Tại sao Catalonia muốn độc lập khỏi Tây Ban Nha?

Print Friendly, PDF & Email

Catalan

Nguồn:Catalan’s independence movement“, The Economist, 14/10/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chính quyền Catalonia, khu vực phía đông bắc giàu có và đông dân của Tây Ban Nha, đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không mang tính ràng buộc về nền độc lập vào ngày 09/11/2014. Nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đình chỉ cuộc bỏ phiếu. Tòa án đã cân nhắc tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý, và dự kiến là sẽ tuyên bố nó vi hiến vào một thời điểm trong năm tháng sau đó. Nhưng Catalonia đã không nản lòng. Ngày 14/10/2014, Thủ hiến Catalonia, Artur Mas, đã thông báo rằng một hình thức “tham vấn” nào đó, có liên quan đến “lá phiếu và hòm phiếu”, sẽ được thực hiện vào ngày 09/11/2014, bất kể quyết định của Tòa án ra sao. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nền độc lập của Catalonia?

Mặc dù Catalonia đã có những khoảnh khắc hăng hái muốn ly khai trong giai đoạn Tây Ban Nha gặp khó khăn đầu thế kỷ 20, sự ủng hộ dành cho ý tưởng này chỉ trỗi dậy một lần nữa một vài năm trước đây. Các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay cho thấy rằng khoảng một nửa dân số Catalonia thích độc lập hơn tình trạng hiện tại, dù hiện nay họ đã được hưởng một mức độ tự trị cao, nắm quyền lực hành chính về các vấn đề giáo dục, y tế, cảnh sát và nhiều vấn đề khác.

Hai động lực của làn sóng chủ nghĩa ly khai mới là các tai ương kinh tế của Tây Ban Nha và một quyết định năm 2010 của Tòa án Hiến pháp nhằm bác bỏ một phần trong điều lệ mới của chính phủ tự trị vốn được thông qua tại một cuộc trưng cầu dân ý. Nhiều người Catalonia, những người nói ngôn ngữ riêng của mình cũng như tiếng Tây Ban Nha, tin rằng các khoản tiền thuế của họ đang được dùng để trang trải cho những người miền Nam nghèo khổ, lười biếng sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

Trong ba năm qua đã có rất nhiều người biểu tình ly khai ôn hòa xuống đường nhân ngày “quốc khánh” Catalonia vào 11/9 hàng năm. Ông Mas đã bị bất ngờ trước làn sóng của sự nhiệt tình ly khai này. Phản ứng đầu tiên của ông là đòi quyền thu thuế mới từ Madrid. Khi bị từ chối, ông đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý dù biết rằng nó có khả năng sẽ bị cấm. Điều đó không đủ để thuyết phục các cử tri: các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Hội tụ Dân chủ Catalonia của ông Mas và các đối tác liên minh của nó đã bị vượt qua bởi Đảng Cánh tả Cộng hòa Catalonia (ERC) theo xu hướng ly khai cấp tiếp.

Thủ tướng bảo thủ của Tây Ban Nha, Mariano Rajoy của Đảng Nhân dân (Popular Party – PP), đã từ chối tổ chức một cuộc trưng cầu, điều càng làm dấy lên sự ủng hộ đối với một cuộc trưng cầu như vậy: 70% người dân Catalonia bây giờ muốn giải quyết vấn đề này qua một cuộc bỏ phiếu. Đảng PP nói rằng họ sẽ không khởi đầu cho sự tan rã của Tây Ban Nha và làm mất đi 17% dân số đất nước. Đảng cũng từ chối tán thành cách tiếp cận “con đường thứ ba” của Đảng Xã hội đối lập, điều có thể bao gồm việc cải cách hiến pháp để mang lại cho Catalonia nhiều quyền lực hơn và làm cho Tây Ban Nha mang tính chất liên bang cao hơn. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy những cải cách như vậy có thể đưa mức ủng hộ nền độc lập của Catalonia xuống dưới mức 50%.

Tuy nhiên chủ nghĩa ly khai của Catalonia sẽ không biến mất. Cuộc trưng cầu dân ý của ông Mas vẫn được tổ chức vào ngày 09/11, mặc dù không mang lại hậu quả pháp lý nào. Cuộc tranh luận về nền độc lập rất không cân bằng. Phía nói “Không” đã từ chối tham gia hoặc, khi mà họ lên tiếng, đã bị át đi. Ông Mas bây giờ có thể bị buộc phải tổ chức bầu cử sớm. Đảng có nhiều khả năng chiến thắng sẽ là phe ERC cấp tiến, và phe này sẽ dẫn đầu một chính phủ khu vực khuyến khích bất tuân dân sự nếu đảng này vẫn giữ quan điểm hiện tại của mình. Điều đó sẽ trở thành một vấn đề cho bất cứ chính phủ nào được bầu lên từ các cuộc bầu cử toàn quốc vào cuối năm 2015. Dù kết quả của cuộc trưng cầu vào tháng 11 có như thế nào, vết nứt chính trị của Tây Ban Nha đều có khả năng sẽ bị làm cho rộng thêm.

Cập nhật: Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 09/11/2014, đã có 80,76% cử tri Catalonia tham gia bỏ phiếu ủng hộ Catalonia trở thành một quốc gia độc lập.

Xem thêm:

Trưng cầu dân ý Scotland: Nguồn gốc và tác động

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]