Toàn cầu hóa có thực sự thúc đẩy chủ nghĩa dân túy?

Print Friendly, PDF & Email

Map and stethoscope, possible illustration for pandemic of aids,"pig flu", smoking or or maybe for global warming and ozone holes

Nguồn: Daniel Gros, “Is Globalization Really Fuelling Populism?”, Project Syndicate, 06/05/2016

Biên dịch: Đặng Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, chủ nghĩa dân túy của cánh tả và cánh hữu đang trên đà gia tăng. Người đại diện dễ thấy nhất ở Mỹ chính là Donald Trump, người được cho sẽ là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ở Châu Âu có rất nhiều thành phần, từ đảng cánh tả Podemos của Tây Ban Nha đến Đảng Mặt trận Quốc gia thuộc cánh hữu của Pháp, nhưng tất cả đều cùng phản đối những đảng trung dung và các đảng phái dòng chính nói chung. Vậy điều gì lí giải cho sự nổi dậy ngày càng tăng của các cử tri chống lại nguyên trạng hiện nay?

Lời giải thích phổ biến là chủ nghĩa dân túy ngày càng gia tăng đồng nghĩa với sự nổi dậy của “những kẻ thất bại trước tiến trình toàn cầu hóa”. Bằng việc theo đuổi các vòng đàm phán liên tục về tự do hóa thương mại, thì theo logic, các nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu đã gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất trong nước, cắt giảm số công việc được trả lương cao sẵn có cho các công nhân có kỹ năng thấp, những người mà bây giờ buộc phải lựa chọn hoặc thất nghiệp kéo dài, hoặc chấp nhận những công việc lương thấp trong ngành dịch vụ. Cảm thấy chán nản, những người công nhân đó hiện nay được cho là đang chối bỏ các chính đảng dòng chính vì đã dẫn dắt “dự án dành cho giới tinh hoa” này.

Ban đầu, lời giải thích này có vẻ như khá thuyết phục. Đúng là toàn cầu hóa đã chuyển đổi một cách cơ bản các nền kinh tế, chuyển những công việc giản đơn đến các nước đang phát triển – đây là điểm mà các nhà dân túy luôn luôn muốn nêu bật.

Hơn nữa, trình độ giáo dục tương quan sâu sắc với thu nhập và tình hình thị trường lao động. Gần như ở tất cả mọi nơi, những người có bằng đại học ít có khả năng thất nghiệp hơn nhiều so với những người không có bằng tốt nghiệp trung học. Ở châu Âu, trung bình những người có bằng đại học sẽ dễ kiếm việc hơn gấp 3 lần người không học xong trung học. Giữa những người có việc thì tính tổng cộng những người có bằng đại học sẽ kiếm được mức thu nhập cao hơn nhiều so với những người cùng vị trí mà trình độ thấp hơn.

Nhưng nếu những nhân tố trên lí giải cho sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, thì chúng chắc hẳn phải trở nên tồi tệ hơn vào những năm gần đây, với các lao động kỹ năng thấp có điều kiện và triển vọng xấu đi rất nhanh so với những người đồng cấp có kỹ năng cao. Và đây đơn giản không phải là những gì diễn ra trong thực tế, nhất là ở châu Âu.

Thực tế, trình độ giáo dục cao hơn sẽ mang lại những lợi ích đáng kể trên thị trường lao động trong thời gian dài. Đánh giá từ những số liệu có sẵn, mức tiền lương phụ trội trả cho các công nhân làm những công việc yêu cầu trình độ giáo dục cao hơn vẫn được giữ ở mức cố định ở châu Âu trong suốt thập niên vừa qua. Dù con số này đã tăng ở một vài nước (như Đức hay Ý) thì nó đã giảm ở các các nước khác (Pháp, Tây Ban Nha và Anh). Sự khác biệt về tỷ lệ có việc của lao động trình độ cao và lao động trình độ thấp vẫn giữ ở mức tương đối ổn định, và thực tế thì những lao động trình độ thấp đang rút ngắn khoảng cách (so với những người có trình độ cao) trong vài năm trở lại đây.

So sánh giữa các xu hướng ở Mỹ và châu Âu càng làm suy yếu lập luận “những kẻ thất bại trước tiến trình toàn cầu hóa” (khiến chủ nghĩa dân túy gia tăng). Mức lương phụ trội (cho người có tay nghề cao) ở Mỹ (300-400%) lớn hơn đáng kể so với ở châu Âu (50-80%). Những số liệu khác về thị trường lao động như tỉ lệ thất nghiệp cũng có mẫu hình tương tự. Chúng chỉ ra rằng trình độ cao có giá trị cao hơn ở thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ ít mở hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thương mại hơn so với nền kinh tế châu Âu.

Luận điểm cuối cùng đánh bại lập luận sự gia tăng chủ nghĩa dân túy ở châu Âu là do toàn cầu hóa là thực tế rằng tỉ lệ những lao động kỹ năng thấp (những người không hoàn thành chương trình trung học) đang giảm đi đáng kể. Đầu thế kỷ, lao động kỹ năng thấp nhiều hơn 50% lượng lao động tốt nghiệp đại học. Hiện nay, số lượng người tốt nghiệp đại học gần như vượt lượng lao động kỹ năng thấp trong lực lượng lao động; và theo logic thông thường, số lượng những cử tri ủng hộ các đảng chống toàn cầu hóa đáng ra phải giảm đi.

Một lời giải thích rõ ràng về mặt kinh tế cho một hiện tượng chính trị phức tạp chắc chắn là sẽ rất hấp dẫn. Nhưng những lời giải thích này hiếm khi chính xác. Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy ở châu Âu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Hãy xem xét tình hình ở Áo. Nền kinh tế tương đối mạnh, được củng cố bởi việc là một trong những nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, Norbert Hofer, lãnh đạo Đảng Tự do (FPO) – một đảng dân túy cánh hữu –  đã đánh bại các đổi thủ của ông đến từ cả hai đảng trung dung dòng chính trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống tháng 4/2016. Vấn đề mà Hofer chú trọng vào chính là vấn đề người nhập cư.

Sức lôi cuốn từ luận điệu phản đối người nhập cư của Hofer đã nói lên tất cả, và phản chiếu những mẫu hình tương tự trên khắp vùng Bắc Âu. Đối với một nền kinh tế đang tương đối ổn định, mức lương thực tế gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, những bất bình về ảnh hưởng kinh tế của toàn cầu hóa kinh tế không thể có sức mạnh đến vậy. Thay vào đó, những đảng dân túy cánh hữu như FPO, Đảng Người Phần Lan Đích thực, và Đảng Lựa chọn Thay thế của Đức đang tận dụng thủ đoạn chính trị bản sắc, đánh vào sự sợ hãi và sự vỡ mộng của người dân – từ vấn đề người nhập cư nguy hiểm tới việc đánh mất chủ quyền vào tay Liên Minh châu Âu – để thổi bùng lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Tuy nhiên, ở những nước Nam Âu, ảnh hưởng lâu dài của cuộc khủng hoảng đồng euro khiến các lập luận kinh tế của những nhà dân túy trở nên có sức nặng hơn. Đó là lí do vì sao các đảng dân túy cánh tả đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn ở khu vực này. Họ mang đến những lời hứa hẹn như các khoản giảm thuế cho những người lao động lương thấp. Trường hợp điển hình nhất là Đảng Syriza cánh tả ở Hy Lạp, đảng đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái với lời hứa sẽ chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng. (Tất nhiên, khi đã nắm được quyền lực, Đảng Syriza buộc phải thay đổi giọng điệu và thực thi những chính sách phù hợp với thực tế.)

Nếu gọi sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu là một cuộc nổi dậy của những kẻ thất bại trước tiến trình toàn cầu hóa thì không chỉ là đơn giản hóa vấn đề mà còn sai lầm. Nếu chúng ta muốn ngăn cản sự gia tăng của các lực lượng chính trị nguy hiểm tiềm tàng ở châu Âu, chúng ta cần hiểu được điều gì đang thực sự thúc đẩy sự gia tăng đó, kể cả khi lời giải thích đó phức tạp hơn là những gì chúng ta muốn.

Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu cũng như Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông là  biên tập viên của tờ Economie Internationale và tạp chí International Finance.

Copyright : Project Syndicate 2016 – Is Globalization Really Fuelling Populism?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]