Kinh tế Trung Quốc “dò đá qua sông”

Print Friendly, PDF & Email

107189661_10_edit_2412268b

Nguồn: Andrew Sheng & Xiao Geng, “China’s Trial-and-Error Economy”, Project Syndicate, 20/03/2015.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kế hoạch làm việc của Chính phủ Trung Quốc năm 2015 do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc trong tháng này đánh dấu sự chuyển dịch của Trung Quốc sang một trạng thái tăng trưởng kinh tế “bình thường mới” (new normal) ở mức 7%. Việc chuyển dịch sang mức tăng trưởng chậm hơn đặt ra những thách thức nghiêm trọng nhưng cũng tạo ra một cơ hội quan trọng để Trung Quốc đảm bảo sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra cơ hội này và đang hành động để hỗ trợ việc chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Bộ Tài chính Trung Quốc đã nâng mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ từ 1,8% GDP vào năm 2014 lên 2,7% trong năm 2015, và sẽ cho phép các chính quyền địa phương mắc nợ nhiều được phép hoán đổi 1 nghìn tỉ NDT (161,1 tỉ đô la) tiền nợ đáo hạn trong năm nay lấy trái phiếu với lãi suất thấp hơn.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra các chính sách tiền tệ hỗ trợ như từng bước hạ lãi suất và giảm mức dự trữ bắt buộc. Vì mức lương trung bình vẫn đang tiếp tục tăng nên mục tiêu lạm phát cho năm 2015 được xác định ở mức 3% – cao hơn so với lạm phát thực tế 2% của năm 2014, mặc dù chỉ số lạm phát giá đầu vào sản xuất đã ở mức âm trong vòng 36 tháng qua. PBOC cũng dự báo một môi trường tỷ giá hối đoái ổn định trong năm nay – cho dù có sự mất giá nhanh chóng của đồng yên Nhật Bản, đồng euro và các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi so với đồng USD – nhằm thúc đẩy sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Các chính sách này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ nhằm tiếp tục con đường cải cách cơ cấu bất chấp những trở ngại to lớn từ sự suy giảm của thị trường nước ngoài và việc điều chỉnh cơ cấu trong nước. Tóm lại, Chính phủ Trung Quốc dường như đã có một tầm nhìn dài hạn rõ ràng.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan về triển vọng của Trung Quốc. Nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu David Shambaugh gần đây đã mạnh dạn lên tiếng cảnh báo rằng những thách thức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lãnh đạo có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện các chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng mà Chính phủ đã công bố trong năm 2013.

Những tuyên bố cho rằng sự phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang ở trong tình trạng nguy hiểm dường như đã bỏ qua quá trình học tập và thích nghi của đất nước này, một quá trình đã được dùng để xây dựng mọi chính sách kinh tế, ngoại giao, quân sự và chính sách xã hội tại đây. Quá trình này – đặc trưng bằng các bước thử nghiệm, đánh giá và điều chỉnh – được rút ra từ kinh nghiệm quân sự của ĐCSTQ trong những năm 1930, đã được Đặng Tiểu Bình áp dụng cho chương trình cải cách của ông trong những năm 1980, và tiếp tục được hoàn thiện bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc kế tiếp. Bởi vì chưa có nền kinh tế nào phát triển rất nhanh chóng trên một quy mô lớn như vậy, cách duy nhất để quản lý sự phát triển của Trung Quốc theo như Đặng Tiểu Bình đã nói là “dò đá qua sông”.

Phương pháp hoạch định chính sách theo kiểu làm tới đâu điều chỉnh tới đấy của Trung Quốc vừa gặp phải những thất bại thảm hại với toàn bộ các thị trường bị đóng cửa, vừa gặt hái những thành công rực rỡ, tạo ra các mô hình có thể được áp dụng trên toàn quốc. Một số thử nghiệm có kết quả không rõ ràng, ví dụ như dù đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP nhưng lại tạo ra các vấn đề khác như dư thừa công suất công nghiệp, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, và việc tạo ra các thị trấn ma (không có người ở – ND).

Trong bối cảnh thử nghiệm, việc không lường trước được hậu quả như vậy là điều dễ hiểu. Thực tế là việc nảy sinh ra những hậu quả xấu không có nghĩa là Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng trong tương lai; khủng hoảng chỉ xảy ra nếu những vấn đề này được cho phép tồn tại.

Ngăn chặn một kết cục xấu như vậy đòi hỏi phải có những nỗ lực để áp dụng tình trạng “bình thường mới” của Trung Quốc vượt ra ngoài các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Cải cách phải nhằm mục tiêu thúc đẩy việc được hưởng lợi (từ phát triển kinh tế) của mọi thành phần, hướng tới xây dựng môi trường bền vững, thúc đẩy đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh. Và đây chính là phương pháp “bốn mũi nhọn” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang áp dụng.

Thật vậy, từ việc cắt giảm tiêu thụ than để giảm thiểu ô nhiễm không khí cho đến các kế hoạch tích hợp công nghệ thông tin vào sản xuất hiện đại, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cho thấy họ nhận ra mệnh lệnh phải cải cách. Và những nỗ lực liên tục để chống tham nhũng cũng chứng tỏ ý chí của Chính phủ trong việc sẵn sàng làm những gì cần thiết để đảm bảo rằng Trung Quốc thành công.

Nhưng không có nghĩa là mọi việc đều sẽ trôi chảy. Hệ thống quan liêu Trung Quốc phải thích ứng triệt để nhằm đối phó với những rủi ro – và tận dụng những lợi ích của công nghệ và toàn cầu hóa, với thách thức lớn nhất là việc chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên tri thức, ý thức môi trường, phổ quát lợi ích cho mọi người dân (inclusive), và ổn định. Và chính phủ Trung Quốc phải dần cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc định hướng các hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc giảm các loại giấy phép và các yêu cầu điều tiết trong khu vực tư nhân.

Các lực lượng thị trường cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng trưởng khả năng chi tiêu của hộ gia đình. Thật vậy, việc mức lương thực tế tiếp tục tăng đang buộc các ngành công nghiệp không hiệu quả chỉ dựa vào lao động rẻ phải rút ra khỏi thị trường, trong khi củng cố khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất biết cách đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc. Ví dụ, để hỗ trợ quá trình này, Trung Quốc hiện đang thực hiện bảo hiểm tiền gửi.

Đồng thời, Trung Quốc đang cải cách hệ thống IPO (Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) không hiệu quả dựa trên việc cấp phép sang dựa trên việc đăng ký. Một thị trường IPO tích cực và hiệu quả hơn sẽ cho phép các công ty thỏa mãn nhu cầu tài chính của họ mà không cần qua trung gian ngân hàng – một bước quan trọng để giúp các công ty giảm thiểu số nợ của họ.

Trên thực tế, việc giảm vai trò của các ngân hàng là điều cần thiết để cân bằng nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù có sự phục hồi gần đây, lượng vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ bằng 40% GDP trong khi tổng tài sản ngân hàng tương đương 266% GDP. Trong khi đó, chỉ có 10% tổng số vốn huy động xã hội đến từ các thị trường chứng khoán.

Nhưng có một phần quan trọng không được đề cập đến trong chương trình cải cách của chính phủ cho năm 2015: cải thiện thủ tục phá sản đối với người đi vay gặp thất bại. Trừ khi người đi vay và dự án thất bại thoát khỏi hệ thống một cách nhanh chóng và thuận lợi thì thị trường sẽ phải gánh nợ xấu và các dự án dang dở, làm xói mòn hiệu quả của nó.

Trung Quốc đã nhiều lần chứng tỏ sự dẻo dai và khả năng thích ứng của nó. Bây giờ, nó lại phải chứng tỏ điều đó một lần nữa bằng cách làm cho tình trạng “bình thường mới” càng ổn định, bền vững, và mang lại lợi ích phổ quát cho người dân càng nhiều càng tốt. Điều này đòi hỏi phải tăng cường nền tảng thể chế của Trung Quốc và thiết lập các luật lệ rõ ràng và minh bạch, để khuyến khích thử nghiệm và đổi mới, đảm bảo sự rút lui trơn tru của các dự án thất bại, và quản lý tốt các hậu quả của sai lầm.

Thất bại có thể là mẹ đẻ của thành công – nhưng điều đó chỉ đúng khi ta có nỗ lực học hỏi từ nó. May mắn thay, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc dường như có ý định thực hiện đúng điều đó.

Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào) là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toàn cầu Fung (Fung Global Institute) và là thành viên Hội đồng cố vấn của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP về lĩnh vực Tài chính bền vững.

Xiao Geng (Tiếu Cảnh) là Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Fung.