Nguồn: Ian Buruma, “The Second Life of Chairman Mao” Project Syndicate, 10/09/2001.
Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mao Chủ tịch đã chết cách đây hai mươi lăm năm (tính đến năm 2001 – ND). Có thực vậy không nhỉ? Tên của ông vẫn được sùng bái ở các quốc gia cách mạng chậm phát triển như Peru và Nepal. Ở Trung Quốc, ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa của một lớp trẻ thành thị ưu tú, những người không có những ký ức về Mao.
Di sản của Mao vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với giới lãnh đạo Đảng hiện nay, những người đã phản bội gần như tất cả mọi thứ mà vị Chủ tịch đã lựa chọn. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Mao đã trở thành một vị thánh của dân gian. Ảnh của ông trong những khung vàng thường được treo trên gương chiếu hậu của nhiều taxi Trung Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Hồ Nam quê ông. Ở làng Thiều Sơn, nơi Mao sinh ra, bùa hộ mệnh mang khuôn mặt của ông được bán cùng với bùa hộ mệnh có hình Phật hay Lão Tử, những thứ hứa hẹn mang lại sự thịnh vượng và sức khỏe.
Ngay cả những người Trung Quốc ít mê tín và biết đến những hành vi giết người của Mao cũng thừa nhận sự vĩ đại của ông ta. Họ nói Mao weida, tức là vĩ đại. Trở nên “vĩ đại” có nghĩa là vượt lên trên cái thiện và cái ác. Lãnh tụ vĩ đại giống như một vị thánh, vừa có những cơn thịnh nộ đáng khiếp sợ lại vừa có lòng tốt vô bờ. Những người không phải gốc Trung Quốc thường ngạc nhiên và rất phẫn nộ khi biết Hitler vẫn còn có sức lôi cuốn đáng kinh ngạc ở những nơi như Đài Loan. Hitler, giống như Mao, đã trở nên “vĩ đại”.
Quy mô bạo lực do Mao gây ra thay vì hủy hoại danh tiếng của ông ta, lại làm tăng thêm tầm vóc thần thánh của Mao. Một vị thần báo thù đến để thanh trừng thế giới hủ bại, không thể dùng những biện pháp nửa vời. Giống như một cơn bão khổng lồ, ông ta phải tạo nên những trận cuồng phong, và chính sự hủy diệt và chết chóc sau cơn thịnh nộ của ông ta là một minh chứng cho năng lực siêu phàm của vị Lãnh tụ vĩ đại. Mao đã theo các thần linh khác đi vào ngôi đền thiêng của Trung Quốc. Giống như vị thần chiến tranh, khả năng gây ra bạo lực của ông được một số người coi như là một sức mạnh cần thiết làm cho ma quỷ tránh xa.
Sùng kính các nhà lãnh đạo vĩ đại nhưng hung bạo không phải là một hiện tượng của riêng Trung Quốc. Và tương tự là xu hướng văn hóa dân gian nông thôn trong việc thần thánh hóa những người đàn ông quyền lực. Có lẽ sự thật là người dân ở các xã hội đa thần dễ lập ra các vị thần mới hơn so với những người chỉ thờ một vị thần. Ở Đông Á, bất cứ điều gì – một nhà lãnh đạo vĩ đại, một ngọn núi, thậm chí một tảng đá – đều có thể được nhuộm màu tâm linh. Một điều trớ trêu của lịch sử Trung Quốc hiện đại là bất chấp những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc để xóa bỏ những hủ tục mê tín bằng “chủ nghĩa xã hội khoa học” thì sự sùng bái Mao lại giúp mê tín tồn tại lâu hơn.
Tuy nhiên, có một vấn đề sâu xa hơn đằng sau sự sùng bái Mao, khi ông còn sống hay sau khi chết. Nó bắt nguồn từ việc chưa bao giờ có sự phân tách giữa tôn giáo và nhà nước ở Trung Quốc. Các hoàng đế Trung Quốc thời tiền hiện đại là người trung gian giữa Trời và Đất, không khác gì các vị giáo hoàng hay thượng phụ của một quốc giáo.
Nhà nước Trung Quốc, giống như các quốc gia cổ đại trong thế giới phương Tây, được dựa trên một quan niệm về vũ trụ. Sự hòa hợp sẽ tồn tại trên thế giới chỉ khi các nhà cai trị có đức cao vọng trọng, thực thi đầy đủ các nghi lễ một cách thành kính, và giữ cho đất và trời hài hòa. Tham nhũng và các hành vi phi đạo đức trong chính quyền sẽ khiến trời nổi giận và quyền cai trị sẽ rơi vào tay những người đức độ hơn. Vai trò của các quan lại Nho giáo là bảo vệ Thiên mệnh và giúp người cai trị giữ gìn đức độ.
Điều này có nghĩa rằng bất kỳ cuộc cách mạng chính trị nào đều là một cuộc cách mạng về đạo đức, thậm chí gần như là cách mạng bán-tôn giáo. Không chỉ là việc sắp đặt lại các thể chế mà trật tự trong vũ trụ phải được phục hồi bằng cách xóa sạch sự hủ bại về đạo đức. Các sử gia của các triều đại mới phải viết lại lịch sử để ca tụng đức hạnh của những kẻ cai trị mới, trong khi mô tả chế độ trước đó là mục ruỗng không thể cứu vãn nổi.
Ở riêng khía cạnh này, cuộc cách mạng của Mao không khác gì những chính biến trong quá khứ. Giống như nhiều vị cứu tinh của nông dân tại Trung Quốc cổ và cận đại, Mao có ý định khôi phục trật tự trong vũ trụ bằng cách tiêu diệt chế độ cũ đã mục ruỗng và thiết lập một chế độ mới vinh quang, có đạo đức và thuần khiết. Đó là những gì những kẻ chép sử của Mao muốn chúng ta tin, giống như những sử quan của triều đình biện minh cho quyền cai trị của hoàng đế của họ trong quá khứ. Mao đã không được bầu. Ông ta đã giành lấy mệnh trời từ trật tự cũ thối nát bằng sức mạnh của đức hạnh.
Thật thú vị khi tưởng tượng vai trò của đức hạnh sẽ được dùng lại như thế nào nếu lại có một cuộc chính biến lớn nữa ở Trung Quốc. Vòng luẩn quẩn của các cuộc nổi dậy bạo lực, tiếp theo đó là các chế độ độc đoán, vẫn có thể tiếp diễn nếu Trung Quốc vẫn được cai trị bởi các Lãnh tụ vĩ đại, với các tuyên bố về sự ưu việt triết học và đạo đức của mình, thay vì dựa trên pháp luật và thể chế dân chủ. Quyền lực của những người anh hùng – chẳng hạn như của Mao – đương nhiên là nằm ngoài tầm kiểm soát của sự đối lập hoặc sự chỉ trích hợp pháp. Vì ai có thể phê bình được sự đức hạnh hoàn hảo?
Khi nguồn của chân lý cũng là nguồn của quyền lực, như ở mức độ nào đó của Trung Quốc thời phong kiến, và ở mức độ lớn hơn ở Trung Quốc của Mao, thì không thể có sự đối lập trung thành (loyal opposition, tức chỉ trích chế độ nhưng không tìm cách lật đổ nó – NBT) vì nó sẽ đi ngược lại logic của hệ thống. Thật vậy, cơ cấu chính trị Lê-nin-nít tại Trung Quốc do Stalin truyền lại từ những năm 1950 vẫn còn nguyên vẹn, và tiếp tục chống lại đối thoại chính trị rộng mở.
Chừng nào còn như vậy thì Mao vẫn còn sống mãi. Chừng nào người Trung Quốc không được cai trị bởi các đại diện do họ lựa chọn, mà bởi những người đàn ông được cho là có đạo đức do Trời ban, và chừng nào nhà nước không được coi là một tập hợp của các thể chế mà là một trật tự vũ trụ và cũng là người bảo vệ đạo đức và luân lý thì Mao sẽ vẫn còn đó. Điều đó có nghĩa là sẽ còn có nhiều Mao khác nữa.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2001 – The Second Life of Chairman Mao
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]