Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của người dịch: Kiichi Miyazawa (宮澤 喜一, 8/10/1919 – 28/6/2007) là thành viên đảng Dân chủ Tự do Nhật (Liberal Democratic Party, LDP), xuất thân từ gia đình danh giá, cha từng là nghị sĩ Quốc hội Nhật, ông nội từng là Bộ trưởng trong Chính phủ Nhật. Miyazawa tốt nghiệp khoa Luật Đại học Đế quốc Tokyo, năm 1942 làm viên chức ở Bộ Tài chính Nhật, từ đó bắt đầu tham gia chính trường. Từng giữ các cương vị: nghị sĩ Quốc hội (1953-1967), Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp (1970-71), Bộ trưởng Ngoại giao (1974-76), Tổng Giám đốc Cơ quan Kế hoạch kinh tế (1977-78), Chánh Văn phòng Nội các (1984-86), Bộ trưởng Tài chính (1986-88), Thủ tướng Chính phủ Nhật (11/1991-8/1993, nhưng từ chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của LDP.
Miyazawa là người Nhật duy nhất có may mắn được tham gia nhiều sự kiện lịch sử, từ Hội nghị San Francisco 1951 ký hòa ước trả lại độc lập cho Nhật Bản, cho tới các cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Mỹ và nhiều nước khác suốt 50 năm cuối thế kỷ 20. Trước khi làm Thủ tướng Nhật, ông từng làm phiên dịch tiếng Anh cho các cuộc hội đàm cấp cao của Nhật với nước ngoài, trải qua nhiều chức vụ từ nghị sĩ đến bộ trưởng 3 bộ. Ông là người Nhật duy nhất tham gia “Câu lạc bộ chính khách quốc tế”. Chưa một người Nhật nào tham gia chính trường lâu và giữ nhiều cương vị cao như Miyazawa.
Dưới đây, xin giới thiệu vài trích đoạn trong cuốn hồi ký của ông xuất bản năm 1991, tập trung viết về quan hệ Nhật-Mỹ, là một trong các cuốn bestseller hồi ấy. Hồi ký này về sau trở thành phần chính trong cuốn Secret Talks Between Tokyo and Washington: The Memoirs of Miyazawa Kiichi, 1949-1954 (Các cuộc hội đàm bí mật giữa Tokyo và Washington: Hồi ký của Miyazawa Kiichi, 1949-1954), đồng tác giả Kiichi Miyazawa, Robert D. Eldridge, Nhà xuất bản Lexington Books, 2007, (165 trang). Phần hồi ký do Miyazawa viết in trong sách này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Sách “Thủ tướng Nhật Miyazawa”, bản Trung văn, của Yu Gui-xian (Vu Khuê Nhàn), NXB Thời sự, Bắc Kinh, 1992 có in phần đầu hồi ký đó, dưới tiêu đề “Chứng ngôn chính trị sau chiến tranh”. Sau đây chúng tôi tóm lược một số đoạn lấy từ sách này. Khi biên dịch, chúng tôi có tham khảo thêm các nguồn tư liệu khác. Các chú thích là của người dịch.
Mỹ thay đổi chính sách đối với Nhật
Tôi đang làm việc ở Vụ Bảo hiểm Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính thì chiến tranh kết thúc (15/8/1945). Ngày 17, Hoàng gia Nhật lập nội các Higashikumi, tôi được gọi lên làm thư ký cho Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 10, khi lập chính phủ mới, tôi làm cán bộ thu thuế tài sản tại Cục Thuế do ông Ikeda làm Cục trưởng.
Ngày 10/10, chính phủ Nhật nhận được sắc lệnh của Tư lệnh Tối cao quân Đồng minh (SCAP)[1] “Về việc khấu trừ các khoản thu nhập trong chiến tranh và tái thiết nền tài chính quốc gia”, sau này là cơ sở chính sách của Mỹ đối với Nhật trong thời kỳ đầu sau chiến tranh.
Sắc lệnh này nhằm dạy cho người Nhật ghi nhớ bài học “Không thể phát tài bằng chiến tranh”, đưa ra mấy biện pháp: – giải thể công nghiệp quân sự và các tổ chức tài phiệt; – đổi tiền mới; – thu thuế 100% đối với số công trái chính phủ Nhật phát hành trước đây, nghĩa là vô hiệu hóa toàn bộ số công trái còn trong dân.
Sắc lệnh viết: “Tới 31/12/1945 phải trình lên SCAP dự án thuế tài sản; nếu chậm trễ sẽ bị phạt.”
Việc dịch dự án này ra tiếng Anh làm tôi vất vả một phen, vì lùng khắp Tokyo mới kiếm được một chiếc máy chữ tiếng Anh ở Cục Hải quan, nơi duy nhất được phép dùng tiếng của nước thù địch. Giấy đánh máy phải xin ở Bộ Ngoại giao. Tôi khuân chiếc máy chữ to tướng về nhà, chồng dịch, vợ gõ máy từng chữ; sau nhiều đêm cũng nộp đúng hạn.[2]
SCAP chủ trương tiêu diệt tận gốc sức mạnh chiến tranh của Nhật Bản, thả tù chính trị cộng sản, sa thải toàn bộ viên chức quân phiệt. Xã hội Nhật bị cách ly với thế giới. Mọi thứ đều trông vào viện trợ Mỹ. Nhiều thứ bán theo tem phiếu. Đêm nào cơ quan chúng tôi cũng làm việc đến khuya, sau đó mọi người cùng uống chút rượu sakê nhạt hoét rồi ra về, vừa đi vừa hát vang bài Quốc tế ca.
Tình hình thay đổi rất nhanh. Ngày 18/12/1945, chính phủ Mỹ giao cho SCAP các nhiệm vụ: – đảy mạnh thu thuế; – hạn chế cho vay; – ổn định tiền lương; – thắt chặt kiểm soát giá cả và ngoại tệ; – dùng cách phân phối tư liệu sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất nguyên vật liệu và sản xuất công nghiệp … Đây là một bước ngoặt thay đổi chính sách của Mỹ đối với Nhật, muốn kinh tế Nhật mạnh lên để cùng Mỹ chống lại Liên Xô, vì gần đây quan hệ Xô-Mỹ xấu đi rõ rệt.
Đầu tháng 2/1949, Chính phủ Mỹ cử Joseph Dodge, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Detroi sang Nhật làm cố vấn cho SCAP. Hai tuần sau, chính phủ Yoshida nhậm chức; Ikeda được cử làm bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ngày 5/2, với tư cách cán bộ đối ngoại của Bộ Tài chính, tôi đi theo Ikeda đến làm việc thường lệ với Cục Khoa học kinh tế của SCAP. Lần đầu tiên tôi gặp Dodge.
Dodge phát biểu đại ý:
“Trước khi sang Nhật, tôi đã làm việc rất chi tiết với Tổng thống Truman và các quan chức Mỹ cấp cao. Phía Mỹ cho rằng Nhật chưa sử dụng hữu hiệu viện trợ của Mỹ.[3] Lẽ ra sau khi bán cho dân chúng số hàng viện trợ này, chính phủ Nhật phải sử dụng hợp lý khoản tiền thu được, nhưng không rõ phía Nhật dùng số tiền đó vào việc gì. Như vậy viện trợ Mỹ chẳng có lợi gì cho việc ngăn chặn lạm phát. Tôi cho rằng để tái thiết kinh tế Nhật, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải bảo đảm cân bằng ngân sách. Muốn vậy, ngoài việc không tiêu tiền ra thì chẳng có biện pháp nào khác. Dĩ nhiên không có tiền thì chính phủ chẳng có thể làm được việc gì, do đó dân cũng khổ theo.
Nhưng một dân tộc đã thảm bại trong chiến tranh nếu không chịu khổ một chút thì không thể nào đứng dậy được! Tóm lại, điều quan trọng nhất đối với dân chúng Nhật hiện nay là thắt lưng buộc bụng. Với chính phủ Nhật và quân đội chiếm đóng Mỹ thì việc quan trọng nhất là phải có đủ dũng cảm cưỡng chế dân chúng Nhật sống thắt lưng buộc bụng. Mọi người hãy vứt bỏ mọi suy nghĩ hão huyền, phải xuất phát từ thực tế tàn nhẫn nhất, bắt tay từ đầu; ngoài ra không còn con đường nào khác.”
“Một tay sừng sỏ đây” – tôi nghĩ. Song tôi chưa hề nghĩ rằng những điều Dodge nói hôm ấy lại được thực thi ngay trong mấy năm sau.
Về sau tôi mới biết Dodge nói thế còn là để cho người Mỹ trong Vụ Kinh tế của SCAP nghe – Vụ này đang áp dụng các biện pháp kinh tế không hợp với tình hình Nhật, chính họ mới ngạc nhiên nhất khi thấy Dodge đưa ra chính sách thắt lưng buộc bụng.
Hồi ấy các quan chức Nhật quan tâm nhất tới việc làm thế nào có thể lợi dụng được SCAP, tức cơ quan có quyền lực tuyệt đối ở Nhật, nhằm có lợi cho chính phủ Nhật. Một biện pháp cổ điển là gây ra và lợi dụng sự đối lập trong nội bộ kẻ có quyền rồi lách qua khe hở của họ. Tôi cho rằng nên tạo ra sự chia rẽ giữa Dodge với SCAP – hồi ấy SCAP đang mắng nhiếc Bộ Tài chính Nhật vì chúng tôi thi hành đường lối truyền thống của Nhật, là tiết kiệm chi tiêu.
Ngày 1/3/1949, cuộc hội đàm Dodge-Ikeda bắt đầu. Dodge nói đại ý:
“Nền kinh tế Nhật hiện nay dựa trên hai chân đất sét là trợ giá và viện trợ Mỹ. Muốn kinh tế Nhật vững chắc thì phải chặt đứt đôi chân này. Thứ hai, trong dự toán ngân sách do Bộ Tài chính Nhật đề xuất có dự kiến chi 40 tỷ Yen cho Kho Bạc; như vậy là không được. Trong tình hình kinh tế Nhật đang sắp sụp đổ vì lạm phát thì việc lấy danh nghĩa đầu tư để tăng các khoản chi sẽ là một tội ác. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải cắt giảm chi tiêu. Thứ ba, trong cuộc tranh cử bầu nghị viện hiện nay, những lời hứa giảm thuế thu nhập, bỏ thuế công ty là sai lầm căn bản. Phải vừa giảm chi tiêu lại vừa tận thu các loại thuế. Dĩ nhiên thu thuế là việc của chính phủ Nhật. Nghe nói người ta gọi thuế công ty là thuế ác, nhưng chưa thấy ai nói nước nào có loại thuế thiện cả.”
Đó là những điểm chính trong Kế hoạch Dodge, sau đó được thực thi trong thời gian 1-2 năm. Hồi ấy mọi mặt hàng đều thực hành chế độ cấp phát, nhà nước ấn định giá hàng. Muốn giá cả không biến đổi, nhà nước phải trợ giá bù lỗ cho người sản xuất khi giá thành cao hơn giá ấn định. Hàng xuất và nhập khẩu đều được trợ giá. Để có tiền trợ giá, chính phủ phải sử dụng các khoản tiền cứu tế do Mỹ cấp và tiền bán các hàng viện trợ Mỹ. Dodge gọi tiền trợ giá và tiền bán hàng viện trợ Mỹ là “đôi chân đất sét”.
Tiền trợ giá do SCAP nắm, chúng tôi không rõ; chỉ biết là ngân sách năm 1949 làm theo Kế hoạch Dodge tuy đã giảm mạnh khoản trợ giá này song vẫn vượt trên 200 tỷ Yen, chiếm gần 30% ngân sách. Lời hứa giảm thuế thu nhập, bỏ thuế công ty và tăng 100 tỷ Yen chi tiêu công cộng do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Yoshida đưa ra khi tranh cử cũng bị Dodge cắt hết, trở thành hứa hão. Điểm nhất trí duy nhất giữa Ikeda với Dodge là giảm tiền trợ giá xuống chỉ còn 70 tỷ Yen.
Nhìn chung hai ông có vẻ hợp nhau. Ikeda nói: “Cách tốt nhất dạy trẻ học bơi là quẳng chúng xuống nước, khi nào sắp chết sặc mới kéo lên.”
Mọi khoản tiền bán hàng viện trợ Mỹ đều phải đưa vào một tài khoản riêng tích cóp lại thành “Quỹ bán hàng viện trợ Mỹ”. Ngân hàng Phát triển Nhật và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Nhật thành lập sau đó 2 năm đều thừa kế tài sản Quỹ này.
Đón xem:
Phần 2: Nhật đề nghị ký hòa ước với Mỹ
Phần 3: Nội tình Khủng hoảng tên lửa Cuba
Xem thêm: Ngày tàn của Phát xít Nhật
Hình: Đại tướng McArthur và cựu Thủ tướng Nhật Yoshida năm 1954.
——————-
[1] Supreme Commander for the Allied Powers, SCAP, thời gian 1945-1951 là General (Đại tướng) Douglas MacArthur, từ 4/1951 là Mathew Ridgway. Cuối 1945 có 350.000 quân Mỹ đóng ở Nhật.
[2] Vợ Miyazawa trước đây học Đại học Ngoại ngữ tiếng Anh, hai người quen nhau khi cùng có mặt trong đoàn học sinh Nhật đi Mỹ dự hoạt động trao đổi học sinh hai nước (8/1938), sau đó họ lấy nhau (1945).
[3] Sau chiến tranh, kinh tế Nhật kiệt quệ, toàn bộ lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng đều do Mỹ viện trợ không hoàn lại.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]