Hồi ký Miyazawa: Nội tình Khủng hoảng tên lửa Cuba

Print Friendly, PDF & Email

cmc

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Bài liên quan: Mỹ thay đổi chính sách đối với NhậtNhật đề nghị ký hòa ước với Mỹ

Thời đại Kennedy có một sự kiện đáng nhớ lại, đó là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra vào tháng 10/1962.

Hồi đó, do Liên Xô chở tên lửa tấn công vào Cuba mà giữa Liên Xô với Mỹ nảy sinh tình trạng nguy hiểm có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân. Hầu như chưa có ai đưa tin về sự thật của vụ này. May sao chiến tranh không nổ ra, loài người thoát được tai họa hạt nhân và tiếp tục tồn tại trên trái đất này, vì thế chẳng ai còn bàn thêm về sự kiện đó. Về sau tôi ngẫu nhiên có dịp trò chuyện với một số cựu quan chức Mỹ liên quan đến sự kiện ấy, và có đọc mấy cuốn hồi ký về Kennedy, nhờ thế biết được một số nội tình của vụ khủng hoảng này.

Ngày 23/10/1962, Chính phủ Nhật họp phiên thường lệ. Trước đó ít lâu, trong một đợt cải tổ nội các, tôi được cử làm Tổng Giám đốc Cơ quan Kinh tế Kế hoạch [tương đương Bộ trưởng Bộ Kế hoạch kinh tế]. Cuộc họp dự kiến bắt đầu vào 10 giờ sáng. Trước giờ họp, tôi nhận được lời nhắn Thủ tướng Ikeda muốn gặp tôi.

Thì ra sáng sớm hôm ấy Đại sứ Mỹ bỗng dưng đến thăm tư gia Ikeda và trao cho Thủ tướng một bức thư viết tay của Tổng thống Mỹ Kennedy.

Nội dung thư viết đại ý:

“Mới đây, tên lửa đạn đạo kiểu tấn công của Liên Xô được liên tục chở vào Cuba. Nước Mỹ sát cạnh Cuba ở vào trạng thái bất cứ lúc nào cũng có thể bị tấn công. Để ngăn cản việc chuyên chở thêm tên lửa vào Cuba, nước Mỹ quyết định thực hành phong tỏa trên biển đối với Cuba, khi cần thiết sẽ không tiếc dùng vũ lực để khám tại chỗ các tàu biển. Quyết định này sẽ được công bố trong một ngày sắp tới. Mong nhận được sự thông cảm của Chính phủ Nhật.”

Lúc ấy điều đầu tiên tôi nghĩ tới là mong sao đây không phải là chính sách quốc phòng quá đáng của nước Mỹ; cho dù tình hình thế nào, luật quốc tế không cho phép dùng vũ lực làm hậu thuẫn để tiến hành khám tại chỗ các tàu nước ngoài đi lại trên vùng biển quốc tế.

Sau đấy các quan chức đầu ngành ngoại giao đều đến tư gia Thủ tướng, bắt đầu bàn đối sách. Một cán bộ ngoại giao nói: Theo điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế, phải chăng Nhật không phải là nước có thể không chịu sự ràng buộc bởi các hành động của Mỹ?

Sau một lúc im lặng, tôi nói: “Tôi cũng cho là như vậy”. Tiếp đó, mọi người chìm trong bầu không khí im lặng đến ngạt thở.

Thủ tướng Ikeda đau khổ ngước nhìn lên trần nhà, khá lâu sau ông mới mở miệng: “Tôi cho rằng điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế tuy đều quan trọng cả, nhưng bây giờ e rằng những thứ ấy không còn tác dụng nữa.”

Rồi ông chỉ thị trả lời Đại sứ Mỹ là Chính phủ Nhật thông cảm với quyết định của TT Kennedy.

Trên thực tế, Thủ tướng và chúng tôi hầu như đều không ai biết gì về bối cảnh nảy sinh sự kiện kể trên. Cuba gặp tình hình cấp bách như thế nào – điều đó báo chí Nhật và tin điện nước ngoài đều chưa đưa tin gì cả.

Trung tuần tháng 10, Mỹ phát hiện thấy đã xảy ra tình hình nghiêm trọng. Những tấm ảnh độ nét cao do máy bay trinh sát U-2 chụp cho thấy Cuba đã xây dựng xong các bệ phóng tên lửa, và tên lửa Liên Xô được liên tục chở đến Cuba. Ngày 6/10, tổng thống Mỹ nhận được báo cáo nói người lãnh đạo và các chuyên gia Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) qua nghiên cứu cho rằng đây là tên lửa loại tấn công có tầm bắn 1.100 dặm, mọi công việc chuẩn bị cho tấn công sẽ hoàn thành sau hai tuần. Trong tình hình đó Chính phủ Mỹ triệu tập họp Hội đồng An ninh quốc gia.

Tháng 1 năm kia, Mỹ và Cuba cắt quan hệ ngoại giao với nhau, tháng 4 xảy ra vụ 1.500 binh sĩ chống Castro do Mỹ huấn luyện đổ bộ lên Cuba thất bại. Ngoài ra có dư luận nói trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Xô, Kennedy trẻ tuổi bị Khrushchev đầy tự tin coi thường. Bản thân Kennedy dường như cũng rất để bụng dư luận đó (thế nhưng trong hồi ký Khrushchev lại viết: “Gặp một người đàn ông khó đối phó đây”. Có lẽ dư luận trên là do những người thích châm biếm bịa ra). Khi tình hình phát triển tới mức khó giải quyết, Kennedy cảm thấy “mình bị Khrushchev coi thường rồi”.

Sau khi nhận được báo cáo, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lập tức đưa ra phán đoán dứt khoát về ý đồ tấn công của Liên Xô, dường như cho rằng quyết không thể bỏ qua sự kiện này. Như vậy chỉ còn đối sách tích cực duy nhất là không ngại làm một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nghe nói trong cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy có đưa một tờ giấy cho người ngồi bên, trên giấy viết: “Rất thông cảm với tâm trạng của (Thủ tướng Nhật) Tojo trước hôm đánh trộm Trân Châu Cảng”.[1]

Cuộc họp nêu ra hai phương án là ném bom và phong tỏa đường biển với Cuba. Nếu ném bom thì sẽ có nguy hiểm khá lớn là các tên lửa Liên Xô chưa bị diệt sẽ từ Cuba bắn sang đất Mỹ, hơn nữa còn tạo ấn tượng là Mỹ ra tay trước.

Nghe nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara chủ trương trước tiên phát cảnh báo phong tỏa biển. Phương án này có nhược điểm là không giải quyết được gì đối với các tàu đã dỡ xong hàng (tên lửa), nhưng có ưu điểm là qua đó có thể phán đoán xem Khrushchev có ý đồ tấn công Mỹ hay không. Nếu Liên Xô không có hành động phản phong tỏa thì có thể phán đoán là họ không có ý định phóng tên lửa sang Mỹ.

Kết quả, Hội đồng chọn phương án thứ hai. Ngày 22/10, tổng thống Mỹ tuyên bố trên truyền hình là Mỹ tiến hành phong tỏa đường biển với Cuba. Sau này Robert Kennedy có bảo tôi: “Hồi ấy tổng thống và tôi đều nghĩ rằng mình chết thì chẳng sao, nhưng nếu vì thế mà con cháu nước ta chết hoặc bị dị hình dị dạng thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước lịch sử? Nghĩ tới chuyện ấy, chúng tôi đều do dự.”

Ngoài ra còn nghe nói một người thân tín của tổng thống lúc ấy nhìn qua cửa sổ thấy công trường xây cất một tòa nhà ở gần Nhà Trắng đang làm việc, ông này lẩm bẩm nói một mình: “Bây giờ thì chẳng cần xây dựng gì nữa đâu …”

Nhưng các nước khác, kể cả Nhật, đâu có biết gì về những chuyện ấy, e rằng ngay cả Đại sứ Mỹ ở Nhật cũng thế thôi. Trong tình hình như vậy Thủ tướng Ikeda quyết đoán đưa ra quyết định ‘thông cảm với hành động của nước Mỹ’ có lẽ là ông chịu tác động từ một trực giác độc đáo.

Sau mấy ngày khiến mọi người ngạt thở chờ đợi, ngày 26/10 tình hình cho thấy có khoảng 20 chiếc tàu Liên Xô chuẩn bị lên đường đi Cuba đã không đi nữa. Sáng sớm ngày 28, Khrushchev nói trên Đài phát thanh Moskva: Liên Xô dừng mọi công tác xây dựng căn cứ quân sự [ở Cuba], chở về Liên Xô mọi khí tài bị tổng thống Kennedy gọi là “có tính tấn công”.

Sự việc chấm dứt ở đây.

Tháng 12 năm ấy tôi đi Washington họp Tiểu ban Kinh tế thương mại Nhật-Mỹ. Tại đây tôi phát hiện thấy dường như đã xảy ra một chuyện gì đó không bình thường. Tại hành lang các tòa nhà hoặc tại các đầu cầu vẫn còn nhìn thấy những chữ viết vội vàng bằng sơn “Nơi trú ẩn”, nét chữ còn rất rõ. Điều đó cho thấy người Mỹ từng lo rằng bỗng dưng có một ngày chiến tranh ập xuống nước Mỹ. Trong một bữa chiêu đãi tại Nhà Trắng, ông McNamara ngồi cạnh tôi vẽ lên mặt sau tờ thực đơn sơ đồ tình hình phong tỏa trên biển, giới thiệu với tôi khá chi tiết vấn đề này.

Bài học bổ ích lớn nhất của sự kiện khủng hoảng Cuba là vào phút chót của thời điểm nghìn cân treo sợi tóc, vũ khí hạt nhân từ một sức mạnh có tính phá hoại được chuyển hóa thành một sức mạnh có tính răn đe; hơn nữa may sao là sau đó trên thế giới chưa từng xảy ra tình trạng đối kháng chiến tranh hạt nhân có nguy cơ chạm tới là bùng nổ.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, năm 1989, những nhân vật đương sự của hai nước Mỹ-Xô còn khỏe mạnh, như tướng McNamara, đã gặp nhau trong một cuộc họp tại Moskva, ôn lại sự việc năm xưa. Tôi biết chuyện ấy là nhờ mùa hè năm 1990 có dịp gặp ông McNamara. Lần đó tôi đã hỏi ông một việc tôi chưa biết: tên lửa tấn công của Liên Xô chở vào Cuba có lắp đầu đạn hạt nhân hay không?

Theo McNamara nói, “Hồi ấy Mỹ cũng chưa thể nào làm rõ việc đó. Mãi cho tới lần họp này tại Moskva, sự việc vũ khí hạt nhân đã được chuyên chở vào Cuba mới được xác nhận.”

Sự thật như thế đấy, đúng là từng xảy ra tình trạng nguy cơ chiến tranh hạt nhân suýt nữa bùng nổ. Phương pháp quản lý khủng hoảng mà chính phủ Kennedy áp dụng theo kiểu dự định tới phút chót phán đoán được ý đồ của đối phương giúp tôi nhận được một bài học bổ ích.

Tổng thống Kennedy bị ám sát ngày 23/11/1963 (theo giờ Nhật Bản), đúng vào hôm tôi kết thúc chuyến thăm châu Âu, đang trên đường về nước trên chuyến bay thương mại thường kỳ của hãng Hàng không Pháp. Ngoại trưởng Dean Rusk sắp sang Nhật dự hội nghị cấp bộ trưởng Nhật-Mỹ, dự kiến sẽ đến sân bay Haneka ở Tokyo. Tôi vội về nước để đón ông.

Sau khi xuống máy bay tôi mới biết tin tổng thống Kennedy bị ám sát. Đồng thời tôi cũng nghe nói hai chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Rusk và đại biểu đi theo – để phân tán rủi ro, họ phải chia ra làm hai nhóm đáp hai máy bay – đang trên đường trở về Mỹ.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn chưa thể quên tâm trạng đau buồn ủ ê của mình hôm ấy.

——————-

[1] Ngày 8/12/1941, máy bay Nhật cất cánh từ các tàu sân bay áp sát ném bom căn cứ quân sự của Mỹ tại Pearl Harbor, mở đầu cuộc chiến tranh Nhật-Mỹ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]