Tác động từ sự ‘giãy chết’ của dầu mỏ

low-oil-prices

Nguồn: Harold James, “The Death Throes of Oil”, Project Syndicate, 03/02/2016.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giá dầu thường được xem là một loại nhiệt kế để đo lường sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Điều ít được chú ý là nó còn có thể được dùng làm một khí áp kế nhằm cảnh báo về những cơn bão địa chính trị đang tới gần. Thực sự, sự lao dốc đột ngột của giá một thùng dầu thô – từ gần 150 USD vào tháng 6/2008 xuống khoảng 30 USD hiện nay – chắc chắn sẽ thúc đẩy các biến động liên tục vượt ra ngoài các thị trường năng lượng và hàng hóa cơ bản của thế giới, với những tác động đặc biệt đáng lo ngại cho Liên minh châu Âu (EU).

Giá dầu giảm rõ ràng có liên quan tới sự bất ổn tài chính, nhưng các dòng tác động nhân quả không chỉ theo hướng mà phần lớn các học giả dường như tin tưởng. Trái lại, khi giá dầu tăng sẽ khiến cho chi phí gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế giàu, công nghiệp hóa; do đó, việc giá dầu tăng làm kìm hãm tăng trưởng. Giá dầu tăng cao đã dẫn tới các cuộc suy thoái toàn cầu vào các năm 1973, 1979, 2000 và 2008.

Điều ngược lại cũng đúng. Kinh tế suy yếu sẽ khiến giá dầu giảm, điều có thể trở thành một mối lợi tài chính cho các chính phủ cũng như người tiêu dùng. Sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, giá dầu đã lao dốc do dự báo kinh tế sẽ đình trệ, và chỉ phục hồi mạnh khi tăng trưởng mạnh mẽ tiếp diễn ở các thị trường mới nổi. Nếu nhìn từ quan điểm này, sự sụt giảm giá dầu gần đây là không đáng ngạc nhiên, vì nó xảy ra sau những tín hiệu tăng trưởng yếu đi ở khắp các thị trường mới nổi (với trường hợp ngoại lệ có thể là Ấn Độ).

Hơn nữa, giá dầu hiện nay còn chịu một áp lực giảm giá mạnh mẽ khác: Kỳ vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ được tái cơ cấu nhằm đáp lại những quan ngại về biến đổi khí hậu. Những nỗ lực gần đây nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu có thể không có nhiều tác động, nhưng trong dài hạn, thực tế rằng các nguồn năng lượng hóa thạch là tác nhân chính của sự gia tăng khí CO2 trong khí quyển và do đó dẫn tới biến đổi khí hậu sẽ thúc giục các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư phải tiến hành các hành động nghiêm túc.

Điều này dẫn tới cái mà nhà kinh tế học người Đức Hans-Werner Sinn đã gọi là “Nghịch lý xanh” (The Green Paradox). Khả năng việc sử dụng năng lượng hóa thạch một ngày nào đó sẽ bị hạn chế đã tạo ra một sự khuyến khích mạnh mẽ đối với các nhà sản xuất dầu mỏ trong việc bán được càng nhiều dầu càng tốt trước khi những hạn chế này có hiệu lực. Lô-gíc này có thể đã đứng đằng sau phản ứng của Saudi Arabia trước việc giá dầu lao dốc: Bác bỏ những lời kêu gọi của OPEC trong việc cắt giảm sản xuất. Kết quả của việc làm này khiến giá dầu giảm sâu hơn và càng khuyến khích người tiêu dùng mua những chiếc xe ngốn xăng và sử dụng xe nhiều hơn.

Trong thế giới các nước công nghiệp hóa, ngay cả ở Hoa Kỳ – một nhà sản xuất dầu mỏ có tầm quan trọng ngày càng tăng – giá dầu thấp rõ ràng là tốt cho nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Thực sự, giá dầu giảm mạnh là một trong số ít nguồn lực đang giúp ổn định khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mong manh. Và những lo ngại rằng giá hàng hóa cơ bản giảm sẽ dẫn tới sự giảm phát gây thiệt hại nặng kiểu thập niên 1930 gần như chắc chắn đã bị thổi phồng quá mức.

Tuy nhiên, triển vọng cũng chẳng lạc quan chút nào. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về những tiến bộ công nghệ tác động qua lại với sự dồi dào sẵn có của tài nguyên, với các tác động địa chính trị rất lớn. Những cánh rừng sồi của Anh cho phép nước này trở thành cường quốc hải quân lớn nhất thế giới trong Thời đại Thuyền buồm, khi nguồn cung cấp gỗ tốt là chìa khóa để kiểm soát đại dương. Cách mạng Công nghiệp đã biến thép và than trở thành những hàng hóa chiến lược, và cuộc đấu tranh giành dầu mỏ đã thống trị phần lớn thế kỷ 20, bao gồm suốt Thế chiến I, khi việc đánh mất nguồn dầu mỏ từ Rumani đã đóng góp vào sự sụp đổ của Đức ở Mặt trận Phía Tây năm 1918.

Giá hàng hóa cơ bản thay đổi nhanh chóng cũng có thể tác động tới bối cảnh địa chính, gây nên sự bất ổn hoặc các tác động tồi tệ hơn nữa. Và hiện nay, dầu mỏ dường như đang đi vào vết xe đổ của gỗ và thép khi mất đi tầm quan trọng chiến lược của mình. Các nguồn năng lượng lớn vẫn cần thiết cho các nhu cầu cơ bản của đời sống hiện đại,  bao gồm lưu trữ và xử lý dữ liệu, nhưng càng ngày năng lượng sẽ đến từ các nguồn thay thế khác.

Điều này có thể gây nên những hậu quả mang tính thời đại, khi giá dầu giảm làm suy yếu các chế độ độc tài vốn kiểm soát các nước sản xuất dầu mỏ chính. Có một số lượng lớn các bằng chứng học thuật chỉ ra mối liên quan giữa sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên với quản trị kém, được gọi là “lời nguyền tài nguyên”. Dù có sự khác biệt lớn giữa Nigeria, Venezuela, Saudi Arabia, Nga, Iran và Iraq, tất cả  lại đều có một điểm chung: Doanh thu từ dầu mỏ đã làm thối nát hệ thống chính trị, biến nó thành một cuộc đấu tranh chết người nhằm giành các chiến lợi phẩm. Khi giá dầu giảm, những tên cướp đang cầm quyền sẽ quay sang cãi vã với nhau và với các nước láng giềng.

Các nhà lãnh đạo các nước sản xuất dầu mỏ đang bận rộn dựng lên những câu chuyện giải thích cho sự không may của họ. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã theo đuổi các khẩu hiệu dân túy xưa cũ của Cánh tả Mỹ La-tinh và chĩa ngón tay của mình về phía Mỹ. Tương tự, các quan chức Nga đang so sánh các sự kiện ngày nay với việc giá dầu giảm (những năm 1980), điều đã làm Liên Xô suy yếu. Trong cả hai trường hợp này, Hoa Kỳ bị đổ lỗi. Theo lập luận này, công nghệ ép thủy lực (để khai thác dầu đá phiến) ở Oklahoma và Pennsylvania là những ví dụ mới nhất của sự phóng chiếu sức mạnh Mỹ ra bên ngoài.

Nói cách khác, những thách thức an ninh từ việc giá dầu giảm nhiều khả năng sẽ đáng kể hơn các rủi ro kinh tế. Những thách thức an ninh cũng có thể gây tác hại lớn. Chẳng hạn, những khó khăn mà EU đối mặt năm 2015 có thể sẽ tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Do đó, các nước giàu cần sử dụng các lợi ích thu được từ việc giá dầu giảm để đầu tư vào những nỗ lực nhằm giải quyết các hậu quả địa chính trị. Theo đó, đề xuất mới đây của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble rằng Đức sẽ chi trả tiền nhà của người tị nạn bằng thuế thu từ dầu của châu Âu là rất hợp lý.

Các nhà hoạch định chính sách ở các nước công nghiệp hóa cần ngừng nghĩ về những rủi ro kinh tế của việc giá dầu giảm và nên bắt đầu nhìn nhận những tác động địa chính trị của thực tế này. Do quy mô của những thách thức sắp tới, sự phối hợp chính sách sẽ là cần thiết. Tác động tiêu cực từ giá dầu rẻ là một vấn đề mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được một cách riêng rẽ.

Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, Giáo sư Lịch sử tại Viện Đại học Châu Âu (EUI), Florence, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và về toàn cầu hóa, ông là tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Death Throes of Oil
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]