Ý có thể là nhà lãnh đạo mới của châu Âu?

Print Friendly, PDF & Email

itally-eu-puzzle

Nguồn: Anatole Kaletsky, “Roman Europe?”, Project Syndicate, 26/04/2016.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Với việc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có dấu hiệu tan rã, ai sẽ là người lãnh đạo để ngăn điều đó xảy ra? Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được nhiều người cho là đã đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi nổi tiếng của Henry Kissinger về liên minh này: “Số điện thoại của châu Âu là gì?”. Nhưng nếu số điện thoại của châu Âu có mã quốc gia Đức, cuộc gọi sẽ nhận được câu trả lời tự động: “Nói không với tất cả.” (“Nein zu Allem.”)

Cụm từ “Nói không với tất cả” là cách Mario Draghi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã miêu tả trong một dịp gần đây về phản ứng thường thấy của Đức trước tất cả các sáng kiến kinh tế nhằm củng cố châu Âu. Một trường hợp điển hình là khi Thủ tướng Merkel phủ quyết đề xuất của thủ tướng Ý Matteo Renzi: tài trợ cho các chương trình dân tị nạn ở châu Âu, Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ qua việc phát hành trái phiếu EU, một ý tưởng hiệu quả và tiết kiệm vốn cũng được các chuyên gia tài chính hàng đầu như George Soros đề xuất.

Việc Merkel kiên quyết từ chối xem xét thậm chí cả các lợi ích lớn hơn của châu Âu nếu những lợi ích này có nguy cơ đe doạ sự ủng hộ trong nước của bà đã trở thành một cơn ác mộng lặp đi lặp lại đối với lãnh đạo các quốc gia EU khác. Sự từ chối này không chỉ xảy ra với chính sách kinh tế và nhập cư của Merkel, mà còn với việc bà “bắt nạt” Hy Lạp, việc bà ủng hộ việc trợ giá than, ủng hộ các nhà sản xuất xe hơi Đức về khí thải diesel, nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề tự do báo chí, và những sai lầm về Hiệp ước Minsk ở Ukraine. Tóm lại, Merkel đã gây thiệt hại cho EU hơn bất kỳ chính trị gia đang sống nào, trong khi liên tục tuyên bố khát vọng về “dự án châu Âu.”

Nhưng một châu Âu bị vỡ mộng về sự lãnh đạo của Đức có thể trông cậy vào ai khác? Những ứng viên tiêu biểu sẽ không hoặc không thể tiếp nhận vai trò: Anh đã tự loại mình; Pháp bị tê liệt cho đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo và có thể sau đó nữa; và Tây Ban Nha thậm chí không thể thành lập được một chính phủ.

Còn nước Ý, một quốc gia đã từng thống trị chính trị và văn hoá châu Âu trong phần lớn lịch sử của mình, giờ bị đối xử như “nước ngoại vi.” Nhưng Ý đang lấy lại vai trò lịch sử như là nơi sản sinh ra các ý tưởng và lãnh đạo tốt nhất ở châu Âu về chính trị, và ngạc nhiên hơn là về kinh tế.

Clip châm biếm so sánh người Ý với phần còn lại của châu Âu. Nguồn: Youtube.

Việc Draghi (người Ý) biến ECB thành ngân hàng trung ương sáng tạo và năng động nhất thế giới là ví dụ rõ ràng nhất cho luận điểm này. Chương trình nới lỏng định lượng mà Draghi đã thúc đẩy trước sự phản đối của Đức, đã cứu đồng euro với việc lách các quy định trong Hiệp ước Maastricht chống lại việc tiền tệ hoá (monetize)[1] và tương hỗ hoá (mutualize)[2] nợ chính phủ.

Cuối tháng vừa rồi, Draghi trở thành thống đốc ngân hàng trung ương đầu tiên xem xét nghiêm túc ý tưởng tiền trực thăng (helicopter money)[3] – phân phối trực tiếp tiền mới được tạo ra từ ngân hàng trung ương đến dân cư trong khu vực Eurozone. Các lãnh đạo Đức phản ứng dữ dội và giờ đang tấn công Draghi dựa trên đặc điểm quốc gia.

Ngoài ra, Ý cũng đang dẫn đầu một cuộc nổi dậy thầm lặng chống lại trường phái kinh tế học tiền Keynes của chính phủ Đức và Uỷ ban châu Âu. Tại các Hội đồng châu Âu và một lần nữa tại cuộc họp tháng này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington DC, Pier Carlo Padoan, Bộ trưởng Tài chính Ý, đã trình bày lập luận cho việc kích thích thông qua biện pháp tài khóa một cách mạnh mẽ và chặt chẽ hơn bất kỳ một lãnh đạo EU nào khác.

Quan trọng hơn, Padoan đã bắt đầu thực hiện kích thích tài khóa bằng việc cắt giảm thuế và duy trì các kế hoạch chi tiêu công, thách thức các yêu cầu thắt chặt ngân sách của Đức và Uỷ ban châu Âu. Vì thế, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp về nước Ý đã trở lại mức cao nhất trong 15 năm, các tình trạng tín dụng đã được cải thiện, và Ý là quốc gia G7 duy nhất được IMF kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn năm 2015 (mặc dù chỉ với mức tăng trưởng khiêm tốn 1%).

Padoan gần đây đã tạo ra một sự hợp tác công-tư sáng tạo để tài trợ cho việc tái cấp vốn cực kỳ cần thiết của các ngân hang Ý. Và ông đã triển khai ý tưởng mà không đợi sự đồng ý của ECB và các quan chức EU, những người đã từng ngăn chặn một kế hoạch “ngân hàng xấu” dưới áp lực của Đức. Sự thách thức này ngay lập tức có kết quả: cổ phiếu của Unicredit, ngân hàng lớn nhất nước Ý, tăng vọt 25% trong ba ngày.

Việc Ý ngày càng chống đối các giáo điều kinh tế Đức có thể không có gì ngạc nhiên: Nước Ý đã chịu đựng suy thoái gần như liên tục từ khi gia nhập Eurozone. Ngoài ra, Padoan, trước đây từng là kinh tế gia trưởng của OECD, là bộ trưởng tài chính duy nhất trong khối G7 được đào tạo kinh tế chuyên nghiệp. Ông hiểu hơn ai hết các chính sách tiền tệ và tài khoá sai lầm là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nền kinh tế trì trệ của châu Âu, và những chính sách này là nguyên nhân của những căng thẳng về chính trị đe doạ phá huỷ EU.

Sự hồi sinh của lòng tự tin và khả năng lãnh đạo của Ý cũng có thể được nhìn thấy trong chính trị trong nước và quốc tế. Renzi là lãnh đạo châu Âu duy nhất tăng tỷ lệ phiếu của đảng mình trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014, và sự thống trị của ông trong nền chính trị Ý từ đó tăng lên. Trong khi chính trị dân tuý đang đe doạ Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, Ý đã quay lưng lại với Silvio Berlusconi, và Renzi đã giành được sự ủng hộ cho đảng Liên đoàn phương Bắc (Northern League) và đảng Phong trào Năm Sao (Five Star Movement). Do đó, Italy đã bắt đầu cải cách về lao động, lương hưu và hành chính – những cải cách đã từng là không thể trong quá khứ.

Về đối ngoại cũng vậy, Ý đã trở nên quyết đoán hơn. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni, đang hợp tác với người tiền nhiệm Federica Mogherini, hiện là Đại diện cấp cao EU về đối ngoại và an ninh, để tạo ra những chính sách EU thực dụng và hiệu quả hơn về Libya và khủng hoảng tị nạn. Đáng chú ý nhất, Ý đang dẫn đầu một nỗ lực nhằm khắc phục mối quan hệ với Nga sau vụ đối đầu vì Ukraine và để tăng cường hợp tác về vấn đề Syria. Chiến dịch này có vẻ đang có kết quả với việc châu Âu đang gỡ dần cấm vận với Nga, bắt đầu vào mùa hè này.

Với việc Đức thất bại trong vai trò lãnh đạo châu Âu và tình trạng chân không chính trị ở những nơi khác thuộc EU, quyết định nâng cao vai trò của Ý là hoàn toàn đúng đắn. Như Renzi nói trong một buổi phỏng vấn gần đây, “Sau hai năm lắng nghe, giờ là lúc tôi nói”.

Hãy chờ xem liệu Italy có thể xây dựng được một liên minh các quốc gia tiến bộ về kinh tế và thực dụng về chính trị để vượt qua chủ nghĩa bảo thủ và giáo điều của Đức hay không. Nhưng dù cách này hay cách khác, nền kinh tế chính trị châu Âu sẽ phải thích ứng với hình thức mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu phát triển từ khủng hoảng 2008. Nếu may mắn, một nhóm lãnh đạo Ý khôn ngoan và nhanh nhẹn sẽ khuất phục được những con khủng long Đức vụng về, với những luật lệ và học thuyết lỗi thời đang dẫn châu Âu đến bờ tuyệt chủng.

Anatole Kaletsky là kinh tế gia trưởng và đồng chủ tịch Gavekal Dragonomics. Kaletsky từng là nhà bình luận cho tờ Times of London, International New York Times và Financial Times. Ông là tác giả của cuốn Capitalism 4.0, The Birth of a New Economy, trong đó dự đoán những biến chuyển hậu khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Cuốn sách năm 1985, Costs of Default, trở thành cuốn sách vỡ lòng của các chính phủ Mỹ Latinh và châu Á trong quá trình đàm phán vỡ nợ và tái cấu trúc với các ngân hàng và IMF.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Roman Europe?

———————

[1] Tiền tệ hóa nợ là quy trình hai bước, trong đó chính phủ phát hành trái phiếu để có tiền chi tiêu, và ngân hành trung ương mua các trái phiếu đó, giữ cho tới lúc đáo hạn, do đó giúp tăng cung tiền cho nền kinh tế (NBT).

[2] Tương hỗ hóa các khoản nợ trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu liên quan tới việc chuyển các rủi ro tài khóa ở các nước ngoại vị sang cho chính phủ Đức (NBT).

[3] Tiền trực thăng là một biện pháp nới lỏng định lượng phi chính thống, qua đó chính phủ in tiền với số lượng lớn và phân phát  trực tiếp cho dân chúng nhằm kích thích nền kinh tế (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]