Phương Tây chuẩn bị tái can thiệp quân sự vào Libya?

civil war

Nguồn:Vers une nouvelle intervention en Libye?”, Le Monde Diplomatique, 02/2016.

Biên dịch: Vương Thanh Thủy

Sau khi thỏa thuận giữa các Nghị viện đối địch nhau được kí kết, việc thành lập một chính phủ liên hiệp quốc gia đã mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya. Cuộc can thiệp quân sự nhằm chống lại Tổ chức Nhà nước hồi giáo này có nguy cơ làm gia tăng bạo lực và khiến đối thoại vốn rất mong manh giữa các phe phái đối lập ở đất nước này đổ vỡ.

Việc kí kết hôm 17/12 một thỏa thuận hòa giải dân tộc giữa đại diện của hai Nghị viện Libya tại Skhirat, Maroc, dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã mở đường cho việc thành lập một chính phủ liên hiệp quốc gia gồm 32 bộ trưởng do doanh nhân gốc Tripoli Fayez Sarraj lãnh đạo. Điều này đã chứng tỏ tính đúng đắn của cuộc đối thoại bắt đầu từ tháng 9/2014.

Bất chấp những căng thẳng giữa các chính thể và phe phái đối lập, đa phần những đối thủ mà cách đây một năm còn từ chối gặp nhau thì nay đã chấp nhận nhượng bộ. Ngay cả những phần tử cực đoan nhất của hai phe cũng không bác bỏ ý tưởng về một cuộc hòa giải. Mặc dù còn nhiều bất cập song chính sách “từng bước một” của Liên Hợp Quốc kết hợp với nhiều sáng kiến của các tổ chức địa phương ở phía tây Libya nhằm thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin đã giúp giảm thiểu rõ rệt mức độ bạo lực.

Bất chấp những gì người ta nhìn thấy bên ngoài, thậm chí truyền thông phương Tây thường dùng từ “hỗn loạn” để nói về Libya thì trên thực tế các phe phái đối lập ở đất nước này đã nói chuyện với nhau. Ở đất nước mà một chút bình thường trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể nhanh chóng biến thành xung đột này, rất đông người dân ủng hộ đối thoại và gây sức ép lên các nhà chức trách địa phương của họ để những người này tìm cách vãn hồi hòa bình.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngày 17/12, hòn đá tảng trong tiến trình hòa giải, vấp phải hai thách thức rất lớn: thiếu tính đại diện của các bên kí kết và nó dường như chỉ được kí – trong trạng thái cấp bách và dưới sức ép mạnh mẽ của các cường quốc châu Âu – nhằm cho phép một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây chống lại các nhóm du kích và vũ trang trung thành với Tổ chức Nhà nước hồi giáo.

Từ hai năm nay, không có tuần nào mà các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mĩ, Pháp, Anh và thậm chí cả Ý không khẳng định về tính cấp thiết của một cuộc can thiệp quân sự như vậy. Ngay từ ngày 27/1/2014, đô đốc hải quân Pháp Edouard Guillaud, khi đó là tổng tư lệnh bộ tham mưu quân đội đã tuyên bố: “Ở Libya, lí tưởng nhất là tiến hành một chiến dịch quốc tế. Vấn đề của miền Nam Libya là cần có một Nhà nước ở miền Bắc.” Điều đó có nghĩa là cần can thiệp vào miền Nam để đánh bại các nhóm vũ trang đã rời miền Bắc Mali sau cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào nước này.

Mùa xuân năm 2015, sau những vụ đắm tàu liên tiếp của các tàu chở người nhập cư từ Libya, Liên minh Châu Âu đã tiến hành chiến dịch hải quân “Sophia”. “Sẽ chỉ có kết quả cuối cùng khi chúng ta có thể làm việc ở gần các mạng lưới (buôn người) này hơn, bắt được những con cá lớn chứ không phải là những con cá nhỏ sẽ bơi ra biển”, chuẩn đô đốc Pháp Hervé Bléjean, người chỉ huy thứ hai trong chiến dịch này, nhận định hôm 27/10/2015 ở Rome. “Có nghĩa là đến một lúc nào đó, cần phải làm việc trong không gian chủ quyền của Libya.” Các biện pháp tương đương với giai đoạn thứ ba của chiến dịch Sophia này chỉ có thể thực hiện được trong khuôn khổ một chính quyền hợp pháp ở Libya; một thỏa thuận mà Nghị viện ở Tobrouk được các nước phương Tây công nhận luôn từ chối đưa ra, khác biệt hẳn với Nghị viện ở Tripoli.

“Hoàn thành công việc”

Sau đó, các vụ tấn công hôm 13/11 tại Paris lại làm dấy lên ý tưởng về một cuộc can thiệp quốc tế vào Libya. Mặc dù những kẻ sát nhân, tất cả đều mang quốc tịch Pháp và Bỉ, đã không hề lưu trú tại đất nước này, song “cuộc chiến chống khủng bố” mới do tổng thống François Hollande phát động đã đưa vào danh sách lãnh thổ Libya nơi có các nhóm du kích trung thành với Tổ chức Nhà nước hồi giáo tại các thành phố Derna (phía Đông) và Syrte (Trung Tây). Ngày 21 và 23/11/2015, các máy bay chiến đấu Rafale đã cất cánh từ tàu sân bay Charles-de-Gaulle và thực hiện các chuyến bay trinh sát trên bầu trời thành phố Syrte. Các nhóm vũ trang với quân số ước tính lên đến vài trăm người chiếm giữ thành phố và thường xuyên tổ chức những cuộc tấn công, đặc biệt là vào các cơ sở dầu mỏ.

Vài ngày sau, thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định: “Không thể phủ nhận Libya sẽ là một hồ sơ lớn trong những tháng tiếp theo”; rồi “Cần phải đánh bại Daech (tên viết tắt của Tổ chức Nhà nước hồi giáo bằng tiếng Ả-rập) vì có thể ngày mai chúng sẽ xuất hiện ở Libya. Trong một bài báo có tiêu đề “Daech: Liệu nước Pháp có can thiệp quân sự một lần nữa vào Libya?”, báo Le Figaro ngày 22/12 dẫn lời một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng chỉ rõ hơn: “Để xóa sổ khối u ung thư Daech và những di căn của nó ở Libya, cần có một cuộc can thiệp quân sự trong vòng 6 tháng tới, thậm chí trước mùa xuân.”

Các chuyên gia về chiến lược, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và những người ủng hộ triệt để việc can thiệp quân sự, những người từ năm 2011 đã dự đoán về sự sụp đổ của chế độ Mouammar Kadhafi chỉ trong vài ngày để nhường chỗ cho dân chủ, thay phiên nhau giải thích trên truyền thông về sự cần thiết của việc tấn công quân sự. Năm năm sau cuộc tấn công quân sự của Tổ chức Hiệp ước bắc Đại Tây Dương, cần phải “hoàn thành công việc” – một luận điệu của những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ Mỹ nhằm lí giải cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Một số người còn khẳng định sự cần thiết của việc đặt đất nước này dưới sự bảo trợ để thiết lập một chính phủ xứng đáng với tên gọi của nó.[1]

Nhằm tuân thủ luật pháp quốc tế, cuộc can thiệp này phải được kêu gọi bởi những thể chế được công nhận rộng rãi. Việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, hợp pháp trong mắt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là tiền đề để kêu gọi cứu trợ. Đặc phái viên mới của Tổng thư kí Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao Đức Martin Kobler, đã rất nỗ lực vì mục tiêu này kể từ khi nhậm chức hồi giữa tháng 11. Ngày 6/12 khi giữa hai Nghị viện Libya không đạt được sự đồng thuận nào, ông đã tuyên bố trên kênh truyền hình Qatar Al-Jazira: “Đã đến lúc cần nhanh chóng thông qua thỏa thuận chính trị Libya. Tàu đã rời ga.” Điều đó có nghĩa hoặc là thực hiện đề xuất, hoặc là buông bỏ. Thông điệp này được gửi tới hai Nghị viện đối đầu nhau nhưng cùng mong muốn thông qua việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Mong muốn thành lập chính phủ liên hiệp bằng mọi giá của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu bất chấp những phản đối đã được khẳng định hôm 13/12/2015 trong hội nghị quốc tế về Libya do ngoại trưởng Mỹ và Ý đồng chủ trì. Thông cáo cuối cùng của hội nghị này đã trao cho chính phủ hợp nhất dân tộc tương lai, dù chưa thành lập, tư cách là “chính phủ hợp pháp duy nhất” ở Libya.

Các chuyên gia nghiên cứu về Libya đều thể hiện thái độ dè chừng và các trung tâm nghiên cứu có uy tín trong đó có International Crisis Group (do cựu phó Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc phụ trách các chiến dịch gìn giữ hòa bình Jean-Marie Guéhenno điều hành) cũng cảnh báo về việc vội vã đạt được một thỏa thuận mà sẽ không được nhiều phe phái nhất có thể ở Libya thông qua.[2] Điều đó cũng không quan trọng: ông Kobler đã nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận bằng mọi giá. Ngày 15/12, ông này đã hội đàm với tướng Khalifa Haftar, tổng tư lệnh quân đội Libya đặt ở Cyrénaïque và đối lập với chính phủ ở Tripoli. Ông Kobler đã đưa ra những đảm bảo về tương lai cho vị tướng này với tư cách người đứng đầu quân đội.

Theo yêu cầu của những người chủ xướng hội nghị Rome, điều 39.2 thỏa thuận giữa các phe phái Libya hôm 17/12 qui định trong lĩnh vực an ninh, chính phủ tương lai có quyền “kêu gọi sự hỗ trợ cần thiết của Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế và các tổ chức khu vực có thẩm quyền”. Ngày 23/12, nghị quyết 2259 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, do Anh đề xuất và đã được thông qua, cũng đã thông qua qui định này đồng thời nhắc lại rằng tình hình ở Libya “là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Điều 12 nghị quyết này “khuyến khích các quốc gia thành viên giúp đỡ chính phủ hòa giải dân tộc một cách nhanh nhất, khi chính phủ này yêu cầu, nhằm đối phó với những mối đe dọa đến an ninh của Libya và giúp đỡ một cách tích cực chính phủ mới nhằm đánh bại Tổ chức Nhà nước hồi giáo, các nhóm hỗ trợ tổ chức này, Ansar Al-Charia và tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hợp tác với Al-Qaida đang hoạt động ở Libya”.

Trên giấy tờ, đòi hỏi của các cường quốc phương Tây tham gia hội nghị Rome đã được đáp ứng, cơ sở pháp lý cho một cuộc tấn công quân sự đã có đủ. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận này và việc thành lập chính phủ mới có nguy cơ tạo ra sự rạn nứt và làm gia tăng bạo lực. Nhiều nghị sĩ của nghị viện phía Đông không thông qua thỏa thuận hòa giải dân tộc Skhirat; trong khi đó tại lễ kí thỏa thuận ở Maroc nghị viện Tobrouk chỉ có 75 trên tổng số 188 đại diện dân cử. Mặc dù ở Cyrénaïque, tướng Haftar đã tuyên bố công nhận chính phủ hòa giải dân tộc nhưng ít có khả năng ông này ngừng đối đầu với các đối thủ chính trị ở Tripoli. Về phần Ibrahim Jadhran, một nhân vật quyền lực khác ở nghị viện phía Đông và là người đứng đầu Đội bảo vệ các cơ sở dầu lửa – các nhóm tự vệ hùng mạnh của Đội này đã đối đầu với các nhóm du kích của Tổ chức Nhà nước hồi giáo tại vịnh Syrte – ông này ủng hộ thỏa thuận nhưng lại chỉ trích tướng Haftar và quân đội quốc gia đang trong giai đoạn thai nghén của ông ta vô hình trung đang làm lợi cho Tổ chức Nhà nước hồi giáo khi không ưu tiên chống lại tổ chức này.

Tuy nhiên, vấn đề chính lại nằm ở nghị viện phía Tây. Chỉ có 26 trên tổng  số 136 nghị sĩ của Nghị viện Tripoli cũ tham dự vào lễ kí thỏa thuận Skhirat. Tổng số nghị sĩ ủng hộ chính phủ hòa giải dân tộc là dưới 75 người. Một số người phản đối thỏa thuận này như Abdelkader Al-Huweïli nhìn nhận đây là một “âm mưu của nước ngoài chống lại Libya”. Trong khi một số nhóm dân quân như Zintan, Misrata và Zaouia đồng ý “bảo vệ” chính phủ mới thì bốn nhóm dân quân mạnh nhất ở thủ đô lại tuyên bố phản đối cơ quan này. Các nhóm dân quân ở Misrata thành viên Mặt trận cứng rắn (Jabhat Al-Sumud) của Salah Badi cũng thể hiện sự thù địch của mình. Lãnh tụ tinh thần của Libya Sadek Al-Ghariani khẳng định thỏa thuận do nước ngoài áp đặt này “không phù hợp với các nguyên tắc Hồi giáo”. Lập trường của một số nhân vật có ảnh hưởng ở Misrata phản đối bản thỏa thuận hiện tại, trong đó có ông Abdelrahman Suweihli, phụ thuộc vào sự quyết tâm và khả năng đáp ứng các đòi hỏi từ phía họ của ông Kobler. Họ mong muốn rằng Quốc hội cũ được bầu từ năm 2012 có tiếng nói lớn hơn để làm đối trọng với nghị viện ở Tobrouk, cơ quan mà theo thỏa thuận nói trên sẽ đóng vai trò là cơ quan lập pháp chính. Hơn nữa, phần lớn các nghị sĩ của nghị viện phía Tây không ủng hộ việc chỉ định tướng Haftar làm người đứng đầu quân đội.

Sự thù địch của dân chúng

Đạt được thỏa thuận một cách gấp rút nên không làm hài lòng nhiều đối tượng có thế lực ở Libya, đó là canh bạc của Liên Hợp Quốc nhưng việc này có nguy cơ dẫn đến một sự bế tắc mới. Để tránh bế tắc, Liên Hợp Quốc đáng lẽ phải tỏ ra mềm mại hơn bằng cách đàm phán với các phe phái chưa công nhận nhau cũng như mở ra một cuộc đối thoại an toàn với các chủ thể chính trị-quân sự địa phương và thủ lĩnh các nhóm du kích. Nếu không tình hình sẽ giống hồi tháng 8/2014 khi “cộng đồng quốc tế” công nhận Nghị viện Tobrouk là đại diện duy nhất của nhân dân Libya trong khi Nghị viện này cùng lắm cũng chỉ kiểm soát được 1/3 đất nước.

Nếu chính phủ thống nhất quốc gia nhanh chóng được chỉ định thì cũng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ dễ dàng tồn tại được ở Tripoli và nhất là duy trì được mà không có chống đối. Và ngay cả khi chính phủ này tồn tại được, có lẽ nó sẽ phải tránh việc kêu gọi một cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài. Nếu các nhóm dân quân ở Misrata và ở phía Đông hợp sức lại, họ có khả năng đánh bại các nhóm ủng hộ Tổ chức Nhà nước hồi giáo ở thành phố Syrte. Hơn nữa, ngoài việc làm mất uy tín của chính phủ mới và làm tổn hại lâu dài đến việc tái thiết quốc gia và nhà nước, thì mọi cuộc can thiệp của nước ngoài chỉ nuôi dưỡng thêm luận điệu của Tổ chức Nhà nước hồi giáo: phương Tây một lần nữa đánh bom các dân tộc Ả-rập. Luận điệu này sẽ tạo được tiếng vang trong lòng một dân tộc đa số thù địch với việc này và do đó sẽ khiến Tổ chức Nhà nước hồi giáo tuyển mộ được nhiều chiến binh hơn. Tuy nhiên, ít có khả năng các lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây chú tâm tới việc này. Đối với nhiều người trong số họ, cuộc chiến ở Libya tới đây chỉ còn là một vấn đề tính theo tuần.[3]

Patrick Haimzadeh là cựu nhân viên ngoại giao Pháp tại Tripoli (2001-2004), tác giả cuốn sách “Trong lòng Libya của Kadhafi”, Jean-Claude Lattès, Paris, 2011.

———–

[1] Dans ce registre, cf. Antoine Vitkine, « La Libye est-elle devenue un nouveau sanctuaire de Daech à nos portes ? », Le Monde, 3 décembre 2015.

[2] « Statement on a political deal for Libya », International Crisis Group, Bruxelles, 12/12/2015.

[3] Antoine Malo và François Clemenceau, « La France s’impatiente pour la Libye », Le Journal du dimanche, Paris, 10/1/2016.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]