Nguồn: Raphaël Hadas-Lebel, “France’s Citizenship Test,” Project Syndicate, 10/03/2016.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 11 năm ngoái ở Paris, đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có nên tước quốc tịch của những người bị buộc tội khủng bố hay không. Trong khi có giá trị biểu tượng đáng kể, động thái này sẽ có ít ảnh hưởng thực tế. Tuy nhiên những bất đồng sâu sắc về vấn đề này vẫn tiếp tục lấn át thảo luận về những chủ đề quan trọng hơn, như tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao – và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy.
Vấn đề tước quốc tịch được đưa ra vào ngày 16/11/2015, chỉ ba ngày sau các vụ tấn công khủng bố, khi Tổng thống François Holland công bố một loạt các biện pháp bảo vệ chống lại mối đe doạ khủng bố, bao gồm kéo dài thêm 3 tháng tình trạng khẩn cấp được ban bố trong đêm diễn ra các vụ tấn công.
Nhân dịp này, Tổng thống Hollande cũng thông báo ý định tước quốc tịch Pháp của bất kỳ cá nhân nào có hai quốc tịch – bao gồm cả những người sinh ra ở Pháp – bị tuyên là có tội “làm suy yếu lợi ích căn bản của quốc gia hoặc có hành động khủng bố.”(Trước đây, chỉ có các cá nhân có hai quốc tịch trở thành công dân Pháp thông qua nhập tịch hoặc kết hôn mới có thể bị trừng phạt như vậy).
Những cuộc thăm dò ban đầu cho thấy đa số áp đảo người Pháp ủng hộ đề xuất của Hollande. Nhưng dự luật này vấp phải sự phản đối dữ dội từ các cử tri chủ chốt của Đảng Xã hội của Hollande , đặc biệt là giới trí thức và các nhóm nhân quyền, thậm chí cả thành viên trong đảng – khiến tổng thống lâm vào một tình thế chính trị khó xử.
Vậy những lời phê bình có đúng không? Lập luận mạnh mẽ nhất của họ – rằng dự luật phân biệt đối xử giữa công dân Pháp có hai quốc tịch và một quốc tịch – không thuyết phục lắm, vì sự phân biệt đó vẫn tồn tại ở Pháp bất kể dự luật này có được thông qua hay không. Ngay cả ví dụ họ đưa ra để biện minh cho cách phê phán này – tước quốc tịch Pháp của người Do Thái trong Thế chiến II dưới chế độ Vichy – cũng chỉ mang tính hình thức. Trong khi người Do Thái phải chịu sự đàn áp khủng khiếp chỉ vì họ là người Do Thái, đề xuất của Hollande sẽ trừng phạt một nhóm cụ thể gồm những người phạm tội bị kết án.
Chắc chắn, việc tước quốc tịch đã có một lịch sử lâu dài ở Pháp. Nó được đưa ra lần đầu tiên trong một đạo luật năm 1848 nhằm trừng phạt các công dân vẫn còn tham gia buôn bán nô lệ; nhưng đạo luật đó chưa bao giờ được thực thi. Năm 1915, một đạo luật khác được ban hành, tước quốc tịch Pháp của những người gốc Đức và Áo ở Pháp có liên quan đến hành vi phản quốc hoặc bạo động chống lại nước Pháp. Đạo luật này được áp dụng trong khoảng 500 vụ, nhưng không được dùng nữa sau Thế chiến I.
Sau đó đến giai đoạn lạm dụng việc tước quốc tịch. Năm 1939, với việc Thế chiến II bùng nổ, hình phạt này được khôi phục đối với bất cứ công dân Pháp nào cư xử như công dân của một nước khác. Cho đến năm 1944, chế độ Vichy đã tước quốc tịch của 15.000 người, trong đó có 7.000 người Do Thái, và tước quốc tịch Pháp đối với 110.000 người Do Thái sống ở Algeria, lúc đó là thuộc địa Pháp. (Người Algeria được trao quốc tịch Pháp năm 1870). Năm 1945, khả năng tước quốc tịch Pháp của công dân được bổ sung vào Bộ luật Dân sự Pháp.
Tuy nhiên, ở mức độ quốc tế, hình phạt này đã bị khước từ. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được thông qua năm 1948, khẳng định rằng “mọi người có quyền có một quốc tịch,” và không ai có thể bị “tùy tiện tước đoạt” quốc tịch. Mười năm sau, Công ước New York, vốn được Pháp ký nhưng không phê chuẩn, đã rõ ràng cấm việc tước quốc tịch của cá nhân – một điểm mà chính phủ Pháp đã đưa ra bảo lưu. Năm 1998, Pháp sửa đổi bộ luật dân sự, chỉ cho phép tước quốc tịch của người có hai quốc tịch, theo đó làm cho luật Pháp phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Sự thay đổi này nằm ở gốc rễ của một lập luận thuyết phục hơn nhiều chống lại dự luật của Hollande: Do biện pháp này có thể được áp dụng với quá ít người, nó sẽ không có nhiều tác dụng răn đe. Tóm lại, dự luật này là tương đối vô nghĩa.
Tất nhiên, người ta có thể lập luận rằng, với lý lẽ như trên, có ít lý do để phản đối việc thông qua dự luật. Vấn đề là chính quyền Hollande đã đề xuất đưa các tiêu chuẩn mở rộng cho việc tước quốc tịch vào hiến pháp. Động thái này – mà một số học giả pháp lý, trong đó có cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter, cho là không cần thiết – được dự kiến nhằm đảm bảo rằng hội đồng hiến pháp Pháp hay một tòa châu Âu sẽ không thể đảo ngược nó. Và điều này làm mọi thứ khó khăn hơn nhiều cho Hollande.
Cải cách hiến pháp đòi hỏi sự ủng hộ của ba phần năm thành viên Hạ viện và Thượng viện trong một phiên họp chung. Điều này có nghĩa là, để thành công, Hollande cần có sự ủng hộ của cả đảng mình và thành viên các đảng đối lập. Và, trên thực tế, Hollande sẽ khó có thể đạt được điều này với tình hình chia rẽ sâu sắc của hai bên về vấn đề này.
Về phía Đảng Xã hội, những rạn nứt lớn đã xuất hiện, thể hiện trong quyết định từ chức trước khi phải đưa ra lập trường về dự luật của Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira. Về phía đối lập, vốn đang chiếm đa số Thượng viện, một vài thành viên, bao gồm cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, lại ủng hộ dự luật. Một số khác, ví dụ cựu Thủ tướng François Fillon, bày tỏ mối nghi ngờ sâu sắc.
Hollande đáng lẽ đã có thể theo đuổi một con đường khác, ít mâu thuẫn hơn. Quả thật, về mặt kỹ thuật, ông vẫn có thể làm vậy. Nhưng ông đã đưa ra lập trường chỉ ba ngày sau các vụ tấn công khủng bố, khi ông cảm thấy đất nước này cần một cử chỉ mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo, cho thấy quyết tâm làm tất cả những gì cần thiết để chống khủng bố – và trừng phạt thủ phạm. Ông đã không tính đến sự hỗn loạn sẽ nảy sinh trong một môi trường chính trị vốn đã chia rẽ.
Đến thời điểm này, gần như Hollande sẽ không thể đảo ngược – hoặc thậm chí mềm hóa – lập trường của mình mà không bị cho là yếu đuối. Bất chấp sự nhạy bén chính trị nổi tiếng của mình, Hollande đã rơi vào một cái bẫy chính trị mà sẽ không ai thoát ra được mà không bị tổn thương, bất kể số phận của dự luật ra sao.
Raphaël Hadas-Lebel, tác giả cuốn Hundred and One Words about the French Democracy, là Chủ tịch danh dự tại Hội đồng Nhà nước Pháp và là cựu giáo sư tại Học viện Chính trị Paris.
Copyright: Project Syndicate 2016 – France’s Citizenship Test
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]