Chiến tranh Syria: Lịch sử và giải pháp

sr

Nguồn: Jeffrey Sachs, “Ending Syrian War”, Project Syndicate, 29/02/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hiện nay, Syria là một thảm họa nhân đạo lớn nhất và cũng là điểm nóng địa chính trị nguy hiểm nhất trên thế giới. Người dân Syria bị tàn sát đẫm máu, với hơn 400.000 người chết và mười triệu người bị mất nhà cửa.

Những nhóm thánh chiến Hồi giáo hung bạo được những thế lực bảo trợ bên ngoài hậu thuẫn đang phá hoại đất nước một cách tàn nhẫn, tấn công và cướp bóc người dân. Tất cả các bên của cuộc xung đột – chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, các lực lượng chống đối Assad do Mỹ và đồng minh hỗ trợ, cùng Nhà nước Hồi giáo – đã và tiếp tục phạm phải những tội ác chiến tranh nghiêm trọng.

Đã đến lúc cần tìm ra một giải pháp. Nhưng một giải pháp như vậy cần phải dựa trên một cách đánh giá minh bạch, thực tế về những nguyên nhân gốc rễ đã gây ra cuộc chiến ngay từ đầu.

Diễn tiến của các sự kiện như sau. Vào tháng 2/2011, nhiều cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra tại những thành phố lớn của Syria, giữa một hiện tượng lan khắp khu vực có tên là “Mùa xuan Ả-rập (Arab Spring). Chế độ của ông Assad đã đối phó bằng cách kết hợp đàn áp bạo lực (xả súng vào người biểu tình) cùng những đề xuất cải cách. Chẳng bao lâu sau, tình trạng bạo lực đã leo thang. Những người phản đối Assad cáo buộc chế độ sử dụng vũ lực một cách bừa bãi để đối phó với dân thường, trong khi chính phủ dựa vào những cái chết của binh lính và cảnh sát để chứng minh những kẻ thánh chiến Hồi giáo bạo lực đã trà trộn vào những người biểu tình.

Có thể là vào đầu tháng 3 hay tháng 4/2011, những tay súng Sunni chống chế độ đã bắt đầu xâm nhập vào Syria từ các quốc gia láng giềng. Nhiều nhân chứng khai rằng, những tên thánh chiến Hồi giáo nước ngoài đã tham gia vào những vụ tấn công bạo lực nhằm vào cảnh sát. (Song, những mô tả đó khó mà xác thực được, đặc biệt là sau gần năm năm.)

Hoa Kỳ cùng phe đồng minh trong khu vực đã cố gắng lật đổ Assad trong mùa xuân năm 2011, nghĩ rằng ông sẽ nhanh chóng bị ngã ngựa như Hosni Mubarak của Ai Cập và Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia. Nhiều quan sát viên đưa ra nhận định rằng Qatar đã bơm tiền cho hoạt động chống chế độ từ bên trong Syria, đồng thời sử dụng đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha nhằm đẩy mạnh tình cảm chống đối Assad trên khắp thế giới, dẫu cho những tuyên bố như vậy khó mà được xác thực một cách rõ ràng.

Hoa Kỳ đã thắt chặt các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính lên chế độ. Viện Brookings, một cơ quan thường đưa ra các chỉ dấu về chính sách chính thức của Hoa Kỳ, đã kêu gọi “lật đổ” ông Assad, cùng với đó, tuyên truyền chống Assad trên truyền thông Mỹ đã tăng mạnh. (Trước thời điểm đó, truyền thông Hoa Kỳ coi Assad là một người tương đối ôn hòa, dẫu ông là một lãnh đạo chuyên chế, và tới cuối tháng 3/2011, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton vẫn nói rằng nhiều thành viên trong Quốc hội Mỹ coi Assad là một nhà cải cách.)

Việc phát động chiến tranh có thể tính từ ngày 18/8/2011, thời điểm Tổng thống Barack Obama cùng bà Clinton tuyên bố “Assad phải ra đi.” Tới thời điểm đó, tình trạng bạo lực vẫn còn có thể kiểm soát được. Tổng số người thiệt mạng, gồm cả dân thường lẫn các tay súng, rơi vào khoảng 2.900 người (theo một thống kê của phe đối lập).

Sau tháng 8, số người chết tăng vọt. Đôi khi, Hoa Kỳ được cho là hành động không đủ mạnh mẽ vào thời điểm đó. Những kẻ thù chính trị của Obama thường công kích ông vì hành động quá “hời hợt”, chứ không phải là quá nhiều. Thực ra, Mỹ đã hành động để lật đổ Assad, dẫu rằng đa phần đều thông qua những hoạt động bí mật và các đồng minh, đặc biệt là Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ (dù cho hai nước này đều không cần kích động mới can thiệp). Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ và Ả-rập Xê-út đã bí mật cùng nhau phối hợp hành động.

Dĩ nhiên, diễn biến của cuộc chiến không nói lên điều đó. Để tìm hiểu, chúng ta cần phân tích các động cơ của “những kẻ giật dây chính.” Trước tiên, chiến tranh tại Syria là một cuộc chiến ủy nhiệm, chủ yếu liên quan tới Mỹ, Nga, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mỹ và các quốc gia đồng minh, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, khởi động cuộc chiến vào năm 2011 nhằm lật đổ chế độ Assad. Phe đồng minh của Mỹ đã vấp phải sự đáp trả leo thang từ phía Nga và Iran, họ có lực lượng quân đội ủy nhiệm Hezbollah người Li-băng vốn sát cánh chiến đấu bên cạnh chính quyền Assad.

Mỹ quan tâm tới việc lật đổ chế độ Assad chính bởi Iran và Nga đang đứng sau “chống lưng” cho Assad. Các quan chức an ninh Mỹ tin rằng nếu loại bỏ được Assad, Iran sẽ bị suy yếu, lực lượng Hezbollah sẽ sụp đổ và Nga buộc phải giảm tầm với địa chính trị của mình.

Các đồng minh của Mỹ, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Qatar, đều rất để tâm tới việc thế chỗ chế độ Alawite của Assad tại Syria bằng chế độ do các tín đồ Sunni lãnh đạo (cộng đồng người Alawite là một nhánh của Hồi giáo dòng Shia). Họ tin rằng, điều này cũng sẽ làm suy yếu đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Iran, giúp ngăn chặn ảnh hưởng của dòng Shia tại Trung Đông.

Với niềm tin rằng Assad sẽ dễ dàng bị “hạ bệ”, Hoa Kỳ – không phải lần đầu tiên – đã dựa vào quan điểm tuyên truyền của chính mình. Chế độ Assad vấp phải sự chống đối sâu sắc, song cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể từ người dân trong nước. Quan trọng hơn, chế độ có được những đồng minh hùng mạnh, đáng kể là Iran và Nga. Thật ngây thơ khi nghĩ rằng hai nước đó sẽ không có hành động đáp trả.

Dư luận cần đánh giá đúng bản chất “nhơ bẩn” của cuộc chiến do CIA cầm đầu. Hoa Kỳ và các đồng minh khiến Syria bị tràn ngập bởi những tay thánh chiến hồi giáo dòng Sunni, hệt như cách Mỹ từng áp dụng tại Afghanistan trong những năm 1980 khiến nước này đầy rẫy những phần tử thánh chiến Hồi giáo dòng Sunni (các tay súng Mujahideen) mà sau này trở thành Al Qaeda. Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Hoa Kỳ thường xuyên “chống lưng” cho một vài nhóm thánh chiến tàn bạo nhất với một tính toán sai lầm rằng những lực lượng thụ ủy này sẽ làm những việc bẩn thỉu để rồi về sau có thể bị gạt ra bên lề.

Giới truyền thông chính thống của Mỹ và châu Âu cho rằng hành động can thiệp quân sự của Nga tại Syria là rất nguy hiểm và mang tính chất bành trướng. Sự thật không phải vậy. Căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, Mỹ không được phép tổ chức liên minh, bơm tiền cho lính đánh thuê, và buôn lậu vũ khí hạng nặng để lật đổ chính quyền của một quốc gia khác. Nước Nga trong trường hợp này đã phản ứng lại, chứ không phải hành động chủ động. Nước này đang đáp trả các hành động khiêu khích của Mỹ nhằm vào đồng minh của mình.

Kết thúc cuộc chiến đòi hỏi tôn trọng sáu nguyên tắc. Đầu tiên, Hoa Kỳ cần chấm dứt các chiến dịch lật đổ ngầm lẫn công khai nhằm vào chính quyền Syria. Thứ hai, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần thực hiện lệnh ngừng bắn đang được thương lượng (đến giờ đã đạt được – NBT), kêu gọi tất cả các quốc gia, gồm Mỹ, Nga, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Iran, chấm dứt cung cấp tiền và vũ khí cho các lực lượng quân sự trong lãnh thổ Syria.

Thứ ba, mọi hoạt động bán quân sự cần phải dừng lại, bao gồm hoạt động của những người “ôn hòa” được Mỹ hậu thuẫn. Thứ tư, Mỹ và Nga – và cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – cần buộc chính phủ Syria chịu hoàn toàn trách nhiệm ngừng các hoạt động trừng phạt chống lại phe đối lập với chế độ. Thứ năm, sự quá độ chính trị nên thực hiện dần dần, đồng thời với việc xây dựng lòng tin giữa tất cả các bên, thay vì thông qua một hành động hấp tấp, tùy tiện, và gây bất ổn là tiến hành “những cuộc bầu cử tự do.”

Cuối cùng, cần phải hối thúc một cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong một khuôn khổ khu vực để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài. Người dân Ả-rập, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran đã trải qua nhiều thiên niên kỷ chung sống với nhau. Chính họ chứ không phải những thế lực bên ngoài cần đi tiên phong trên chặng đường hướng tới một trật tự ổn định trong khu vực.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Ending Syrian War
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]