Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên Lào

Print Friendly, PDF & Email

boten-laos-street

Nguồn: Samuel Ku, “China’s expanding influence in Laos”, East Asia Forum, 26/02/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hiền Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đề án chung về Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten mới được ký gần đây là khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập ở Lào và cũng là đầu tiên trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Thỏa thuận này cho thấy mục tiêu của gã khổng lồ châu Á muốn mở rộng quan hệ kinh tế với các nước láng giềng phía nam.

Boten, một ngôi làng hẻo lánh ở biên giới Trung Quốc – Lào, nằm ở một vị trí chiến lược giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á, vì nó kết nối hai đường giao thông quan trọng từ Trung Quốc đến lục địa Đông Nam Á. Một là Đường cao tốc Côn Minh – Bangkok, bắt đầu từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam , Trung Quốc, đi qua Boten, sau đó qua Cầu hữu nghị Thái-Lào, và cuối cùng đến Bangkok.

Con đường khác là Đường sắt Trung Quốc-Lào, chạy từ Côn Minh đến Viên-chăn, một vị trí chiến lược dọc theo hành lang Đông-Tây nối liền Đà Nẵng , Việt Nam với Phitsanulok ở miền trung Thái Lan và Mawlamyine ở Myanmar. Trong khi đường cao tốc Côn Minh – Bangkok được hoàn thành vào tháng 12 năm 2013, việc xây dựng dự án Đường sắt Trung Quốc-Lào gây tranh cãi với khả năng gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng ở miền bắc Lào, chỉ bắt đầu vào tháng 12 năm 2015.

Vị trí của khu kinh tế Mohan-Boten. Nguồn: The Economist.

Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten không phải là một điều gì hoàn toàn mới. Vào năm 2007, tiền thân cho khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten, đặc khu kinh tế Boten (BSEZ), đã làm thay đổi hoàn toàn Boten. Đặc khu kinh tế Boten chủ yếu được tài trợ bởi các doanh nghiệp Trung Quốc. Kể từ khi thành lập Đặc khu kinh tế Boten, những khách sạn đẳng cấp, sòng bạc, nhà hàng và các trung tâm mua sắm đã xuất hiện ở một Boten xa xôi và kém phát triển.

Nhờ chính sách miễn thị thực nhập cảnh của Lào và việc hoàn thành đường cao tốc Côn Minh-Mohan – một phần của đường cao tốc Côn Minh-Bangkok – vào cuối năm 2006, khách du lịch và xã hội đen Trung Quốc đã tràn ngập Đặc khu kinh tế Boten. Công dân Trung Quốc chiếm đại đa số các khách hàng ở Boten và từ lúc đó nhiều người dân địa phương đã được chuyển tới một ngôi làng gần đó để tiếp tục lối sống canh tác truyền thống của họ.

Nhưng Đặc khu kinh tế Boten đã bị đóng cửa vào năm 2009 do tình hình tội phạm leo thang trong khu vực. Một chủ cửa hàng nhỏ tại địa phương, trong một cuộc phỏng vấn với tác giả vào tháng 9 năm 2014, cho biết rằng “Boten giống như một thị trấn ma bởi vì tất cả các khách sạn đẳng cấp, sòng bạc, và nhà hàng đã hoàn toàn đóng cửa, chỉ còn sót lại một vài cửa hàng nhỏ’.

Điều thú vị là, những bảng hiệu có ba thứ tiếng – tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Lào – vẫn còn ở đó. Và, mặc dù việc kinh doanh đang ảm đạm tại Boten trong thời điểm này, ngôi làng xa xôi này có thể dễ dàng được hồi sinh khi khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten được mở ra.

Nửa đường từ Boten đến Luang Prabang, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng rất rõ ràng ở Muang Xay, thủ phủ của tỉnh Oudomxay. Khách sạn Sheng Chang, được thành lập vào đầu năm 2014, là trung tâm hoạt động lớn nhất trong Muang Xay, bao gồm một siêu thị lớn, một sòng bạc và một nhà hàng. Khi được hỏi về lý do đầu tư lớn như vậy ở một thành phố miền núi có ít hơn 150.000 cư dân, người quản lý khách sạn nói rằng ông coi đây là một dự án kinh doanh đầy hứa hẹn. Điều này không chỉ vì đường cao  tốc Côn Minh-Mohan, mà còn do hoạt động kinh tế của người Trung Quốc đang gia tăng ở Lào.

Khu kinh doanh ở Muang Xay chỉ kéo dài một cây số dọc theo đường chính, nhưng các cửa hàng và quảng cáo của Trung Quốc tràn ngập hai bên đường. Người ta có thể tìm thấy các cửa hàng sửa chữa ô tô vừa và nhỏ, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng phần cứng, cửa hàng máy tính, nhà khách, và, tất nhiên, các nhà hàng Trung Quốc. Kh’mu từng là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất ở Muang Xay, nhưng bây giờ người di cư mới của Trung Quốc thống trị nền kinh tế địa phương, đẩy người Kh’mu vào tình trạng bị gạt ra bên lề.

Ngay cả ở các trạm xe buýt ở Muang Xay, ảnh hưởng của Trung Quốc là rõ ràng, với những bảng hiệu chỉ đường bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Lào. Dù các ký tự tiếng Trung phổ biến trên các biển hiệu tại các thành phố lớn như Luang Prabang, điều này là đáng ngạc nhiên ở các thị trấn nhỏ như Phongsaly, Muang La, Nong Khiaw và Luang Namtha.

Với cá dự án phát triển gần đây của Trung Quốc ở miền bắc nước Lào, có vẻ như mục đích chính của Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten không phải là để “cùng thúc đẩy đề xuất về Một vành đai-Một con đường”, cũng không phải là “tăng cường sự hợp tác song phương” như các quan chức Trung Quốc đã nói, mà đúng hơn là để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào và các khu vực khác của Đông Nam Á.

Samuel Ku là Giáo sư và Viện trưởng của Viện nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương, Đại học Sun Yat-sen, Đài Loan.

Hình: Một cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc tại Boten. Nguồn: www.wbur.org

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]