Hạn chế của chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc cộng sản

china-congress_2391897b

Nguồn: Brahma Chellaney, “The Limits of Capitalism with Communist Characteristics”, Project Syndicate, 04/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử tới Cuba, tương lai của đảo quốc cộng sản này đang là chủ đề đồn đoán của nhiều người. Một số nhà quan sát hy vọng rằng sự thay đổi hướng về chủ nghĩa tư bản, vốn đã diễn ra từ từ trong suốt 5 năm Raul Castro cầm quyền, sẽ tự nhiên dẫn Cuba tiến tới dân chủ. Nhưng kinh nghiệm lại cho thấy điều ngược lại.

Thực tế, tự do hóa kinh tế khác xa với con đường chắc chắn dẫn đến dân chủ. Không có gì minh họa cho điều này rõ hơn chế độ chuyên chế lớn nhất và lâu đời nhất của thế giới, Trung Quốc, nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì quyền thống trị của mình ngay cả khi các cải cách theo hướng thị trường đã làm nền kinh tế tăng trưởng mạnh. (Một người hưởng lợi chính từ quá trình này là quân đội Trung Quốc.)

Niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản sẽ tự động mang lại dân chủ bao hàm một sự kết nối về ý thức hệ giữa hai khái niệm này. Nhưng sự thống trị của ĐCSTQ – hiện đang có 88 triệu thành viên, nhiều hơn cả tổng dân số Đức – không còn bắt nguồn từ ý thức hệ. Đảng, đại diện bởi một nhóm lãnh đạo khép kín, duy trì quyền lực bằng cách sử dụng một loạt các công cụ – cưỡng chế, tổ chức, và khen thưởng – để ngăn cản sự xuất hiện của một tổ chức đối lập.

Trong một chỉ thị vào năm 2013, được gọi là “Tài liệu số 9”, bảy mối đe dọa đến sự lãnh đạo của ĐCSTQ mà Chủ tịch Tập Cận Bình có ý định loại bỏ đã được liệt kê ra, bao gồm: việc ủng hộ “nền dân chủ lập hiến phương Tây,” thúc đẩy “các giá trị phổ quát” về nhân quyền, khuyến khích “xã hội dân sự”, những lời chỉ trích phủ nhận sạch trơn về quá khứ của đảng, và tán thành “các giá trị truyền thông phương Tây.”

Tóm lại, chủ nghĩa cộng sản hiện nay ít tập trung vào bản chất – tức ý thức hệ của nó – và tập trung nhiều hơn vào những điều khác. Các đại diện của nó đều cam kết ưu tiên giữ vững quyền lực chính trị – một nỗ lực được hỗ trợ bởi sự thịnh vượng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản mang lại – bằng cách giúp ngăn chặn nhu cầu đòi thay đổi.

Câu chuyện ở Việt Nam và Lào cũng tương tự như vậy. Cả hai đều bắt đầu phi tập trung hóa nền kinh tế và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân ngay từ những năm cuối thập niên 1980, và giờ đây đã thuộc vào hàng những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Việt Nam thậm chí còn là một thành viên của Hiệp định TPP. Nhưng nhà nước độc đảng vẫn giữ vững quyền lực và tiếp tục kiểm soát chính trị.

Mọi thứ dường như sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Tại Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, vị thủ tướng có đầu óc cải cách, gần đây đã thất bại trong nỗ lực trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản (lãnh đạo tối cao của đất nước); Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử trong Đại hội Đảng lần thứ 12.

Ngoài việc cung cấp đầy đủ lợi ích vật chất để giữ cho người dân hài lòng, chủ nghĩa tư bản còn tăng cường khả năng đàn áp nội bộ và kiểm soát thông tin của các nhà nước cộng sản. Một ví dụ là “Vạn Lý Tường Lửa” (Great Firewall) khét tiếng của Trung Quốc, một công cụ của chính phủ nhằm kiểm soát và ngăn chặn nội dung trên mạng Internet, tạo ra một khu vực thông tin chính trị “sạch” cho công dân. Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới có ngân sách dành cho an ninh nội bộ còn lớn hơn ngân sách chính thức cho quốc phòng.

Đối mặt với bất ổn kinh tế hiện nay tại Trung Quốc, việc kiểm soát thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để ngăn chặn mọi nguy cơ, lãnh đạo Trung Quốc ngày càng bịt miệng giới báo chí, nhất là hạn chế các báo cáo hoặc bình luận có thể ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu hay tiền tệ. Ông Tập đã yêu cầu các nhà báo hứa “trung thành tuyệt đối” với ĐCSTQ, và theo sát sự lãnh đạo của Đảng trong “tư tưởng, chính trị và hành động.” Một tờ báo của nhà nước khi cảnh báo “tính chính danh của Đảng có thể suy giảm” đã lập luận rằng “phương tiện truyền thông quốc gia đóng vai trò thiết yếu đối với sự ổn định chính trị.”

Rõ ràng, ở những nơi mà những người cộng sản nắm quyền, sự phát triển thị trường tự do cho hàng hóa và dịch vụ không nhất thiết dẫn đến sự xuất hiện của một thị trường các tư tưởng (marketplace of ideas). Ngay cả Nepal, một nước do những người cộng sản chi phối nhưng có tổ chức bầu cử, cũng không thể biến tự do hóa kinh tế thành một quá trình chuyển đổi dân chủ đáng tin cậy. Thay vào đó, chính trị của nước này vẫn biến động, khủng hoảng chính trị và khủng hoảng hiến pháp đang phá hoại danh tiếng của họ như là một vùng đất yên bình và đe dọa biến họ trở thành một quốc gia thất bại.

Có vẻ như dân chủ và chủ nghĩa cộng sản loại trừ lẫn nhau. Nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản rõ ràng không như vậy – và điều này có thể rất nguy hiểm.

Thực tế, “cuộc hôn nhân” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, dẫn đầu bởi Trung Quốc, đã sinh ra một mô hình chính trị mới – tạo ra thách thức trực tiếp đầu tiên đối với nền dân chủ tự do kể từ thời chủ nghĩa phát xít: đó là chủ nghĩa tư bản chuyên chế. Với sự tăng trưởng ngoạn mục để trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới chỉ trong thời gian ít hơn một thế hệ, Trung Quốc đã thuyết phục được các chế độ chuyên quyền ở khắp mọi nơi rằng chủ nghĩa tư bản chuyên chế – hoặc, như các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” – là con đường nhanh nhất và bằng phẳng nhất để đến với thịnh vượng và ổn định, tốt hơn nhiều so với những cuộc bầu cử chính trị lộn xộn. Điều này có thể giúp giải thích tại sao sự mở rộng của dân chủ trên toàn thế giới gần đây đã bị đình trệ.

Chuyến thăm Cuba sắp tới của Obama nên được xem là dấu hiệu của sự kết thúc chính sách cô lập Cuba không khôn ngoan của Mỹ – một bước tiến có thể sẽ mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài 55 năm qua đối với Cuba. Nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng sự mở cửa kinh tế của Cuba, được đẩy mạnh nhờ động thái xích lại gần do Obama khởi xướng, nhất thiết sẽ mở ra một kỷ nguyên chính trị mới ở nước này.

Brahma Chellaney, giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, học giả tại Viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm: Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace and War: Confronting the Global Water Crisis.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Limits of Capitalism with Communist Characteristics
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]