Nobel Kinh tế 2015 Angus Deaton: Thân thế và sự nghiệp

angusdeaton1

Tác giả: Nguyễn Hoàng Hà

Thân thế

Angus Steward Deaton sinh ngày 19 tháng 10 năm 1945 tại Edinburgh (Scotland) trong một gia đình lao động. Bố của ông là Leslie Harold Deaton được sinh trưởng trong gia đình có nhiều đời làm nghề thợ mỏ ở vùng South Yorkshire và mẹ của ông, Lily Wood, là con gái của người thợ mộc ở Galashies. Họ cưới nhau sau khi ông Leslie giải ngũ vào năm 1942.

Hồi nhỏ, cậu bé Angus luôn có mơ ước được thoát khỏi cảnh nghèo khó, lạnh lẽo và ẩm ướt ở nơi mình sống của xứ Scotland. Angus đã tìm thấy một ví dụ tuyệt vời khi chứng kiến sự nỗ lực không mệt mỏi, quyết vươn lên để có cuộc sống tốt hơn từ người cha. Ông Leslie đã không cam phận trở thành người thợ mỏ như những thế hệ trước và những người bạn cùng trang lứa. Trong bối cảnh của Thế chiến II và gặp vô vàn khó khăn, ông Leslie vẫn luôn cố gắng học, kể cả vào buổi tối để trở thành một kỹ sư.

Chính nhờ việc trở thành kỹ sư, ông đã có một công việc tốt hơn nhiều so với nghề thợ mỏ, do đó ông đã có thể mua nhà mới và chuyển gia đình đến một nơi mới có điều kiện sống tốt hơn. Việc rời khỏi Edinburg lạnh lẽo và ẩm ướt tới một nơi có nhiều ánh nắng với phong cảnh đẹp được cậu bé Angus coi như là một cuộc đào thoát tuyệt vời. Đó chính là một động lực lớn để cậu quyết tâm vươn lên, mong muốn tìm một lối thoát không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người, cho nhiều quốc gia. Vào năm 2015, cậu bé Angus ngày nào đã trở thành một nhà kinh tế học uyên bác 70 tuổi, được nhận giải cao quý nhất của sự nghiệp nghiên cứu khoa học – giải Nobel Kinh tế học. Angus Deaton được trao giải thưởng này “vì những phân tích của ông về tiêu dùng, đói nghèo và phúc lợi”.

Sự nghiệp khoa học

Deaton có một sự nghiệp khoa học rất nổi bật, rất đáng tự hào trong giới nghiên cứu khoa học. Có lẽ hiếm một nhà kinh tế học nào có được những thành tích nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp như ông.

Trong giai đoạn 1964-67, Angus Deaton theo học chuyên ngành Toán và Kinh tế tại Fitzwilliam College, thuộc Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nhân viên của Phòng tình báo kinh tế, Ngân hàng Anh Quốc. Deaton quay trở lại Cambridge làm nghiên cứu tại Khoa Kinh tế học ứng dụng vào năm 1969. Sau đó một vài năm, ông trở thành trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế tại Fitzwilliam College và là giảng viên chính của Khoa Kinh tế học ứng dụng. Vào lúc mới 31 tuổi (1976), Angus Deaton đã được bổ nhiệm giáo sư chuyên ngành Kinh tế lượng của Đại học Bristol, sau đó là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Princeton (Hoa Kỳ) vào năm 1979. Tính tại thời điểm nhận giải Nobel Kinh tế học, Angus Deaton đang là giáo sư tước hiệu Dwight D. Eisenhower về  Kinh tế học và các vấn đề quốc tế tại Trường Các vấn đề công và quốc tế Woodrow Wilson và Khoa Kinh tế học tại Đại học Princeton. Chuyên ngành chính của ông tại đây là phát triển kinh tế, phúc lợi và y tế. Ở Anh, ông vẫn tiếp tục giảng dạy tại Đại học Bristol.

Ngoài giải thưởng Nobel cao quý, Angus Deaton đã nhận được nhiều tước hiệu, danh hiệu và là thành viên của nhiều hiệp hội xã hội uy tín. Hiện ông được lựa chọn trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia (2015), là thành viên của Hiệp hội Triết học Mỹ (2014), Viện Hàn lâm Đại Công quốc Anh (2001), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ (1992), Hiệp hội Kinh tế lượng; là Chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (2009), Tiến sỹ danh dự của Đại học Síp (2012), Tiến sỹ danh dự ngành xã hội của Đại học Edinburg (2011),…

Ông là nhà khoa học đầu tiên đạt huy chương Frisch của Hiệp hội Kinh tế lượng vì bài viết ứng dụng tốt nhất trên tờ Econometrica (1978), huy chương của Đại học Helsinki (1981), giải thưởng Leontief vì góp phần mở rộng cương vực tư tưởng kinh tế (Advancing the Frionter of Thoughts),… Deaton cũng đã có hàng trăm bài viết nghiên cứu và tham gia nhiều cuốn sách có giá trị khoa học suốt từ năm 1971 cho đến nay. Ông cũng được nhiều tổ chức quan tâm, tài trợ cho các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình.

Đóng góp khoa học

Angus Deaton được vinh danh trong lễ trao giải Nobel Kinh tế học 2015 không chỉ vì những lĩnh vực nghiên cứu có tính quyết định cơ bản đến sự phát triển của xã hội mà các kết quả của những nghiên cứu đó còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhánh nghiên cứu của khoa học kinh tế như kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô và kinh tế phát triển.

Để hiểu rõ những vấn đề nền tảng trong phát triển xã hội như phúc lợi, bất bình đẳng, đói nghèo thì trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ những thứ cơ bản nhất như sự lựa chọn tiêu dùng cá nhân. Bằng việc xem xét mối quan hệ giữa lựa chọn cá nhân với tổng thu nhập, Angus Deaton đã có những phân tích và phát hiện đáng kinh ngạc. Trong suốt 30, 40 năm qua, những nghiên cứu tương tự về tiêu dùng đã có những bước tiến lớn, trong số đó Angus Deaton chính là một trong những nhà kinh tế học có đóng góp nổi bật nhất, cả về lý thuyết, thực chứng và các phương pháp đo lường. Những nghiên cứu của Deaton được xoay quanh 3 nội dung chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, nghiên cứu của Deaton đã đưa việc ước lượng các hệ thống cầu (demand systems) lên một tầm cao mới về sự tinh vi và có tính tổng quát như nghiên cứu định lượng về sự lựa chọn tiêu dùng các hàng hóa khác nhau. Điều đó giúp chúng ta có thể trả lời được câu hỏi “làm thế nào để người tiêu dùng phân bổ túi tiền của mình cho các hàng hóa khác nhau?” Trả lời câu hỏi này không chỉ cần thiết cho việc giải thích và dự báo mô hình tiêu thụ thực tế, mà còn rất quan trọng trong việc đánh giá cải cách chính sách, giống như những thay đổi về thuế tiêu dùng, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm khác nhau như thế nào.

Trước Deaton, đã có những nghiên cứu liên quan nổi bật như của nhà thống kê người Đức Ernest Engel ở thế kỷ 19, mô hình LES (hệ thống chi tiêu tuyến tính) của nhà kinh tế học Richard Stone[1] vào giữa những năm 1950 hay mô hình Rotterdam của A. Barten vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên, những mô hình này đã bộc lộ những hạn chế khi không đánh giá được chính xác sự phản ứng trong chi tiêu đối với một hàng hóa khi thu nhập thay đổi, dẫn đến những hệ lụy sai lầm khi chính sách đưa ra được dựa trên những mô hình đó. Deaton và John Muellbauer đã đưa ra một mô hình mới vào năm 1980 với tên gọi AIDS (Hệ thống cầu hầu như lý tưởng) đã khắc phục được lỗi so với các mô hình trước. Nó có thể ước tính được cầu của từng hàng hóa phụ thuộc vào giá của tất cả các mặt hàng và vào thu nhập của cá nhân. Có một điều thú vị là căn bệnh nổi tiếng Hệ thống suy giảm miễn dịch mắc phải cũng có tên viết tắt là AIDS và cũng được phát hiện vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Ngày nay, các phần mở rộng tiếp theo của AIDS vẫn được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật cũng như các cơ quan nghiên cứu chính sách bởi sự thiết thực của nó.

Thứ hai, các nghiên cứu của Deaton về tiêu dùng tổng hợp đã giúp phá vỡ bức tường kiên cố, tạo ra một cuộc cách mạng về kinh tế lượng vi mô trong nghiên cứu về tiêu dùng và tiết kiệm. Chúng có thể giúp ta trả lời câu hỏi thu nhập của xã hội đã được tiêu bao nhiêu và tiết kiệm được bao nhiêu? Deaton đã tiên phong trong phân tích hành vi tiêu thụ mang tính động của các cá nhân với sự biến động riêng và sự hạn chế về thanh khoản. Vào khoảng những năm 1990, Deaton đã chứng minh rằng các lý thuyết về tiêu dùng tại thời điểm đó không giải thích được mối quan hệ thực sự giữa thu nhập và tiêu dùng nếu xuất phát điểm là xem xét tổng thu nhập với tiêu dùng. Ông đã đưa ra phương pháp để thiết kế các bảng dữ liệu từ các dữ liệu chéo lặp để làm cho có thể để nghiên cứu được hành vi cá nhân theo thời gian, trong khi thực sự không có dữ liệu bảng. Deaton làm rõ tại sao các nhà nghiên cứu phải xem xét những vấn đề tổng hợp (aggregation) một cách nghiêm túc để có thể hiểu về tổng mức tiêu dùng và tiết kiệm, và từ đó suy rộng ra để giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô thông qua các dữ liệu vi mô. Các nghiên cứu của Deaton đã chứng minh rõ ràng lý do tại sao việc phân tích các dữ liệu cá nhân là chìa khóa để bóc tách các mô hình mà chúng ta thấy trong dữ liệu tổng hợp. Giờ đây cách cách tiếp cận này đã trở thành một ứng dụng rộng rãi trong kinh tế vĩ mô hiện đại.

Thứ ba, Deaton đã khởi xướng việc sử dụng các số liệu điều tra hộ gia đình ở các nước đang phát triển, đặc biệt là dữ liệu về tiêu thụ, để đo lường mức sống và đói nghèo. Các nghiên cứu của ông đã giúp cho chúng ta có thể trả lời câu hỏi “cách làm nào tốt nhất để có thể phân tích và đo lường phúc lợi và đói nghèo?” Cách làm của Deaton đã giúp cho việc biến kinh tế phát triển từ một lĩnh vực mang tính lý thuyết là chính, được dựa trên các số liệu vĩ mô thô chuyển thành một lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ các nghiên cứu mang tính thực nghiệm, được dựa trên số liệu vi mô có chất lượng cao (đáng tin cậy). Ông đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu tiêu dùng và chi tiêu để phân tích phúc lợi của người nghèo và nhận diện được những thiếu sót khi so sánh các mức sống theo thời gian và theo địa điểm. Các nghiên cứu của Deaton cũng đã cho thấy việc sử dụng một cách thông minh các dữ liệu hộ gia đình có thể làm sáng tỏ các vấn đề như các mối quan hệ giữa thu nhập và lượng calo cũng như mức độ phân biệt đối xử về giới trong gia đình.

Ngoài ra, những phát hiện khác trong các nghiên cứu của ông về hạnh phúc và tiền bạc cũng làm nhiều nhà nghiên cứu và độc giả thấy thích thú. Trong cuốn sách ông dành tặng cha mình với tựa đề “Cuộc đào thoát vĩ đại: sức khỏe, giàu có, và nguồn gốc của bất bình đẳng” được xuất bản năm 2013, Deaton đã có nhận định rằng, nếu một cá nhân có thu nhập/năm khoảng 70.000 USD thì việc tăng thêm thu nhập cho cá nhân này sẽ không làm cho ông ta cảm thấy hạnh phúc thêm. Nhận định này của Deaton dường như giống với lý thuyết lợi ích cận biên giảm dần khi tiêu thụ thêm sản phẩm sẽ làm lợi ích của người tiêu dùng bị giảm dần.

Chính vì nhận định này nên ngay sau khi nhận giải Nobel, trong cuộc phỏng vấn tại buổi tiệc chiêu đãi, người phỏng vấn đã hỏi ông: “Liệu 8 triệu Krona có làm ông hạnh phúc không?” Deaton đã trả lời rất thẳng thắn là “không” trong hoàn cảnh của ông hiện tại. Nếu đó là một Deaton nghèo khó ở tuổi đôi mươi thì đó sẽ là “có”, nhưng với một nhà kinh tế học có tên tuổi, sắp chuẩn bị nghỉ hưu, có con cái yên ổn, vững chắc về tài chính thì điều quan trọng nhất với ông hiện tại là công việc, là sự được ghi nhận. Một lần nữa, câu trả lời của Deaton lại trùng lặp với một lý thuyết rất nổi tiếng được Maslow đưa ra vào năm 1943 – Lý thuyết về động lực của con người. Khi những nhu cầu cơ bản nhất của con người được đáp ứng, thì tầng nấc nhu cầu cao nhất của con người lại là sự cống hiến, được làm thứ mà mình yêu thích, được sự tôn trọng.

Kết luận

Những nghiên cứu của Deaton đã giải quyết các vấn đề có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, và những đóng góp của ông đã ảnh hưởng đến hoạch định chính sách ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Những tác phẩm của ông bao quát một phổ rộng, từ những tác động sâu sắc nhất về mặt lý thuyết đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất về cách thức đo lường. Tuy nhiên, sự vĩ đại của Angus Deaton không chỉ có vậy. Nhà khoa học nổi tiếng vẫn đang bước tiếp trên con đường mà cậu bé Deaton ngày nào hằng mong ước: tìm cách thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạnh lẽo và ẩm ướt đến một nơi ấm áp, có nhiều ánh nắng và phong cảnh đẹp không chỉ cho riêng mình mà cho toàn nhân loại.

Một số nghiên cứu chính của Angus Deaton

Cùng với J. Muellbauer, 1980. Economics and Consumer Behavior, Cambridge University Press, New York.

Cùng với J. Muellbauer, 1980. ‘An Almost Ideal Demand System,’ American Economic Review, Vol. 70, pp. 312-26.

‘Price Elasticities from Survey Data: Extensions and Indonesian Results,’ Journal of Econometrics, Vol. 44, pp. 281-309.

‘Saving in Developing Countries: Theory and Review,’ World Bank Economic Review, (Proceedings of the World Bank Annual Conference on Development Economics 1989), pp. 61-96.

‘Saving and Liquidity Constraints,’ Econometrica, Vol. 59, No. 5, pp. 1221-1248, September.

‘Household Saving in LDC’s: Credit Markets, Insurance, and Welfare,’ Scandinavian Journal of Economics, Vol. 94, No. 2, pp. 253-273.

Understanding Consumption, Oxford. Clarendon Press, 242 pp. (The 1991 Clarendon Lectures in Economics.) Spanish translation, El Consumo, Madrid, 1995. Chinese Translation, 2003.

‘Measuring poverty,’ Chapter 1 in Abhijit Banerjee, Roland Benabou, and Dilip Mookherjee, eds., Understanding Poverty, Oxford University Press, 2006. 3−16. (Italian translation ‘Misurare la povertà’ in La Questione Agraria, No 1., 2005, pp. 29−44.

‘Height, health, and development’ Proceedings of the National Academies of Science 104 (33), 13232–13237.

‘Global patterns of income and health: facts, interpretations, and policies,’ WIDER Annual Lecture 10, UNU-WIDER, 2007. Helsinki.

‘Understanding the mechanisms of economic development,’ Journal of Economic Perspectives, 24(3): 3–16.

Deaton, A., 2013. The Great Escape: health, wealth, and the origins of inequality, Princeton University, Oxford.

————–

[1] đạt giải Nobel Kinh tế học vào năm 1984

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]