Nguồn: Sergei Guriev, “A Russian Fire-Sale Privatization”, Project Syndicate, 01/03/2016.
Biên dịch: Đặng Phương Hoa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bị bóp nghẹt bởi sự giảm sút giá dầu và cấm vận của phương Tây, vị thế tài khóa của Nga đang nhanh chóng sụp đổ, khiến chính phủ nước này phải áp dụng những biện pháp ngày càng mạnh tay hơn nhằm kiềm chế sự gia tăng thâm hụt ngân sách. Chi tiêu của chính phủ năm nay đã được cắt giảm tới 8% tính theo giá trị thật nếu so với năm 2015 – một mức cắt giảm lớn nhưng chưa đủ để cân bằng ngân sách. Thực tế, nếu giá dầu vẫn giữ nguyên mức 30-35 đô la một thùng (dự toán ngân sách Nga năm nay dựa trên dự báo giá dầu trung bình ở mức 50 đô la), thì mức thâm hụt ngân sách của Nga sẽ ở mức 6% GDP. Với “quỹ dự phòng” chỉ bằng khoảng 4,5% GDP và sự tiếp cận hạn chế với các thị trường tài chính quốc tế, Nga cần khẩn cấp một Kế hoạch B cho ngân sách.
May mắn thay chính phủ Nga hiện đã thừa nhận điều này. Trong tháng 1 vừa qua, chính quyền đã thông báo cắt giảm thêm chi tiêu trị giá 1% GDP. Quan trọng hơn, chính phủ sẽ tạo thêm ngân sách tương đương 1,5% GDP – tức 1 nghìn tỷ rúp (13 tỷ USD) – bằng cách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các doanh nghiệp con cưng như hãng Rosneft (công ty dầu lớn nhất của Nga), công ty độc quyền kinh doanh kim cương Alrosa, và hãng hàng không quốc gia Aeroflot.
Chắc chắn là Tổng thống Vladimir Putin đã vạch ra một số biện pháp hạn chế quan trọng đối với những vụ tư hữu hóa tiềm năng này: chính phủ sẽ không bán cổ phần đa số; các giao dịch không được tài trợ bởi các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh; và người mua không được đăng ký mua nếu họ nằm ngoài quyền tài phán của nước Nga. Nói cách khác, kế hoạch tư hữu hóa này có thể là một bước đi quan trọng trong việc kiềm chế mức sở hữu quá mức của nhà nước ở Nga, nơi mà chính phủ thực hiện quyền quản lý kinh tế cao nhất của mình trong mảng năng lượng, khai thác mỏ, ngành chế tạo, phát điện, dịch vụ tài chính, và giao thông vận tải.
Nga đã từng nói về một đợt tư hữu hóa mới trước đây. Trong nhiệm kỳ của mình, Dmitri Medvedev đã từng cam kết sẽ đảo ngược sự bành trướng của các công ty quốc doanh giữa những năm 2000 và tư hữu hóa các công ty “không chiến lược”. Người kế nhiệm Medvedev (và cũng là người tiền nhiệm) là Putin đã nhắc lại những lời hứa đó vào năm 2012. Ngày đầu tiên sau khi nhậm lại chức Tổng thống, Putin đã ký một nghị định về “Chính sách kinh tế nhà nước dài hạn” vốn yêu cầu tư hữu hóa hoàn toàn các tài sản quốc gia – trừ các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, và các công ty quốc phòng – trước năm 2016.
Rõ ràng, những hứa hẹn đó đã không được thực hiện. Nếu chúng được thực hiện thì Nga hiện đã phải có được rất nhiều tiền từ việc tư hữu hóa. Nếu tính cho cùng, trong năm 2012 và 2013, tổng giá trị tài sản tính theo đô-la đã cao hơn gấp đôi giá trị hiện nay của chúng. Các hạn chế đối với quyền sở hữu của người nước ngoài và việc cho vay bởi các ngân hàng quốc doanh (vốn chi phối hệ thống tài chính Nga) có thể khiến doanh thu từ việc tư hữu hóa xuống thấp hơn nữa.
Igor Sechin, Tổng Giám đốc của Rosneft, đã kiến nghị rằng ông muốn hoãn việc tư hữu hóa công ty này cho tới khi giá dầu tăng lên khoảng 100 đô la một thùng. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Putin (đồng nghiệp thời KGB). Và Putin, người tuyên bố việc tư hữu hóa vẫn là điều tốt kể cả khi giá cả đang ở mức thấp (nhờ hiệu quả của các doanh nghiệp gia tăng), có vẻ như đã sẵn sàng triển khai mệnh lệnh.
Việc Putin khăng khăng rằng chính phủ vẫn phải nắm cổ phần chi phối tại các công ty nhà nước đã giúp giành được sự hợp tác từ các Tổng Giám đốc như Sechin do điều này làm xoa dịu lo ngại của các nhà quản lý đương nhiệm rằng sẽ có sự thay đổi lãnh đạo của các công ty. Tất nhiên, cách làm này sẽ làm suy yếu tác động cấu trúc của các kế hoạch tư hữu hóa; nhưng ngay cả việc bán cổ phần thiểu số vẫn hứa hẹn sẽ cải thiện sự minh bạch và quản trị doanh nghiệp.
Nói như vậy không có nghĩa là doanh thu từ tư hữu hóa là không quan trọng. Ngược lại, nếu tư hữu hóa không giúp tăng ngân sách hoặc tăng hiệu quả của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ coi biện pháp này là bất hợp pháp. Lúc đó, chính phủ có thể sẽ dựa vào sự ủng hộ của công chúng để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của các cổ đông mới thông qua quốc hữu hóa, đánh thuế quá mức hoặc qua quy định điều tiết.
Đoán trước kết quả như vậy, các cổ đông mới có thể sẽ cố cất giấu các khoản doanh thu thay vì đầu tư vào công ty, điều sẽ dần làm giảm tính hiệu quả đạt được và dần sẽ tạo ra một vòng xoáy mất niềm tin của người dân đối với tư hữu hóa. Thực tế, dự đoán này có thể đã đủ mạnh tới mức làm giảm sự sẵn lòng của các nhà đầu tư trong việc trả giá cao cho các gói cổ phần thiểu số (có lẽ ngoại trừ những người tay trong có quan hệ chính trị giúp tránh được việc tài sản bị sung công).
Một đặc điểm khác trong môi trường kinh tế vốn có thể làm giảm doanh thu từ tư hữu hóa là việc Mỹ và các nước Châu Âu trừng phạt Nga – những biện pháp có thể được thắt chặt nếu tình trạng thù địch leo thang. Theo nghĩa đó, thành công của đợt tư nhân hóa tiếp theo phụ thuộc vào việc Nga kết nối lại với phần còn lại của thế giới.
Một yếu tố quan trọng khác có thể giúp thúc đẩy hoặc phá hoại các nỗ lực tư hữu hóa của Nga là sức mạnh và chất lượng của các thể chế pháp lý nước này. Nếu chính phủ thực hiện cải cách cơ cấu nhằm tăng cường bảo bệ quyền sở hữu tư nhân và nền pháp quyền, các cổ đông khi đó mới có thể kỳ vọng được hưởng lợi nhuận cao hơn, từ đó họ sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các tài sản. Chính điều này sẽ giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của giá tài sản thấp và tính hợp pháp thấp của sở hữu tư nhân.
Nga sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kế hoạch tư hữu hóa. Thế nhưng, nếu không có các cải cách thể chế, đợt tư hữu hóa lần này có thể sẽ giống như đợt tư hữu hóa những năm 1990, khi các mức giá quá thấp đã ngăn chính phủ không thể giải quyết được các vấn đề ngân sách hay thiết lập tính hợp pháp cho tài sản tư nhân. Và bằng cách không tư nhân hóa các cổ phần đa số, chính phủ có thể cũng sẽ thất bại trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp quốc doanh.
Sergei Guriev nguyên là hiệu trưởng của Trường Kinh tế Mới ở Moskva, và hiện là Giáo sư Kinh tế tại Học viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po).
Copyright: Project Syndicate 2016 – A Russian Fire-Sale Privatization
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]