Tránh ‘bẫy Thucydides’: Không chỉ việc của Trung Quốc?

USCN

Nguồn: Merriden Varrall, “It takes two to Thucydides”, The Lowy Interpreter, 22/04/2016.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Gần đây cộng đồng an ninh và quan hệ quốc tế nói nhiều về “bẫy Thucydides”, và cụ thể hơn là việc Trung Quốc và Mỹ có thể rơi vào cái bẫy này. Nhưng có hai vấn đề quan trọng với cách sử dụng hình tượng này, điều có tác động vượt ra ngoài lĩnh vực học thuật.

Để giúp những ai không nghiên cứu lịch sử Hy Lạp cổ đại hiểu được khái niệm này, cần nhắc lại rằng Thucydides là một sử gia, người vào năm 461 TCN đã viết về lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnesus (431-404 TCN) giữa Đế quốc Athens (cường quốc muốn giữ nguyên trạng) và Liên minh Peloponnesus do Sparta (cường quốc đang nổi lên) dẫn đầu.

Cuộc chiến đã tái định hình thế giới Hy Lạp cổ đại. Athens, nguyên là thế lực thống trị, với sức mạnh hải quân to lớn, đã bị tàn phá, và Sparta đã trở thành cường quốc dẫn đầu. Cái giá kinh tế là rất lớn, và cảm nhận được trên toàn bộ khu vực. Thucydides có viết một câu nổi tiếng (theo bản dịch phổ biến nhất chứ không nhất thiết là bản dịch chính xác nhất) rằng “Điều khiến cuộc chiến trở nên không thể tránh khỏi là sự phát triển sức mạnh của Athens và nỗi sợ hãi mà điều đó gây ra ở Sparta”.

“Bẫy Thucydides” như người ta hiểu hiện nay được dùng để để giải thích và dự đoán những gì đang xảy ra trong chính trị cường quyền ở khu vực châu Á; đó là cách nói tóm tắt ý tưởng rằng sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc là hiện thân của một thay đổi cấu trúc đe dọa thế lực của Hoa Kỳ. Lối suy xét thường có hiện nay cho rằng Trung Quốc, vốn thực thi quyền lực đang tăng lên của mình, sẽ va chạm mạnh với thế lực của Hoa Kỳ, và do đó có nguy cơ cao tạo ra xung đột: “Các thách thức địa chiến lược nổi bật của thời đại này không phải là các phần tử Hồi giáo cực đoan bạo lực hay một nước Nga đang hồi sinh. Mà đó chính là tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Có hai vấn đề với việc sử dụng khái niệm “Bẫy Thucyides” khi áp dụng vào các trường hợp đương đại.

Vấn đề đầu tiên, thường bị bỏ qua, là phải có hai chủ thể thì bẫy Thucydides mới phát huy tác dụng: cường quốc đang lên và cường quốc nguyên trạng. Trong chuyến thăm Washington hồi tháng Giêng, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng ‘nếu việc tránh bẫy Thucydides là một mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc – như chủ tịch Tập khẳng định – thì chúng ta hy vọng các hành động của Trung Quốc sẽ được tính toán cẩn thận để khiến xung đột có ít chứ không phải nhiều khả khăng xảy ra hơn, rồi tìm cách trấn an các lân bang và xây dựng niềm tin của họ về các ý định của Trung Quốc. “Điều này mới đúng một nửa với quy luật như chúng ta hiện nói: sự phát triển của một cường quốc đang lên là điềm báo cho sự bất ổn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý đến nửa kia của câu ngạn ngữ, tức vai trò của sự sợ hãi ở cường quốc còn lại.

Sức mạnh của Mỹ ở khu vực châu Á đã phục vụ tốt các lợi ích của Úc. Chúng ta không muốn thấy hệ thống các quy tắc và hành vi được chấp nhận bị phá vỡ, và chúng ta chắc chắn không muốn chiến tranh. Nhưng có lẽ sự lo sợ của người Mỹ (và bản thân chúng ta) về một sự thay đổi quyền lực đã làm chúng ta diễn dịch sai những gì đang xảy ra trong khu vực, và qua đó định hình các phản ứng chính sách của chúng ta. Và điều này có lẽ góp phần vào một chu trình có hại của sự phản ứng và chống lại phản ứng. Thay vì chỉ đòi Trung Quốc phải có bổn phận tính toán cẩn thận hành động của mình để giảm khả năng xung đột, thì cường quốc nguyên trạng cũng có một vài trách nhiệm phải làm như vậy. Có thể nói là Hoa Kỳ đang làm mọi thứ có thể để trấn an và xoa dịu tình hình được không? Hầu như không phải vậy nếu xét theo quan điểm của Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai với việc sử dụng khái niệm “bẫy Thucydides” là tôi cho rằng cách hiểu hiện nay đối với câu châm ngôn của Thucydides đã bị ngược. Điều mà Thucydides mô tả không phải là mối đe dọa của một cường quốc đan lên đặt ra cho cường quốc nguyên trạng, mà là sự phát triển tiếp tục và chủ nghĩa đế quốc của cường quốc đang chiếm ưu thế, tức Athens, và nỗi lo sợ của cường quốc nhỏ  hơn (Sparta) về những điều có thể xảy ra nếu (hay khi) Athens thực sự để ý đến cường quốc này. Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, điều này có nghĩa là Trung Quốc đang sợ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bành trướng.

Đây có phải chỉ đơn thuần là vấn đề về ngữ nghĩa không? Không, đây là những vấn đề quan trọng có thực. Nó quan trọng vì khi những người có ảnh hưởng hiểu lầm lịch sử thì điều đó sẽ cho phép họ có quyền lập luận rằng “chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra hơn“ khi một thế lực đang lên dọa thay thế thế lực đang thống trị. Đây là lập luận đang được đưa ra liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kết luận này cố thuyết phục Hoa Kỳ và Úc chấp nhận hành động cứng rắn để ngăn Trung Quốc không được thực hiện các hành động ngày càng quyết đoán hơn.

Điều này dẫn ngược về quan điểm đầu tiên của tôi: khi chúng ta nói về các nguyên nhân tiềm tàng của xung đột, thì không chỉ thế lực mới nổi có trách nhiệm hành xử để duy trì hòa bình và ổn định. Nỗi sợ hãi ở cường quốc nguyên trạng về một sự thay đổi quyền lực cũng quan trọng như bất kỳ hiệu ứng gây mất ổn định nào mà một cường quốc đang lên có thể gây ra. Jarred McKinney đã bàn rõ về điều này. Các biến số mang tính cấu trúc, như sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều chúng ta không thể thay đổi, khiến chiến tranh có thể xảy ra. Nhưng cũng có những biến số khác như sự khả tín và sự kình địch, những điều thực sự cũng có thể đưa đến chiến tranh, nhưng cũng là những nhân tố chúng ta có thể tác động vào. Chúng ta không thể kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và các thách thức về mặt cấu trúc mà nó gây ra; điều này thực sự có thể làm cho chiến tranh trở nên khả dĩ. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát các biến số khác cũng thực sự có thể dẫn đến chiến tranh.

Khi chúng ta sử dụng các ẩn dụ lịch sử như “bẫy Thucydides” để mô tả và giải thích các vấn đề địa chính trị đương đại, chúng ta phải cẩn thận để không diễn dịch sai những điều thực sự đã xảy ra. Lời lẽ mà ta dùng để hiểu các tình huống phức tạp không chỉ là các tiểu tiết; chúng định hình hiện thực tương tự như việc chúng phản ánh các hiện thực đó.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]