Nguồn: “Nelson Mandela inaugurated,” History.com (truy cập ngày 08/5/2016).
Biên dịch: Nhung Nhung
Ngày 10/05/1994, Nelson Rolihlahla Mandela đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống da đen đẩu tiên của Nam Phi. Trong diễn văn nhậm chức, Mandela, tù nhân chính trị của chính phủ Nam Phi suốt 27 năm, đã tuyên bố rằng “đây là thời điểm để những vết thương được chữa lành.” Hai tuần trước đó, hơn 22 triệu người Nam Phi đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội đa sắc tộc đầu tiên của đất nước. Đại đa số đều bầu cho Mandela và đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông để lãnh đạo đất nước.
Mandela sinh năm 1918, thuộc dòng họ phong kiến Tembu, trị vì các lãnh thổ Transkei thuộc tỉnh Cape của Nam Phi. Mandela sau khi tốt nghiệp đại học đã trở thành một luật sư. Năm 1944, ông tham gia đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), một tổ chức chính trị của người da đen được thành lập với mục tiêu giành lại quyền lợi cho người da đen, vốn chiếm đa số dân ở nước này, từ tay nhóm da trắng thiểu số cai trị.
Năm 1948, Đảng Quốc gia phân biệt chủng tộc lên nắm quyền, và hệ thống apartheid của Nam Phi được thể chế hóa, bảo vệ quyền tối thượng của người da trắng và tách biệt chủng tộc, trở thành chính sách chính thức của chính phủ nước này. Trước việc người da đen bị mất quyền dưới chế độ apartheid, số lượng người kết nạp vào ANC nhanh chóng tăng vọt. Mandela đã tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo của ANC và vào năm 1952 đã trở thành Phó chủ tịch quốc gia của đảng này. Ông đã tổ chức các cuộc đình công bất bạo động, tẩy chay, tuần hành, và các hành vi bất tuân dân sự.
Sau vụ thảm sát người da đen biểu tình ôn hòa tại Sharpeville năm 1960, Nelson đã giúp tổ chức một chi nhánh bán quân sự của ANC tham gia vào các hành vi phá hoại chống lại chính phủ da trắng thiểu số. Vì hành động này ông đã bị xét xử với tội danh phản quốc nhưng được tuyên trắng án vào năm 1961, tuy nhiên năm 1962 ông lại bị bắt vì đã xuất cảnh trái phép. Bị kết án và giam cầm năm năm tại nhà tù đảo Robben, Nelson đã bị đưa ra tòa xét xử một lần nữa vào năm 1963 cùng bảy người khác về tội phá hoại, phản quốc, và âm mưu (lật đổ chình quyền). Trong Phiên tòa Rivonia Trial nổi tiếng, được đặt tên theo vùng ngoại ô của Johannesburg, nơi vũ khí của ANC đã được tìm thấy, Mandela hùng hồn bảo vệ hành động của mình. Ngày 12 tháng Sáu năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.
Mandela trải qua 18 năm đầu tiên của bản án 27 năm tại nhà tù đảo Robben tàn bạo. Ông bị giam cầm trong một xà lim chật hẹp, không có giường và nước sạch, và bị bắt làm lao động khổ sai ở một mỏ đá. Ông được viết và nhận một bức thư sáu tháng một lần, và mỗi năm một lần ông được phép gặp một khách thăm trong 30 phút. Tuy nhiên, quyết tâm của Mandela vẫn không bị lung lạc, và trong khi vẫn là nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào chống chủ nghĩa apartheid, ông cũng đã dẫn đầu một phong trào bất tuân dân sự tại nhà tù, buộc giới chức Nam Phi phải cải thiện đáng kể điều kiện nhà tù trên đảo Robben. Năm 1982 ông được chuyển đến nhà tù Pollsmoor trên đất liền, và vào năm 1988 chuyển đến một ngôi nhà ở nông thôn và bị quản thúc tại gia ở đây.
Năm 1989, F.W. de Klerk trở thành tổng thống Nam Phi và bắt đầu bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc. De Klerk xóa bỏ lệnh cấm ANC, đình chỉ các vụ xử tử, và vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, ông đã ra lệnh thả Nelson Mandela. Mandela sau đó đã dẫn đầu ANC tham gia các cuộc đàm phán với chính phủ da trắng thiểu số nhằm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid và thành lập một chính phủ đa sắc tộc tại Nam Phi. Năm 1993, Mandela và de Klerk được đồng trao giải Nobel Hòa bình. Ngày 26 tháng 4 năm 1994, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Nam Phi, Mandela và ANC đã giành chiến thắng, cùng với Đảng Quốc gia của de Klerk và Đảng Tự do Inkatha của người Zulu thành lập một liên minh “đoàn kết dân tộc”. Ngày 10/5, Mandela đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong buổi lễ có sự tham dự của nhiều quan chức quốc tế.
Khi nắm giữ chức Tổng thống, Mandela đã thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra các hành vi vi phạm quyền con người dưới thời chủ nghĩa apartheid và giới thiệu nhiều sáng kiến để cải thiện mức sống của người dân da đen Nam Phi. Năm 1996, ông chủ trì ban hành hiến pháp mới của Nam Phi. Mandela nghỉ hưu từ giã sự nghiệp chính trị trong tháng 6 năm 1999 ở tuổi 80. Kế nhiệm ông là chủ tịch Thabo Mbeki của ANC, nhưng Nelson vẫn là một nhân vật toàn cầu ủng hộ cho hòa bình và công bằng xã hội cho đến khi ông qua đời vào tháng 12 năm 2013.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]