Tại sao các công ty lại tập trung vào trí tuệ nhân tạo?

AI

Nguồn:Why firms are piling into artificial intelligence“, The Economist, 31/03/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đôi khi trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) bị xem là một điều giả tưởng của tương lai xa. Nhưng hiện nó là một nỗi ám ảnh lớn tại Thung lũng Silicon. Trong năm vừa qua, các công ty công nghệ đã chi 8,5 tỷ USD vào các thương vụ và các vụ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, cao gấp bốn lần so với năm 2010. Hầu như tất cả những người khổng lồ công nghệ trên thế giới, bao gồm cả Google, Microsoft, Facebook, Amazon và Baidu, đang cạnh tranh quyết liệt để tuyển dụng các chuyên gia AI giỏi nhất, nhanh chóng mua lại các dự án khởi nghiệp và đổ tiền vào nghiên cứu. Điều gì giải thích cho sự chuyển hướng đột ngột sang AI của các công ty tinh hoa về công nghệ?

Công nghệ này không phải luôn luôn phổ biến. Phần lớn lĩnh vực này đã bị bỏ qua và bị thiếu vốn đầu tư trong thời kỳ “mùa đông AI” vào những năm 1980 và 1990. Tại thời điểm đó nghiên cứu AI được tiến hành tại các trường đại học tỏ ra chậm chạp một cách đáng thất vọng và không mang lại lợi nhuận cho các công ty. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, mùa đông đã đi qua. Tiến bộ trong AI đang gia tăng. Gần đây Google đã thu hút sự chú ý của báo giới khi DeepMind, một dự án khởi nghiệp mà công ty này mua lại vào năm 2014, đã giúp huấn luyện một máy tính để liên tục đánh bại nhà vô địch thế giới môn cờ vây. Điều này đã làm dấy lên cả sự sợ hãi lẫn hy vọng cho tương lai của AI: hy vọng về những khoản lợi nhuận béo bở và nâng cao đời sống của người dân thông qua công nghệ; và nỗi sợ hãi về cách mà xã hội sẽ đối mặt với sự rối loạn mà AI có thể mang lại.

AI đã bắt đầu tạo ra những khoản lợi nhuận tài chính lớn cho các công ty, điều này giúp giải thích cho các khoản đầu tư ngày càng lớn của các công ty trong việc phát triển năng lực AI. Máy học (Machine-learning), công nghệ mà trong đó các máy tính trở nên thông minh hơn thông qua việc xử lý những bộ dữ liệu lớn, hiện có rất nhiều các ứng dụng trực tiếp cho người tiêu dùng mang lại lợi nhuận, bao gồm nhận dạng hình ảnh trong nhiếp ảnh, lọc thư rác và các ứng dụng khác để hiển thị quảng cáo mục tiêu tốt hơn cho người lướt web.

Nhiều trong số các dự án tham vọng nhất của các hãng công nghệ, bao gồm cả việc phát triển các dòng xe ô tô tự lái và thiết kế các trợ lý cá nhân ảo có thể hiểu và thực hiện được các nhiệm vụ phức tạp, cũng dựa vào trí thông minh nhân tạo, đặc biệt là các dự án về máy học và robot. Điều này đã thúc đẩy các công ty công nghệ cao cố gắng hết sức có thể để tuyển dụng các tài năng hàng đầu từ các trường đại học, nơi các chuyên gia AI hàng đầu đang nghiên cứu và giảng dạy. Một số người lo lắng về khả năng chảy máu chất xám từ khu vực học thuật sang khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, mối quan ngại lớn nhất là việc một công ty tập trung phần lớn các tài năng về trí thông minh nhân tạo sẽ tạo ra một dạng độc quyền trí tuệ. Google hiện đang ở vị thế tốt nhất để làm điều này: trong dự án Google Brain của riêng hãng này và dự án DeepMind được nó mua lại, công ty này đang nắm giữ một vài trong số những bộ não thông minh nhất về AI. Bởi vì các hệ thống AI vượt trội có thể học hỏi và phát triển nhanh hơn, các công ty đã phát triển được một lợi thế công nghệ ban đầu về trí tuệ nhân tạo có thể giành được những phần thưởng lớn nhất và dựng lên được các rào cản gia nhập thị trường mà các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ khó có thể vượt qua.

Vào tháng 12/2015, Elon Musk và một số nhà lãnh đạo công nghệ khác đã cam kết chi 1 tỉ USD để giúp quỹ OpenAI, một phòng lab nghiên cứu sẽ công bố tất cả những phát hiện của mình để đảm bảo rằng có một tổ chức đang nỗ lực phát triển AI phục vụ cho lợi ích cộng đồng mà không chỉ vì lợi nhuận của riêng mình. Ngày nay AI là lĩnh vực của riêng các chuyên gia công nghệ, nhưng tương lai của nó lại liên quan đến tất cả mọi người.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]