Thử thách lớn cho Mỹ và các đồng minh châu Á

Print Friendly, PDF & Email

park-obama-abe-at-the-hague

Nguồn: James Curran, “Trouble at sea for the US and its Asian allies,” East Asia Forum, 19/04/2016.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tại thủ đô các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á, hai hiện tượng đang cùng lúc tác động đến việc tăng cường mối quan hệ vốn đã khó khăn với Washington. Đầu tiên là việc Trung Quốc tiếp tục các hành động gây hấn ở Biển Đông. Việc Bắc Kinh quân sự hóa những vùng lãnh thổ tranh chấp ở đây – biến các dải đá và san hô thành các hòn đảo nhân tạo có đường băng và đài radar – đã đẩy các đồng minh vốn đã thân cận với Mỹ ngã sâu thêm vào vòng tay của Washington.

Ngay cả đối thủ cũ của Mỹ như Việt Nam cũng đang thảo luận về khả năng đón các chuyến thăm của hải quân Mỹ đến vịnh Cam Ranh. Hai nước cũng đã đồng ý tăng cường thương mại quốc phòng và các hoạt động quân sự chung. Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng chuẩn bị triển khai luân phiên đến các căn cứ quân sự của Philippines – một thuộc địa cũ đã từng đẩy Hải quân Mỹ ra khỏi căn cứ ở Vịnh Subic gần một phần tư thế kỷ trước.

Tuy nhiên, trong khi các nước nhích lại gần hơn với Washington thì họ cũng bày tỏ hoài nghi về việc Mỹ sẽ duy trì sức mạnh của mình ở châu Á một cách lâu dài. Và trong khi họ lên tiếng mạnh mẽ về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, không một đồng minh nào của Mỹ quyết định theo chân Washington tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải trong vùng 12 hải lý xung quanh các lãnh thổ nói trên.

Một lực đẩy thứ hai không kém phần rối ren lại xuất hiện trong môi trường chiến lược vốn đã nóng bỏng này: đó là bóng ma đã lảng vảng hàng thập kỷ qua về việc Mỹ rút khỏi châu Á. Ứng cử viên tổng thống dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã bày tỏ ý định xóa bỏ hoàn toàn hệ thống liên minh “trục và nan hoa” thời hậu Thế chiến II của Mỹ tại khu vực.

Trong các cuộc phỏng vấn với tờ Washington PostNew York Times, Trump nói rằng ông sẵn sàng xem xét lại liên minh của Mỹ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc nếu họ không tăng các khoản đóng góp tài chính cho chi phí ăn ở của quân đội Mỹ đóng tại hai nước đó. Ông cảnh báo không chỉ việc rút hoàn toàn những đơn vị đồn trú ở đó mà thậm chí còn cho rằng cả Seoul và Tokyo cũng nên xem xét việc phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình.

Những sự kiện này đã gây nghi ngờ đáng kể về cả ý đồ lâu dài của Trung Quốc và tương lai của việc Mỹ ‘xoay trục’ sang châu Á.

Trong trường hợp Biển Đông, các đồng minh của Washington đang đối mặt với một tình thế khó xử. Lo lắng về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, nhiều nước mong muốn Mỹ tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh châu Á. Nhưng không nước nào sẵn lòng hành động để phản đối chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc mà chỉ đấu tranh trước micrô – hoặc trong trường hợp của Philippines là thông qua tòa trọng tài quốc tế – chứ không phải là trên các vùng biển quốc tế. Rõ ràng là các quan chức Mỹ thất vọng vì sự thiếu sẵn sàng của các đồng minh khu vực trong việc thách thức mạnh mẽ hơn các yêu sách (lãnh thổ) của Trung Quốc.

Giữa các nhà bình luận ở Nhật Bản có một sự đồng thuận rộng rãi rằng tự do tuần tra hàng hải không phải là phép thử cho sự đoàn kết giữa Mỹ với các đồng minh ở châu Á. Họ nhấn mạnh rằng sự đóng góp của Nhật Bản đối với hòa bình khu vực nằm ở việc tăng cường năng lực hàng hải chứ không phải là việc khoe trương sức mạnh hải quân. Nhà phân tích kỳ cựu Funabashi Yoichi đã chỉ ra những áp lực trong nước vốn có thể hạn chế khả năng của Nhật Bản ‘trong việc thực hiện đúng các cam kết đã mở rộng của nước này’. Có một “nguy cơ thực sự”, ông nói thêm, “rằng sự chênh lệch về kỳ vọng có thể trở thành một thuộc tính thường trực trong mối quan hệ  giữa Mỹ với các đồng minh’.

Dù hầu hết các phản ứng chính thức từ khu vực này trước những nhận xét của Trump đã được giảm nhẹ đi thì một số báo chí đã không ngần ngại lên tiếng. Một tờ báo chính ở Hàn Quốc đã mô tả quan điểm của Trump là “gây sốc”, do chúng làm xói mòn sự ‘tin tưởng lẫn nhau” vốn là “yếu tố quan trọng nhất trong liên minh”.

Tại Úc, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings nói rằng nếu tầm nhìn của Trump được thực hiện thì “bạn sẽ có cảm giác về sự rời bỏ của Mỹ – và Mỹ sẽ không đi xa hơn về phía tây vượt quá Hawaii”. Những nhận xét như vậy nhắc lại sự kiện đã gây chấn động các nhà hoạch định chính sách của Úc khi Richard Nixon công bố học thuyết Guam hồi tháng Bảy năm 1969, trong đó ông nêu rõ rằng các đồng minh châu Á của Mỹ cần phải chia sẻ nhiều hơn gánh nặng quốc phòng của chính họ.

Tương tự như vậy, chiến lược gia nổi tiếng Paul Dibb đã làm sống lại một phiên bản của kịch bản ác mộng tồi tệ nhất – xuất hiện lần đầu tiên trong những năm cuối thế kỷ 19 – khi các cường quốc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ở châu Âu và do đó để Úc trở nên không có khả năng phòng vệ ở châu Á. Dibb vạch ra một kịch bản trong đó nước Nga dưới thời Tổng thống Putin có thể tấn công vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và buộc Hoa Kỳ phải bảo vệ các đồng minh châu Âu của mình, do đó tạo ra một khoảng trống an ninh ở châu Á để cho Bắc Kinh nhanh chóng nhảy vào.

Chả có gì đáng ngạc nhiên khi ý kiến của Trump làm sống dậy những lo ngại cũ tại các nước đối tác châu Á của Mỹ. Viết trên tờ Washington Quarterly, Scott Harold lưu ý rằng những nghi ngờ tạo ra bởi những điều chỉnh chính sách châu Á khác nhau của Mỹ kể từ cuối những năm 1960 vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Ký ức về Học thuyết Nixon, về sự bỏ rơi dần dần miền Nam Việt Nam, ‘cú sốc’ của việc Mỹ mở cửa với Trung Quốc và việc cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan cùng trộn lẫn với những tuyên bố thường xuyên của Washington rằng Mỹ sẽ ở lại châu Á lâu dài.

Nhưng giờ là thời điểm cần đến những cái đầu lạnh và những phân tích hợp lý. Các phản ứng mạnh mẽ đối với các bình luận trần trụi của Trump dường như bỏ qua mất một điều là thậm chí nếu được bầu làm Tổng thống thì Trump cũng sẽ phải đối mặt với sự phản kháng đáng kể về mặt thể chế từ cộng đồng an ninh quốc gia ở Washington, sự phản kháng đó có khả năng ngăn ngừa – hoặc ít nhất cũng làm thay đổi đáng kể – việc thực hiện kế hoạch cực đoan của ông ta.

Nhưng thực tế không may cho các nhà hoạch định chính sách ở Washington là sự can thiệp của Trump đã đến thật không đúng lúc. Cho dù đó có thể là sự phóng đại nhằm mục đích tranh cử, nhưng những ý kiến của Trump phản ánh một tâm trạng ăn sâu và thường là đầy tức giận của người dân Hoa Kỳ ủng hộ việc “đặt Mỹ lên trên hết”. Tầm nhìn lạnh lùng và thực dụng của Trump trong vấn đề quản lý các liên minh làm hồi sinh mối lo ngại thường xuyên của Mỹ về việc các nước khác “ngồi không hưởng lợi” (‘freeriding’) và làm dấy lên lần nữa câu hỏi về tính có đi có lại trong các cam kết của hiệp ước liên minh.

Việc những quan điểm như vậy được đưa ra khi mà cả Washington cũng như các đồng minh châu Á chưa tìm ra cách để đáp trả thích đáng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ củng cố thêm sự nghi ngờ vốn đã lớn trong khu vực về tương lai các chính sách của Mỹ ở châu Á.

James Curran là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Sydney và là Nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Unholy Fury: Whitlam and Nixon at War (MUP, 2015).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]