Hồi kết cho toàn cầu hóa?

topic-globalization

Nguồn: Daniel Gros, “The End of Globalizaton?”, Project Syndicate, 08/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc vừa công bố rằng năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa kinh tế với thế giới từ cuối những năm 1970, xuất khẩu của nước này đã giảm so với năm trước. Và đó chưa phải là tất cả; xét trên khía cạnh giá trị, thương mại toàn cầu đã suy giảm trong năm 2015. Hiển nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao?

Dù thương mại toàn cầu cũng từng suy giảm vào năm 2009, nhưng lý giải cho việc đó lại rất rõ ràng: thế giới đã trải qua sự sụt giảm mạnh về GDP vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào năm ngoái kinh tế thế giới đã tăng trưởng đáng kể, đạt mức 3%. Hơn nữa, các rào cản thương mại đã không gia tăng rõ rệt ở nơi nào cả, cộng thêm chi phí vận chuyển giảm xuống do sự sụt giảm mạnh của giá dầu.

Đáng chú ý là chỉ số nổi tiếng Baltic Dry Index, dùng để đo lường chi phí thuê những con tàu lớn vốn vận chuyển phần lớn hàng hóa đường dài, đã tụt xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy các thị trường không kỳ vọng vào một sự phục hồi, đồng nghĩa với việc các dữ liệu của năm 2015 có thể dự báo trước một thời kỳ thương mại chững lại mới. Một kết luận rõ ràng là những lực đẩy từng không thể cưỡng lại được của toàn cầu hóa đang giảm bớt sức nóng.

Tình hình hiện tại ở Trung Quốc đã nói lên tất cả. Trong những thập niên gần đây, từ khi trở thành nền kinh tế có trao đổi thương mại hàng đầu của thế giới, Trung Quốc đã làm biến đổi hệ thống thương mại toàn cầu. Vào thời điểm này giá trị của cả nhập khẩu và xuất khẩu (của Trung Quốc) đều tụt giảm, mặc dù nhập khẩu giảm nhiều hơn, chủ yếu là do sự sụt giảm của giá cả hàng hoá cơ bản trên thế giới.

Trên thực tế, giá cả hàng hóa cơ bản là chìa khóa để thấu hiểu những khuynh hướng thương mại trong vài thập niên qua. Khi giá cả cao, chúng thúc đẩy thương mại gia tăng – tới mức đẩy tỉ lệ thương mại trong GDP tăng lên – điều dẫn tới quan điểm cường điệu về những tiến bộ tất yếu của toàn cầu hóa. Nhưng trong năm 2012, giá cả hàng hóa cơ bản bắt đầu tuột dốc, nhanh chóng kéo thương mại xuống theo.

Giả sử rằng cần một tấn thép và mười thùng dầu để sản xuất ra một chiếc ô tô. Trong giai đoạn 2002- 2003, toàn bộ số nguyên liệu thô trên trị giá khoảng 800 đô la, tức khoảng 5% giá trị của một chiếc ô tô có giá 16.000 đô la. Điều này hàm ý rằng, trong giai đoạn đầu những năm 2000, các nước công nghiệp phải xuất khẩu năm chiếc ô tô để đạt được giá trị tương ứng với một trăm lần số nguyên liệu như trên mà họ đã nhập về.

Đến giai đoạn 2012-2013, giá trị của các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất một chiếc ô tô đã tăng lên tới gần 2.000 đô la, tức khoảng 10% chi phí của cùng một chiếc ô tô như trên (giá ô tô có tăng nhưng với một mức độ thấp hơn).

Kết quả là các nước công nghiệp đã phải xuất khẩu gấp đôi, tức là mười chiếc ô tô mới tương ứng với cùng một lượng nguyên liệu thô được nhập khẩu như trên.

Rõ ràng, có một mối liên hệ trực tiếp giữa các khuynh hướng trong thương mại và giá cả hàng hóa cơ bản (xem hình). Do mối liên quan này ảnh hưởng đến tất cả các loại hàng hóa chế tạo đòi hỏi đầu vào là nguyên liệu thô, cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi giá cả hàng hóa cơ bản sụt giảm thì thương mại toàn cầu cũng sẽ sụt giảm theo.

Người ta có thể lập luận rằng ví dụ trên chỉ quan tâm tới giá trị của thương mại, và rằng trong những thập niên gần đây, tăng trưởng thương mại tính theo khối lượng cũng đã vượt trội so với tăng trưởng GDP thực tế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa cơ bản cũng tác động đến khối lượng thương mại, vì giá cả hàng hóa cơ bản cao buộc các nước công nghiệp phải gia tăng khối lượng xuất khẩu của họ (mười chiếc xe thay vì năm, như trong ví dụ đã đưa ra), để trang trải chi phí cho cùng một khối lượng nguyên liệu thô được nhập khẩu.

Do thực phẩm, nhiên liệu và nguyên liệu cấu thành khoảng một phần tư tổng thương mại toàn cầu, khi giá cả của chúng biến động – nhất là nếu mạnh mẽ như trong những thập niên gần đây – thì các số liệu về tổng thương mại rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng. Chỉ riêng sự sụt giảm mạnh của giá cả hàng hóa cơ bản trong giai đoạn gần đây đã đủ để lý giải cho sự trì trệ trong tăng trưởng thương mại.

Điều này không có nghĩa rằng toàn cầu hóa và thương mại là một. Toàn cầu hóa đòi hỏi nhiều đặc tính khác, bao gồm cả sự tăng vọt trong các giao dịch tài chính xuyên quốc gia và du lịch, trao đổi dữ liệu, và các hoạt động kinh tế khác. Trên thực tế, những mối liên kết này có tác động trở lại thương mại khi chúng kích hoạt cho sự xuất hiện của các chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó các công đoạn khác nhau trong một quá trình sản xuất được tiến hành tại nhiều quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên hiện tượng này đã được đánh giá quá cao. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, giá trị gia tăng từ yếu tố nước ngoài chỉ chiếm khoảng 15% giá trị xuất khẩu đối với hầu hết các nền kinh tế lớn, như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Nói cách khác, các chuỗi giá trị toàn cầu chỉ có tác động rất nhỏ tới những nền kinh tế có quy mô giao thương lớn.

Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất. Với vị trí như một trạm lắp ráp các sản phẩm trên toàn thế giới, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã nhập khẩu hầu hết các phần có giá trị gia tăng cao nhất của các hàng hoá đó. Nhưng khi cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc chín muồi hơn – những chiếc iPhone được lắp ráp tại đây hiện nay chứa nhiều bộ phận được sản xuất tại chính đất nước này hơn so với thời điểm chỉ vài năm trước – Trung Quốc sẽ bám đuổi Mỹ và EU sát hơn xét trên phương diện giá trị gia tăng, chứ không phải theo hướng ngược lại. Đây là một nguyên nhân nữa có thể sẽ làm giảm bớt tầm quan trọng của thương mại.

Khi một điều gì đó được cường điệu hóa một cách rộng rãi, hầu như luôn có một lý do thực sự đằng sau nó. Hầu hết các nền kinh tế hiện nay đã mở cửa hơn nếu so với thế hệ trước. Nhưng hiện tại rõ ràng là việc xem toàn cầu hóa như một lực lượng áp đảo và không thể lay chuyển được đã phản ánh rất rõ những tác dụng phụ từ sự bùng nổ giá cả hàng hóa cơ bản trong thập niên trước. Nếu giá cả vẫn duy trì ở mức thấp, như chiều hướng gần đây cho thấy, thương mại toàn cầu trong thập niên tới có thể vẫn tiếp tục trì trệ, trong khi mô hình thương mại sẽ “tái cân bằng”, nghiêng từ các nền kinh tế mới nổi sang các cường quốc công nghiệp lâu đời.

Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu cũng như Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông là  biên tập viên của tờ Economie Internationale và tạp chí International Finance.

Copyright : Project Syndicate 2016 – The End of Globalizaton?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]