Tác giả: Hoàng Thanh Hằng
Quản trị toàn cầu là tập hợp các thể chế, quy định, chuẩn tắc và dàn xếp pháp lý nhằm quản lý quan hệ giữa các quốc gia và tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực vấn đề khác nhau.
Quản trị toàn cầu có thể được xem là một nhân tố mới làm thay đổi nền chính trị thế giới hiện đại. Quản trị toàn cầu ra đời cùng với sự xuất hiện của các chủ thể mới trong quan hệ quốc tế và được thúc đẩy bởi ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Điều này làm gia tăng kỳ vọng rằng các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý hệ thống quốc tế. Thứ hai là sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề toàn cầu. Việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu được phối hợp hài hòa giữa các quốc gia với nhau và do đó quản trị toàn cầu trở thành một giải pháp quan trọng nhằm đối phó với các vấn đề này. Thứ ba, quản trị toàn cầu cũng có thể coi là kết quả của quá trình toàn cầu hóa trên nhiều mặt văn hóa, kinh tế, chính trị. Quá trình này được thực hiện thông qua sự phát triển của khoa học công nghệ, sự xuất hiện của internet và các phương tiện kỹ thuật khác vốn giúp giảm bớt những cách trở về mặt địa lý và tăng cường các mạng lưới liên kết trên quy mô toàn cầu. Những tư duy theo hướng toàn cầu vì vậy ngày càng trở nên phổ biến hơn và làm cho khái niệm quản trị toàn cầu trở nên dễ chấp nhận hơn đối với các quốc gia.
Như đã đề cập, quản trị toàn cầu ra đời cùng với sự xuất hiện của các tổ chức hợp tác đa phương toàn cầu hay các thể chế toàn cầu. Trong đó quan trọng nhất là sự xuất hiện của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức hợp tác kinh tế đa phương, tiêu biểu như Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) – tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Sự xuất hiện của các thể chế toàn cầu này đi cùng với vai trò của Hoa Kỳ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hoa Kỳ với tiềm năng kinh tế, quân sự của mình đảm nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới và có nhiều sáng kiến trong việc thiết lập một trật tự thế giới mới mà trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo. Chính vì vậy, có thể nói các cơ chế hợp tác đa phương được thành lập theo sáng kiến và thiết kế của Hoa Kỳ, phản ánh lợi ích của quốc gia này cùng các đồng minh thân cận. Tuy nhiên cùng lúc đó những thể chế toàn cầu này cũng là kết quả của sự hợp tác ngày càng tăng của các quốc gia kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Hơn nữa, quản trị toàn cầu cũng là kết quả của các mạng lưới liên kết kinh tế ngày càng tăng sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia (MNCs) làm lu mờ các đường biên giới và tác động tới hoạt động kiểm soát nền kinh tế của các quốc gia. Theo đó, các quốc gia mất dần khả năng quản lý độc lập các hoạt động kinh tế vì tính phụ thuộc ngày càng tăng, một phần bắt nguồn từ việc quy mô hoạt động của các MNCs trải rộng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Cũng do hoạt động của các MNCs, sự lưu chuyển tự do của các dòng vốn nhằm khai thác các lợi thế so sánh đã làm gia tăng các mạng lưới liên kết kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ giúp rút ngắn các khoảng cách địa lý và gia tăng tốc độ thông tin đã thay đổi quan niệm về việc tổ chức các hoạt động kinh tế trong một khu vực địa lý riêng biệt. Stephen Kobrin nhận xét rằng “Quản lý kinh tế ở các hệ thống quốc gia hiện đại giả định rằng tất cả các giao dịch diễn ra ở một nơi nào đó; rằng tất cả các dòng thu nhập, sản xuất, bán hàng, vay nợ và trao đổi tiền tệ có thể được định vị chính xác ở một không gian địa lý.” Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một nền kinh tế số toàn cầu, ranh giới giữa các giao dịch trong nước và quốc tế đang “trở nên mờ dần”.
Quản trị toàn cầu cũng xuất hiện cùng với những quy định, chuẩn mực chung cho các hoạt động quốc tế. Các quốc gia khi tham gia vào các tổ chức hợp tác đa phương phải tuân theo những quy định và chuẩn mực này. Luật pháp quốc gia cũng phải thay đổi nhằm tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế. Chính vì vậy việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế có thể nói là một dấu hiệu đặc trưng của quản trị toàn cầu. Ví dụ, các quy định đối với các hoạt động sản xuất hay hệ thống ngân hàng nếu trước đây thuộc toàn quyền quyết định của các quốc gia, thì hiện nay các quốc gia đều tìm cách tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất hay quản trị hệ thống ngân hàng nhằm tăng sức hút của nền kinh tế quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn.
Hiện nay nhìn chung có hai luồng quan điểm trái ngược nhau đối với vấn đề quản trị toàn cầu. Một mặt nhiều nhà quan sát cho rằng các quốc gia nên theo đuổi vấn đề quản trị toàn cầu một cách tiệm tiến, tận dụng các thể chế và cơ chế hiện có mà không làm xói mòn vai trò của các quốc gia với tư cách là những chủ thể quan trọng nhất trong hệ thống quốc tế. Mặt khác, nhiều người lại cho rằng các nhà nước là một dạng chủ thể đã lỗi thời trong thế kỉ 21, không đủ năng lực quản trị được các vấn đề mang phạm vi toàn cầu như môi trường, bệnh dịch, nghèo đói, hay khan hiếm nguồn lực. Những vấn đề này quá phức tạp và không thể giải quyết được bởi từng quốc gia riêng lẻ, thậm chí là một nhóm các quốc gia. Chính vì vậy các nhà nước cần nhường chỗ cho các thể chế siêu quốc gia có vai trò ngày càng tăng và lấn át vị trí của các nhà nước quốc gia có chủ quyền.
Những quan điểm trên cho thấy quản trị toàn cầu vẫn là một khái niệm còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên nhìn chung hiện nay đa số các quốc gia vẫn cho rằng quản trị toàn cầu làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia, một điều mà họ lo ngại. Nói cách khác, trong khi các quốc gia vẫn đang tìm kiếm các cách thức nhằm quản lý hệ thống quốc tế hiệu quả hơn, họ vẫn chưa thể sẵn sàng cho phép một tổ chức siêu quốc gia quản lý họ một cách trực tiếp. Hơn nữa, chủ quyền quốc gia vẫn đang là một lý tưởng quan trọng đối với nhiều bộ phận dân cư trên toàn cầu, đặc biệt là những nhóm dân tộc đang theo đuổi quyền dân tộc tự quyết cho mình. Ngoài ra, nhiều nhà phê bình cũng e ngại rằng quản trị toàn cầu sẽ phản ánh chỉ các giá trị và lợi ích của các nước giàu và phát triển mà không bảo vệ lợi ích của các nước nghèo và kém phát triển. Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần, quản trị toàn cầu nên được hiểu là một hình thức quản lý toàn cầu hơn là một dạng chính phủ toàn cầu.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]