Hình tượng voi trong nghệ thuật Đông Sơn và vấn đề lịch sử Tượng Quận

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Quốc Quân

Trong nền nghệ thuật văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở nước ta, cách ngày nay trên dưới  2000 năm, đã xuất trình hàng loạt bộ  sưu tập, phản ánh muôn mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng và tâm linh của cư dân Việt cổ, để rồi, tạo nên một ngôi sao sáng chói trên bầu trời khu vực lúc bấy giờ. Trong những  bộ  sưu tập phong  phú ấy, hình ảnh voi là vô cùng ấn tượng với những  biểu hiện tư duy đa ngữ nghĩa, và phong cách thể hiện vô cùng phong phú, mà giờ đây, sự tích lũy tư liệu ngày một điền đầy có thể dễ nhận ra, trong khi, vài thập niên trước còn khá mờ nhạt, do tài liệu còn ít ỏi. Rồi, đâu đó, trong  các văn liệu sử và khảo cổ học,  có đôi ba gợi ý về mối liên hệ giữa hình ảnh con voi với  danh xưng Tượng Quận, khiến khó có  thể bỏ  qua, dẫu rằng, giải mã mối quan hệ ấy là vô cùng  phức tạp, khi tính đa chức năng, đa ngữ nghĩa của vật dụng từ những sáng tạo của con người  nói chung và người Việt cổ  nói riêng, dường  như không  có biên  độ rõ ràng.  Bài viết này, xin mạnh dạn gợi mở vài ý ban đầu qua những kiến giải chủ quan và trực quan, mong lần ra được sợi dây liên hệ mong manh giữa chúng, khi di vật khảo cổ học và tư liệu lịch sử dường như có sự trùng khớp ít nhiều.

Có thể nói, nghệ thuật tạo hình Đông Sơn là nghệ thuật miêu tả con người và động vật vô cùng sinh động và xuất sắc với hai phong cách: tả thực và cách điệu, qua hai kỹ thuật biểu hiện: tượng  tròn và phù điêu. Thế nhưng, đề tài voi tả thực dường như được  quán xuyến  trong tất cả những tác phẩm đã khảo sát.

Như nhiều người đã tổng kết,  tượng tròn trong nghệ thuật Đông Sơn không phải là thế mạnh như các  nền nghệ thuật phương Tây suốt từ cổ chí kim. Đề tài và hình ảnh con voi cũng không nằm ngoài đặc điểm chung ấy, theo đó, chúng thường là phù điêu hoặc được gắn trên một vật dụng với tên gọi phản ánh công  năng, dẫu không rõ  ràng và chưa được thống nhất trong  giới khảo cổ học, bởi  sự đa chức  năng của chúng.

Chiếc chuông voi trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một ví dụ. Chuông gồm hai bộ phận, thân chuông là hình nửa quả bàng, có lục lạc bên trong, có hai lỗ thủng hình chữ nhật ở trên thân,  hai tai vểnh cong như hai chiếc ngà. Ở trên đỉnh, giữa hai chiếc “ngà” ấy là tượng voi đứng. Đa số giới nghiên cứu khảo cổ học gọi là “chuông voi”, hẳn có hàm ý, đó là vật dụng cho  những đàn voi chăn thả trong  quá trình  thuần  dưỡng, hoặc  đã là vật nuôi của cộng đồng. Tôi lại cho đó là những chiếc chuông trong dàn chuông, liên quan tới những buổi tế lễ về ban đêm, có mối quan hệ tới những cây đèn trong tín ngưỡng Đạo giáo(1). Đưa ra ví dụ trên để thấy tính đa chức năng của hiện vật, nhằm giải mã những giá trị, ít nhiều mang tính biểu tượng,  có  liên quan tới  phần sau của bài viết này.

Cũng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn  có  một cây đèn đồng  phát hiện được  ở  di chỉ Làng Vạc (Nghệ An)(2), thuộc văn hóa Đông Sơn. Cả một cây đèn nhiều nhánh, nhiều tầng, nhiều đĩa đèn được  đặt trên một bệ đỡ hình voi đứng. Tỷ lệ giữa bệ và cây đèn khá chông chênh và yếu ớt, nhưng với dáng vẻ tả thực của con voi/bệ đỡ, uy nghi và hùng dũng, đã tạo nên một cây đèn – cây vũ trụ, có liên quan tới những cuộc hành lễ, của tín ngưỡng  Đạo giáo, như tôi đã nói ở trên,  mà O.Janse đã chỉ ra cách đây hơn nửa thế kỷ, qua cây đèn hình người nổi tiếng ở Lạch Trường, Thanh Hóa(3). Như vậy, lại một lần nữa, tượng voi được gắn với tên gọi khác: Cây đèn, với ngữ nghĩa nhiều hơn.

Ở Làng Vạc, không chỉ cây đèn này có hình voi, còn có dao găm  voi ở đốc, muôi hình voi ở cán và tượng voi, chắc được gắn trên một vật gì đó, nay còn lại dấu vết trên 4 chân(4), khiến cho tôi không tin đó là tượng tròn –  một hiện tượng hiếm thấy trong nghệ thuật Đông Sơn, như đã thấy.

Ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng còn một con dao găm khác, sưu tầm cách đây hơn 10 năm tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Theo hồ sơ, đây là con dao găm phát  hiện  được ở Đại Lãnh cùng tỉnh, trong văn hóa Sa Huỳnh, có  niên đại tương đương với Đông Sơn. Trên đốc dao cũng có một tượng voi giống như dao găm Làng Vạc, dẫu có sự khác biệt đôi chút ở phần lưỡi,  khiến  có thể đưa ra một giả thuyết về sự trao đổi, buôn bán đương thời giữa hai trung tâm lớn Đông Sơn và Sa Huỳnh –  điều mà chúng ta đã nhận diện qua rất nhiều tư liệu trên đồ gốm, đồ đồng, đồ trang sức… do hai nền văn hóa ấy phát lộ đã cung cấp.

Dao găm

Nghệ thuật miêu tả voi trên đồ dùng thời Đông Sơn, còn thấy trên các ấm đồng,  với sự phối kết khá đặc biệt. Đó là những chiếc ấm có nắp đậy, quai vòng qua miệng,  cổ eo, bụng phình, đế loe. Nắp và chân ấm đúc nổi cánh sen, giữa thân có gân nổi. Vòi ấm là đầu voi, được giới sưu tập cổ ngoạn gọi tên là “ấm đầu voi”. Loại ấm này khá phổ biến vào giai đoạn Đông Sơn mạt kỳ và cùng với chúng là những ấm chất liệu gốm có hình dáng tương tự, nhưng kích thước lớn hơn. Nhiều nhà nghiên cứu coi loại hình này là sự giao thoa văn hóa Việt – Hán. Tôi hoàn toàn không tán đồng với thuật ngữ này và coi đây là sản phẩm một trăm phần bản địa. Gần đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam, Mỹ  và  cả Trung Quốc nữa, cũng có chung nhận định này (5).

Trong nghệ thuật tạo hình thời Đông  Sơn, hoa văn trống đồng là đỉnh cao của phong cách tả thực. Trên đó, người nghệ sĩ xưa đã gửi gắm vào bên trong nhiều cảm xúc và tư duy, khiến cho đến nay, có rất nhiều mô-típ hoa văn cùng với sự vận hành biến ảo của chúng, chưa thể giải mã một cách thấu đáo.

Tại một sưu tập tư nhân Hà Nội, có  một chiếc  trống  đồng Đông Sơn vô cùng đặc biệt, với những tổ hợp hoa văn khác lạ so với nhiều trống đồng đã biết trước  đây. Ngoài những  hình ảnh thuyền – người, chim – thú hao hao với bố cục trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, thì chiếc trống này lại thuộc về loại hình trống lùn, hoa văn thuyền  – người  được  tối giản nơi  tang trống với  hình thuyền mỏng manh như chiếc lá, còn người được cách điệu như một ẩn dụ, được TS. Tạ Đức và tôi gọi là người khỉ(6). Tuy nhiên, sự đặc biệt lại nằm ở hai tổ hợp khác trên thân trống, đó là cảnh hiến sinh bò mà ngày nay còn thấy “hóa thạch”  ở  một số dân tộc Tây Nguyên  và hình ảnh hai người phụ nữ cưỡi voi, cùng với những chiến binh đánh bộ, cầm vũ khí hò reo xung trận. Hình ảnh trên đây là duy nhất có trên trống đồng Đông Sơn này và dường như có liên quan tới truyền thuyết lịch sử về Hai Bà Trưng,  với niên đại tương đối trùng khớp với cuộc khởi nghĩa ấy ở thế kỷ I sau Công nguyên.

Trống đồng loại II Heger, được   giới   nghiên cứu  đồng thuận,  coi chúng như một loại trống nối tiếp trống Đông Sơn, với một khung niên đại kéo dài gần 20 thế kỷ. Thế nhưng, chỉ ở  giai đoạn đầu, khoảng  thế kỷ II –  III sau Công nguyên, có ít ỏi trống  loại này đúc tượng voi, được hàn trên vành ngoài cùng, bên cạnh  tượng cóc phổ biến, đều có chiều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Voi và cóc được tả thực sinh động, không có sự cách điệu như hình ảnh con người và những động vật khác.

Voi trong nền nghệ thuật tạo hình Đông Sơn và hậu Đông Sơn, không chỉ có thế và người viết cũng không  muốn sa đà hơn để miêu thuật thêm những tư liệu tương đồng. Mặc dù vậy, so với đề tài con người và động vật, theo khảo sát của tác giả, hình tượng con voi không phải là nổi trội và đậm đặc, nhưng đó là nguồn cảm hứng của nghệ sĩ đối với loại động vật gần gũi và thân quen trong đời sống của người Việt cổ. Và, như đã phân tích đôi dòng ở trên, cùng sự thực chứng qua di vật, con voi thường  đi liền với những câu chuyện, những tên gọi liên quan tới  chức  năng của hiện vật, khiến  cho nó không phải, hay chưa hoàn toàn mang  giá trị biểu tượng  cho  một danh xưng. Tuy nhiên, xét trên phương diện nghệ thuật biểu hiện, thì voi là con vật được  diễn tả cụ thể, sinh động, chân thật nhất so với nghệ thuật  miêu tả con người và động vật thời Đông Sơn. Và, dường như, nó cũng chưa hề thấy trong nghệ thuật tạo hình của nhiều  nền văn hóa tương đồng, kề cận với Đông Sơn, khiến cho, đâu đó có ý  kiến đặt mối quan hệ Tượng Quận  với hình ảnh con  voi trong nghệ thuật Đông Sơn, xem ra có phần logic, khi chúng ta khảo sát thêm không gian địa lý của Tượng Quận trong lịch sử.

Voi và vấn đề Tượng Quận

Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, khi bàn về danh xưng Tượng Quận và cương vực của quận này, L.Auroseau đã gọi đó là quận của những con voi(7).

Sau này, các học giả Đài Loan như Ngô Tấn Tài, Quách Đình Dĩ, Chu Văn Ánh, đây đó trong các khảo cứu của mình đều có  ghi nhận Tượng Quận là do sản sinh voi mà có tên: “Tượng Quận là do sản sinh ra voi mà có tên. Trung Quốc từ thời có sử, không kể là lưu vực sông Hoàng Hà hoặc Hoài Hà,  đều không có chứng  cứ xác thực về sản sinh ra voi”.

Học giả Trần Kính Hòa, căn cứ vào hai đoạn ghi chép về voi trong Toàn thư, cùng một số ghi nhận về voi ở Giao Chỉ trong nhiều thư tịch của Trung Hoa, đã đi tới nhận  định rằng:  “…đất này đặt tên là Tượng Quận (Quận Voi) càng chứng thực rằng, tên gọi đó bắt nguồn từ đặc sản của loài voi”.

Giáo sư Kiều Thu Hoạch,  trong  một  công trình nghiên cứu công phu, dường  như cũng  tán đồng với  danh xưng này: “Tượng Quận là cái tên bắt nguồn từ xứ sở của voi là điều không còn nghi ngờ gì nữa”. Và, trong minh họa phần phụ lục, dẫu chẳng có lời bình luận, nhưng ông đã đưa những hiện vật Đông Sơn có trang trí hình tượng voi như một gợi ý chỉ dẫn về Tượng Quận,  theo cách hiểu của người viết bài này.

Xuất phát điểm của những ý kiến trên, chính là đặc sản voi ở miền  Bắc Việt  Nam  thời bấy  giờ, khoảng thế kỷ II TCN, khi Tần  Thủy Hoàng chiếm Lạc Việt, đồng thời, cũng là thời điểm tên Tượng Quận ra đời. Câu chuyện còn liên quan tới  người  phụ nữ có tên Triệu Ẩu, ở quận  Cửu Chân, nổi lên chống  giặc Ngô, qua hình ảnh với con voi quen thuộc, được  Đại Nam quốc  sử diễn ca của Lê Ngô Cát nhắc tới “Vú dài ba thước vắt lưng/  cưỡi voi gióng trống trong rừng trẩy ra”. Và, trong Thủy kinh chú, cũng cho thấy “Tháng 10 năm Kiến Vũ 19 (43) đời Hán Quang Vũ, Mã Viện tiến quân vào quận Cửu Chân đánh dẹp tàn quân của Hai Bà Trưng. Lúc Viện tới  vùng Dư Phát (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa hiện nay), thủ lĩnh của nghĩa quân là Chu Bá bỏ chạy vào khu rừng sâu, đầm lớn, ở đó có tê giác, voi quần tụ, dê, bò  cả đàn đứng đông  đến ngàn  con, bấy giờ lại thấy voi tụ vào riêng thành đàn vài ngàn con”. Câu chuyện này cũng có phần liên quan tới   hình ảnh trên trống đồng mà tôi đã lược thuật, khi voi được thuần  dưỡng, tham gia vào trận chiến chống quân Đông Hán của Hai Bà Trưng năm 43.

Hình tượng voi trên trống đồng

Như vậy, qua đơn cử sử liệu và những nhận xét của các học giả đương đại, thì mối liên hệ giữa con voi và Tượng Quận diễn ra chủ yếu ở vùng đất mà ngày nay, thuộc miền Bắc Việt Nam. Thế nhưng, Tượng Quận  có phải là vùng đất ấy hay không, lại là một vấn đề vô cùng dài dòng và phức tạp, theo đó, tôi muốn mượn  đôi ba ý của Giáo sư Kiều Thu Hoạch để tóm lược các ý kiến của các học giả bàn về cương  vực Tượng  Quận như sau(8):

– H. Maspero,  một học giả Pháp, trong tác phẩm Những luận văn khảo  cứu về nước An Nam, công bố  trên tạp chí BEFEO,  quyển XVI, năm 1906 đã viết “Tóm lại, Tượng Quận phải nằm trong phạm vi của nước   Trung Quốc hiện tại. Do đó, mà nó đã chiếm hữu một phần đất của tỉnh Quảng Tây và Quý Châu”.

–   L. Auruseou, cũng là một học  giả Pháp  cùng thời, không tán đồng với quan điểm này và cho rằng, Tượng Quận hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, qua công trình nghiên cứu Cuộc  chinh  phục  đầu tiên của người Trung  Hoa vào đất An Nam, đăng trên BEFEO, tập XVIII, năm 1923, với  hẳn một chương bàn các thuyết giới hạn của Tượng Quận.

– Học giả Đào Duy Anh trong tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam, phần viết về vị trí Tượng  Quận, có những lời   bình luận về thuyết Tượng Quận của Phạm Khải – sử thần cuối thời Tự Đức, của học  giả Nhật Bản Guimeisacki, của học  giả Trung Quốc Trần Tu Hòa và trọng  điểm là hai thuyết của H. Masspero và L.Aurouseau,  rồi đi đến kết luận “Tượng Quận  tức là miền Tây bộ tỉnh Quảng Tây ngày nay”.

–  Phó giáo sư Nguyễn Duy Hinh, trong công trình nghiên  cứu Văn minh Đại Việt, cho rằng, Tượng Quận là ở Bắc bộ Việt  Nam ngày nay: “Tượng Quận  là vùng đất nào? Các sử gia cổ nước ta cho  rằng, Tượng  Quận chính là đất nước ta bao gồm toàn bộ lưu vực sông Hồng và sông Mã. Họ cho  rằng, cuộc xâm lược của Triệu Đà chiếm Tượng  Quận chính là cuộc chiến của Triệu Vũ Vương đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương. Dù rằng, vẫn có tư liệu về Tượng Quận nằm ngoài địa bàn nước ta”.

Quai chuông có gắn hình tượng voi

– Các học giả thời Trung Hoa dân quốc đến Cộng hòa nhân dân Trung  Hoa có  Lê Chính Phủ, trong công trình Quận  huyện  thời đại chí An Nam tỏ ý đồng thuận với L.Aurouseau,  bác bỏ quan điểm của H.  Masspero.  Còn Lã Sĩ Bằng trong  Bắc thuộc  thời ký đích Việt Nam cũng tán thành với khảo  cứu  của L.Aurouseau và phản bác H. Masspero. Tuy nhiên, Lã Sĩ  Bằng cũng cho rằng L.Aurouseau  vẫn còn  lỗ hổng, khi kéo biên giới  phía Nam của Tượng Quận  đến tận mũi Veralla (Đại Lãnh, ngày nay) là quá xa, vì theo Sam Bản Trực Trị Lang – một nhà nghiên cứu Nhật Bản, bàn về biên cảnh phía Nam Trung Quốc thời Tần – Hán, cũng nghĩ rằng,  Tượng Quận đời Tần chính là vùng Bắc kỳ, bởi chính lệnh của nhà Tần không thể tới Varella được.

– Các học giả nghiên cứu Việt Nam học người  Đài Loan  như Ngô Tuấn Tài, Quách Đình Dĩ, Chu Văn Ánh đều có chung một kết luận, dẫu có  những cách diễn đạt khác nhau trong  các công trình khảo cứu của mình, rằng Tượng Quận nằm trên đất Việt Nam và Tượng  Quận gắn liền  với sự kiện Tần Thủy Hoàng bình Bách Việt.

– Giáo sư Kiều Thu Hoạch, sau khi đã khảo cứu tất cả những  luận điểm nêu trên và đã đi đến kết luận rằng, Tượng Quận là một danh xưng  hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, như một địa danh  lịch sử thời Tần, chứ không phải là địa danh nằm trên đất Trung  Quốc như điều ngộ nhận của H. Masspero. Ông cũng nhấn mạnh từ góc nhìn sinh thái nhân văn, bên cạnh những góc nhìn khác như địa chính trị, địa lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học và ngôn ngữ học lịch sử để đưa ra kết luận này là hoàn toàn đủ cơ sở.

Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của các học giả cho rằng, Tượng Quận chính là vùng đất thuộc miền Bắc Việt Nam ngày nay. Đó chính là không gian của văn hóa Đông Sơn thời  Trung kỳ và phần nào đó tới Hậu kỳ, tương đương với giai đoạn Tần – Hán. Đó cũng chính là văn minh vật chất của những  dòng sông Hồng,  sông Mã và sông Cả và kết thúc ở biên giới hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng  Bình ngày nay của Việt Nam.

Hình tượng voi

Như vậy, voi và danh xưng Tượng Quận có một mối dây liên hệ, như đã nêu dẫn trên đây là hoàn toàn có  thể khẳng  định. Thế nhưng, voi trong nghệ thuật Đông Sơn có hẳn là biểu tượng cho danh xưng này thì vẫn còn rất mờ nhạt, khi mà hình tượng voi sớm nhất tìm thấy trong di chỉ Làng Vạc Nghệ An, được trích  thuật  ở đầu bài viết này, dường như còn đơn điệu, cô độc và ít giá trị biểu tượng, cho dù, có  vẻ như, niên đại Làng Vạc khá trùng khớp với   sự kiện Tần Thủy Hoàng xâm chiếm đất Phương  Nam(9) để lập nên Tượng Quận, chính là miền Bắc Việt Nam ngày nay là hoàn toàn có cơ sở. Niên  điểm đầu là vậy, nhưng Đông Sơn ở những thế kỷ trước, sau Công nguyên, qua tài liệu khảo cổ học, cũng không thể phủ nhận mối liên hệ của chúng với danh xưng Tượng Quận.

Tôi vẫn cho rằng, vùng sinh thái  nhiều  voi ở miền  Bắc Việt Nam xưa kia, ít nhất cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho  địa danh lịch sử, với tên gọi Tượng Quận và nó cũng tạo nên một nguồn cảm hứng nghệ thuật tả thực voi trong văn hóa Đông Sơn, để 7, 8 thể kỷ đêm trường thuộc Bắc vắng bóng, rồi  trở lại trong văn hóa Đại Việt thời độc lập tự chủ như một hằng số của nghệ thuật dân tộc. Ý tưởng này xin nợ lại độc giả cho một bài viết sau, sâu sắc và kỹ lưỡng hơn với  những tư liệu phong phú đã được chuẩn bị.¢

(Nguồn: Cổ vật tinh hoa)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Quốc Quân,  “Về những chiếc “Thố đồng” Đông Sơn”,  Tạp chí Khảo cổ  học,  số 2 –
  2. Phạm Quốc Quân, Về những cây đèn đồng Hậu Đông Sơn – Ngã Ba di sản, Nxb. Dân Trí, Hà Nội, 2011.
  3. Janse, Bí mật cây đèn hình người. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, năm 2003.
  4. Trịnh Minh Hiên và các cộng sự, Báo cáo khai quật di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) lần thứ nhất. Tư liệu Bảo tàng Nghệ
  5. Marlynn Larew, Trở lại với JanseĐồ tùy táng ở Thanh Hóa – Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội, – Nguyễn Việt cũng có ý kiến tương  tự trong cuộc  tọa đàm khoa học tháng  6 năm 2017 về niên đại của văn hóa Đông Sơn để phục vụ cho tập II, bộ Lịch sử Việt Nam đang biên soạn. – Các nhà khảo  cổ học tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khi làm việc  với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng, những đồ đồng, đồ gốm tìm thấy trong những thể kỷ đầu Công nguyên ở  Bắc Việt Nam không  mang yếu tố Hán Trung  Nguyên  kể cả phong cách lẫn kiểu dáng.
  6. Tạ Đức, Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn (sách chuyên khảo),   Trí Thức, Hà Nội, 2017. –  Phạm Quốc Quân, Về những cây đèn đồng Hậu Đông Sơn, sđd.
  7. Phần viết này, tôi tóm tắt ý kiến của GS. Kiều Thu Hoạch trong cuốn sách Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2016.
  8. Kiều Thu Hoạch, Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội,
  9. Phạm Minh  Huyền – Trịnh Sinh, Khai quật Làng Vạc (Nghệ An) lần thứ 2 – Tư liệu Bảo tàng Nghệ An. Trong báo cáo, hai tác giả cho  niên đại Làng Vạc là thế kỷ II Trước Công nguyên, theo tôi là hợp lý.

Nguồn: Xưa & Nay