Nguồn: “Peace Corps established,” History.com (truy cập ngày 29/02/2016).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy đã ban hành Sắc lệnh #10924, thành lập Đội Hòa bình (Peace Corps) như một cơ quan mới trực thuộc Bộ Ngoại giao. Cùng ngày, ông gửi một thông điệp tới Quốc hội đề nghị tài trợ thường xuyên cho cơ quan này, vốn có nhiệm vụ đưa những người Mỹ đã được đào tạo ra nước ngoài để trợ giúp cho các nỗ lực phát triển. Đội Hòa bình đã thu hút được sự chú ý của công chúng Hoa Kỳ, và trong tuần đầu sau khi thành lập hàng ngàn lá thư đã đổ về Washington từ những người Mỹ trẻ có hy vọng làm các công việc tình nguyện.
Tiền thân trực tiếp của Đội Hòa bình – Đội Thanh niên Điểm số Bốn (Point Four Youth Corps) – được đề xuất bởi Dân biểu Henry Reuss Wisconsin vào cuối năm 1950. Thượng nghị sĩ Kennedy biết được đề nghị của Reuss trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960 của mình và sau khi cảm nhận được sự nhiệt tình ngày càng tăng của công chúng về ý tưởng này đã quyết định đưa nó vào chiến dịch tranh cử của mình.
Đầu tháng 10 năm 1960, ông đã gửi một thông điệp tới tổ chức Dân chủ Trẻ (Young Democrats) kêu gọi thành lập một “Đội Hòa bình Thanh niên”, và vào ngày 14 tháng 10 ông lần đầu công khai đề cập tới ý tưởng về Đội Hòa bình trong một bài phát biểu vào sáng sớm tại Đại học Michigan ở Ann Arbor.
Đêm trước đó, ông đã tham gia cùng Phó Tổng thống Richard Nixon trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ ba và rất ngạc nhiên khi nhận ra có khoảng 10.000 sinh viên chờ nghe ông nói khi ông đến trường lúc 2 giờ sáng. Các sinh viên đã nghe vị tổng thống tương lai đưa ra một thách thức: bao nhiêu người trong số họ, ông hỏi, sẽ sẵn sàng phục vụ đất nước và lý tưởng tự do bằng cách sống và làm việc tại các nước đang phát triển trong nhiều năm liên tục?
Đề xuất Đội Hòa bình đã giành được sự ủng hộ trong những ngày cuối chiến dịch của Kennedy, và vào ngày mùng 8 tháng 11, ông được bầu sít sao làm tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Ngày 20 tháng 1 năm 1961, trong bài diễn văn nhậm chức nổi tiếng của mình, ông đã hứa viện trợ cho người nghèo trên thế giới.
“Gửi tới những người sống trong các túp lều và làng mạc trên một nửa của thế giới đang vật lộn để thoát vòng thống khổ,” ông nói, “chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giúp họ tự giúp mình, trong bất cứ khoảng thời gian nào cần thiết – không phải vì những người cộng sản có thể đang làm việc đó, không phải vì chúng tôi tìm kiếm phiếu bầu của họ, mà bởi vì đó là điều đúng đắn.” Ông cũng kêu gọi người Mỹ “đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước mình.”
Sau ngày mùng 1 tháng 3, hàng ngàn thanh niên Mỹ đã đáp lại lời kêu gọi thực hiện nghĩa vụ này bằng cách tình nguyện tham gia Đội Hòa bình. Cơ quan này, đứng đầu là em rể của Kennedy, R. Sargent Shriver, cuối cùng đã chọn được 750 tình nguyện viên để phục vụ tại 13 quốc gia vào năm 1961.
Vào tháng 8, Kennedy đã tổ chức một buổi lễ tại Nhà Trắng để tôn vinh các tình nguyện viên đầu tiên của Đội Hòa bình. 51 người Mỹ sau đó hạ cánh tại Accra, Ghana, trong hai năm phụng sự đã lập tức tạo ra một ấn tượng tốt với người dân đất nước này khi họ tụ tập trên đường băng sân bay để hát quốc ca Ghana bằng tiếng Twi, một ngôn ngữ địa phương.
Ngày 22 tháng 9 năm 1961, Kennedy đã ký dự luật của Quốc hội, thành lập một tổ chức Đội Hòa bình lâu dài với nhiệm vụ “thúc đẩy hòa bình và hữu nghị thế giới” qua ba mục tiêu:
- giúp đỡ nhân dân các nước hữu quan trong việc đáp ứng nhu cầu của họ về các công dân được đào tạo;
- giúp thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn của người Mỹ về những người dân được phụng sự; và
- giúp thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn của các dân tộc khác về người Mỹ.
Đến cuối năm 1963, 7.000 người đã có mặt trên thực địa, phục vụ tại 44 nước thế giới thứ ba. Năm 1966, số lượng tình nguyện viên Đội Hòa bình đạt đỉnh điểm, với hơn 15.000 tình nguyện viên tại 52 quốc gia. Những lần cắt giảm ngân sách sau đó đã làm giảm số lượng tình nguyện viên Đội Hòa bình, nhưng ngày nay vẫn có hơn 7.000 tình nguyện viên Đội Hòa bình đang phục vụ tại hơn 70 quốc gia. Kể từ năm 1961, hơn 180.000 người Mỹ đã gia nhập Đội Hòa bình, phục vụ tại 134 quốc gia.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]