#263 – Nguyên nhân cấu trúc và tác động quân sự

Print Friendly, PDF & Email

us-military-bans

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). Theory of International Politics (Chapter 8) (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 161-193.

Biên dịch: Trần Thanh Tùng & Nguyễn Ngọc Dũng | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics

Chương 7 đã cho chúng ta thấy vì sao ít hơn lại tốt hơn. Nói rằng ít tốt hơn là nhiều không có nghĩa hai là tốt nhất. Sự ổn định của một cặp – hai công ty, hai đảng phái chính trị, một cặp vợ chồng, thường rất được hoan nghênh. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế thường nghĩ hệ thống chính trị có nhiều siêu cường không hề ổn định, họ phủ nhận quan niệm phổ biến rằng hai là con số tốt nhất. Liệu điều đó có đúng? Vì sự ổn định, hòa bình hay bất kì thứ gì khác, liệu chúng ta có nên ưu tiên một thế giới với hai siêu cường hay là thế giới có một vài hoặc nhiều siêu cường? Chương 8 sẽ giải thích vì sao 2 là tốt nhất. Chúng tôi đã đạt được một vài kết luận sau khi phân tích sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế [ở chương trước], nhưng chương này sẽ dẫn tới một kết luận khác nữa. Vấn đề an ninh quốc gia trong một thế giới đa hay hai cực thể hiện một cách rõ ràng các lợi thế của việc có hai, và chỉ hai, siêu cường trong hệ thống.

I.

Để xác định các ưu điểm của một hệ thống hai cực [two-part systems], chúng ta cần phải so sánh nhiều hệ thống với số lượng cực khác nhau. Bời vì chương trước chỉ đề cập đến các hệ thống với số lượng nhỏ, chúng ta đã tạm thời bỏ qua sự khác biệt giữa hệ thống có hai, ba, bốn hoặc nhiều cực hơn trong hệ thống. Đó là điều chúng ta cần làm bây giờ. Bằng tiêu chí nào chúng ta có thể xác định được rằng hệ thống chính trị quốc tế đang thay đổi, và đảo lại, bằng tiêu chí nào chúng ta có thể nói một hệ thống là ổn định? Các nhà chính trị học thường gộp nhiều ý nghĩa khác nhau dưới tiêu đề “sự ổn định”. Tôi cũng đã làm như vậy trong các bài viết năm 1964 và 1967, sử dụng “ổn định” để ám chỉ cả hòa bình và sự quản trị hiệu quả nền chính trị quốc tế, và đây cũng là hai chủ đề của chương này và chương tiếp theo. Hiện tại, tôi tin rằng, việc phân biệt được rõ ràng các tác động khác nhau là hết sức quan trọng để xác định chính xác nguyên nhân của chúng.

Những hệ thống vô chính phủ chỉ được biến đổi thông qua thay đổi của nguyên tắc tổ chức và thay đổi về số lượng các cực. Sự ổn định của một hệ thống chính trị quốc tế thể hiện hai điều: đầu tiên, nó vẫn duy trì tính vô chính phủ; thứ hai, không có một biến động đáng kể nào trong số lượng các đơn vị chủ chốt tạo nên hệ thống. “Biến động đáng kể” về số lượng là những thay đổi của số lượng đơn vị chủ chốt có thể dẫn đến tác động khác biệt của cấu trúc lên đơn vị. Sự ổn định của hệ thống, chừng nào nó còn vô chính phủ, có liên quan chặt chẽ đến số phận các thành viên chủ chốt của nó. Sự liên quan chặt chẽ này được thể hiện bởi mối liên hệ giữa sự thay đổi số lượng các siêu cường với biến đổi của hệ thống. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa chúng không phải tuyệt đối, bởi vì số lượng các siêu cường có thể được duy trì hoặc giảm không đáng kể khi một vài siêu cường đơn giản là bị tụt hạng và bị thay thế bởi siêu cường khác. Hệ thống chính trị quốc tế nhìn chung là ổn định, điều đó được thể hiện trong bảng 8.1. Hệ thống đa cực tồn tại suốt 3 thế kỉ là do khi một số quốc gia rời khỏi top đầu, các quốc gia khác sẽ thay thế chúng nhờ sự gia tăng sức mạnh tương đối. Hệ thống vẫn tồn tại được ngay cả khi danh tính của các thành viên của nó thay đổi. Hệ thống hai cực đã kéo dài ba thập niên bởi vì không có một quốc gia thứ ba nào có thể có khả năng phát triển sức mạnh sánh ngang với Hoa Kì và Liên Xô. Hệ thống này vẫn đang rất vững vàng, mặc dù không có vẻ như nó sẽ tồn tại lâu như hệ thống tiền nhiệm – vấn đề này sẽ được đề cập đến ở phần thứ tư của chương.

Mối liên hệ giữa sự tồn tại của các siêu cường và sự ổn định của hệ thống còn bị yếu đi bởi thực tế rằng không phải tất cả thay đổi về số lượng đều là thay đổi của hệ thống. Sự khác biệt giữa hệ thống đa cực và hai cực đã được chấp nhận rộng rãi. Hệ thống có hai siêu cường khác với hệ thống có ba hoặc nhiều hơn nữa. Đâu là điểm khác biệt căn bản? Câu trả lời có thể được tìm thấy ở hành vi của đơn vị trong hệ thống tự cứu: cân bằng sức mạnh. Cân bằng sức mạnh được thực hiện bằng những cách khác nhau trong hệ thống đa cực và hai cực.

Bảng 8.1 CÁC SIÊU CƯỜNG, 1700-1979

  1700 1800 1875 1910 1935 1945
Thổ Nhĩ Kì X          
Thụy Điển X          
Hà Lan X          
Tây Ban Nha X          
Áo (Áo- Hung) X          
Pháp X X X X    
Anh

(Vương quốc Anh)

X X X X X  
Phổ (Đức)   X X X X  
Nga (Liên Xô)   X X X X X
Ý     X X X  
Nhật Bản       X X  
Hoa Kỳ       X X X

Trích từ Wright, 1965, Phụ lục 20, Bảng 43.

Dù nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tin rằng trò chơi cân bằng quyền lực yêu cầu ít nhất ba hoặc bốn người chơi, chúng ta đã thấy trong chương 6 rằng chỉ hai người chơi vẫn đủ. Khi hai siêu cường cạnh tranh nhau, sự mất cân bằng chỉ có thể biến mất thông qua những nỗ lực nội tại của mỗi bên. Với hệ thống có nhiều hơn hai siêu cường, thay đổi tập hợp lực lượng cung cấp một công cụ khác để điều chỉnh và tăng cường sự linh hoạt của hệ thống. Đây là khác biệt chủ yếu giữa hệ thống đa cực và hai cực. Với các hệ thống có nhiều hơn hai siêu cường, sự thay đổi số lượng như thế nào sẽ có tính quyết định? Ba và bốn là hai số ở ngưỡng. Chúng đánh dấu sự chuyển dịch từ kiểu hệ thống này sang hệ thống khác bởi chúng có những cách thức khác nhau để cân bằng quyền lực thông qua sự kết hợp dưới nhiều cách khác nhau để có thể thay đổi kết quả. Hệ thống ba siêu cường có những đặc điểm riêng biệt và đầy rủi ro. Hai siêu cường có thể dễ dàng kết hợp lại để loại trừ nước thứ ba, phân chia chiến lợi phẩm và đưa hệ thống trở về hai cực. Trong một hệ thống đa cực, bốn là số lượng nhỏ nhất có thể chấp nhận được, bởi vì nó cho phép thêm nhiều khả năng tập hợp lực lượng khác và hứa hẹn sự ổn định đáng kể. Năm cũng được coi là một ngưỡng khác, đó là số lượng ít nhất hứa hẹn sự ổn định trong khi cho phép một quốc gia đóng vai trò “kẻ cân bằng” [balancer] cho cả hệ thống; và tôi sẽ phân tích thêm về nhận định này. Với số lượng lớn hơn năm, không còn một mốc nào nữa. Chúng ta biết rằng độ phức tạp gia tăng cùng với sự gia tăng số lượng các siêu cường bởi vì khi đó mọi người đều gặp khó khăn trong việc đối phó với hành vi bất định của các quốc gia khác và bởi vì số lượng siêu cường lớn dẫn đến nhiều khả năng tập hơp lực lượng hơn, nhưng chúng ta không có cơ sở để nói rằng độ phức tạp này có một ngưỡng, ví dụ như từ hệ thống bảy sang tám cường quốc. May mắn thay, trên thực tế, không có viễn cảnh nào cho thấy khả năng gia tăng số lượng siêu cường [lên đến mức phức tạp như thế].

Cho đến năm 1945, hệ thống quốc gia-dân tộc là đa cực, luôn luôn có năm hoặc nhiều hơn năm cường quốc. Xét toàn thể lịch sử thế giới hiện đại, cấu trúc chính trị quốc tế chỉ thay đổi một lần. Chúng ta chỉ có hai hệ thống để quan sát. Tuy nhiên, bằng phép suy luận và loại suy, chúng ta có thể có một vài kết luận về hệ thống quốc tế với số lượng các cường quốc nhỏ hơn hoặc lớn hơn. Phần tiếp theo của chương này sẽ chứng minh rằng năm cường quốc không tạo nên một hệ thống riêng biệt và xem xét những tác động khác nhau của hệ thống có hai và bốn hoặc nhiều hơn các cường quốc.

II.

Với hai siêu cường, một hệ thống cân bằng quyền lực là không ổn định, hệ thống này cần bốn cường quốc để có thể hoạt động được. Để có thể điều chỉnh một cách dễ dàng và thuận lợi cần một cường quốc thứ năm đóng vai trò “kẻ cân bằng”. Đây là lý lẽ thông thường. Chúng ta có nên chấp nhận nó? Liệu năm có phải là con số tốt nhất giữa một bên là hệ thống hai cực đơn giản nhất với một bên là hệ thống vô chính phủ có số lượng quá lớn khiến nó phức tạp một cách vô vọng?

Quan niệm về kẻ cân bằng có tính khái quát lịch sử hơn là một khái niệm lý thuyết. Sự khái quát đó được rút ra từ vị thế và hành vi của Anh trong thế kỉ XVIII và XIX. Kinh nghiệm của nước Anh cho thấy những điều kiện nào cần phải có để một quốc gia có thể thực hiện vai trò kẻ cân bằng một cách hiệu quả. Điều kiện đầu tiên là sự chênh lệnh sức mạnh giữa hai phe không quá lớn đến mức nếu thêm sức mạnh của Anh vào phía yếu hơn vẫn không đủ để khôi phục tình trạng cân bằng quyền lực. Khi các quốc gia châu Âu lục địa tương đối cân bằng, Anh có thể hành động hiệu quả. Điều kiện thứ hai là mục đích của Anh đối với châu Âu lục địa có tính “giữ nguyên trạng”, vì lợi ích “xét lại” sẽ khiến hình thành dạng liên minh kiểu khác. Quốc gia nào muốn chiếm một vùng lãnh thổ thông thường sẽ phải liên minh với các quốc gia không sở hữu vùng lãnh thổ đó. Lợi ích quốc gia giới hạn phạm vi hoạt động ngoại giao của quốc gia đó. Điều kiện cuối cùng để thực hiện vai trò kẻ cân bằng một cách hiệu quả, là Anh cần phải có sức mạnh ít nhất ngang bằng với nước hùng mạnh nhất. Điểm yếu của Anh so với các nước châu Âu lục địa ngày nay có nghĩa là Anh luôn phải dính líu với các nước đó. Chỉ khi các cường quốc lục địa ở trạng thái gần như cân bằng về sức mạnh hay khi Anh sở hữu sức mạnh vượt trội các nước này thì nước Anh mới có thể lựa chọn giữ khoảng cách cho đến một thời điểm thích hợp khi mà cam kết của họ sẽ có ý nghĩa quyết định về mặt ngoại giao. Đây là những điều kiện rất đặc biệt, và càng đặc biệt hơn với một thực tế rằng xu hướng chính trị phải không dẫn đến việc quốc gia cân bằng gia nhập phe nào trong hệ thống. Lý thuyết cân bằng sức mạnh không thể tích hợp được vai trò của quốc gia cân bằng vì quá trình thực hiện vai trò này phụ thuộc vào nhiều điều kiện chặt chẽ và khó xảy ra trong lịch sử. Con số năm không có sự quyến rũ đặc biệt, vì không có lý do gì để tin rằng cường quốc thứ năm sẽ có đủ khả năng và sẵn sàng thực hiện vai trò kẻ cân bằng.

Điều này dẫn đến nhiều nghi ngờ mang tính khái quát hơn về những lợi thế của một hệ thống liên minh linh hoạt mà mọi người vẫn ca ngợi. Để có ý nghĩa thật sự, linh hoạt phải hàm ý rằng khi có một hoặc nhiều quốc gia đe dọa quốc gia khác, một số nước sẽ tham gia bên còn lại hoặc rời khỏi nhóm để cân bằng với kẻ xâm lược. Hệ thống cân bằng quyền lực kiểu cũ có vẻ giống với hệ thống an ninh tập thể kiểu mới như Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc. Cả hai đều phụ thuộc vào khả năng duy trì và hoạt động trung lập đối với các tập hợp lực lượng tại thời điểm xảy ra mối đe dọa nghiêm trọng. Để bảo toàn hệ thống, ít nhất một cường quốc phải vượt qua áp lực của xu hướng ý thức hệ, sự lôi kéo của các mối quan hệ trước đó, và các xung đột lợi ích ở hiện tại để đứng về phe hòa bình. Quốc gia đó phải làm những việc mà thời thế yêu cầu.

Vì một trong các lợi ích của mỗi quốc gia là tránh sự thống trị của quốc gia khác, tại sao việc một hoặc nhiều quốc gia tham gia vào phe bị đe dọa [thống trị] lại trở nên khó khăn như vậy? Câu trả lời có hai phần. Đầu tiên, các thành viên trong liên minh cùng chia sẻ lợi ích chung có thể không hành động để thúc đẩy lợi ích chung đó. Chẳng hạn, A và B, cả hai bị đe dọa bởi C, có thể đoàn kết để chống lại C. Xét cho cùng, cả hai đều chịu một mối đe dọa chung. Nhưng thay vì vậy, A có thể nói với B: “Vì mối đe dọa là cho anh cũng như cho tôi, tôi sẽ đứng sang một bên để anh giải quyết vấn đề này.” Nếu B làm việc hiệu quả, A được lợi mà không phải làm gì. Nếu B, trở nên tức giận và không làm gì cả, cả A và B đều chịu thiệt. Cùng chịu chung một số phận có thể không dẫn đến một sự phân chia lao động hợp lý hoặc thậm chí là không có sự lao động nào cả. Việc có hay không phụ thuộc vào quy mô của nhóm, sự bất cân bằng của tương quan lực lượng trong nhóm, cũng như vào đặc điểm các thành viên của nhóm (xem Olson 1965, tr. 36, 45).

Người ta nhận thấy hạn chế của bất kỳ hệ thống đa cực nào khi mà một số quốc gia đe dọa quốc gia khác trong khi tập hợp lực lượng vẫn bất định. Ngoại trưởng Pháp Flandin đã từng nói với Thủ tướng Anh Baldwin rằng việc chiếm đóng quân sự của Hitler ở Rhineland vào năm 1936 đã tạo đủ điều kiện cho nước Anh đi đầu trong việc chống lại Đức. Khi mối đe dọa từ Đức gia tăng, một số nhà lãnh đạo Anh và Pháp hy vọng rằng nếu quốc gia của họ đứng ngoài, Nga và Đức sẽ cân bằng lẫn nhau hoặc đánh nhau cho tới cùng (Nicolson 1966, tr. 247-49; Young 1976, tr. 128-30). Tính bất định của việc ai đe dọa ai, ai sẽ chống lại ai, và ai sẽ được hay mất từ hành động của quốc gia khác càng gia tăng cùng với sự gia tăng số lượng đơn vị trong hệ thống. Thậm chí nếu ta giả định rằng mục tiêu của hầu hết quốc gia đều thích đáng thì thời điểm và cách thức hành động để đi đến đích vẫn trở nên ngày càng khó tính toán. Thay vì làm cho vấn đề trở nên đơn giản, việc đề ra các quy tắc chung cho các quốc gia chỉ đơn giản minh chứng tính bất khả thi của việc tin tưởng các quốc gia có thể dung hòa giữa hai lợi ích xung đột nhau, [bao gồm] hành động vì lợi ích của riêng họ theo những gì mà tình cảnh yêu cầu, hoặc hành động vì sự ổn định và sống còn của hệ thống, như một số học giả đề xuất. Các nhà chính trị học, những người ủng hộ tính linh hoạt trong tập hợp lực lượng của quốc gia phải chấp nhận rằng sự linh hoạt đó chỉ có thể có cùng với sự gia tăng số lượng các quốc gia và do đó cũng làm gia tăng độ phức tạp và bất ổn theo cấp số nhân.

Với hệ thống có nhiều hơn hai cường quốc, chính trị cường quyền chuyển sang kiểu ngoại giao có thể tạo ra, duy trì, hoặc làm gián đoạn các liên minh. Tính linh hoạt của tập hợp lực lượng có ý nghĩa rằng một quốc gia mà ta đang ve vãn lại có thể chọn đi theo một quốc gia khác hoặc một quốc gia hiện tại đang là đồng minh của chúng ta có thể dễ dàng rút khỏi liên minh. Tính linh hoạt đó thu hẹp khả năng lựa chọn chính sách của một quốc gia. Mỗi chính sách đều phải làm hài lòng đối tác tiềm năng hoặc đáp ứng yêu cầu của đối tác hiện tại. Cũng tương tự như khi các đảng chính trị cạnh tranh số phiếu bầu bằng cách hình thành và tái lập liên minh tranh cử với các nhóm kinh tế, dân tộc, tôn giáo, và khu vực khác nhau. Các chiến lược, hay chính sách, của mỗi bên được đưa ra vì mục tiêu thu hút và ràng buộc cử tri. Nếu một đảng chính trị muốn chiến thắng bầu cử, chính sách của đảng không thể chỉ đơn giản là cái mà lãnh đạo đảng tin là tốt nhất cho đất nước. Chính sách đó ít nhất phải một phần được tạo ra nhằm mục đích thắng cử. Tương tự như vậy, với một số lượng quốc gia xấp xỉ ngang nhau về sức mạnh, chính sách đưa ra phải ít nhất có một phần để phục vụ mục đích thu hút và ràng buộc đồng minh. Để hình thành liên minh, các quốc gia sẽ muốn tỏ ra hấp dẫn đối với đối tác tiềm năng. Kẻ tán tỉnh luôn thay đổi bề ngoài và điều chỉnh hành vi để tăng khả năng được chọn. Những ai thiếu hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn có nhiều khả năng sẽ cố thử mọi cách khó khăn để thay đổi diện mạo và hành vi của họ. Ta phải trở nên đủ hấp dẫn về tính cách và chính sách để được coi là một lựa chọn tốt. Nền ngoại giao liên minh ở châu Âu trong những năm trước Thế chiến thứ nhất cung cấp nhiều ví dụ phong phú cho điều này. Thậm chí kể từ cuộc chiến tranh Napoleon, nhiều người đã tin rằng “Cộng hòa” và “Cossack” không bao giờ có thể hợp tác với nhau, chưa nói đến việc đi tới liên minh. Thế nhưng, việc tán tỉnh giữa Pháp và Nga, bên này thích nghi với bên kia theo cách nào đó, đã tạo ra một liên minh vào năm 1894 và Khối Hiệp ước ba bên [Triple Entente], khi đầu tiên là Pháp và Anh, sau đó là Nga và Anh đã vượt qua mối thù hận lâu dài của họ lần lượt vào năm 1904 và 1907.

Nếu áp lực đủ mạnh, một nước sẽ thỏa hiệp với hầu như bất cứ ai. Litvinov vào những năm 1930 nhấn mạnh rằng để bảo đảm an ninh trong một thế giới thù địch, Liên Xô sẽ hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, thậm chí kể cả là Hitler (Moore 1950, tr. 350-55). Điều quan trọng là phải thấy được rằng quốc gia sẽ sẵn sàng liên minh với ma quỷ để tránh địa ngục của thất bại quân sự. Quan trọng hơn nữa, thấy được rằng ai sẽ là đồng minh với con quỷ nào mới là câu hỏi quyết định. Cuối cùng thì hành vi của Hitler đã khiến tất cả các cường quốc lớn, trừ Ý và Nhật Bản, đoàn kết chống lại Đức[1].

Để đảm bảo an ninh, liên minh phải được hình thành. Sau khi thành lập, chúng phải được quản lý. Các liên minh ở châu Âu bắt đầu hình thành từ những năm 1890 dần chia thành hai khối. Sự cứng chắc của hai khối này được cho là góp phần mạnh mẽ cho việc bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đây là một cách tiếp cận có phần nông cạn. Các liên minh được tạo ra bởi các quốc gia có chung một số nhưng không phải tất cả lợi ích. Lợi ích chung thông thường có tính âm bản [negative][2]: nỗi sợ hãi đối với quốc gia khác. Sự chia rẽ sẽ xảy ra khi liên quan đến lợi ích có tính dương bản [positive][3]. Hãy xem xét hai ví dụ. Nga trong quá khứ đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho một cuộc chiến với Áo-Hungary với hy vọng có thể thắng cuộc chiến đó, nhưng với Áo-Hung chứ không phải với Đức. Và Áo-Hung ngáng trở việc Nga kiểm soát eo biển nối Địa Trung Hải với Biển Đen. Tuy nhiên, Pháp chỉ có thể giành lại vùng Alsace-Lorraine bằng cách đánh bại Đức. Nhận thức về mối đe dọa chung đã mang Nga và Pháp lại với nhau. Chính sách ngoại giao đồng minh, cùng với một lượng lớn dòng tiền từ Pháp đổ vào Nga, đã giữ hai nước sát lại với nhau và hình thành một liên minh với chiến lược có thiên hướng lợi cho Pháp hơn Nga. Chiến lược liên minh luôn là kết quả của sự thỏa hiệp về lợi ích giữa các đồng minh bởi vì lợi ích của mỗi đồng minh và quan điểm của họ về việc làm thế nào để đảm bảo những lợi ích đó không thể giống nhau hoàn toàn. Thêm vào đó, trong một hệ thống đa cực, mặc cho sự hình thành của các khối, một quốc gia đồng minh có thể dễ dàng chuyển sang phe đối lập. Nếu một thành viên trong liên minh tìm cách giải quyết vấn đề hoặc hợp tác bằng cách nào đó với một thành viên của một liên minh khác, đồng minh của họ sẽ không dễ dàng bỏ qua. Bởi vậy, sự hợp tác giữa Anh và Đức vào năm 1912 và 1913 để làm giảm căng thẳng của cuộc khủng hoảng Balkan, và giải quyết một số vấn đề thuộc địa giữa họ, có thể không dễ dàng gì. Những phản ứng của đồng minh ngăn cản Anh và Đức làm điều tương tự ở Đông Nam châu Âu vào năm 1914, tuy nhiên vẫn khiến hai nước này hy vọng rằng liên minh của bên kia sẽ không đứng vững (Jervis 1976, tr. 110). Sự gắn kết lớn trong một khối sẽ làm cho chính sách trở nên linh hoạt hơn. Nhưng sự gắn kết đó, giống như kỷ luật trong đảng phái chính trị, chỉ đạt được thông qua quản lý thành thạo và cẩn thận; và quản lý trong một khối là cực kỳ khó khăn trong trường hợp các quốc gia tương đối đồng đều với nhau vì nó đòi hỏi sự hợp tác.

Nếu các khối cân bằng với nhau, và nếu cạnh tranh liên quan đến các vấn đề quan trọng, thì việc để một phe tan rã có nguy cơ dẫn đến sự hủy diệt đối với phe còn lại. Trong thời điểm khủng hoảng, bên yếu hơn hoặc mạo hiểm hơn có thể quyết định chính sách của các đồng minh. Đồng minh của quốc gia đó sẽ không thể để nước này đi vào đường cùng và cũng không thể để liên minh thể hiện sự mất đoàn kết khi không thể ủng hộ kẻ phiêu lưu mặc dù hiểu rõ những nguy cơ của chính sách đó. Giai đoạn đầu của Thế chiến thứ nhất là một ví dụ diển hình. Sự cân bằng tương đối giữa các nước trong liên minh tạo ra sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau giữa chúng. Sự phụ thuộc giữa các nước cùng liên minh , cộng với tính cạnh tranh khốc liệt giữa hai phe, đồng nghĩa rằng, trong khi bất kì quốc gia nào cũng có thể lôi kéo các đồng minh khác cùng tham gia, không một nước nào có thể điều khiển liên minh của mình. Nếu Áo-Hung tham chiến, Đức sẽ phải tham chiến theo; sự tan rã của đế chế Áo-Hung có thể khiến Đức trở nên đơn độc giữa châu Âu. Nếu Pháp tham chiến, Nga sẽ phải tham gia bởi vì một chiến thắng của Đức trước Pháp cũng là một thất bại của Nga. Tất cả các nước đều lâm vào cái vòng tròn luẩn quẩn này. Do thất bại của một đồng minh lớn có thể thay đổi cân bằng lực lượng, mỗi quốc gia bị buộc phải điểu chỉnh chiến lược và sử dụng sức mạnh cho phù hợp với mục đích và nỗi sợ của đồng minh của họ. Trên một khía cạnh nào đó, chính sách bất ổn của các nước vùng Balkan đã khiến thế giới rơi vào chiến tranh. Nhưng lập luận này vẫn chưa vào trúng trọng tâm của vấn đề. Môi trường quốc tế thời điểm đó có rất nhiều sự kiện và yếu tố gây bất ổn. Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là liệu chúng có thể được quản lí tốt hơn hay hệ quả của chúng sẽ được điều tiết nhanh hơn trong một hệ thống khác hay không (xem phần dưới, tr. 208-209).

Trò chơi chính trị cường quyền, xét đến cùng, sẽ đẩy người chơi hình thành hai khối đối địch với nhau, mặc dù việc thành lập và duy trì liên minh cũng phức tạp đến mức điều đó chỉ xảy ra khi các quốc gia tham gia trò chơi một cách thật sự dưới áp lực của chiến tranh. Chính vì vậy, sáu hay bảy cường quốc trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến đã không hình thành hai phe đối lập cho đến thời điểm hai năm trước khi thế chiến thứ hai nổ ra. Hơn nữa, sự hình thành hai khối không biến hệ thống đa cực thành hệ thống hai cực, cũng như việc các đảng đối lập hợp tác với nhau trong bầu cử không thể biến hệ thống đa đảng thành một hệ thống hai đàng. Kể cả với áp lực lớn nhất từ bên ngoài, tính cố kết của một liên minh còn xa mới hoàn thiện. Các quốc gia hay các đảng phái liên minh trong thời chiến hay trong thời kì bầu cử, cho dù họ có cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với đồng minh khác, vẫn tiếp tục tìm kiếm lợi ích và bận tâm về so sánh lực lượng mới sẽ hình thành một khi cuộc đua kết thúc.

Một hệ thống đa cực có quá nhiều cường quốc để có thể cho phép một nước vạch ra được ranh giới rõ ràng và cố định giữa đồng minh và kẻ địch, thế nhưng lại có quá ít cường quốc để có thể giảm nhẹ tác động của việc đào ngũ sang phe đối phương. Với hệ thống có ba siêu cường hoặc nhiều hơn, liên minh có đủ linh hoạt để giữ mối quan hệ hợp tác và thù địch một cách trôi chảy và khiến tất cả dự đoán về các mối quan hệ trong hiên tại và tương lai đều không chắc chắn. Chừng nào hệ thống còn có số lượng siêu cường tương đối nhỏ, hành động của bất kì siêu cường nào cũng có thể đe dọa đến an ninh của các nước còn lại. Có quá nhiều siêu cường để tất cả có thể biết được một cách chắc chắn điều gì sẽ xảy ra nhưng lại có quá ít để khiến những gì sẽ xảy ra không còn quan trọng. Các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế thường cho rằng việc khó dự đoán kết quả đến từ một tập hợp lực lượng linh hoạt tạo ra sự thận trọng tích cực trong chính sách đối ngoại của tất cả các quốc gia (xem Kaplan 1957, tr. 22-36; Morgenthau 1961, phần 4). Ngược lại họ tin rằng thế giới hai cực cực kỳ bất ổn, rằng trật tự hai cực rất dễ bị sụp đổ. Kết luận này được dựa trên cách lập luận sai lệch và không nhiều bằng chứng. Phụ thuộc lẫn nhau về quân sự biến đổi theo phạm vi và mức độ đối xứng của việc siêu cường này dựa vào bên kia về an ninh và ngược lại. Trong một thế giới hai cực, phụ thuộc lẫn nhau về quân sự suy giảm còn rõ rệt hơn là về kinh tế. Nga và Hoa Kì phụ thuộc về mặt quân sự chủ yếu ở chính bản thân họ. Họ cân bằng lẫn nhau bằng những công cụ “nội tại” chứ không phải “từ bên ngoài”, dựa vào chính khả năng của mình hơn là khả năng của đồng minh. Cân bằng nội tại ổn định hơn và chính xác hơn cân bằng nhờ ngoại lực. Các quốc gia thường ít đánh giá sai sức mạnh tương đối của bản thân họ hơn là sức mạnh và mức độ tin cậy của đồng minh. Thay vì khiến quốc gia thận trọng đúng mức và dẫn đến cơ hội hòa bình, sự không chắc chắn và tính toán sai sẽ gây ra chiến tranh (xem Blainey 1970, tr. 108-19). Trong thế giới hai cực, tính bất định giảm xuống và tính toán dễ thực hiện hơn.

Phần lớn tư tưởng hoài nghi về những ưu điểm của hệ thống hai cực bắt nguồn từ việc cho rằng hệ thống sẽ có tính hai cực khi hai phe được hình thành trong một thế giới đa cực. Một khối nếu được quản lí không tốt có thể sẽ tan rã. Vì vậy, trong một thế giới đa cực, lãnh đạo của cả hai khối đều phải quan tâm quản lí liên minh của minh, khi mà sự rút khỏi liên minh của một nước thành viên có thể tạo nên nguy hiểm chết người đối với các đồng minh khác, đồng thời cũng phải quan tâm đến mục đích và khả năng của khối đối địch. Lịch sử trước hai cuộc thế chiến đã minh chứng cho sự nguy hiểm này. Nhưng nỗ lực cao độ hiện đang được sử dụng để quản lý liên minh có thể che khuất sự khác biệt sâu sắc giữa liên minh kiểu cũ và kiểu mới. Trong một liên minh giữa các nước tương đương nhau, việc một thành viên rời khỏi liên minh có thể đe dọa an ninh của các thành viên khác. Trong liên minh giữa các nước không tương đương, đóng góp của những quốc gia yếu hơn vừa cần thiết nhưng lại cũng có tầm quan trọng tương đối nhỏ. Trong trường hợp đóng góp của một số bên là rất quan trọng đối với tất cả các thành viên, các bên đó có động cơ mạnh mẽ trong việc thuyết phục người khác theo quan điểm của mình về chiến lược và chiến thuật và nhượng bộ nếu thuyết phục không thành công. Đoàn kết giữa các nước lớn trong một liên minh thường lâu dài bởi vì tất cả đều hiểu được họ phụ thuộc vào sự đoàn kết đó. Trước Thế chiến I, việc Đức chấp nhận rằng Italia có thể rút khỏi phe Liên minh cho thấy phần nào vai trò tương đối không quan trọng của Italia. Trong liên minh bất cân xứng, các nhà lãnh đạo liên minh thường ít phải lo lắng về lòng trung thành của các thành viên, đằng nào thì các nước này cũng có ít sự lựa chọn. Chúng ta có hai tình huống đối lập năm 1914 của Hoa Kỳ và Anh Quốc và Pháp vào năm 1956. Hoa Kỳ có thể rút khỏi cuộc phiêu lưu ở Suez của hai đồng minh chính của mình và khiến họ chịu áp lực tài chính nặng nề. Giống như Áo-Hung vào năm 1914, Mỹ đã cố gắng lôi kéo hoặc ít nhất là làm bất động đồng minh bằng cách đưa họ vào “sự đã rồi”. Tận dụng vị thế gần như thống trị, Hoa Kỳ có thể tiếp tục tập trung chú ý vào những đối thủ chính trong khi vẫn duy trì kỷ luật liên minh của mình. Khả năng của Hoa Kỳ, và sự bất lực của Đức, trong việc xử lý các vấn đề nội khối là hết sức ấn tượng. Do đó, điều quan trọng là phân biệt rạch ròi giữa sự hình thành của hai khối trong một thế giới đa cực với cấu trúc hai cực của hệ thống hiện tại.

Trong thế giới hai cực cũng như trong thế giới đa cực, các nhà lãnh đạo liên minh có thể cố gắng thu được sự đóng góp tối đa từ các đồng minh của họ. Những đóng góp này là hữu ích ngay cả trong một thế giới hai cực, nhưng chúng không phải là không thể thiếu. Bởi thế nên chính sách và chiến lược của các nhà lãnh đạo liên minh xét đến cùng được thực hiện theo toan tính và lợi ích riêng của họ. Bất chấp quan điểm của đồng minh chỉ có lý khi hợp tác quân sự với các quốc gia đó không quan trọng. Đây là điều đã xảy ra trong cả Tổ chức Hiệp ước Warsaw [khối Vác-xa-va – WTO] và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [khối NATO]. Ví dụ, trong năm 1976, chi phí quân sự của Liên Xô chiếm 90% tổng số chi phí của WTO, và của Hoa Kỳ là khoảng 75% trên tổng số chi phi của NATO. Trên thực tế, nếu không phải theo lí thuyết, NATO chính là lời cam kết của Hoa Kỳ với các đồng minh châu Âu và với Canada. Hoa Kỳ, với ưu thế hạt nhân vượt trội và số quân bằng tất cả các quốc gia Tây Âu cộng lại, có thể bảo vệ đồng minh chứ không phải ngược lại. Do sự khác biệt lớn trong khả năng của các quốc gia thành viên, sự chia sẻ gánh nặng bình đẳng trong hệ thống liên minh trước đó đã không còn nữa.

Về mặt quân sự, phụ thuộc lẫn nhau thấp trong một thế giới lưỡng cực và cao trong hệ thống đa cực. Siêu cường trong thế giới đa cực phụ thuộc nhau về chính trị và quân sự trong các cuộc khủng hoảng và chiến tranh. Việc đảm bảo sự hỗ trợ kiên định của một đồng minh bất kì là nhân tố sống còn. Đây không thể là tình huống xảy ra trong một thế giới hai cực, vì các bên thứ ba không thể làm xoay chuyển cán cân quyền lực bằng việc rút khỏi liên minh này hoặc tham gia liên minh khác. Như vậy việc Hoa Kỳ rồi sau đó là Liên Xô “đánh mất” Trung Quốc trong thời hậu chiến đã không thể làm thay đổi hoặc thậm chí là chỉ ảnh hưởng đến cân bằng giữa Mỹ và Nga. Pháp cũng không thay đổi đáng kể cân bằng lưỡng cực với việc rút khỏi NATO. Chính sách của Mỹ không đáp ứng các yêu cầu theo lợi ích của Pháp được giải thích bằng ảnh hưởng không đáng kể của nước này. Sự bất tương xứng lớn giữa hai siêu cường với các thành viên trong liên minh làm cho bất kỳ việc tái tập hợp lực lượng nào của các đồng minh đều không đáng kể. Do đó chiến lược của hai siêu cường lãnh đạo có thể linh hoạt. Trong cán cân quyền lực chính trị kiểu cũ, tính linh hoạt của tập hợp lực lượng làm bó hẹp chiến lược và hạn chế lựa chọn. Trong cán cân quyền lực chính trị kiểu mới thì ngược lại: sự cứng nhắc trong tập hợp lực lượng của thế giới hai cực làm tăng sự linh hoạt trong chiến lược và mở rộng các lựa chọn quyết sách. Mặc dù có thể đôi khi nhượng bộ, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều không thay đổi chiến lược hay bố trí lực lượng của mình chỉ để chiều lòng đồng minh. Cả hai siêu cường có thể thực hiện kế hoạch dài hạn và thi hành chính sách mà họ thấy là thấy phù hợp nhất, vì họ không cần phải thỏa hiệp với yêu sách của các bên thứ ba.

Trong một thế giới đa cực, các quốc gia thường xuyên dành nguồn lực của mình để phục vụ cho lợi ích của mình. Các quốc gia tham gia hợp tác phải tìm ra được một mẫu số chung cho các chính sách của họ. Họ đối mặt với nguy cơ tìm phải mẫu số chung thấp nhất và dễ rơi vào tình huống tồi tệ nhất có thể. Trong một thế giới lưỡng cực, các nhà lãnh đạo liên minh thực hiện chiến lược chủ yếu là theo tính toán lợi ích riêng. Chiến lược có thể được thiết kế để đối phó với đối thủ chính hơn là để đáp ứng đồng minh. Các nhà lãnh đạo liên minh được tự do đi theo con đường riêng, tất nhiên điều đó có thể phản ánh sự đánh giá đúng đắn hay sai lầm, nỗi sợ tưởng tượng thực tế, mục đích không trong sáng hay chính đáng của họ. Các nhà lãnh đạo liên minh không phải là không bị hạn chế. Những hạn chế lớn, tuy nhiên, phát sinh từ các đối thủ chính chứ không phải từ đồng minh của họ.

III.

IV.

V.

VI.

Download các phần còn lại của văn bản tại đây: Nguyen nhan cau truc va tac dong quan su.pdf

————-

[1] Theo lời Winston Churchill nói với thư ký riêng đêm trước cuộc xâm lược Nga của Đức, “Nếu Hitler xâm lược địa ngục tôi ít nhất sẽ đứng về phía quỷ sứ trước Nghị viện” (Churchill 1950, tr. 370).

[2] Ở đây có nghĩa là để phòng thủ trước quốc gia khác – ND.

[3] Ở đây có nghĩa là để tấn công quốc gia khác – ND.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]