Rủi ro đến từ thất bại và thành công của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

rmb1

Nguồn: Arvind Subramanian, “The risks of China’s failure and success”, Project Syndicate, 14/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Khi các nhà lãnh đạo tài chính trên toàn thế giới tụ họp trong hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, D.C, mọi hy vọng và quan ngại của họ đều tập trung cả vào Trung Quốc. Xét cho cùng, Trung Quốc chính là quốc gia có thể khởi động tiến trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu; thế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này lại dựa trên một nền tảng hiện ngày càng xuất hiện những dấu hiệu trì trệ. Thế lưỡng nan ở đây là  thất bại hay thành công của Trung Quốc đều đem lại những rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Viễn cảnh thất bại hẳn sẽ là sự kiện có một không hai trong lịch sử hậu Thế Chiến II. Bởi nền kinh tế Trung Quốc quá lớn nên hậu quả sẽ tác động đến toàn cầu. Tuy nhiên, không giống như năm 2008 khi đồng đô-la Mỹ lên giá đã cho phép các thị trường mới nổi hồi phục nhanh chóng, đồng nhân dân tệ có khả năng sẽ mất giá nếu nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng giảm phát lan rộng (toàn cầu).

Những đồng tiền khác cũng có khả năng mất giá, trong đó một số là chính sách có chủ ý. Theo đó, kịch bản Trung Quốc thất bại có thể tương tự như những gì đã diễn ra trong thập niên 1930, với đặc trưng là sự phá giá cạnh tranh và sự sụt giảm các hoạt động kinh tế.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình dựa trên tiêu dùng trong nước? Khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 10% tổng GDP vào năm 2007, thì tiết kiệm vượt 50% GDP và đầu tư vượt 40% GDP. Những con số này dường như quá cao để có được hiệu quả thúc đẩy hay gia tăng phúc lợi xã hội. Kết quả là một sự đồng thuận nhanh chóng được hình thành: Tiết kiệm và đầu tư cần phải giảm xuống để tạo ra một sự cân bằng tốt hơn. Đầu tư cần phải được kiềm chế bằng cách áp đặt các nguyên tắc tài chính mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước khó kiểm soát. Đồng thời mạng lưới an sinh xã hội (social safety net) cần được củng cố, từ đó các hộ gia đình sẽ không phải tiết kiệm quá nhiều để đáp ứng những chi phí cho con cái và tuổi già.

Một thập kỷ đã qua và chúng ta đang thấy điều gì? Đúng như mong đợi, chính phủ đã xây dựng những mạng lưới an sinh xã hội, và thặng dư tài khoản vãng lai đã giảm. Năm ngoái, mức thặng dư rơi vào khoảng gần 3% GDP, chỉ bằng một phần nhỏ của mức năm 2007.

Nhưng điều này gần như không chứng minh được lý thuyết trên. Khoảng một nửa lượng giảm trong thặng dư vãng lai là do tỉ lệ đầu tư trong GDP thực sự đã tăng. Trong khi đó, tỉ lệ tiết kiệm quốc gia đã giảm khoảng 3,5 phần trăm GDP so với năm 2007 (số liệu chính thức tính đến hết năm 2013, theo IMF ước tính). Tuy nhiên mức giảm này khá khiêm tốn so với mức tăng 15 phần trăm trong giai đoạn 2000-2007.

Thậm chí đáng chú ý hơn khi tất cả mức giảm tiết kiệm khiêm tốn này dường như đều đến từ khu vực doanh nghiệp; tiết kiệm hộ gia đình gần như giữ nguyên so với GDP, tương tự như năm 2007. Nói cách khác, những chỉ số đã tăng lên trong giai đoạn bùng nổ không thể giảm xuống. Đây thực sự là một bài toán khó, và lời giải cho bài toán này không chỉ quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc mà còn với tương lai của thế giới.

Có hai khả năng lớn. Một khả năng là giả thuyết này về cơ bản là đúng nhưng cần nhiều thời gian hơn mới thấy được kết quả. Trong trường hợp đó, chừng nào các nhà cầm quyền Trung Quốc còn tiếp tục tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, mức giảm tỉ lệ tiết kiệm có thể tương đương với mức giảm dự kiến về đầu tư, góp phần duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức thấp.

Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu giả thuyết này sai hoặc chưa hoàn chỉnh? Chẳng hạn như những hiệu ứng có lợi của mạng lưới an sinh xã hội đối với tiết kiệm có thể đã bị thổi phồng. Hay những hiệu ứng này có thể bị giảm đi bởi những tác động tiêu cực từ dân số già hóa. Trong vòng 15 năm nữa, dân số Trung Quốc trong độ tuổi từ 60 trở lên sẽ tăng lên 2/3. Bộ phận lao động lớn tuổi này có thể đang ra sức tiết kiệm để tạo dựng một nền tảng tài chính chuẩn bị cho thời kỳ nghỉ hưu đang đến gần.

Nếu một trong những kịch bản trên trở thành hiện thực, tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình có thể sẽ chỉ tiếp tục giảm xuống một cách từ từ. Đồng thời chính phủ sẽ đóng cửa những nhà máy không sinh lời, điều này có thể thúc đẩy tiết kiệm trong doanh nghiệp. Kết quả là, tiết kiệm tổng thể có thể duy trì ở mức cao, thậm chí ngay cả khi đầu tư giảm mạnh, khiến thặng dư tài khoản vãng lai tăng trở lại.

Đây sẽ không phải là một viễn cảnh dễ chịu cho nền kinh tế thế giới. Bởi nếu Trung Quốc chững lại thì tăng trưởng toàn cầu cũng vậy, và lượng cầu còn lại sẽ bị tái phân bổ về phía quốc gia này, càng làm gia tăng sự thiếu hụt (nguồn cầu) vốn đã nghiêm trọng ở các nước khác. Điều này có thể rất khác biệt với giai đoạn trước của sự mất cân bằng toàn cầu khi tại Trung Quốc, lượng thặng dư vãng lai khổng lồ ít nhất cũng được bù đắp phần nào qua tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia này.

Tóm lại, trong khi sự “hạ cánh cứng”[1]  của kinh tế Trung Quốc có thể thúc đẩy tình trạng giảm phát toàn cầu, thì việc né tránh kết quả này cũng có thể đồng nghĩa với sự quay trở lại của tình trạng mất cân bằng toàn cầu. Đây là những khả năng nghiêm trọng mà các nhà lãnh đạo cần phải cân nhắc trong bối cảnh ảm đạm của hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington.

Arvind Subramanian là Cố vấn Kinh tế trưởng của Bộ Tài chính Ấn Độ.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The risks of China’s failure and success

——————-

[1] Hạ cánh cứng: Thuật ngữ phản ánh tình huống xảy ra khi nền kinh tế một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái. Tình huống này thường xảy ra khi chính phủ nước đó cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ công.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]