Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi
“Siêu cường” là khái niệm dùng để chỉ một quốc gia đứng hàng đầu trong hệ thống quốc tế, có khả năng gây ảnh hưởng tới nền kinh tế – chính trị quốc tế và phô trương sức mạnh của mình trên phạm vi toàn thế giới. Trong địa chính trị thế giới, người ta phân biệt hai khái niệm siêu cường và cường quốc trong đó siêu cường thường được coi có mức quyền lực cao hơn cường quốc.
Khái niệm “siêu cường” bản thân nó đã mang hàm ý rằng tồn tại một hệ thống thứ bậc giữa các quốc gia trên thế giới. Trong hệ thống đó, quốc gia siêu cường đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt và có khả năng giành được sự tôn trọng và trung thành của các quốc gia khác. Trong phạm vi ảnh hưởng của mình, quốc gia siêu cường có thể áp đặt ý chính chính trị của mình lên các quốc gia nhỏ khác mà không e ngại bị trả đũa hay trừng phạt.
Về mặt tiêu chí, quốc gia siêu cường không chỉ cần có khả năng triển khai quyền lực quân sự của mình một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu hoặc ở xa lãnh thổ của mình mà cũng cần phải sở hữu những nguồn lực quân sự khổng lồ, như hệ thống vũ khí, trang thiết bị tối tân cùng với các công nghệ quân sự hiện đại. Những nguồn lực này được duy trì và bổ sung bởi những sức mạnh cứng khác như quy mô và mức độ phát triển của nền kinh tế, diện tích quốc gia, quy mô dân số… Ngoài ra, quốc gia siêu cường cũng cần đảm nhận những nghĩa vụ đặc biệt liên quan đến việc duy trì trật tự quốc tế và được nắm giữ một địa vị đặc quyền trong các tổ chức quốc tế quan trọng, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc.
Thuật ngữ “siêu cường” đã được sử dụng để miêu tả các quốc gia có vị thế lớn hơn vị thế cường quốc ngay từ đầu thập niên 1930, và đến giữa những năm 1940, lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng để chỉ Hoa Kỳ, Liên Xô và Đế chế Anh sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, sau đó Đế chế Anh dần mất ảnh hưởng, tan rã và Liên Xô cùng Hoa Kỳ được coi là hai siêu cường duy nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Trong cuốn sách Các Siêu cường viết năm 1943, William Thornton Rickert Fox, một giáo sư về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại Đại học Columbia, đã sử dụng thuật ngữ này để xác định một phạm trù mới về quyền lực ở mức cao nhất mà các quốc gia có thể đạt được. Theo Fox, vào thời điểm những năm 1940 thế giới có ba siêu cường: Hoa Kỳ, Liên Xô và Đế chế Anh. Tuy nhiên sau đó cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez đã cho thấy Đế chế Anh, về kinh tế đã bị tàn phá sau hai cuộc chiến tranh thế giới, không còn có thể cạnh tranh ở mức độ ngang bằng với Liên Xô và Hoa Kỳ mà không hy sinh bớt những nỗ lực tái thiết của mình. Hơn nữa, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đế chế Anh trở thành Khối Thịnh vượng chung, đồng nghĩa với việc đế chế tan rã khi nhiều quốc gia thuộc địa được công nhận độc lập. Vì thế, Anh đã trở thành đồng minh mạnh nhất, thân cận nhất và quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh, chứ không còn tư cách một siêu cường nữa.
Về phần Hoa Kỳ, nhờ đa phần các trận đánh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đều diễn ra cách xa lãnh thổ của mình nên nền công nghiệp Hoa Kỳ không bị phá huỷ, số lượng thương vong không lớn, trái ngược với tình hình của các quốc gia Châu Âu hay Châu Á. Ngoài ra, trong thời kỳ chiến tranh, Hoa Kỳ còn xây dựng được một cơ sở hạ tầng công nghiệp và kỹ thuật vững mạnh có ảnh hưởng lớn giúp nước này có được sức mạnh quân sự hàng đầu trên phạm vi thế giới. Chính vì vậy, sau chiến tranh, hầu như toàn bộ Châu Âu phải đi theo hoặc Hoa Kỳ hoặc Liên Xô. Dù có những nỗ lực nhằm tạo lập các liên minh đa quốc gia hay các tổ chức quốc tế (như Liên Hiệp Quốc) nhưng dần dần Hoa Kỳ và Liên Xô ngày càng chứng tỏ được sức mạnh thống trị về chính trị và kinh tế của họ trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên hai quốc gia này đã có cái nhìn rất khác nhau về thế giới thời hậu chiến. Điều này được phản ánh qua các liên minh quân sự là khối NATO và khối Vacsava. Các liên minh này cho thấy một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Liên Xô đứng đầu đang hình thành, trái ngược với thế giới đa cực trước đó.
Mặc dù vậy, nếu nhìn nhận lại thì ở thời điểm cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai chỉ có Hoa Kỳ xứng đáng được gọi là siêu cường. Mỹ là quốc gia chính trang trải chi phí cho các nỗ lực chiến tranh, đồng thời là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân lúc bấy giờ. Về kinh tế, Hoa Kỳ lúc đó là nước duy nhất có nền kinh tế hoạt động tốt, chiếm hơn một phần tư sản lượng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, kể cả Anh và Liên Xô, Hoa Kỳ đã thành công trong việc thiết lập luật chơi và áp đặt ý chí của mình lên quá trình hình thành khuôn khổ hoạt động cho nền kinh tế quốc tế thời hậu chiến, trong đó tiêu biểu là Hệ thống Bretton Woods do Hoa Kỳ chi phối.
Sau khi Liên Xô tan rã đầu thập niên 1990, thuật ngữ Siêu cường quốc (hyperpower) bắt đầu được áp dụng để chỉ Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất còn tồn tại sau thời Chiến tranh Lạnh. Thuật ngữ này, được bộ trưởng Ngoại giao Pháp Hubert Védrine đưa ra trong thập niên 1990. Tuy nhiên vị thế “siêu cường đơn độc” của Mỹ có thể sẽ sớm bị thách thức. Hiện nay ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ có lẽ là những nước có tiềm năng lớn nhất để trở thành siêu cường trong tương lai.
Với Trung Quốc, chưa cần tính số liệu kinh tế của Hồng Kông và Macau, riêng Trung Quốc đại lục hiện đã là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới về mức GDP thực (theo sức mua ngang giá) và đứng hàng thứ tư nếu tính theo GDP danh nghĩa (tỷ giá trao đổi thị trường). Trung Quốc hiện được coi là một siêu cường đang nổi lên nhờ dân số đông đảo và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh với tỷ lệ bình quân hàng năm trên 9%. Trung Quốc cũng sở hữu các lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới, đang ngày càng được hiện đại hóa nhanh chóng, đặc biệt là lực lượng hải quân và không quân.
Riêng Ấn Độ hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ tư thế giới về GDP thực và đứng hàng thứ mười theo GDP danh nghĩa, với mức tăng trưởng hàng năm 8.1%. Nước này được coi là một siêu cường tương lai bởi họ sở hữu một lực lượng lao động có tay nghề (đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin), một dân số trẻ, và là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển cao thứ hai thế giới. Ấn Độ có quân đội được huấn luyện tốt cùng lực lượng không quân và hải quân từ lâu được coi là có trình độ tác chiến tốt. Với các định chế dân chủ của mình, Ấn Độ tuy là nước có lịch sử phát triển chậm chạp nhưng ổn định.
Ngoài ra, Liên bang Nga hiện nay cũng đang có điều kiện để vươn tới những tiêu chuẩn về siêu cường. Là thực thể thừa kế chính thức của nhà nước Liên bang Xô viết, Nga vẫn còn giữ được một số năng lực của một siêu cường, như kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, dân số đông, lãnh thổ lớn nhất thế giới với sự phong phú các nguồn tài nguyên chiến lược, và khả năng phát triển các kỹ thuật quân sự và vũ trụ hiện đại.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]