Nguồn: “Czar Nicholas II crowned”, History.com (truy cập ngày 26/5/2016).
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1896, Nicholas II, Sa hoàng cuối cùng của Nga, đã đăng quang trở thành người trị vì nước Nga tại Nhà thờ Ouspensky cổ kính của Moskva.
Nicholas không được đào tạo cũng không có ý định để lên làm Sa hoàng, và điều này đã không có lợi cho chế độ chuyên chế mà ông đã tìm cách bảo tồn trong một kỷ nguyên đang tuyệt vọng tìm kiếm sự thay đổi. Sinh năm 1868, ông đã thừa kế ngai vàng của Nga sau cái chết của cha mình, Sa hoàng Alexander III, vào tháng 11 năm 1894. Cũng trong tháng đó, vị Sa hoàng mới đã kết hôn cùng Alexandra, một công chúa sinh ra ở Đức, người sau này đã có ảnh hưởng lớn đối với chồng. Sau một thời gian để tang cha, Nicholas và Alexandra đã đăng quang thành Sa hoàng và hoàng hậu mới của nước Nga vào tháng 5 năm 1896.
Là người cai trị của Nga, Nicholas chống lại các kêu gọi cải cách và tìm cách duy trì chế độ cai trị tuyệt đối của Sa hoàng dù ông không có sức mạnh ý chí cần thiết cho một mục tiêu như vậy. Các kết quả tai hại của cuộc Chiến tranh Nga-Nhật đã dẫn đến cuộc Cách mạng Nga năm 1905 mà Nicholas chỉ có thể giải quyết bằng cách phê duyệt một Duma (Quốc hội) mang tính đại diện và hứa hẹn cải cách hiến pháp. Vị Sa hoàng sớm rút lại các nhượng bộ và liên tục giải tán Duma, góp phần làm gia tăng sự ủng hộ của công chúng đối với những người Bolshevik và các nhóm cách mạng khác.
Năm 1914, Nicholas đã đưa đất nước tham gia vào một cuộc chiến tranh tốn kém khác, đó là Thế chiến I, và sự bất mãn của công chúng ngày càng tăng khi thực phẩm trở nên khan hiếm, binh lính trở nên mệt mỏi vì chiến tranh, đồng thời những thất bại nặng nề dưới tay Đức đã chứng minh cho sự không hiệu quả của nước Nga dưới thời Nicholas. Năm 1915, vị Sa hoàng đã đích thân nắm quyền thống lĩnh quân đội, để cho Hoàng hậu Alexandra nắm quyền cai trị trong nước. Triều đình không được lòng dân của bà đã bị chi phối bởi vị tu sĩ Nga tên là Rasputin, người đã thay thế các bộ trưởng và các quan chức có năng lực của Sa hoàng bằng các ứng viên đáng ngờ.
Tới tháng 3 năm 1917, các đơn vị quân đội đồn trú tại Petrograd đã gia nhập các công nhân đình công yêu cầu các cải cách xã hội chủ nghĩa, và Nicholas II đã bị kêu gọi phải thoái vị. Vào ngày 15/3, ông đã từ bỏ ngai vàng và nhường ngôi cho em trai là Michael, người đã từ chối và dẫn tới sự kết thúc của chế độ chuyên chế Sa hoàng ở Nga. Nicholas cùng vợ và các con ông đã bị giam giữ tại cung điện Czarskoye Selo bởi Chính phủ Lâm thời của Nga và tới tháng 8 thì bị chuyển đến vùng Tobolsk ở Tây Siberia dưới áp lực của Xô-viết Petrograd, một liên minh đầy quyền lực gồm các hội đồng của binh lính và công nhân vốn chia sẻ quyền lực với Chính phủ Lâm thời trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Nga.
Tới tháng 11 năm 1917, những người Bolshevik do Vladimir Lenin lãnh đạo đã cướp được chính quyền tại Nga và bắt đầu thiết lập nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Vào tháng 4 năm 1918, Nicholas và gia đình được chuyển về Yekaterinburg ở Urals, nơi số phận của họ được an bài. Cuộc nội chiến nổ ra ở Nga vào tháng 6 năm 1918, và vào tháng 7, lực lượng Bạch vệ đã tiến về Yekaterinburg trong một chiến dịch chống lại các lực lượng Bolshevik. Chính quyền địa phương được ra lệnh ngăn hoàng tộc Romanov được giải cứu, và sau một cuộc họp bí mật của Xô-viết Yekaterinburg, một bản án tử hình đã được thông qua đối với gia đình hoàng gia này.
Ngay sau nửa đêm ngày 17, Nicholas, Alexandra, năm đứa con, và bốn người hầu của họ được lệnh phải nhanh chóng thay quần áo và đi xuống tầng hầm của ngôi nhà nơi họ đang bị giam giữ. Ở đó, toàn bộ gia đình và các người hầu được xếp thành hai hàng nhằm chụp một bức ảnh, điều họ được thông báo là nhằm dập tắt những tin đồn rằng họ đã trốn thoát. Đột nhiên, hơn chục người có vũ trang xông vào căn phòng và bắn hạ toàn bộ gia đình hoàng gia trong một cơn mưa đạn.
Xương cốt của Nicholas, Alexandra, và ba đứa con của họ đã được khai quật tại một khu rừng gần Yekaterinburg vào năm 1991 và được xác nhận bằng công nghệ mtDNA hai năm sau đó. Thái tử Alexei và một con gái của nhà Romanov đã không thể được tìm thấy, càng làm lan truyền huyền thoại đã tồn tại dai dẳng rừng Anastasia, cô con gái út của nhà Romanov, đã sống sót sau vụ hành quyết gia đình cô. Trong số các “Anastasia” nổi lên ở châu Âu trong những thập niên sau cuộc Cách mạng Nga, Anna Anderson, người qua đời tại Hoa Kỳ vào năm 1984, là trường hợp thuyết phục nhất. Tuy nhiên, vào năm 1994, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ mtDNA để chứng minh rằng Anna Anderson không phải là Anastasia mà chỉ là một phụ nữ Ba Lan tên là Franziska Schanzkowska.
Hình: Gia đình Sa hoàng Nicholas II. Nguồn: Wikipedia.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]