Tác giả: Thanh Tiêu Độc Tọa (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Truyền thống chính trị chuyên chế của Trung Quốc
Chuyên chế là đặc điểm lớn nhất của truyền thống chính trị Trung Quốc. Nền văn minh Trung Hoa là văn minh sông lớn, đồng bằng rộng, dòng Hoàng Hà tràn ngập nước làm nên điều kiện địa lý của vùng Trung nguyên. Đất đai màu mỡ nhưng nước sông dâng tràn gây ngập lụt, vì thế trị thủy trở thành một công việc chung không thể thiếu và phải thường xuyên làm. Thời xưa, sức sản xuất ở trình độ rất thấp, không thể nào dựa vào sức lực cá nhân để đối phó với sự thách thức của thiên nhiên, vì vậy tất phải huy động sức lực của toàn xã hội, dựa vào sức mạnh của toàn bộ xã hội để ứng phó với sự tàn phá của thiên nhiên. Làm thế nào để chỉnh hợp toàn bộ xã hội thành một sức mạnh? Điều đó đòi hỏi phải tổ chức chặt chẽ, quan trọng nhất là phải có một uy quyền tuyệt đối có thể điều động sức mạnh của toàn xã hội, tập trung được sức mạnh đó. Trong quá trình trị thủy, quyền lợi và địa vị của thủ lĩnh thị tộc luôn luôn được tăng cường, cuối cùng chuyển biến thành tầng lớp quý tộc mới, trở thành quân chủ.
Ngoài trị thủy ra còn có chiến tranh — đây cũng là một nhân tố quan trọng hình thành sự chuyên chế. Vùng Trung nguyên đất bằng phẳng, không có địa thế hiểm trở để phòng thủ, quân đội cần phải có tính tổ chức và tính nghiêm mật cao, đòi hỏi phải tuyệt đối phục tùng uy quyền, có thế mới thắng được kẻ địch mà sinh tồn.
Cho nên trong quá trình trị thủy và chiến đấu, quyền lợi và địa vị của người thủ lĩnh luôn luôn được tăng cường, cuối cùng chuyển biến thành tầng lớp quý tộc mới của giai cấp thống trị, trở thành quân chủ. Bộ lạc thị tộc trở thành quốc gia, thủ lĩnh thị tộc trở thành quân chủ, tổ chức huyết thống và hình thái nhà nước kết hợp làm một thể thống nhất.
Vì thế nền văn minh chính trị Trung Hoa có đặc điểm là tập trung quyền lực và chuyên chế. Một hình thái chính trị khi đã thành hình rồi thì nó sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở, vận hành theo quán tính. Cộng đồng người sinh sống trong môi trường đó cũng sẽ tự giác hình thành thói quen bị chuyên chế hoặc chuyên chế người khác. Nhân tố này ngấm vào xương tủy người ta và thỉnh thoảng thể hiện ra ngoài.
Môi trường chính trị chuyên chế ấy tồn tại ở Trung Quốc trong mấy nghìn năm qua. Ai có chút hiểu biết lịch sử Trung Quốc đều biết môi trường đó xấu xa xiết bao, những người sống trong chế độ chuyên chế này chỉ cần không thận trọng một chút thì sẽ có thể mất mạng.
Tiếng nói hạn chế của tầng lớp trí thức
Nỗi bất hạnh của tầng lớp trí thức Trung Quốc là phải sống trong môi trường chính trị như vậy.
Chế độ chuyên chế khép kín phát triển trong công trình trị thủy và chinh chiến cần sự phục tùng, không cần những tư tưởng mới hoặc trái ngược. Thực ra dưới sức ép lớn cũng có thể nảy sinh những tư tưởng mới hoặc trái ngược. Cho nên điều ta nhìn thấy là dân tộc Trung Hoa từ ngày hình thành tới nay, trên mặt văn hóa và tư tưởng không có sự thay đổi gì lớn.
Tầng lớp trí thức có sứ mạng truyền thụ và kế thừa nền văn hóa, có trách nhiệm gánh vác lương tri xã hội. Trí thức Trung Quốc rất hiểu điều này, nhưng sống trong hoàn cảnh chuyên chế sức ép cao như thế, người trí thức chỉ thiếu cẩn trọng một chút là đã có nguy hiểm mất mạng; nếu tính mạng còn không giữ được thì sao có thể làm tròn sứ mạng của mình? Sao có thể gánh vác lương tri của xã hội?
Nhưng vì để sống còn thì lại phải làm méo mó linh hồn của mình. Dưới sức ép nặng nề đó, người trí thức Trung Quốc phải luôn luôn bóp méo linh hồn để tìm kiếm không gian sinh tồn, vì thế họ đã rèn được cho mình bản lĩnh sinh tồn trong hoàn cảnh như vậy. Trung Quốc thời xưa có một nhà trí thức lớn khi về già đã gọi đệ tử đến bảo đệ tử xem khoang miệng ông, sau đó ông nói: răng là thứ cứng rắn thì đã rụng hết, lưỡi rất mềm mại thì vẫn còn đó. Câu chuyện này phản ánh người trí thức Trung Quốc có bản lĩnh sinh tồn rất khôn khéo.
Con người khác con vật ở chỗ ngoài đòi hỏi sống còn ra, con người còn có phẩm hạnh, còn có lý tưởng. Điều đó thể hiện ở người trí thức. Tuy rằng phần lớn trí thức Trung Quốc đã rèn cho mình một bản lĩnh sinh tồn nhưng khi không còn đường rút chạy nữa thì người trí thức hãy còn một chiêu cuối cùng, đó là bỏ mình vì nghĩa lớn [nguyên văn: sát thân thành nhân], sau khi chết sẽ chiếm được cao điểm đạo đức, khiến cho kẻ chuyên chế rơi vào địa vị bị khiển trách. Bởi thế ở Trung Quốc thời xưa không hiếm xảy ra chuyện nhà trí thức bỏ mình vì nghĩa, kiên trì giữ lấy ranh giới cuối cùng của đạo đức.
Tình trạng của trí thức Trung Quốc sau 1949
Đến giữa thế kỷ 20, tầng lớp trí thức Trung Quốc bỗng dưng đồng loạt để mất khí tiết, đa số họ cúp đuôi mà sống [ý nói sống khiêm tốn, giấu mình].
Một quốc gia XHCN được mệnh danh là dân chủ tự do ra đời, nhưng người ta nhìn thấy đây lại là một quốc gia chuyên chế khoác cái áo dân chủ và tự do, trình độ chuyên chế của nó so với các vương triều trong lịch sử thì còn thậm tệ hơn, về mặt kiểm soát nhân dân, nhất là giới trí thức, thì lại càng tiến bộ hơn các vương triều xưa kia. Thực ra trên mảnh đất chuyên chế Trung Quốc này, cây hoa tự do dân chủ không thể trong một đêm mà có thể mọc lên được. Chiến tranh và loạn lạc kéo dài tới 109 năm [ý nói thời kỳ 1840-1949; năm 1840 TQ bắt đầu bị phương Tây xâm lược; 1949 giải phóng] chưa phá hỏng truyền thống chuyên chế chính trị của Trung Quốc. Ngược lại, rất nhiều tệ nạn, rất nhiều thứ đen tối lại được bảo lưu tốt hơn.
Sự thành lập nước Trung Quốc Mới là một khởi đầu có tính lịch sử, kết thúc thời kỳ Trung Quốc bị người ta mặc sức ức hiếp chia cắt, truyền thống chuyên chế có từ mấy nghìn năm lại tái hiện một cách ngoan cường cùng với sự thành lập một chính quyền hùng mạnh. Các nhà chính trị của chúng ta hiểu sâu sắc truyền thống chính trị của Trung Quốc, họ giành được thắng lợi chính là dưới sự chỉ đạo của truyền thống đó. Sau khi nhà nước đã được xây dựng, chúng ta thấy hiện tượng “Đốt sách, chôn Nho” nhiều lần trình diễn trong lịch sử Trung Quốc nay lại xuất hiện. Sự đè nén tập thể giới trí thức càng điên cuồng hơn trước kia.
Trên vấn đề này các nhà lãnh đạo của chúng ta rất hiểu rõ đặc điểm của trí thức Trung Quốc. Họ không sợ chết, trong lịch sử từng có quá nhiều nhà trí thức bỏ mình vì nghĩa lớn, cuối cùng họ chiếm được điểm cao khống chế đạo đức, ngược lại, kẻ hãm hại họ thì bị chê trách.
Rất nhiều văn nhân có tinh thần kiên cường. Nhưng các văn nhân đều có đặc điểm chung là bản tính mềm yếu, ngay cả các văn nhân có tinh thần kiên cường đi nữa, sau khi thể xác bị hành hạ trăm bề thì phòng tuyến tinh thần sẽ tan vỡ. Hiển nhiên về mặt này các nhà thống trị thời xưa không bằng các nhà lãnh đạo thời nay.
Trong rất nhiều trường hợp, chết là một sự giải thoát. Chúng ta thấy trong Cách mạng Văn hóa, có rất nhiều văn nhân dùng cách kết thúc sinh mạng mình để thoát khỏi cảnh bị đày đọa giày vò. Các nhà lãnh đạo thời nay không để cho những nhà trí thức ấy tìm đến cái chết, mà từ hai mặt tinh thần và thể xác tiến hành giày vò lăng nhục họ, để cho lũ trí thức ấy về thể xác thì chịu đau khổ, về tinh thần thì bị đánh gục. Cái nhân cách được trau dồi sau khi sinh ra nay buộc phải theo bản năng động vật, cuối cùng quên mất thân phận của mình, hạ thấp bản thân xuống thành loài vật, bắt đầu sống qua ngày đoạn tháng một cách bản năng.
Cho nên chúng ta thấy các nhà trí thức sau năm 1949 phần lớn thiếu độ cao tinh thần, không có nhân cách, không có sự sáng láng về tư tưởng, viết toàn những thứ a dua nịnh bợ, tuy rằng không xuất phát từ bản ý. Đọc những gì Kim Nhạc Lâm [Jin Yuelin, 1895-1984, triết gia, nhà logic học nổi tiếng Trung Quốc, từng học ở Mỹ và nghiên cứu triết học ở châu Âu] viết sau ngày giải phóng dù thế nào cũng chẳng thấy đây là một triết gia có ảnh hưởng rất lớn; ông tâng bốc triết học của họ Mã [tức Marx], a dua theo đảng cộng sản, những cái đó khiến người ta chẳng thể nhìn thấy tinh thần và nhân cách của một nhà trí thức độc lập.
Đọc bài thơ sau đây của nhà thơ Mã Kỳ Phương [1912-1977] lại càng khiến người ta ngao ngán. Đó là bài thơ ông làm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa – “Bài vè Hiến pháp 5 chữ nuôi lợn ”: “Chủ tịch chỉ thị: Nuôi lợn quan trọng. Giống tốt, chuồng sạch, ăn no. Ủ thức ăn thô cho lên men, hái thêm rau dại. Lợn con, lợn béo phải thêm thức ăn tinh. Khỏe yếu tách chuồng riêng….[người dịch lược bỏ] ”. Chẳng biết đây là nỗi buồn của nhà thơ hay của dân tộc.
Tình trạng mất khí tiết tập thể của giới trí thức hiện nay có liên quan khăng khít tới việc họ để mất điểm cao khống chế về đạo đức. Trong thời kỳ cận đại, vì Trung Quốc nhiều lần bị nước ngoài bắt nạt, giới trí thức Trung Quốc đã tiến hành tìm kiếm con đường cứu nước, nhưng chưa thành công. Đến khi Đảng Cộng sản xuất hiện, sự vĩ đại của Đảng này là ở chỗ phát hiện sức mạnh ở trong nhân dân. Thức tỉnh dân chúng, phát động dân chúng đứng lên làm cách mạng trở thành nhiệm vụ của Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy; chủ nghĩa này đề cao địa vị của dân chúng lên vị trí cao nhất trong lịch sử. Dân chúng là người làm nên lịch sử.
Đặc điểm tự thân của tầng lớp trí thức quyết định họ không thể tham gia sản xuất và chiến đấu, cho nên trong quá trình cứu nguy dân tộc, tác dụng của người trí thức rất khó được dân chúng phát hiện. Hơn nữa các nhà lãnh đạo của chúng ta lại cố ý hạ thấp tác dụng của giới trí thức. Do đó sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, địa vị của tầng lớp trí thức rất thấp, không còn giữ được độ cao trên mặt đạo đức và tinh thần trong quá khứ. Dưới sự thống trị của nền chuyên chế lớn mạnh, tầng lớp trí thức không có phong cách của mình, thể xác không chịu nổi sự áp bức, tinh thần không còn giữ được điểm cao khống chế trong quá khứ, vì thế tầng lớp này mất tiếng nói của mình. Họ rơi vào tình thế tuyệt vọng, chỉ có thể biến chất thành loại động vật hèn kém.
Trong lịch sử Trung Quốc [nên hiểu là thời kỳ trước năm 1840], kẻ cai trị không phải là kẻ sáng tạo ra lý luận cai trị xã hội. Lý luận đó do tầng lớp trí thức sáng tạo nên. Các nhà Nho Trung Quốc tự cho mình là kẻ nắm được “Đạo ”, họ có thể phê bình kẻ cầm quyền, bởi lẽ các nhà Nho thay Trời hành Đạo.
Ở Trung Quốc thời kỳ cận đại, lý luận cai trị xã hội do kẻ cai trị tự xây dựng nên, tầng lớp trí thức đánh mất quyền nắm được “Đạo ”. Trên mặt lý luận, họ không còn cách nào chỉ bảo kẻ cầm quyền mà chỉ có thể phục tùng kẻ cầm quyền từ một vị thế thấp hèn nhỏ bé.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú. Tiêu đề phụ do Nghiencuuquocte.net tự đặt.
Nguồn: 中国政治传统与当代知识分子的失语 http://blog.sina.com.cn/s/blog (2011-06-20)
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]