Trump sẽ làm nước Mỹ suy yếu như thế nào?

trp

Nguồn: Joseph S. Nye, “How Trump Would Weaken America”, Project Syndicate, 10/05/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Donald Trump, người gần như sẽ là ứng viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về giá trị của các liên minh của nước này. Quan điểm của ông ta thể hiện một thế giới quan rất “thế kỷ 19”.

Vào thời đó, Mỹ đi theo lời khuyên của George Washington – tránh xa “những liên minh rắc rối” (entangling alliances), và theo đuổi Học thuyết Monroe – chỉ tập trung vào lợi ích của Mỹ ở Tây Bán cầu. Nước Mỹ bấy giờ thiếu vắng một đội quân thường trực lớn (và lực lượng hải quân trong những năm 1870 vẫn còn nhỏ hơn hải quân của Chile). Vì vậy, họ chỉ có vai trò khá nhỏ trong cán cân quyền lực toàn cầu vào thế kỷ 19.

Điều đó đã thay đổi hoàn toàn trong Thế chiến I, khi Tổng thống Woodrow Wilson phá vỡ truyền thống và gửi quân Mỹ đến tham chiến tại châu Âu. Hơn nữa, ông còn đề xuất thành lập Hội Quốc Liên để xây dựng an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi Thượng viện bác bỏ việc Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên vào năm 1919, quân đội tiếp tục ở lại trong nước và nước Mỹ “trở lại bình thường.” Mặc dù lúc đó họ đã là một chủ thể chính trên trường quốc tế, Mỹ vẫn cực kỳ biệt lập. Cũng chính việc nước này không có liên minh nào hồi những năm 1930 đã đẩy thế giới vào một thập niên thảm họa, được đánh dấu bởi suy thoái kinh tế, nạn diệt chủng, và một cuộc chiến tranh thế giới khác.

Đáng ngại thay, bài phát biểu chi tiết nhất của Trump về chính sách đối ngoại cho thấy rằng ông ta lấy cảm hứng chính xác là từ khoảng thời gian “biệt lập” và tư tưởng “nước Mỹ trên hết” (American First) đó. Tư tưởng kiểu này luôn hiện diện trong nền chính trị Mỹ, nhưng nó không phải là tư tưởng chính thống kể từ khi Thế chiến II kết thúc vì lý do: Nó gây cản trở, chứ không phải thúc đẩy, hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài nước.

Sự chuyển hướng khỏi chủ nghĩa biệt lập và sự khởi đầu của cái gọi là “thế kỷ của nước Mỹ” (American Century) trong nền chính trị thế giới được đánh dấu bằng các quyết định của Tổng thống Harry Truman sau Thế chiến II, vốn dẫn đến sự hình thành các liên minh vĩnh viễn và hiện diện quân sự ở nước ngoài. Mỹ đầu tư mạnh mẽ cho Kế hoạch Marshall (1948), thành lập NATO (1949), và dẫn đầu một liên minh của Liên Hợp Quốc đến chiến đấu tại Bán đảo Triều Tiên (1950). Năm 1960, Tổng thống Dwight Eisenhower đã ký hiệp ước an ninh với Nhật Bản. Quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến ngày nay.

Dù các đảng phái tại Mỹ có quan điểm khác biệt đáng kể về những can thiệp tai hại ở các nước đang phát triển như Việt Nam và Iraq, vẫn có một sự đồng thuận vững vàng về hệ thống liên minh của họ – và sự đồng thuận đó không chỉ tồn tại trong số các nhà hoạch định và tư vấn chính sách đối ngoại. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ NATO và liên minh Mỹ – Nhật. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong 70 năm qua, một ứng viên Tổng thống Mỹ lại đang nghi ngờ sự đồng thuận đó.

Các liên minh không chỉ củng cố sức mạnh của Mỹ; chúng còn duy trì sự ổn định địa chính trị – như bằng cách làm chậm sự phổ biến nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Dù đôi khi tổng thống và các bộ trưởng quốc phòng Mỹ phàn nàn rằng chi tiêu quốc phòng của các đồng minh còn ở mức thấp, họ vẫn luôn hiểu rằng liên minh phải là những cam kết ổn định – giống như quan hệ bạn bè, chứ không phải giao dịch bất động sản.

Không giống các liên minh liên tục thay đổi – đặc trưng của thế kỷ 19, các liên minh hiện đại của Mỹ đã và đang duy trì một trật tự quốc tế ổn định, tương đối dễ dự đoán. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như Nhật Bản, sự hỗ trợ từ nước chủ nhà thậm chí còn giúp việc đóng quân ở nước ngoài rẻ hơn ở Mỹ.

Thế nhưng, Trump lại tán dương sự không thể tiên đoán – một chiến thuật có thể hữu ích khi thương lượng với kẻ thù, nhưng sẽ là cách tiếp cận tai hại khi trấn an bạn bè. Người Mỹ thường phàn nàn về những kẻ ngồi không hưởng lợi (free riders), mà không nhận ra rằng chính họ là người cầm lái.

Vẫn có khả năng một nước khác – chẳng hạn, Châu Âu, Nga, Ấn Độ, Brazil, hay Trung Quốc – sẽ thách thức và vượt Mỹ trong những thập niên tới và giành được “bánh lái”. Nhưng cũng có thể điều đó không xảy ra. Một trong những đặc trưng giúp phân biệt Mỹ với “các cường quốc thống trị trong quá khứ”, theo chiến lược gia nổi tiếng người Anh Lawrence Freedman, là “sức mạnh của Mỹ dựa trên liên minh chứ không phải các thuộc địa.” Liên minh là tài sản; còn các thuộc địa là món nợ.

Câu chuyện về sự suy yếu của Mỹ có thể sẽ không chính xác và gây hiểu lầm. Quan trọng hơn, nó chứa đựng nhiều hàm ý chính sách nguy hiểm, nếu nó khuyến khích các nước như Nga tham gia vào những chính sách mạo hiểm, khuyến khích Trung Quốc quyết đoán hơn với các nước láng giềng, hay khuyến khích Mỹ phản ứng thái quá do sợ hãi. Nước Mỹ có nhiều vấn đề, nhưng họ không suy yếu hoàn toàn, và họ có thể vẫn sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ nước nào khác trong tương lai gần.

Vấn đề thực sự đối với Mỹ không phải là Trung Quốc hoặc một nước nào khác sẽ vượt qua họ, mà là sự gia tăng nguồn lực của các chủ thể khác – cả chủ thể quốc gia và phi quốc gia – sẽ trở thành những trở ngại mới cho quản trị toàn cầu. Thách thức thực sự sẽ là khó có thể thực hiện được các công việc (quản trị toàn cầu).

Một hệ thống liên minh suy yếu, nhiều khả năng sẽ là kết quả của các chính sách của Trump, chẳng thể là cách để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (make America great again). Mỹ sẽ phải đối mặt với các vấn đề xuyên quốc gia ngày một nhiều lên, đòi hỏi họ thực thi quyền lực cùng với các nước khác nhiều như khi họ thực thi quyền lực đối với những nước khác. Và, trong một thế giới ngày càng phức tạp, những quốc gia có nhiều liên kết nhất là những quốc gia mạnh nhất. Như Anne-Marie Slaughter đã nói, “ngoại giao là vốn xã hội; nó phụ thuộc vào mật độ và tầm với trong liên lạc ngoại giao của một quốc gia.”

Theo Viện Lowy của Australia, Mỹ là nước có số lượng đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện nhiều nhất. Mỹ có khoảng 60 đồng minh hiệp ước; còn Trung Quốc chỉ có vài đồng minh. Tạp chí Economist ước tính trong 150 quốc gia lớn nhất thế giới, gần 100 nước nghiêng về Mỹ, chỉ 21 nước chống lại Mỹ.

Trái ngược với tuyên bố rằng “thế kỷ Trung Quốc” đang gần kề, chúng ta vẫn chưa bước vào một thế giới hậu Mỹ. Mỹ vẫn là trung tâm hoạt động của cân bằng quyền lực toàn cầu, và là nơi cung cấp hàng hoá công toàn cầu.

Nhưng tính ưu việt của Mỹ trong quân sự, kinh tế, và quyền lực mềm sẽ không còn như trước. Mỹ sẽ chiếm tỷ trọng thấp hơn trong nền kinh tế thế giới, và khả năng gây ảnh hưởng và tổ chức hành động của họ cũng ngày càng trở nên hạn chế. Hơn bao giờ hết, khả năng duy trì độ tin cậy với các liên minh, cũng như khả năng thiết lập các mạng lưới mới của Mỹ sẽ có vai trò trung tâm quyết định sự thành công toàn cầu của họ.

Joseph S. Nye, Jr là cựu Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ. Ông còn là giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả cuốn “Is the American Century Over?” (Liệu thế kỷ của Mỹ đã qua?).

Copyright: Project Syndicate 2016 – How Trump Would Weaken America
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]