Các bài học về Trung Quốc của Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

binh_OIPN

Nguồn: Yuriko Koike, “Vietnam’s Chinese Lessons,” Project Syndicate, 15/11/2010.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Trong 30 năm sau Thế chiến II, Việt Nam được cả thế giới chú ý đến. Chiến thắng của nước này trước Pháp và Hoa Kỳ là những cuộc chiến định nghĩa cho khái niệm độc lập trong thời kỳ hậu thực dân. Nhưng sau những hình ảnh bất hủ của trực thăng quân sự Mỹ lượn trên nóc tòa Đại sứ quán bị di tản của Hoa Kỳ tại Sài Gòn năm 1975, Việt Nam gần như đã trượt khỏi sự quan tâm của thế giới.

Tình thế đã thay đổi. Vị trí chiến lược của Việt Nam – láng giềng của Trung Quốc và nằm dọc theo các tuyến vận tải thương mại đường biển lớn của châu Á – luôn khiến nước này có vai trò cực kỳ quan trọng, và điều này có thể giải thích tại sao các cuộc chiến chống thực dân của Việt Nam đã kéo dài như vậy. Trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, nhờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ – dù không phải lúc nào cũng được công nhận rộng rãi – của phát triển kinh tế và định hướng chính sách đối ngoại của nước này.

Được tiếp sức bởi hai thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài, Việt Nam là một chủ thể đang lên trong các ván bài an ninh và kinh tế khu vực. Thật vậy, trong các tháng gần đây, nước này đã đóng vai trò then chốt trong việc giúp thiết lập trật tự an ninh mới nổi của châu Á.

Tháng 10 (năm 2010) vừa qua, Hà Nội chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, tại đó Hoa Kỳ và Nga được công nhận là các cường quốc châu Á với những lợi ích quốc gia sống còn tại khu vực. Trước đó, tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần đầu tiên tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ là một “cường quốc thường trú” tại châu Á. Và vào đầu mùa hè này, khi đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Việt Nam đã vận động bà can thiệp vào các tranh chấp hàng hải đang gia tăng giữa Trung Quốc và Malaysia, Philippines, Nhật Bản, cũng như chính Việt Nam.

Sự trỗi dậy của Việt Nam thành một chủ thể chủ chốt trong các vấn đề châu Á là không đáng ngạc nhiên, vì nước này là chất xúc tác cho sự kiện có lẽ là một bước ngoặt căn bản của lịch sử châu Á hiện đại. Tháng 2 năm 1979, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Đặng muốn trừng phạt Việt Nam vì đã đưa quân vào Campuchia, chấm dứt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vốn là đồng minh của Trung Quốc. Đặng coi trọng quyết định này đến nỗi ông ta chỉ định tổng chỉ huy cuộc xâm lược là tướng Hứa Thế Hữu, đồng đội của Đặng trong cuộc Vạn lý Trường chinh (Hứa từng che chở cho Đặng khi ông bị thanh trừng lần thứ 2 vào năm 1976 lúc Mao Trạch Đông sắp qua đời).

Nhà phân tích quân sự Anh, thiếu tướng Shelford Bidwell, đã gọi chiến lược quân sự này của Trung Quốc là kiểu chiến tranh “dạy một bài học” (“teach a lesson” warfare). Ví dụ đầu tiên cho kiểu chiến tranh này là cuộc chiến tranh ngắn giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962. Cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm dạy Ấn Độ một bài học vì đã ủng hộ Dalai Lama và phong trào phản kháng của người Tây Tạng. Một tranh chấp biên giới vốn có khi đó đã được dùng làm cái cớ để phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng (làm lãnh đạo Ấn Độ Nehru bất ngờ), giáng một thất bại nhục nhã (cho Ấn Độ). Sau đó Trung Quốc dàn cảnh một cuộc rút quân ra vẻ cao thượng để nhấn mạnh sự bất lực của Ấn Độ.

Cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 lẽ ra đã là một cuộc chiến tranh “dạy một bài học” nữa. Nhưng khi cuộc chiến kết thúc, chính Đặng mới là người phải nhận phần lớn bài học. Chỉ trong một tháng giao tranh, 250.000 lính chính quy Trung Quốc đã bị 100.000 dân quân biên phòng Việt Nam đập tan. Trong bốn tuần đó, Trung Quốc đã mất nhiều binh sĩ hơn (có thể khoảng 20.000 người) so với số thương vong trung bình trong suốt một năm của quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Mức độ thiệt hại đã khiến Đặng bàng hoàng, và giới sử gia thường cho rằng chính thất bại thảm hại này của quân đội Trung Quốc là lý do buộc ông phải nghiêm túc xét lại hệ thống chủ nghĩa Maoist đang hấp hối của Trung Quốc. Đúng là chỉ trong vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc, Đặng đã khởi xướng các cuộc cải cách làm thay đổi đất nước của ông.

Mười năm sau, giới lãnh đạo cộng sản của Việt Nam cũng nhận ra rằng chủ nghĩa Marx-Lenin là một ngõ cụt kinh tế, và quyết định đi theo cùng một con đường cải cách thị trường mà Đặng đã tiến hành. Cũng như ở Trung Quốc, phải mất một thời gian để gặt hái thành quả, nhưng trong mấy năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được mức độ tăng trưởng nhanh, giúp xóa đói giảm nghèo như Trung Quốc từng trải qua.

Một kỳ tích nông nghiệp đã biến đổi đất nước gần 90 triệu dân từng có thời phải chật vật lo miếng ăn cho người dân, thành nước xuất khẩu lương thực tầm cỡ toàn cầu. Việt Nam cũng đã trở thành nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng quần áo, giày dép, và đồ nội thất. Những mặt hàng xuất khẩu sắp tới còn có chip vi xử lý với việc nhà sản xuất chip Intel đã xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay tương đương 160% GDP, khiến nước này trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất của thế giới.

Với việc Việt Nam vươn lên thành một chủ thể then chốt tại châu Á, chúng ta có thể nhìn nhận Chiến tranh Việt Nam trong khuôn khổ chiến lược ngăn chặn toàn cầu của Hoa Kỳ, khiến nước này phải bảo vệ không chỉ Việt Nam Cộng hòa mà còn cả Hàn Quốc và Đài Loan – tức “ba mặt trận” như cách gọi của Mao. Trước đây cũng như hiện nay, Việt Nam đã và đang là nơi tranh đấu giữa hai tầm nhìn, một bên là một châu Á đơn nhất và một bên là một châu Á mở cửa với chính mình và thế giới.

Ngày nay, đất nước này phải có sự lựa chọn mới. Bằng cách hành động để thúc đẩy một trật tự châu Á không chấp nhận sự thống trị bá quyền, thậm chí đến mức tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, Việt Nam chứng tỏ họ đã học được những bài học riêng rút ra từ xương máu và của cải mà nước này đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh trường kỳ giành độc lập.

Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Đảng Dân chủ Tự do (LDP), hiện là thành viên của Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2010 – Vietnam’s Chinese Lessons
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]