gì quá rủi ro.

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách “Imagining Nabokow: Russia Between Art and Politics”, và cuốn “The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind”, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Does Putin really want a Trump presidency
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]