Khó khăn của VN trên đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản [1945–50] (P2)

p1

Nguồn: Christopher E. Goscha, “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)“, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, No. 1-2 (February/August 2006), pp. 59-103.

Biên dịch: Đông Hiến

Bài liên quan: Phần I

Nối lại liên lạc giữa Hoa kỳ với VNDCCH ở Băng-cốc?

Mark Bradley mới đây đã loại bỏ giả thuyết cho rằng phía Hoa Kỳ đã nghiên cứu một cách nghiêm túc khả năng hướng đến một thoả thuận “trung lập” với VNDCCH, kiểu như với Ti-tô. [1] Khả năng đó có thể có, nhưng một quyết định kiểu như vậy chính là điều mà phong trào quốc tế cộng sản rất sợ. Vấn đề là ở chỗ, những nỗ lực tiếp cận của Hoa Kỳ, thậm chí chỉ là cảm giác bóng gió về sự tiếp cận của Hoa Kỳ với phía VNDCCH trong những năm cuối thập kỷ 40 cũng góp phần làm dày thêm đám mây nghi ngờ của giới quốc tế cộng sản đang phủ trên đầu ĐCSĐD và Hồ Chí Minh.

Từ năm 1945, giới ngoại giao Hoa Kỳ đã duy trì một thái độ gần như là trung lập đối với VNDCCH, hậu quả của sự khác biệt ý kiến trong nội bộ Bộ Ngoại giao [Mỹ], giữa những người chủ trương hỗ trợ Pháp trong Ban châu Âu và những người ủng hộ xoá bỏ chế độ thực dân trong Ban Đông Nam Á. Tuy nhiên, như Mark Lawrence mới đây đã chứng minh, vào cuối thập niên 40, Hoa Kỳ bắt đầu “phân lại” Việt Nam thành một vấn đề của cuộc Chiến tranh Lạnh. [2] Và hiển nhiên, sự sụp đổ của chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc vào cuối năm 1948 đã khiến các chiến lược gia Hoa Kỳ phải có một quan điểm rõ ràng hơn về Việt Nam.

Rất nhiều người trong ĐCSĐD lúc bấy giờ đương nhiên rất phấn khởi trước những tin tức về thắng lợi của ĐCSTQ ở phía Bắc. Chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc ở đại lục sẽ mở ra cánh cửa từ biên giới phía Bắc của Việt Nam, chấm dứt sự cô lập về quân sự và ngoại giao, mang lại nguồn viện trợ cần thiết để chiến đấu với Pháp trên mặt trận Đông Dương. Tuy nhiên, vẫn còn mắc mớ ở chỗ, những người cộng sản Việt Nam phải thận trọng khi bình luận về chiến thắng đang trong tầm tay của Trung Quốc, vì sợ gây kích động khiến Mỹ sẽ hậu thuẫn, thậm chí can thiệp vào Đông Dương trước khi VNDCCH chắc chắn giành được sự ủng hộ từ phía Xô-Trung. VNDCCH không thể công khai công kích phía Hoa kỳ trên mặt trận tư tưởng trong khi vẫn còn đang bị cô lập về quân sự và ngoại giao. Chính quyền Việt Nam vẫn phải giữ đường lối cân bằng cho tới khi tình hình quốc tế trở nên thuận lợi hẳn cho VNDCCH. Đây chính là điều Hồ Chí Minh đã duy trì một cách có hệ thống, thể hiện qua các bài trả lời phỏng vấn thực hiện từ năm 1945 đến 1950. Nhưng vấn đề này còn có thêm một góc cạnh nữa. Như chúng ta đã thấy ở trên, những dấu hiệu dù nhỏ nhất về đường lối trung lập của Hoa Kỳ cũng sẽ củng cố thêm những nghi ngờ vốn sẵn có từ phong trào quốc tế cộng sản bên ngoài lẫn bên trong nội bộ ĐCSĐD về sự chệch hướng của những người cộng sản Việt Nam khỏi quỹ đạo của Mát-xcơ-va. Từ những mâu thuẫn với Ti-tô, Stalin không thể chấp nhận những người cộng sản bắt cá hai tay. Và đó chính là hình ảnh mà Trần Ngọc Danh đã cố gắng mô tả về chính sách đối ngoại của Hồ Chí Minh trong “báo cáo” của mình vào cuối năm 1949 đầu năm 1950.

Trước khi xem xét những cuộc tiếp xúc Việt-Mỹ vào năm 1949, cần phải đặt chính sách của Hoa Kỳ trong bối cảnh quốc tế rộng hơn. Vì một lẽ, Hoa Kỳ đã từng hy vọng bình thường hoá quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa, là một phần trong nỗ lực nhằm giữ Trung Quốc ở thế trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang dần hình thành với phía Liên Xô. Người Mỹ hiểu rằng khối cộng sản không hẳn là hòn đá tảng thuần chất, bất di bất dịch. Trường hợp Ti-tô ở châu Âu đã chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, như Chen Jian đã chứng minh, vấn đề là những người cộng sản Trung Quốc mới giành được quyền lãnh đạo không muốn dính dáng đến đường lối trung lập của Hoa Kỳ. ĐCSTQ từ chối những nỗ lực tiếp cận bí mật của Hoa Kỳ và lên án Ti-tô cùng với đường lối trung lập của ông ta. Điều này phù hợp với đưòng lối cách mạng mới của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ; một dấu hiệu quan trọng về sự trung thành với phe quốc tế cộng sản dưới ngọn cờ của Stalin; và đó cũng là một nền tảng chủ chốt cho tính chính danh cách mạng. Vào giữa năm 1949, ĐCSTQ lên án chủ nghĩa Ti-tô. Đồng thời, Mao tuyên bố Trung Quốc sẽ “theo một bên” trong hệ thống thế giới mới, bên Liên Xô. [3] Sẽ không có một “cuộc ngã giá” nào hết với Hoa Kỳ, vì Mao không phải là Ti-tô của châu Á.

Những người cộng sản Việt Nam cũng phải chọn bên. Nhưng lựa chọn của họ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong thực tế, chủ nghĩa Ti-tô đã xảy ra trong phong trào quốc tế cộng sản vào một thời điểm rất bất lợi cho ĐCSĐD. Khác với Trung Quốc, những người cộng sản Việt Nam vẫn còn đang trong cuộc chiến, và đã bị nghi ngờ về sự kém trung thành với phong trào quốc tế cộng sản ở một mức độ khá nặng. [4] Tệ hơn nữa, trong khi Hồng quân Trung Quốc đang Nam tiến vào mùa xuân năm 1949, một vài nhà ngoại giao Mỹ bắt đầu tiếp cận đại diện của VNDCCH ở Băng-cốc để xem xét Việt Nam đứng ở đâu trong lằn ranh giữa hai khối. Trợ lý Tuỳ viên Hải quân ở Băng-cốc, Trung tá William H. Hunter, là người rất tích cực trong việc này. Ông là một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu về vấn đề Đông Dương, tiếp xúc được với cả hai phía Pháp và VNDCCH. Ông ta quen biết với nhiều đại diện quân sự, chính trị và tình báo của Pháp ở Đông Dương. [5] Từ năm 1947, ông ta đã thường xuyên có những chuyến đi tới đông bắc Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và nhất là Việt Nam. Ông quen biết Lê Hy, Nguyễn Đức Quỳ, và những người Việt công tác trong đoàn đại biểu VNDCCH ở Băng-cốc. Ông ta thậm chí còn gặp gỡ với một số thành viên trong đoàn ngoại giao Liên Xô ở Băng-cốc. Hunter là một người quan hệ rất rộng.

Trong một cuộc nói chuyện với trợ lý của Serge Niemchine tại đoàn ngoại giao Xô-viết ở Băng-cốc vào tháng Hai năm 1949, Nguyễn Đức Quỳ cho biết “có một đợt tiếp cận mới của Hoa Kỳ” với phía chính phủ Việt Nam. Ông ta lưu ý về các chuyến thăm viếng thường xuyên hơn của Hunter tới đoàn đại biểu VNDCCH. Người đối thoại với ông ta, một ông Usatchov nào đó, đã ghi lại những ý dưới đây trong báo cáo về Bộ Ngoại Giao của mình:

“Cuộc nói chuyện sau đó chuyển sang các vấn đề khái quát. Nguyễn Đức Quỳ đề cập đến sự gia tăng hoạt động của người Mỹ. Ông ta nói rằng trợ lý tuỳ viên quân sự, Trung tá Ranter [gần như chắc chắn 100% là Hunter] đã bắt đầu tới thăm ông ta. Ranter nói với Quỳ rằng họ sẽ quên đi quá khứ. Người đó cũng hứa rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ, và gửi tới Nguyễn Đức Quỳ lời đề nghị cử một đại biểu tới Washington để thảo luận với đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Theo Nguyễn Đức Quỳ, sự tử tế hơn cả mong đợi này từ phía Ranter xuất phát từ tham vọng tìm ra những người ôn hoà trong phái đoàn Việt Nam, tiếp xúc với những thành phần này để gây ảnh hưởng lên những thành phần ôn hoà ở Việt Nam.” [6]

Đã từng từ chối không sắp xếp những công việc tương tự cho phía VNDCCH, những người Xô-Viết ở Băng-cốc đặc biệt quan tâm tới ẩn ý đằng sau mối quan tâm đang được hâm nóng lại của người Mỹ đối với chính phủ của Hồ Chí Minh. Ngày 10 tháng Ba năm 1949, Usatchov yêu cầu Nguyễn Đức Quỳ phân tích cho ông ta nghe mục đích của những đề nghị mờ ám này từ phía Mỹ. Ông này trả lời rằng, các thành viên trong đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Băng-cốc, cũng như các đại diện doanh nghiệp Mỹ, “đang cố gắng tìm hiểu quan điểm của Việt Nam về Trung Quốc.” Theo Nguyễn Đức Quỳ, chính sách của Hoa Kỳ bao gồm “tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các thành phần ôn hoà” trong VNDCCH, một nỗ lực để giữ Việt Nam đứng trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang lan rộng. Phía Hoa Kỳ thậm chí đã đưa ra lời mời VNDCCH cử một phái đoàn tới Washington. Ông ta giải thích trong cuộc nói chuyện với đồng nghiệp Xô-viết của mình rằng động thái này là do Washington thiết kế nhằm “tìm cách gây sức ép với chính phủ Việt Nam.” Sau đó, Nguyễn Đức Quỳ giải thích một cách lắt léo rằng ông ta muốn tranh thủ lời mời này để mở một văn phòng thông tin ở Hoa Kỳ và đi nước cờ dùng Mỹ để chống lại Pháp. Nhưng để làm điều này, họ cần “một người đáng tin cậy, có thể làm vừa lòng Mỹ mà vẫn có thể tin cậy được.” [7]

Nỗ lực tiếp xúc lần này của phía Hoa kỳ còn có yếu tố kinh tế, hay ít nhất đó cũng là nhận định và nội dung báo cáo của Nguyễn Đức Quỳ với các đồng nghiệp Liên Xô. Công ty Fox, một tập đoàn xuyên quốc gia lớn của Mỹ hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cũng đã từng cố tiếp xúc với VNDCCH trong năm 1949. Theo ghi chép của đại diện Liên Xô về ý kiến phân tích của Nguyễn Đức Quỳ:

“Công ty FOX đề nghị những điều kiện có lợi cho chính phủ Việt Nam để đổi lấy quyền khai thác quặng phốt-phát trong nước. Một mặt, Nguyễn Đức Quỳ nhận định, đề xuất này có thể mang lại những lợi ích đáng kể [cho VNDCCH]. Công ty hứa sẽ chi ba triệu đô la để giúp mua vũ khí từ bên ngoài. Mặt khác, chính phủ Việt Nam nhận định, đề xuất liên doanh do một công ty danh tiếng như vậy đưa ra không thể không có sự phê chuẩn của giới cầm quyền Mỹ [chính phủ]. Vì thế, việc ký kết hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và công ty FOX, dưới nhiều góc độ, sẽ tạo mối quan hệ thân thiện, hướng tới việc Hoa Kỳ công nhận thực tế VNDCCH. Nhưng chính phủ Việt Nam từ chối đề nghị này, viện cớ tình hình chiến sự phức tạp ở Bắc Bộ. Phía Mỹ khẳng định rằng hợp đồng có thể ký mà không cần chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm an ninh. Mặc dù vậy, phía Việt Nam vẫn không chấp nhận và lại lấy cớ an ninh tại khu vực phía Bắc không đảm bảo […]. Cùng với những thông tin này, Nguyễn Đức Quỳ nói rằng, nguyên nhân thật sự khiến chính phủ Việt Nam từ chối là họ e ngại một văn phòng của Fox có thể trở thành một trung tâm liên kết các lực lượng phản động [trong lãnh thổ của VNDCCH/ĐCSĐD].” [8]

Mặc dù đại diện Liên Xô rất quan tâm tìm hiểu về những đề xuất nói trên của phía Mỹ, rõ ràng là ông ta đã không thể thu xếp cho một đoàn đại biểu VNDCCH đến Mát-xcơ-va, và khả năng đưa ra cam kết từ phía chính phủ Xô Viết về trợ giúp tài chính dưới bất kỳ hình thức nào thậm chí còn mờ mịt hơn. [9] Việc này phải để cho hai đảng nói chuyện với nhau.

Còn khó giải thích hơn nữa là lời tuyên bố rằng phía Mỹ sẵn sàng mời một đại diện VNDCCH tới Washington vào giữa năm 1949 để thảo luận về vấn đề nào đó. Ngay từ ngày 23 tháng Hai năm 1949, Thao Oun Sananikone, một cựu lãnh đạo Ít-xa-ra của Lào, đồng thời là bạn thân và đối tác kinh doanh của James Thompson, nhân viên Văn phòng OSS [tiền thân của CIA – ND] tại Thái Lan trong Thế chiến II, có báo với trưởng phòng mật thám Pháp phụ trách về Lào rằng một phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ vừa bí mật ghé Băng Cốc và có đề nghị VNDCCH cử một phái đoàn ngoại giao tới Hoa Kỳ, tốt nhất là do Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn. Theo Thao Oun Sananikone, Nguyễn Đức Quỳ có trình bày với vị đặc sứ này rằng VNDCCH không cần viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng ông ta sẽ đệ trình vấn đề này lên chính phủ của mình xem xét. [10] Nội dung báo cáo này có vẻ phù hợp với văn bản do Nguyễn Đức Quỳ gửi phía Liên Xô tại Băng Cốc. Và chúng ta đã làm quen với Phạm Ngọc Thạch rồi. Chắc hẳn lời mời từ phía Mỹ đề nghị VNDCCH cử một phái đoàn sang Washington vào giữa năm 1949 phải được sự chuẩn y của ai đó từ Washington. Phải chăng Hoa Kỳ tin rằng việc ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á bằng nỗ lực Ti-tô hoá Hồ Chí Minh và chính phủ của ông ta thì sẽ dễ dàng hơn? Hay là họ coi nỗ lực tiếp xúc với VNDCCH này là một phần trong nỗ lực quy mô lớn hơn của người Mỹ nhằm vào Mao Trạch Đông? Hay là người Mỹ sốt ruột vì Pháp không chịu trao trả độc lập sớm hơn cho Bảo Đại, Sihanouk, và Sisavang Vong? Và tình báo Hoa Kỳ hiểu biết đến mức nào về sự thiếu tin tưởng của giới cộng sản quốc tế đối với Hồ Chí Minh và nhà nước VNDCCH? Nếu quả như vậy, liệu họ có nhìn nhận Hồ Chí Minh như một cơ hội để gây “rạn nứt” trong nội bộ giới cộng sản, hay để tạo một vùng đệm ở châu Á giữa Washington và Mát-xcơ-va? [11]

Trong khi tất cả các giả thuyết trên đều đang bỏ ngỏ, điều quan trọng chúng ta cần xem xét ở đây là, liệu giới lãnh đạo cộng sản quốc tế có đặt ra những giả thuyết tương tự về vấn đề này không. Nếu câu trả lời là có, điều đó chỉ rắc rối cho ĐCSĐD và Hồ Chí Minh mà thội. Rất tiếc, tôi vẫn chưa tìm hiểu được quan điểm của ĐCSĐD về những động thái “ve vãn” này của người Mỹ. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 1 năm 1950, VNDCCH/ĐCSĐD không hề muốn quay lưng lại với Mỹ. Quả thật là Phòng Thông tin cộng sản Quốc tế đã chia thế giới làm hai phe và gọi Mỹ là kẻ thù số 1 của tất cả các đảng cộng sản. Quả thật là Phạm Ngọc Thạch, năm 1947, đã cố thuyết phục các đồng chí Liên Xô rằng Việt Nam có tiền đồ cách mạng sáng sủa nhất Đông Nam Á. Và đúng là Trường Chinh đã viết những điều xấu xa về đế quốc Mỹ trên những trang báo Sự Thật. Nhưng tất cả chỉ là chuyện nội bộ. Trên diễn đàn công khai, ĐCSĐD vẫn phải giữ mồm giữ miệng. Đang trong cuộc chiến với Pháp, những người cộng sản Việt Nam không muốn gây ra những nguy cơ có thể khiến Mỹ sáp lại gần Pháp và ủng hộ việc thành lập một nhà nước phản cách mạng do Bảo Đại đứng đầu – ít nhất là cho đến lúc ĐCSTQ giành thắng lợi. Năm 1948, đảng nhắc nhở các cấp uỷ kiềm chế không công kích Hoa Kỳ trong các tài liệu tuyên truyền và duy trì đường lối trung hoà:

“Đường lối ngoại giao của nhà nước ta đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại, và chừng nào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không phản bội lại lợi ích của chúng ta, là không chủ trương đối nghịch với họ, hay có những hành động có thể gây ra thái độ thù địch nơi họ. [. . .] Dù sao chăng nữa, khi ra công luận, nghiêm cấm viết, trong bất kỳ văn bản, xuất bản phẩm nào, một dòng hay một chữ có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính sách ngoại giao của chính phủ về quan hệ với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.” [12]

[ÐCSÐD] phải đi trên một ranh giới thật mỏng manh, nhất là khi Đảng và Hồ Chí Minh đang bị rắc rối với phong trào quốc tế cộng sản. Ngày 30 tháng Giêng năm 1950, ngày mà Liên Xô công nhận VNDCCH, một thông tư bí mật của Đảng được ban hành, cho phép thể hiện xu hướng chống Mỹ trên các tài liệu tuyên truyền chính thức. [13] Cho đến trước thời điểm đó, đường lối của VNDCCH/ĐCSĐD đối với Hoa Kỳ chưa thể hiện tư tưởng chống Mỹ như nhiều người chống cộng từng quan niệm. Nhưng một lần nữa, vấn đề là ở chỗ, khi được nhìn từ phía bên kia của lằn ranh tư tưởng, đường lối trung lập đó có thể bị diễn dịch theo những cách khác trong bối cảnh phong trào quốc tế cộng sản đang bị ám ảnh bởi hiện tượng Ti-tô và phần nào vốn đã bị ảnh hưởng bởi quyết định giải tán ĐCSĐD của Hồ Chí Minh.

Nguy cơ của “chủ nghĩa Ti-tô” đối với sự hội nhập của cộng sản Việt Nam

Nỗi ám ảnh của Stalin về Ti-tô năm 1948 đã khiến tình hình trở nên nan giải hơn cho Việt Nam, trong khi đang bị cô lập với phong trào quốc tế cộng sản. Thực ra, Stalin luôn là một trong số những người nghi ngờ Hồ Chí Minh. Maurice Thorez, tổng bí thư ĐCSP lúc bấy giờ, đã từng nhiều lần thuyết phục Stalin rằng Hồ Chí Minh là một con người tin cậy được và một tín đồ cộng sản chân chính. [14] Nhưng theo Thorez, Stalin thấy Hồ Chí Minh đã đi quá xa trong việc hợp tác với người Mỹ trong Thế Chiến II và bất bình vì ông Hồ không chịu hỏi ý kiến Stalin trước khi quyết định những vấn đề lớn. Cũng trong văn bản đó, Stalin nhắc lại quyết định của Hồ Chí Minh giải tán ĐCSĐD năm 1945. Thorez có phát biểu rằng, ông ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Stalin hiểu rằng việc làm đó của Hồ Chí Minh chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế nhằm duy trì quyền lực và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng trong cuộc đối đầu với các kẻ thù của đảng. [15] Theo Ilya Gaiduk, trong một bản ghi nhớ đề cập đến VNDCCH ngày 14 tháng Giêng năm 1950, Bộ Ngoại giao Liên Xô nhận xét rằng trong các bài trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh “có những điều không rõ ràng… Khi được hỏi về thái độ của chính phủ Việt Nam đối với Mỹ, Hồ Chí Minh né tránh nói đến chính sách của Mỹ đang chủ động mở rộng ảnh hưởng đối với Việt Nam… Cho đến giờ, Hồ Chí Minh vẫn tránh không khẳng định bản chất đế quốc của Hiệp ước Bắc Đại Tây dương và âm mưu của Mỹ muốn hình thành một khối bên bờ Thái Bình Dương để làm chi nhánh cho khối Hiệp ước nói trên.” [16]

Trong thế giới của Stalin, rõ ràng là chính những hành động của Hồ Chí Minh đã gây ra hiểu nhầm. Trong một loạt bài phỏng vấn thực hiện cuối những năm 1940, sau khi bài phát biểu của Jdanov được công bố, Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì ý kiến trung lập về mâu thuẫn đang tăng lên giữa hai khối Đông – Tây và về nguy cơ Hoa Kỳ, vì các lý do đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giữ thế trung lập là một việc càng ngày càng khó thực hiện trong vòng ảnh hưởng của phe quốc tế cộng sản, ngay cả đối với một người như Hồ Chí Minh. Sau khi đọc bài trả lời rất công phu của Hồ Chí Minh với phóng viên Harold Isaacs của tờ Newsweek’s vào mùa xuân năm 1949, một nhà ngoại giao rất tinh tường của Mỹ đã chỉ ra ranh giới mỏng manh này: “Điều gây ngạc nhiên nhất có lẽ là những câu trả lời rào trước đón sau của ông ta (Hồ Chí Minh) về các vấn đề mà không một nhân vật kế cận trung thành của Stalin, ở bất cứ nước nào, dám trả lời vòng vo, như về Khối Tây bán cầu, Kế hoạch Marshall, Ti-tô. Khi nói về những vấn đề này, Hồ hoặc là bỏ lửng hoặc tỏ ra không mấy hiểu biết. Vì rõ ràng là ông ta không thể không biết — người Việt luôn theo dõi tin tức thế giới tốt nhất trong tất cả các nhóm ở Đông Nam Á – hiển nhiên là ông ta không muốn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Nhiều lãnh tụ cộng sản ở một số nơi khác đã từng bị phế truất vì những lý do đơn giản hơn thế nhiều.” [17]

Công bằng mà nói, Hồ Chí Minh không phải là nhân vật duy nhất bị chụp chiếc mũ này. Stalin cũng đã từng nghi ngờ Mao Trạch Đông có tư tưởng Ti-tô-ít. Stalin sợ rằng các lãnh tụ “châu Á” này, về bản chất, vốn thiên về dân tộc chủ nghĩa hơn là quốc tế chủ nghĩa, và như Ti-tô, không hẳn sẽ phục tùng đường lối Xô-viết, hay nói cách khác, đường lối của Stalin. Năm 1948, ĐCSTQ ủng hộ Liên Xô khai trừ Ti-tô khỏi Cominform. [18] Nhưng Mao vẫn phải thuyết phục Stalin, trong chuyến thăm lịch sử của ông ta tới Mát-xcơ-va năm 1949–1950 rằng Mao không phải là Ti-tô. [19] Năm 1958, năm năm sau cái chết của Stalin, Khrushchev có nói cho Mao biết rằng Stalin đã từng có ý nghĩ “Trung Quốc là Ti-tô thứ hai.” [20]

Đối với VNDCCH, nhận định, thậm chí mới chỉ là mối nghi ngờ rằng họ đang ngả theo con đường của Ti-tô, cũng làm tồi tệ hơn tình hình vốn đã rối ren về ngoại giao của đảng cộng sản. Nỗi ám ảnh của Stalin về Ti-tô trùng hợp với, bên cạnh nhiều yếu tố khác, những ý kiến công kích của Lê Hy và Trần Ngọc Danh đối với ĐCSĐD và Hồ Chí Minh. Và bất kỳ một bức điện tín nào của phái đoàn Liên Xô gửi về từ Băng-cốc đề cập đến những cuộc tiếp xúc và lời mời của phía Mỹ dành cho VNDCCH trong nửa đầu năm 1949 cũng góp phần củng cố thêm mối nghi ngờ của Mát-xcơ-va về khả năng những người cộng sản Việt Nam đang muốn đi “con đường thứ ba” theo vết của Ti-tô. Dù vẫn chưa có được tài liệu chứng minh cụ thể, tôi cho rằng vấn đề này rất quan trọng để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhà nước VNDCCH tiến gần đến nguy cơ sụp đổ về ngoại giao đến như vậy vào năm 1950. Nhìn tổng thể, tất cả những vấn đề này gộp lại đủ để làm trật bánh đoàn tàu Việt Nam trên đường ray hội nhập khối cộng sản và ngăn cản khả năng được Liên Xô công nhận ngoại giao. Không có gì đảm bảo rằng Stalin sẽ công nhận chính thức VNDCCH vào năm 1950.

Ít nhất cũng có một vài người Việt Nam hiểu được nguy cơ tiềm ẩn của khả năng này. Chẳng hạn, vào ngày mùng 9 tháng 11 năm 1949, một cán bộ cao cấp của ĐCSĐD tại Thái Lan xuất bản một bài viết có nhan đề “Thế nào là chủ nghĩa Ti-tô?” Hẳn biết rất rõ về các nỗ lực tiếp xúc của phía Mỹ trong nhiều tháng qua tại Băng Cốc, ông ta phân tích “cần phải luôn trung kiên với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, với quê hương cách mạng, của giai cấp vô sản là Liên Xô.” [21]Thậm chí dù nếu các đề nghị của Hunter không có liên quan gì tới ý định của Hoa Kỳ nhằm trung lập hoá Hồ Chí Minh theo kiểu Ti-tô, rõ ràng là các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSĐD ở Thái Lan e ngại sẽ bị mang tiếng như thế. Và cũng nên nhớ rằng lúc đó Hoàng Văn Hoan đang chỉ đạo công việc đối ngoại của đảng từ Ban Cán Sự ở Thái Lan. Kết quả là, tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba – một kỳ họp quan trọng, tổ chức từ ngày 21 tháng Giêng đến mùng 3 tháng 2 năm 1950 (trong khi Hồ Chí Minh đang ở Mát-xcơ-va), ĐCSĐD đã triển khai một đường lối quốc tế chủ nghĩa chính thống, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Việt Nam bắt đầu ca ngợi Stalin, lên kế hoạch cải cách ruộng đất, thanh lọc các phần tử xấu trong đảng, đẩy mạnh hoạt động ở Lào và Cam-pu-chia theo mô hình quốc tế chủ nghĩa Ðông Dương do Quốc tế Cộng sản quy định trước đó, và tiến thêm một bước trong việc phê phán chủ nghĩa Ti-tô: “Quét sạch bè lũ mật thám Ti-tô-ít, tay sai đế quốc.” [22] Sự thay đổi về đường lối của đảng lần này là điều kiện tiên quyết để tái hoà nhập với phe quốc tế cộng sản.

“Người Việt Nam muốn ngồi vào chiếc ghế nào?” Câu hỏi nổi tiếng này là của Stalin đặt ra với Hồ Chí Minh tại Mát-xcơ-va năm 1950. Liệu sẽ là chiếc ghế cộng sản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa? Thông điệp của Stalin khá rõ ràng: Dù Việt Nam có đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh hay không, muốn được sự công nhận của Liên Xô và sự hỗ trợ quốc tế cộng sản, người Việt, kể cả bản thân Hồ Chí Minh phải chọn chiếc ghế cộng sản. [23]

Tháng Tư năm 1950, tổng bí thư ĐCSĐD, Trường Chinh, khẳng định Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, đã lựa chọn một bên, là khối cộng sản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Stalin. [24] Ông ta tuyên bố không chỉ với đảng viên trong nước mà với cả thế giới cộng sản rằng Việt Nam kiên quyết loại bỏ tư tưởng trung lập theo kiểu Ti-tô: “Chúng ta không chấp nhận quan hệ với Ti-tô. Nhà nước của chúng ta là một nhà nước dân chủ. Chúng ta chiến đấu trong hàng ngũ hoà bình và dân chủ trên thế giới, do Liên Xô dẫn đầu. Bè lũ Ti-tô đã phản bội Liên Xô và các quốc gia dân chủ nhân dân. Ti-tô và đồng bọn là tay sai của đế quốc Mỹ [. . .] Chúng ta sẽ không quan hệ với những loại như vậy.” [25]

Giống như Trường Chinh, Hồ Chí Minh cũng phải thực thi ngón nghề trung thành với ý thức hệ. Ông ta không thể “lừng chừng” thêm về vấn đề Hoa Kỳ hoặc cải cách ruộng đất. Ngày 20 tháng 7 năm 1950, trong khi trả lời cuộc phỏng vấn hết sức quan trọng với Léo Figuères, đại diện ĐCSP được cử tới Trung Quốc và Việt Nam, Hồ Chí Minh phát biểu rằng ông ta công khai lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ và sự can thiệp của nó vào vấn đề nội bộ Việt Nam. Các hành động của Mỹ mang tính phản dân chủ và cũng tương đương như một hành động xâm lăng. [26] Nhờ có chuyến thăm của Léo Figuères, quan hệ của ĐCSP và ĐCSĐD được cải thiện. Tháng 7 năm 1950, ĐCSP đồng ý “thúc đẩy phong trào phản chiến trên đất Pháp và trong hàng ngũ binh sĩ” trong một “trận chiến tổng hợp” chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Đông Dương. ĐCSP đồng ý hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống kẻ thù chung: “Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.” [27] Thời điểm việc này diễn ra không hề mang tính ngẫu nhiên. Và đương nhiên, trong chuyến đi tới Mát-xcơ-va, Hồ Chí Minh hết lời ca ngợi Stalin và chủ nghĩa Sta-lin-nít. Thậm chí ông ta còn sáng tác một bài thơ ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của khối cộng sản quốc tế. [28]

Kết luận: Khi được Trung Quốc giúp một tay

Tình thế gần như bị gạt ra ngoài lề thế giới cộng sản của Việt Nam vào thời điểm đó giải thích vì sao Việt Nam phải phụ thuộc chặt chẽ đến như vậy vào ĐCSTQ, không những để phá thế cô lập về quân sự ở thời điểm sống còn này, mà còn để cứu vãn nguy cơ sụp đổ về ngoại giao. Những người cộng sản Việt Nam phải trông chờ ở sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc mới có thể hội nhập thế giới cộng sản. Nếu ĐCSTQ cũng đồng tình với Stalin và từ chối công nhận VNDCCH và chính phủ của Hồ Chí Minh vào năm 1949–1950, thì VNDCCH đã có thể phải nhận một đòn chí tử trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Tổng bí thư ĐCSĐD Trường Chinh hiểu rất rõ rằng Trung Quốc sẽ là chìa khoá cho sự sống còn của Việt Nam. Tại kỳ Hội nghị Lần thứ 6 của cán bộ ĐCSĐD tổ chức vào tháng 1 năm 1949, ông ta phát biểu điều mà mọi người đều biết: “Có thể một ngày không xa, phong trào Dân Chủ Mới sẽ lan đến biên giới Đông Dương của chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng cho thời khắc đó. Chiến thắng của cuộc cách mạng sẽ giải phóng gần một nửa dân số thế giới khỏi xiềng xích của chủ nghĩa tư bản và tạo điều kiện cho nền Dân Chủ Mới lan toả suốt một dải liên tục từ Trung Âu tới mũi Cà Mau [miền Nam Việt Nam].” [29] Tuy nhiên, ĐCSĐD cần phải hành động gấp, trong khi THQDĐ đang sụp đổ ngày càng nhanh. Ngày 22 tháng Tư năm 1949, VNDCCH nhận được tin THQDĐ đã rút khỏi Nam Ninh và Hồng quân đã bắt đầu vượt sông Dương Tử. [30] Họ đang tiến dần xuống phía Nam Trung Quốc và biên giới Việt-Trung. Như Lê Văn Hiến đã viết trong nhật ký, đảng bắt đầu “tích cực chuẩn bị ở khắp mọi vùng, miền để sẵn sàng tận dụng thời cơ này.” [31]

Phía Việt Nam cũng cần phải bày tỏ sự quan tâm tới cuộc kháng chiến của những người cộng sản Trung Quốc và chứng minh tư tưởng quốc tế vô sản chân chính của mình. Vào giữa năm 1949, Việt Nam cử khoảng một ngàn người sang phía Nam Trung Hoa để phối hợp truy quét THQDĐ với địa phương quân của ĐCSTQ. [32] Quyết định đưa người sang giúp ĐCSTQ tại thời điểm đó chắc hẳn xuất phát từ lòng mong muốn thực sự được hỗ trợ một đồng minh trên tinh thần quốc tế vô sản. Nhưng điều đó cũng giúp xoá đi những mối nghi có thể vẫn đang ám ảnh các nhà lãnh đạo ĐCSTQ về bản lĩnh quốc tế chủ nghĩa của ĐCSĐD. Dù vì lí do gì đi nữa, quyết định giúp ĐCSTQ giành chính quyền đã được đưa ra đúng thời điểm. Trong các lần gặp gỡ đại diện Việt Nam ở Trung Quốc vào đầu tháng Giêng năm 1950, Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ đều khen ngợi sự giúp đỡ đầy “tinh thần quốc tế” của quân đội Việt Nam tại miền Nam Trung Hoa vài tháng trước đó. [33]

Chính tại thời điểm này, Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông và tất nhiên là cả Chu Ân Lai đã giúp một việc có thể nói là vô giá đối với ĐCSĐD nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng. Thứ nhất, Lưu Thiếu Kỳ đã khẳng định với vị sứ giả đặc biệt của ĐCSP, ông Léo Figuères, rằng ĐCSĐD và Hồ Chí Minh là những người theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản chân chính, xứng đáng với sự tin cậy của toàn khối cộng sản. Đương nhiên, quyết định giải tán ĐCSĐD vào tháng 11 năm 1945 vẫn còn là vấn đề nổi cộm. Lưu Thiếu Kỳ đã biện hộ cho Hồ Chí Minh như sau: “Các đồng chí Việt Nam đã đưa ra quyết định đó (giải tán Đảng) để ngăn không cho quân đội Tưởng Giới Thạch đang đóng trên Bắc Việt lúc đó có cớ (can thiệp). Quyết định này, trên thực tế, không hề ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo kháng chiến của đảng cộng sản. Vai trò này luôn càng ngày càng được củng cố vững chắc.” [34]

Cũng giống như những đồng chí của mình ở Pháp và Liên Xô, một số đảng viên của ĐCSTQ cũng đặt dấu hỏi về quyết định giải tán ĐCSĐD vào năm 1945 của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo sử gia Trung Quốc Yang Kuisong, Mao Trạch Đông đã biện hộ cho Hồ Chí Minh với ý kiến cho rằng các đồng chí Việt Nam giải tán ĐCSĐD nhằm mục đích bảo vệ đảng trong tình thế nguy ngập. Mao còn phát biểu thêm rằng quyết định này chưa hề gây bất cứ một tổn thất nào cho cuộc cách mạng. [35] Động thái này còn mang một ý nghĩa lớn hơn, vì ngay từ giữa năm 1949, chính Lưu Thiếu Kỳ đã lên án ĐCS Nam Tư thiếu tinh thần quốc tế và khẳng định Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Stalin trong hệ thống quốc tế mới. [36]

Dù sao chăng nữa, nếu không có sự ủng hộ của các lãnh đạo cao cấp trong ĐCSTQ như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, và với lá phiếu tín nhiệm của họ tại Mát-xcơ-va, Hồ Chí Minh chắc sẽ vất vả hơn rất nhiều trong nỗ lực hoá giải mối hiềm nghi đối với ĐCSĐD và cá nhân mình. Trên thực tế, ông ta hẳn sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc giành được sự công nhận đối với chính phủ VNDCCH từ các quốc gia thuộc phe cộng sản, trước hết là Liên Xô, sau đó là ĐCSP vốn mang nặng tư tưởng Sta-lin-nít. [37] Với kinh nghiệm từ chính bản thân họ rút ra được từ khi bắt đầu quan hệ với Stalin từ những thập niên 20 và 30, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Liên Xô trong hai năm 1949 và 1950 chắc hẳn có vai trò tích cực trong việc biện hộ cho Hồ Chí Minh trước những cáo buộc do Trần Ngọc Danh và Lê Hy đưa ra. Trong chuyến đi tới Mát-xcơ-va, Mao lên tiếng bảo vệ cho Hồ Chí Minh trước một Stalin đầy ngờ vực và góp phần thúc đẩy quá trình công nhận ngoại giao giữa hai đảng và hai ban lãnh đạo lúc đó còn chưa mấy thân thiết. Trong một bức điện Mao gửi Lưu Thiếu Kỳ ngày 27/1/1950—tức là ba ngày trước khi Liên Xô chính thức công nhận VNDCCH — Mao giải thích rằng hai lỗi của Hồ Chí Minh, giải tán ĐCSĐD và chủ trương trung lập trong đường lối đối ngoại, là nhằm bảo toàn cuộc kháng chiến chống Pháp và không hề gây bất kỳ một tổn thất nào cho phong trào cộng sản. [38] Về hành động của Hồ Chí Minh trong hai năm 1945–1946, Mao viết cho Lưu Thiếu Kỳ như sau: “Hồ Chí Minh đã một lần rút đảng vào hoạt động bí mật và tuyên bố VNDCCH giữ thế trung lập. Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng hai chủ trương trên là sai lầm về nguyên tắc, vì cuộc kháng chiến của Việt Nam không hề bị một ảnh hưởng nào từ quá trình thi hành các đường lối đó.” [39]

Ngược lại với những gì được viết ra do thiên kiến về sự kiện năm 1979 muốn chúng ta tin, ĐCSTQ hẳn đã giữ vai trò quyết định trong việc đưa ĐCSVN từ thế chầu rìa nhập cuộc với phe cộng sản, vào chính thời điểm cốt tử trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt. [40] Dù không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng lịch sử của chiến thắng quân sự tại Ðiện Biên Phủ năm 1954, chúng ta cũng nên tránh đề cao kết quả cuối cùng mà quên đi cả quá trình, vì trong năm 1950 những người cộng sản Việt Nam đã cận kề thất bại trên mặt trận ngoại giao hơn chúng ta tưởng. Nếu Liên Xô không công nhận VNDCCH vào năm 1950, có lẽ đã không có trận Ðiện Biên Phủ. Quan điểm của tôi ở đây là, chúng ta không nên e ngại nghiên cứu về “thất bại”, thậm chí thất bại của “người chiến thắng”. Một công trình như vậy sẽ đưa ra một cách tiếp cận hữu ích mới đối với quá khứ của Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Với cách nhìn này, những thất bại trong ngoại giao của nhà nước VNDCCH từ tháng 9/1945 đến tháng 1/1950 giúp chúng ta hiểu thêm được vì sao nhiều người cộng sản Việt Nam lại thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình Chiến tranh Lạnh rốt cuộc cũng đã diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho họ. Hơn nữa, nguy cơ sắp trắng tay về ngoại giao với giới cộng sản năm 1950 của Việt Nam giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao đảng cộng sản lại chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp cách mạng xã hội cấp tiến [chắc ý tác giả muốn nói tới phong trào cải cách ruộng đất – ND] và giành quyền điều hành nhà nước từ trước khi hoàn thành cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc với Pháp. Xu hướng cộng sản hoá nhà nước VNDCCH như vậy đã góp phần làm tăng số lượng những người quốc gia phi cộng sản đào ngũ “về thành” với chính quyền Liên minh Việt Nam thuộc Pháp. Sau cùng, việc xét lại phẩm chất quốc tế chủ nghĩa của Hồ Chí Minh trong giới cộng sản đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao những nhân vật khác trong ĐCSĐD có thể khẳng định mình một cách cởi mở hơn kể từ sau năm 1950. Christophe Giebel đã rất chính xác khi xác định thời điểm đảng “huyền thoại hoá” vai trò của Tôn Đức Thắng trong vụ nổi loạn Biển Đen năm 1919 vào các năm 1947 và 1950. Đó chính là các thời điểm những người cộng sản Việt Nam muốn cố cho bằng được để hội nhập vào phe quốc tế cộng sản và, nhờ có Tôn Đức Thắng, kết nối với nguồn gốc sáng lập cộng sản—cuộc Cách Mạng Nga. [41] Tuy nhiên, dường như chính Trường Chinh mới là người hưởng lợi nhiều nhất từ những rắc rối của ông Hồ từ năm 1945 đến năm 1950, cũng như từ sự ly khai của những nhà quốc tế chủ nghĩa với cái đầu nóng gốc Nam, lại qua đào tạo ở Mát-xcơ-va trước Thế chiến II, như Trần Ngọc Danh, em trai của người sáng lập Đảng. [42] Theo những nguồn tin được tiết lộ, không phải Trường Chinh tiếp thu mô hình Xô-viết, mà chính là mô hình Mao-ít. Điều này có lý, nhưng chỉ đúng với thời điểm khởi sự từ năm 1945 chứ không phải năm 1979./.

Các chữ viết tắt:

    • ĐCSTQ: Đảng Cộng sản Trung Quốc
    • ĐCSLX: Đảng Cộng sản Liên Xô
    • VNDCCH: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
    • ĐCSP: Đảng Cộng sản Pháp
    • THQDĐ: Trung Hoa Quốc dân Đảng
    • ĐCSĐD: Đảng Cộng sản Đông Dương
    • LHQ: Liên Hợp Quốc
    • LX: Liên Xô – Liên bang các nước cộng hoà Xô-viết
    • VNQDĐ: Việt Nam Quốc dân Đảng

 

Christopher Goscha là Phó Giáo sư (Assistant Professor), Khoa Sử, Trường Đại học Québec, Montréal. Tác giả xin cảm ơn ông Benoît de Tréglodé đã nhiệt tình chia sẻ những tài liệu thu thập được từ văn khố nước Nga. Tác giả cũng muốn cảm ơn ông David Marr, bà Julie Phạm, bà Sophie Quinn-Judge, và bà Judy Stowe đã đóng góp những ý kiến quý giá, giúp biên tập và chỉnh lý bài viết này.

Nguồn: Bản tiếng Việt © 2007 talawasNghiencuuquocte.net đặt lại tựa đề cho ngắn gọn.


[1]. Mark Philip Bradley, Hình dung về Việt Nam và Mỹ (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000).

[2]. Mark Atwood Lawrence, Assuming the Burden: Europe and the American Commitment to War in Vietnam (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 2005).
[3]. Xem thêm Chen Jian, Trung Quốc dưới thời Mao Chiến tranh Lạnh (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001), chương 2–3.
[4]. Đúng là Stalin đã từng hơn một lần không tin Mao. Tuy nhiên, Mao chưa từng phải “giải tán” ĐCSTQ năm 1945.
[5]. Xem báo cáo của French Sûreté hồ sơ số 39, nhóm hồ sơ về Conseiller Diplomatique, CAOM ; và Commandment supérieur des troupes françaises en Extrême-Orient, BCR, số 1392/1000, 8/4/1947, “Synthèse sur la politique américaine en Indochine depuis le déclenchement des hostilités par le VM,” p. 27, do Barada ký, dossier 231, nhóm hồ sơ về Conseiller Politique, CAOM.
[6]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Niemchine, le camarade Ustachov [Isatchov?] du 20 février 1949 sur la question de l’entrée du Vietnam à la commission économique d’Asie et d’Extrême-Orient,” hồ sơ số 161, ngày 10/3//1949, dossier 033, Southeast Asia, February 20–November 30, 1949, AMFA. Usatchov có trực tiếp gặp tuỳ viên quân sự Hunter.
[7]. “Carnet de note de l’attaché de la mission de l’URSS au Siam, le camarade Usatchov: Enregistrement de la conversation avec Nguyễn Ðức Quỳ,” ngày 10/3/1949, tài liệu số 169, ngày 10/3/1949, dossier 033, Southeast Asia, February 20–November 30, 1949, AMFA.
[8]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Niemchine, le camarade Ustachov [Isatchov?] du 20 février 1949 sur la question de l’entrée du Vietnam à la commission économique d’Asie et d’Extrême-Orient,” tài liệu số 161, ngày 10/3/1949, dossier 033, Southeast Asia, February 20–November 30, 1949, AMFA. Phía Pháp khẳng định có các hoạt động của công ty Mỹ này. Xem “Note d’information concernant les trafics et trafiquants au Siam.”
[9]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Niemchine, le camarade Ustachov [Isatchov?] du 20 février 1949 sur la question de l’entrée du Vietnam à la commission économique d’Asie et d’Extrême-Orient,” tài liệu số 161, ngày 10/3/1949, dossier 033, Southeast Asia, February 20–November 30, 1949, AMFA.
[10]. Commissariat de la République Française au Laos, Vientiane, March 2, 1949, “Lê commissaire de la République française au Laos à Monsieur Haut Commissariat de France en Indochine, Conseiller Politique,” Sàigòn, Số 192/CCS, Tài liệu kèm theo : Vientiane, 24/2/1949, “A M Lê contrôleur, Chef de la Sûreté fédérale au Laos à Vientiane,” ký tên Marnas, dossier 119, grouping Conseiller Politique, CAOM.
[11]. Tôi mượn thuật ngữ “cái nêm” của John Lewis Gaddis, Giờ chúng ta mới biết: Nhìn lại Lịch sử cuộc Chiến tranh Lạnh (Oxford: Oxford University Press, 1997), 60–62. Về phản ứng của Trung Quốc trước những màn ngoại giao mào đầu của Mỹ, xem Chen Jian, Trung Quốc dưới thời Mao, 41–48.
[12]. Dịch từ tài liệu thu được: “Commissaire de la Zone VIII à l’autodéfense: La question de notre comportement à l’égard de l’Impérialisme américain,” ký Nguyễn Thanh, ngày 14/1/1948, box 91, Etats-Associés, MAE. Tháng 1/1948, Ưng Vǎn Khiêm, Ủy viên phụ trách Ngoại Giao, Trung ương Cục Nam Bộ, phê bình hai bài báo có luận điệu chống Mỹ. Điều này khiến chúng ta nghĩ ĐCSĐD quán triệt nhu cầu phải “vừa đi vừa dò đường”, nghe ngóng tình hình quốc tế một cách cẩn trọng trong thời điểm khó khăn này.
[13]. “Politique anti-anglo-américain,” January 30/1/1950, Le comité des affaires du Comité directeur territorial du Nam Bộ, ký Nguyễn Vǎn Mười, dossier 60, box 10H547, SHAT. Xem thêm “Ðiện của Trung Ương: Chỉ đạo đấu tranh phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương [Central Committee Cable: Instructions on the Struggle against the American Intervention in Indochina],” trong Vǎn Kiện Ðảng Toàn Tập (see note 12), 11:254–255.
[14]. Nên nhớ Thorez đã từng gặp Phạm Ngọc Thạch năm 1947.
[15]. Janos Radvanyi, Ảo tưởng và Thực tế: Mưu kế, lừa bịp và trục lợi trong ngoại giao ở Việt Nam (South Bend, IN: Gateway Editions, 1978), 4, theo Ilya Gaiduk trích dẫn trong “Chiến lược của Xô-viết trong Chiến tranh Lạnh và Viễn cảnh Cách mạng ở Nam và Đông Nam Á” xem Goscha và Ostermann, Chắp nối Lịch sử.
[16]. Ilya Gaiduk, “Chiến lược của Xô-viết trong Chiến tranh Lạnh và và Viễn cảnh Cách mạng ở Nam và Đông Nam Á,” trong Goscha và Ostermann, Chắp nối Lịch sử.
[17]. “Đại sứ quán Mỹ gửi Bộ Ngoại Giao,” ngày 27/4/1949, 851G.01/4-2749, NARA.
[18]. Olde Arne Westad, ed., Chiến hữu (Washington, D.C.: Woodrow Wilson Center Press, 1998), 63.
[19]. Xem Westad, Chiến hữu, 204, 338–339, và 348; và David Wolff, “Những sự kiện lịch sử đáng giá: Bằng chứng mới từ Nga và Trung Quốc về quan hệ Xô-Trung lúc hợp lúc tan 1948–1959,” Tờ tin của Dự án Lịch sử Chiến tranh Lạnh Thế giới, số 30 (Tháng 8/2000): 34–35.
[20]. “Cuộc nói chuyện đầu tiên giữa N.S. Khrushchev với Mao Trạch Đông, 31/7/1958,” trong Wolff, “Những sự kiện” 54.
[21]. HCFIC, Service de documentation extérieure et de contre espionnage “Note de renseignements: Évolution du Parti Communiste Vietnamien au Siam,” ngày 6/12/1949, trang 2, box 378, file grouping Service de Protection du Corps expéditionnaire, CAOM.
[22]. Đã trích trong Ðấu Tranh, 40.
[23]. Điều này không có nghĩa là Việt Nam chịu sự áp đặt trong Chiến tranh Lạnh, hay những người cộng sản Việt Nam tiếp nhận nó một cách miễn cưỡng. Xem Vũ Tường, “Từ cổ vũ đến tình nguyện: Cộng sản Việt Nam và sự hình thành của Chiến tranh Lạnh, 1940–1951”; và Christopher Goscha, “Hai nước Việt Nam và sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh: 1950 và sự chuyển hướng sang châu Á trong hệ thống quốc tế,” trong Goscha và Ostermann, Kết nối Lịch sử.
[24]. Trong báo cáo chính trị tại Hội nghị Cán bộ Lần thứ 5, tháng 8/1948, một đại biểu không rõ tên, nhưng phần nhiều là Trường Chinh, phát biểu “nhiều đồng chí đã thắc mắc về thông tin Ti-tô và ĐCS Nam Tư đã bị khai trừ khỏi Cominform.” Diễn giả nói rằng sự kiện Ti-tô “chỉ là sợi rơm vướng vào bánh xe của phong trào Dân chủ mới.” Đúng là có gây xì xào ít nhiều, nhưng việc khai trừ là cần thiết để củng cố và trong sạch hoá phong trào quốc tế cộng sản, nơi “không thể dung túng một nhóm phát-xít tự tồn tại riêng rẽ.” Báo cáo đọc ở Hội nghị cán bộ lần thứ V (Từ 8-8 đến 16-8-1948) trong Vǎn Kiện Ðảng, Toàn Tập,9: 178.
[25]. Bài xã luận của Trường Chinh trong tờ Sự Thật, số 130 (1/4/1950), được Léo Figuères trích dẫn, Je reviens du Viet-Nam libre, Notes de voyage [Tôi vừa trở về từ Việt Nam] (Paris: không nêu tên nhà xuất bản, 1950), 136. Mặc dù Nam Tư đã công nhận VNDCCH từ đầu năm 1950, VNDCCH, giống như CHND Trung Hoa, từ chối công nhận lại. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times tháng 5/1950, Nguyễn Ðức Quỳ xác nhận có gửi yêu cầu công nhận ngoại giao tới Ts. Edvard Kardelj, Bộ trưởng Ngoại Giao Nam Tư. Về sự từ chối của VNDCCH không công nhận Nam Tư, xem “Việt Minh duy trì quan hệ với Nam Tư,”New York Times (12/5/1950); và Robert F. Turner, Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam: Nguồn gốc và Phát triển (Stanford, CA: Hoover Institution Press, 1975), 73.
[26]. Đã trích dẫn trong Ðấu Tranh, tr. 44.
[27]. “Chỉ thị của Ban Thường Vụ Trung Ương về việc mở chiến dịch phối hợp đấu tranh với Đảng Cộng Sản Pháp ngày 29/7/1950, ký tên Lương [Trần Vǎn Lương] trong Vǎn Kiện Ðảng, Toàn Tập, 11:446–448. Xem thêm “Mấy điểm thêm vào cuối Mục B chỉ thị số 20-CT/TW của Trung Ương về việc tuyên truyền cổ động để phối hợp với phong trào phản chiến ở Pháp, ngày 11/8/1950, ký tên Lương [Trần Vǎn Lương] trong Vǎn Kiện Ðảng, Toàn Tập, 11:457–458. Thời điểm phong trào phản chiến ở Pháp đang dâng cao không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
[28]. Bài thơ của Hồ Chí Minh, viết bằng tiếng Pháp thì phải, với nhan đề Le mont Staline, “Ngọn núi Stalin.” “Du parti communiste vietnamien à l’Ambassade soviétique en Chine puis aux camarades I. Kozlovy et camrade Bachitov, au département sud-est asiatique,” ngày 10/7/1950, trong dossier 425, CCCPSU.
[29]. “Rapport de Trường Chinh à la sixième réunion [(sic), conférence des cadres] du Comité Central du PCI (14–18 janvier 1949),” thu được và dịch ra tiếng Pháp trong DSS, số 6442/C/SG.1, 17/10/1951, “Ghi chú,” box 10H620, SHAT, và dossier 105, file grouping Conseiller Diplomatique, CAOM.
[30]. Lê Vǎn Hiến, Nhật ký, 2:41, 45. ĐCSTQ bắt đầu vượt sông Dương Tử ngày 20/4/1949.
[31]. Sách đã dẫn, 2:19.
[32]. Christopher E. Goscha, “L’aide militaire chinoise au Việt Minh (1949–54) à la lumière de quelques sources vietnamiennes [Viện trợ Quân sự của Trung Quốc cho Việt Minh, nhìn dưới những tư liệu mới từ Việt Nam (1949–54)],” Revue historique des Armées, no. 3 (2000): 15–24.
[33]. Sự Thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1996), 49–50, dẫn biên bản các cuộc họp giữa Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ với đại diện ĐCSĐD và VNDCCH.
[34]. Doyon dẫn lời Lưu Thiếu Kỳ, Les soldats blancs de Hồ Chí Minh [Bạch vệ quân của Hồ Chí Minh] (Paris: Fayard, 1973), 111–112.
[35]. Yang Kuisong, “Những thay đổi trong thái độ của Mao Trạch Đông đối với Chiến tranh Đông Dương, 1949–1973,” Dự án Lịch sử Chiến tranh Lạnh Thế giớiTài liệu số 34 (Washington, DC: Cold War International History Project, February 2002), 3.
[36]. Cũng cần lưu ý rằng hình như Trung Quốc cũng đóng một vai trò quyết định trong việc thuyết phục Stalin công nhận Cộng hoà Indonesia, bất chấp những khác biệt nghiêm trọng về tư tưởng sau khi Sjarifuddin bị hạ bệ tháng Năm năm 1948. Ngày 3/2/1950, Liên Xô công nhận nước Cộng hoà Indonesia. Efimova, “Chứng cứ mới,” 225–226.
[37]. Dù chưa có bằng chứng chi tiết, thật khó mà tin được Chu Ân Lai không lên tiếng biện hộ cho Hồ Chí Minh và đảng của ông ta trước những lời phê phán khác về xu hướng thiên hữu và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chu Ân Lai đã biết Hồ Chí Minh từ hồi còn ở Paris, và Chu cùng với Lưu Thiếu Kỳ đã từng công tác với ông Hồ ở Quảng Châu từ giữa những năm 20 và sau đó vào cuối thập niên 30. Cả hai đã đến Mát-xcơ-và vào năm 1949 và năm 1950 để đàm phán về một chương mới trong quan hệ Xô-Trung.
[38]. Các bản thảo của Lưu Thiếu Kỳ từ khi Thành lập [nước CHND Trung Hoa], (Tháng 7/1949–tháng 3/1950) (Beijing: Zhongyang Wenxian, 1998), 347n5 (tài liệu đã được [Janet] Geok Hoon Williams dịch); Yang Kuisong, “Những thay đổi trong thái độ của Mao,” 4.
[39]. Mao Trạch Đông, do Yang Kuisong dẫn trong “Những thay đổi trong thái độ của Mao,” 4.
[40]. Giá mà người Pháp cho thành lập một nhà nước Việt Nam độc lập thật sự, phi cộng sản sớm hơn, giả sử như vào năm 1948, VNDCCH có thể sẽ lâm vào tình thế còn khó khăn hơn về ngoại giao, xét vị thế hiện tại đang bị đứng bên lề phe cộng sản và quan hệ nửa vời với Hoa Kỳ. Giả sử như người Pháp trao trả độc lập cho các Chính phủ Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia trong Liên hiệp Pháp, chắc hẳn các nhà nước này sẽ được sự chấp nhận, công nhận và qua đó được hợp pháp hoá với các quốc gia dân tộc phi cộng sản như Ấn Ðộ, Miến Ðiện và Indonesia, chưa kể đến Hoa kỳ và các đồng minh phương Tây. Và xét theo các chứng cứ đưa ra trong bài viết này, ta có thể đặt vấn đề, biết đâu thậm chí Liên Xô sẽ công nhận một nhà nước (Việt Nam) trung lập, độc lập và phi cộng sản. Sau cùng, cả VNDCCH và Nhà nước Việt Nam (trong Liên hiệp Pháp) được sự công nhận của bất kỳ nhà nước phi cộng sản nào ở châu Á (trừ Thái lan đối với Bảo Đại). Ở đây có thể người Pháp đã mắc một sai lầm lớn về chiến lược khi không cân nhắc vấn đề trao trả độc lập một cách nghiêm túc. Họ cũng lặp lại sai lầm này ở An-giê-ri. Nực cười thay, chính phủ lâm thời Cộng hoà An-giê-ri đã mượn thế hệ thống quốc tế và cuộc Chiến tranh lạnh để chống lại người Pháp thành công hơn rất nhiều so với VNDCCH.
[41]. Christoph Giebel, Tiền bối được tô vẽ của những nhà cộng sản Việt Nam: Tôn Đức Thắng với Lịch sử và Ký ức bị Chính trị hoá (Seattle: University of Washington Press, 2004), 76–77.
[42]. Chắc sẽ rất thú vị nếu chúng ta tìm hiểu thêm được vì sao các nhà lãnh đạo theo quốc tế chủ nghĩa, được Liên Xô đào tạo từ trước Thế Chiến II, như Dương Bạch Mai và Trần Văn Giàu, lại không lên được trong ĐCS sau Thế Chiến II. Hình như ông Giàu cũng từng theo đuổi đường lối cách mạng độc lập trong thời gian ở Thái Lan, cho đến khi bị thay bằng Hoàng Văn Hoan.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]