29/04/1970: Mỹ và Việt Nam CH xâm nhập Campuchia

ARVN_in_Cambodia

Nguồn:U.S.-South Vietnamese forces launch Cambodian ‘incursion’,” History.com (truy cập ngày 28/04/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1970, các lực lượng Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã mở một chiến dịch “xâm nhập” có giới hạn vào Campuchia. Chiến dịch này bao gồm 13 hoạt động lớn trên bộ nhằm xóa sổ chỗ trú ẩn của quân đội Bắc Việt nằm sâu hơn 30 km bên trong biên giới Campuchia. Khoảng 50.000 lính Nam Việt và 30.000 lính Hoa Kỳ đã tham gia, khiến nó trở thành chiến dịch lớn nhất của chiến tranh kể từ sau Chiến dịch Junction City vào năm 1967.

Chiến dịch bắt đầu với việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào khu “Mỏ vẹt” (Parrot’s Beak) của Campuchia nằm trải dài về phía miền Nam Việt Nam trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai ngày đầu tiên, một lực lượng đặc nhiệm gồm 8.000 lính Nam Việt, bao gồm hai sư đoàn bộ binh, bốn tiểu đoàn biệt động, và bốn nhóm kỵ binh, đã sát hại 84 lính cộng sản trong khi thiệt hại 16 người và 157 người bị thương.[1]

Giai đoạn thứ hai của chiến dịch bắt đầu vào ngày 2 tháng 5 với một loạt các hoạt động chung của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Các hoạt động này nhằm mục đích xóa sổ chỗ trú ẩn của lực lượng cộng sản nằm trong vùng “Lưỡi câu” (Fishhook) có thảm thực vật dày đặc của Campuchia (vượt qua biên giới Nam Việt Nam, nằm ngay phía Bắc tỉnh Tây Ninh và phía Tây tỉnh Bình Long, cách Sài Gòn hơn 110 km).

Sư đoàn Kỵ binh số 1 và và Trung đoàn Kỵ binh số 11 của Hoa Kỳ, cùng với Lữ đoàn 3 của Việt Nam Cộng Hòa, tuyên bố đã tiêu diệt 3.190 lính cộng sản trong chiến dịch và chiếm được nhiều chiến lợi phẩm, bao gồm 2.000 vũ khí cá nhân và tổ đội, 300 xe tải, và 40 tấn thực phẩm. Tính đến thời điểm mọi lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ rời khỏi Campuchia vào ngày 30 tháng 6, các lực lượng đồng minh đã phát hiện và chiếm được hoặc tiêu hủy nguồn cung và thiết bị của đối phương nhiều gấp hơn 10 lần số lượng họ chiếm được ở miền Nam Việt Nam trong cả năm trước đó.

Nhiều nhà phân tích tình báo tại thời điểm đó tin rằng cuộc xâm nhập Campuchia đã giáng một đòn choáng váng về phía cộng sản, buộc các đơn vị lực lượng chính rời khỏi biên giới và gây tổn hại cho tinh thần của họ, và trong quá trình này đem lại thêm một năm tồn tại cho Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, cuộc xâm nhập đã đem lại cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ một điểm tập hợp mới.

Tin tức về cuộc xâm nhập đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình chống chiến tranh, bao gồm một cuộc tại Đại học Kent State dẫn đến việc các binh lính thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia sát hại bốn sinh viên, và một cuộc tại Đại học Jackson State ở Mississippi dẫn đến việc hai sinh viên bị bắn khi cảnh sát nổ súng về phía ký túc xá nữ sinh. Cuộc xâm nhập cũng khiến nhiều người trong Quốc hội nổi giận khi họ cảm thấy Nixon đã mở rộng phạm vi chiến tranh một cách trái phép. Điều này đã dẫn đến một loạt các nghị quyết của Quốc hội và các sáng kiến lập pháp nhằm hạn chế khắt khe quyền lực hành pháp của tổng thống.

Ảnh: Xe thiết giáp chở quân M-113 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên một con đường ở Campuchia. Nguồn: US Department of Defense | Wikimedia Commons.

——————–

[1] Số liệu này được đưa ra theo thống kê của quân đội Hoa Kỳ. Ví dụ, xem James H. Willbanks, Vietnam War: The Essential Reference Guide (Santa Barbara, C.A.: ABC-CLIO, 2013), p. 25.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]