08/03/1917: Cách mạng tháng Hai Nga bùng nổ

Print Friendly, PDF & Email

Russian_Imperial_Family_1911

Nguồn:February Revolution begins,” History.com (truy cập ngày 07/03/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1917 ở Nga, Cách mạng tháng Hai (gọi theo thời gian trong lịch Julian cũ được sử dụng ở đây) đã nổ ra khi các cuộc bạo động và đình công do tình trạng khan hiếm thực phẩm bùng phát ở Petrograd. Một tuần sau đó, chế độ Sa hoàng vốn đã tồn tại hàng trăm năm đã kết thúc với sự thoái vị của Nicholas II, và Nga tiến một bước gần hơn đáng kể đến cuộc cách mạng cộng sản.

Đến năm 1917, phần lớn người dân Nga đã mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của chế độ Sa hoàng. Nạn tham nhũng tràn lan trong chính phủ, nền kinh tế Nga vẫn lạc hậu, và Nicholas đã liên tục giải tán Duma, Quốc hội Nga được thành lập sau Cách mạng 1905, khi nó chống lại ý nguyện của ông.

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp của Cách mạng tháng Hai – giai đoạn đầu của Cách mạng Nga năm 1917 – là sự can dự tai hại của Nga vào Thế chiến I. Về mặt quân sự, đế quốc Nga không sánh được với nước Đức công nghiệp hóa, và thương vong của Nga đã lớn hơn thương vong mà bất kỳ quốc gia nào phải chịu đựng trong mọi cuộc chiến tranh trước đó. Trong khi đó, nền kinh tế bị hủy hoại đến vô vọng bởi các nỗ lực chiến tranh tốn kém, và những người ôn hòa đã tham gia cùng các phần tử cực đoan Nga kêu gọi lật đổ Sa hoàng.

Ngày mùng 8 tháng 3 năm 1917, những người biểu tình đòi bánh mỳ đã xuống đường ở thủ đô Petrograd (nay là St. Petersburg). Được hỗ trợ bởi 90.000 đàn ông và phụ nữ tham gia đình công, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát nhưng từ chối rời khỏi các đường phố. Đến mùng 10 tháng 3, cuộc đình công đã lan rộng với sự tham dự của mọi công nhân ở Petrograd, và các nhóm công nhân giận dữ đã phá hủy các đồn cảnh sát. Một số nhà máy đã bầu đại biểu tham gia Xô viết Petrograd, hay “hội đồng,” của các ủy ban công nhân, theo mô hình đặt ra trong Cách mạng 1905.

Ngày 11 tháng 3, binh lính đồn trú ở Petrograd được triệu tập để dập tắt cuộc nổi dậy. Trong một số cuộc đụng độ, binh lính đã nổ súng, sát hại nhiều người biểu tình, nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường, và quân đội bắt đầu lung lay. Ngày hôm đó, Nicholas lại giải tán Duma. Đến ngày 12, cuộc cách mạng giành được chiến thắng khi các trung đoàn của quân đội đồn trú ở Petrograd theo nhau quay sang ủng hộ lý tưởng của những người biểu tình. Quân đội, gồm khoảng 150.000 người, sau đó đã thành lập các ủy ban để bầu đại biểu tham gia Xô viết Petrograd.

Chính phủ hoàng gia buộc phải từ chức, và Duma đã thành lập một chính phủ lâm thời cạnh tranh một cách hòa bình với Xô viết Petrograd để kiểm soát cuộc cách mạng. Ngày 14, Xô viết Petrograd ban hành “Sắc lệnh số 1,” hướng dẫn binh lính và thủy thủ Nga chỉ tuân theo những mệnh lệnh không mâu thuẫn với các chỉ thị của Xô viết. Ngày hôm sau, 15 tháng 3, Sa hoàng Nicholas II thoái vị để nhường ngôi cho em trai Michael, nhưng ông từ chối đăng quang, đặt dấu chấm hết cho chế độ chuyên chế Sa hoàng.

Chính quyền tỉnh mới, được Xô viết Petrograd chấp thuận, đã hy vọng cứu vãn nỗ lực chiến tranh của Nga trong khi chấm dứt tình trạng thiếu lương thực và nhiều cuộc khủng hoảng khác trong nước. Đó thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Trong khi đó, Vladimir Lenin, lãnh đạo của đảng cách mạng Bolshevik, đã thôi lưu vong ở Thụy Sĩ và vượt qua các chiến tuyến của quân thù Đức để trở về quê hương và nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng Nga.

Ảnh: Sa hoàng Nicholas II cùng gia đình năm 1911. Nguồn: Wikimedia Commons.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]