26/02/1993: Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom

wtc93

Nguồn:World Trade Center bombed,” History.com (truy cập ngày 25/02/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Lúc 12 giờ 18 chiều ngày này năm 1993, một quả bom khủng bố đã phát nổ trong một ga ra của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, để lại một hố rộng 18 mét và đánh sập nhiều tầng nhà bê tông cốt thép trong vùng lân cận vụ nổ.

Mặc dù vụ đánh bom khủng bố đã không gây thiệt hải đáng kể cho cấu trúc chính của tòa nhà chọc trời này, sáu người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Riêng Trung tâm Thương mại Thế giới phải chịu thiệt hại về tài sản trị giá hơn 500 triệu USD. Sau vụ tấn công, chính quyền đã cho sơ tán 50.000 người từ hai tòa nhà, trong đó có hàng trăm người bị ngạt khói. Việc sơ tán kéo dài cả buổi chiều ngày hôm đó.

Chính quyền thành phố và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành một cuộc truy tìm nghi phạm quy mô lớn, và trong ít ngày sau đó nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị bắt giữ. Tháng 3 năm 1994, Mohammed Salameh, Ahmad Ajaj, Nidal Ayyad, và Mahmud Abouhalima bị một bồi thẩm đoàn liên bang kết án do vai trò của họ trong vụ đánh bom, và cả ba đều bị kết án tù chung thân.

Salameh, người Palestine, bị bắt giữ khi hắn đến lấy tiền đặt cọc 400 USD mà hắn dùng để thuê chiếc xe tải Ryder được sử dụng trong vụ tấn công. Ajaj và Ayyad, cả hai đều tham gia chế tạo quả bom, bị bắt giữ ngay sau đó. Abouhalima, người giúp mua và pha chế chất nổ, trốn sang Ả Rập Xê-út nhưng đã bị bắt ở Ai Cập hai tuần sau đó.

Chủ mưu của vụ tấn công – Ramzi Yousef Ahmed – vẫn nằm ngoài vòng pháp luật cho đến tháng 2 năm 1995, khi hắn bị bắt giữ ở Pakistan. Trước đó hắn trốn ở Philippines, và trong một chiếc máy tính hắn để lại đây người ta đã tìm thấy các kế hoạch khủng bố bao gồm một âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng John Paul II và một kế hoạch đánh bom 15 máy bay Mỹ trong 48 giờ.

Trên chuyến bay trở về Hoa Kỳ, Yousef được báo cáo là đã thừa nhận với một mật vụ rằng ngay từ đầu hắn đã chỉ đạo vụ tấn công Trung tâm Thương mại và thậm chí còn tuyên bố chính hắn đã đặt kíp nổ cho quả bom chứa 600 kg chất nổ. Hối tiếc duy nhất của hắn, theo mật vụ trích lời Yousef nói, là hai tòa tháp 110 tầng đã không sụp đổ như kế hoạch – một thảm họa có thể đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Eyad Ismoil, người lái chiếc xe tải Ryder vào ga ra nằm dưới Trung tâm Thương mại Thế giới, đã bị bắt tại Jordan trong năm đó và đưa trở về New York. Tất cả nghi can đều có quan hệ với Sheikh Omar Abdel Rahman, nhà lãnh đạo tôn giáo cực đoan người Ai Cập hoạt động bên ngoài thành phố Jersey, New Jersey, nằm bên kia sông Hudson, đối diện Manhattan.

Năm 1995, Rahman và 10 tín đồ đã bị kết tội âm mưu đánh bom trụ sở Liên Hợp Quốc và các địa điểm khác ở New York. Các công tố viên cho rằng vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới là một phần của âm mưu đó, mặc dù có rất ít bằng chứng rõ ràng về cáo buộc này được đưa ra.

Tháng 11 năm 1997, Yousef và Ismoil bị kết án trong một phòng xử án chỉ cách tòa tháp đôi vài tòa nhà và sau đó bị kết án tù chung thân mà không có khả năng được ân xá. Chỉ còn một người khác được cho là tham gia trực tiếp vào vụ tấn công, Iraq Abdul Rahman Yasin, là không bị bắt giữ.

Sau các vụ đánh bom Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kenya và Tanzania năm 1998, các nhà điều tra Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ Yousef có quan hệ với Osama bin Laden, người Ả Rập lưu vong đứng đầu mạng lưới khủng bố al Qaeda chống Hoa Kỳ. Cho dù trên thực tế việc bin Laden có liên quan đến vụ tấn công tòa tháp đôi năm 1993 hay không vẫn chưa được xác định, nhưng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai nhóm khủng bố al-Qaeda đã hoàn tất công việc mà Yousef bắt đầu, lao hai chiếc máy bay bị cướp vào hai tòa tháp phía Bắc và phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.

Dàn kết cấu thép của tòa nhà đã không thể chịu được sức nóng mà nhiên liệu của máy bay phản lực tạo ra, và sụp đổ chỉ trong hai giờ sau khi bị đâm. Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong Trung tâm Thương mại Thế giới và các khu vực phụ cận, trong đó có cả 343 nhân viên cứu hỏa và 23 cảnh sát viên đang nỗ lực hoàn thành việc sơ tán và cứu hộ các nhân viên văn phòng bị mắc kẹt trên các tầng cao.

Chỉ có sáu người trong tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại thời điểm nó sụp đổ sống sót. Gần 10.000 người khác đã được điều trị chấn thương, trong đó có nhiều chấn thương nghiêm trọng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]