Tại sao chiến tranh gia tăng trên thế giới?

e9b83526-1df8

Nguồn: John Andrews, “More war than peace”, Project Syndicate, 12/02/2016.

Biên dịch: Đào Quốc Thụy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Chỉ người chết mới được chứng kiến chiến tranh kết thúc”, câu nói của George Santayana[1] dường như đặc biệt thích hợp với tình hình hiện nay ở thế giới Ả Rập, từ Syria, Iraq, đến Yemen và Lybia – khu vực được coi là chảo dầu sôi của bạo lực. Afghanistan bị mắc kẹt trong cuộc chiến với Taliban; Trung Phi bị nguyền rủa bởi các cuộc chạy đua đẫm máu nhằm giành các nguồn tài nguyên – thường dọc theo các chiến tuyến sắc tộc, tôn giáo. Ngay cả sự bình yên của châu Âu cũng bị đe dọa – châu lục này phải chứng kiến cuộc xung đột li khai tại Ukraina, một cuộc chiến đã làm chết hơn 6.000 người trước khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hiện nay.

Điều gì giải thích cho việc người ta phải dùng đến xung đột vũ trang nhằm giải quyết các vấn nạn của thế giới?

Cách đây không lâu, xu thế hòa bình chứ không phải chiến tranh đã từng thắng thế. Năm 1989, với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, Francis Fukuyama  đã tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử”, và sau đó hai năm, năm 1991, tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã tuyên bố về “một trật tự thế giới mới” với sự hợp tác giữa các cường quốc trên thế giới.

Vào thời điểm đó, họ đã đúng. Thế chiến II, với ít nhất 55 triệu người tử vong, chính là đỉnh cao man rợ của nhân loại. Nhưng kể từ năm 1950 đến năm 1989 – từ Chiến tranh Triều Tiên đến Chiến tranh Việt Nam và cho tới sự kết thúc Chiến tranh Lạnh, trung bình mỗi năm có khoảng 180.000 người tử vong trong các cuộc xung đột vũ trang.  Trong thập kỷ 1990, số nạn nhân tử vong do xung đột vũ trang giảm xuống còn khoảng 100.000 người một năm. Và trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, con số này tiếp tục giảm, còn khoảng 55.000 người mỗi năm – con số thấp nhất so với các thập kỷ trong vòng 100 năm qua, và tương đương với mức 1.000 nạn nhân một năm cho mỗi cuộc “xung đột vũ trang ở mức trung bình”.

Tuy nhiên, rất đáng buồn như tôi đã viết trong cuốn sách The World in Conflict (Thế giới trong xung đột), xu hướng chiến tranh hiện nay lại gia tăng. Do nhiều cuộc chiến tranh ở châu Phi, từ Cộng hòa Dân chủ Congo, đến cuộc xung đột ở Somalia, bắt đầu cách đây vài thập niên, nguồn cơn của thực trạng này nằm ở nơi khác: đó chính là thế giới Hồi giáo từ bắc Nigeria đến Afghanistan, và xa hơn nữa.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, số nạn nhân tử vong ở đây vọt lên hơn 250.000 người, và hơn một nửa dân số Syria đã phải di cư, tạo ra làn sóng di dân tràn ngập các quốc gia láng giềng và các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Thực tế, chỉ cuộc chiến Syria thôi cũng đã đủ làm thay đổi bản đồ xung đột thế giới – và xu hướng đi lên còn gia tăng dữ dội hơn nếu số lượng nạn nhân các cuộc chiến Iraq, Yemen và Libya được bổ sung vào các con số thống kê.

Những ai hoan nghênh Mùa xuân Ả Rập cách đây 5 năm hẳn phải công nhận rằng những bông hoa đã chóng tàn. Trừ Tunisia có được những kết quả tương đối về dân chủ, còn các nước khác như Libya, Yemen va Syria đã gia nhập nhóm các quốc gia thất bại với Somalia; và Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, bị quay lại với chính thể chuyên chế cận kề độc tài.

Câu hỏi là khi nào, hoặc liệu  xu hướng chiến tranh có lại giảm xuống hay không?  Nhờ các tổ chức đa phương, ví dụ như Liên Hợp Quốc, ngày nay các quốc gia rất hiếm khi tuyên chiến với nhau (cuộc chiến tranh ngắn ngày do Nga tiến hành chống lại Gruzia năm 2008 là một ngoại lệ). Tương tự như vậy, nhờ có Liên minh châu Âu – nhóm các quốc gia được trao giải Nobel Hòa bình năm 2012 vì “những đóng góp trong suốt 6 thập kỷ vào quá trình thúc đẩy hòa bình, hòa giải, dân chủ và quyền con người ở châu Âu” – một cuộc chiến nữa giữa Đức và Pháp đã trở thành không tưởng.

Thay vào đó, các cuộc chiến giờ diễn ra giữa các nhà nước và các chủ thể phi nhà nước, ví dụ như cuộc xung đột giữa Nigeria và nhóm Boko Haram, hay cuộc xung đột giữa Ấn Độ và nhóm phiến quân Naxalite.[2] Hoặc đó là các cuộc nội chiến, ví dụ như tại Nam Sudan, hay Libya; hoặc các cuộc chiến tranh ủy nhiệm đặc trưng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh – như việc Iran triển khai các chiến binh Hezbollah của Libăng sang Syria nhằm bảo vệ chế độ Bashar al-Assad.

Cho dù nguyên nhân của các cuộc xung đột vũ trang là gì – vốn thường chồng chéo nhau – như tư tưởng, tôn giáo, sắc tộc, tranh giành nguồn tài nguyên – thì vị Đại tướng Phổ 2 thế kỷ trước là Carl von Clausewitz đã đưa ra một câu trả lời cô đọng nhất cho câu hỏi tại sao con người lại sử dụng bạo lực: “Chiến tranh là một hành động bạo lực để buộc kẻ thù làm những gì chúng ta muốn”.

Nhưng liệu chỉ sử dụng bạo lực đơn thuần có thể thuần phục Nhà nước Hồi giáo và chấm dứt chủ nghĩa cực đoan thánh chiến trong thế giới Hồi giáo hay không? Có hai lý do để nghi ngờ khả năng đó. Một là sự lưỡng lự của các thế lực hùng mạnh về quân sự bên ngoài, từ Hoa Kỳ, NATO cho tới nước Nga của Vladimir Putin, trong việc đổ bộ binh lên chiến trường sau những bài học đau đớn ở Iraq hay Afghanistan (một thảm họa đối với Liên Xô vào thập kỷ 1980, và với Hoa Kỳ và NATO trong thế kỷ này).

Lý do thứ hai là sự hấp dẫn ngầm trong các thông điệp Hồi giáo chủ nghĩa đối với 1,3 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Các quốc gia – dân tộc thuộc thế giới Ả Rập là các quốc gia được hình thành bởi các cường quốc thực dân, thay thế cho các vương quốc Hồi giáo trước đấy như Umayyard, Abbasid, Fatimid và cuối cùng là đế quốc Ottoman, những vương quốc đã một thời mở mang nền văn minh từ vùng Lưỡng Hà đến bờ biển Đại Tây Dương. Tháng 6 năm 2014, khi Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo mới, với bản thân y là “lãnh tụ của những người Hồi giáo trung thành”, lời tuyên bố đó đã đánh trúng tâm lý của nhiều người Hồi giáo. Hơn nữa, đối với nhiều người, sự hung bạo của Nhà nước Hồi giáo không khác mấy so với ứng xử của Ả Rập Saudi, một nhà nước Hồi giáo dành nhiều thập kỷ để truyền bá tư tưởng Hồi giáo nguyên bản Wahhabi thông qua (tài trợ) hệ thống các thánh đường, các cơ sở giáo dục của đạo Hồi trên toàn thế giới.

Nói cách khác, thông điệp này phải được thay đổi nếu muốn hòa bình quay lại với thế giới Hồi giáo. Điều này khó có thể sớm xảy ra. Việc đầu tiên là những người Hồi giáo dòng Sunni ở Ả Rập Saudi phải ôn hòa hóa quan điểm đối đầu với người Hồi giáo dòng Shia nói chung và đặc biệt là đối với những người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số ở Iran. Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng có nhiều nhân lực, tiền bạc, lãnh thổ và kỹ năng quân sự (rất nhiều người là cựu sỹ quan quân đội Iraq).

Ả Rập Saudi cuối cùng cũng sẽ nhận ra rằng họ cần Iran giúp đỡ nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Và cuối cùng Nhà nước Hồi giáo sẽ sụp đổ bởi vì công dân của họ cũng có nhu cầu được thưởng  thức âm nhạc và hành xử trong cuộc sống theo ý muốn cá nhân. Song thật đáng buồn, trong câu nói trên từ “cuối cùng” là một từ then chốt. Bản năng của người Ả Rập Saudi, được định hình qua hàng thế kỷ bởi định kiến kình địch giữa những người Ả Rập và người Ba Tư, đã xác định Iran là một mối đe dọa cần phải đối đầu thay vì hòa giải. Đối với Nhà nước Hồi giáo, Bắc Triều Tiên là một minh chứng cho thấy các nhà nước tàn bạo lại rất bền bỉ. Hiện nay, đồ thị chết chóc của các cuộc xung đột tiếp tục đi lên như một sự nhạo báng đối với giới ngoại giao, những nhà kiến tạo hòa bình và kỳ vọng của nhân loại về nhân đạo và văn minh.

John Andrews, cựu biên tập viên & và phóng viên hải ngoại của tờ The Economist, là tác giả cuốn The World in Conflict: Understanding the World’s Troublespots.

Copyright: Project Syndicate 2016 – More war than peace

————–

[1] Triết gia, nhà thơ, nhà văn người Tây Ban Nha, 16/12/1863 – 26/09/1952 (ND).

[2] Một trong những nhóm du kích theo chủ nghĩa Cộng sản Mao-ít tại Ấn Độ (ND).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]