Bí quyết tồn tại của Putin

Vladimir-Putin-009

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Secret of Putin’s Survival“, Project Syndicate, 01/06/2016

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp 

Hai năm trước, một tiến trình dài tiến tới chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa biệt lập dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã lên đến cực điểm với việc sáp nhập Crimea vào Nga. Nhưng thậm chí khi cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động trên, dường như người Nga lại chào đón điều này. Trong thực tế, việc bán đảo này “trở về” dưới sự kiểm soát của nước Nga đã có tác động sâu sắc đến tình cảm của công chúng – thứ được cho là đã làm tăng cường khả năng nắm giữ quyền lực của Putin, thậm chí cả khi nước Nga phải đối mặt với những thách thức nặng nề hơn về kinh tế và chính trị.

Tháng 3 năm 2016, 83% người Nga vẫn ủng hộ việc sáp nhập Crimea, trong khi chỉ 13% phản đối điều đó. Ngay cả những người cấp tiến – bao gồm những người biểu tình chống lại chế độ trên quảng trường Bolotnaya ở Moskva trong những năm 2011-2013 – cũng đã tìm thấy ở Crimea một lý do để ủng hộ Putin, mặc dù với một số dè dặt. Trong thực tế, Putin đang nhận được mức ủng hộ 80%, phản ánh mối liên hệ gần gũi giữa Putin và Crimea trong tâm trí người dân Nga.

Lý do việc sáp nhập Crimea thu hút được sự ủng hộ rộng rãi như vậy là điều dễ hiểu. Đối với hầu hết người Nga, Crimea vẫn là một phần của “đế chế”, cả về mặt văn hoá và địa lý. Chắc chắn rằng, nước Nga không sở hữu đủ quyền lực và vật lực để tái tạo lại một đế chế, thậm chí là bên trong phạm vi của một “thế giới thuộc Nga” trừu tượng. Nhưng bằng cách tập trung vào Crimea, chính quyền của Putin đã có thể tạo ra được cảm giác khôi phục lại công lý lịch sử và khơi lại kỳ vọng Nga quay trở lại thành một “siêu cường”.

Đương nhiên, không phải tất cả người dân Nga đều ủng hộ việc sáp nhập. Và, trong thực tế, những người phản đối hành động trên đều rất cương quyết, mô tả Crimea như là một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Mặc dầu vậy, những người này chỉ là một thiểu số nhỏ và thiếu các ảnh hưởng thực tế (chính quyền đã nhìn thấy điều đó). Họ bị bao vây hoàn toàn bởi những người ủng hộ chế độ vô điều kiện – và đặc biệt là ủng hộ Putin.

Phản ứng đó có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nếu xét những hậu quả rõ ràng của việc sáp nhập, đặc biệt là tác động về kinh tế từ các lệnh cấm vận của phương Tây, điều vốn trở lên phức tạp hơn bởi sự tụt dốc của giá dầu từ tháng 6 năm 2015. Các yếu tố cảm xúc chắc chắn có một vai trò ở đây. Nhưng đây không đơn giản chỉ là vấn đề người dân bị thao túng bởi tuyên truyền.

Trong thực tế, lý do chính khiến hầu hết người Nga ủng hộ việc sáp nhập Crimea có vẻ đơn giản chính là bởi đại đa số người dân Nga ủng hộ điều đó. Đối với những người Nga hậu Xô-viết bình thường, những người đã giành được Crimea từ trên sofa của mình, với điều khiển TV trong tay, thì lựa chọn ý kiến như đại đa số người khác là tiện lợi hơn so với việc phản đối – đến mức mà người Nga hoàn toàn từ chối việc suy nghĩ một cách có phản biện về những gì đang diễn ra. Đây chính là thứ tâm lý đám đông tiêu biểu.

Sự ủng hộ vững chắc này đã chuyển thành các hoạt động quân sự “thỏa đáng”, mang tính “tự vệ” và “phòng ngừa” mà Crimea là chất xúc tác, từ Donbas tới Syria và thậm chí là cuộc chiến tranh thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp các rủi ro hiển nhiên đi kèm với các hành động đó, người Nga chấp nhận luận điệu rằng họ cần đảm bảo sự ổn định, đó là chưa nói tới việc nước Nga đã vừa giành lại được tư thế “cường quốc” (qua các hoạt động này).

Như thể điều đó chưa đủ phi lý, người Nga dường như cũng đang ủng hộ những sai lầm về quản lý kinh tế của chính quyền Putin chính xác bởi vì tình trạng kinh tế của họ quá kinh khủng. Những người Nga bình thường đã nhanh chóng quay trở lại với các thói quen có liên quan đến tình trạng thiếu thốn của những ngày chưa xa. Sự chú ý của họ tập trung vào việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo, rất ít người quan tâm đến việc phân tích xem nguyên nhân của mức sống khốn khó này là gì.

Và ai có thể buộc tội họ? Sau tất cả, những người Nga nào xem xét đến bối cảnh chính trị này đều lập tức đối mặt với thực tế tàn nhẫn: Chính quyền đã đập tan tất cả mọi sự đối lập, không chỉ bằng cách gieo giắc nỗi sợ bị gắn mác “cực đoan”. Đã không ít người công khai chỉ trích chính quyền gặp phải kết cục không ai muốn.

Điều đó giải thích tại sao ngay cả các cuộc biểu tình phản đối một số chính sách hoặc kết quả hoạt động của chính phủ không hẳn là các cuộc biểu tình
chống đối mà chỉ là những sự thỉnh cầu lên chính phủ. Nếu không có những thay đổi căn bản trong hệ thống chính trị, những cuộc biểu tình như vậy, thậm chí ngay cả khi chúng trở nên thường xuyên, khó có thể mang tính đối lập một cách công khai. Và, nếu không có sự phản đối từ phía đối lập, thay đổi mang tính hệ thống sẽ không thể xảy ra.

Do không có sự cạnh tranh chính trị công khai, Putin đã xây dựng được một hệ thống kiểm tra và cân bằng ngay bên trong giới tinh hoa. Một nhóm theo chủ nghĩa tự do nhưng trung thành với Putin nắm giữ các vị trí chủ chốt về tài chính và kinh tế, cân bằng với nhóm diều hâu (bảo thủ) trong quân đội và các cơ quan an ninh, bao gồm các cơ quan như Hội đồng An ninh vốn thường được coi là cái nôi sản sinh ra các thuyết âm mưu về các mưu đồ của phương Tây. Đương nhiên, tất cả các thành viên của nhóm tinh hoa phải liên tục thể hiện lòng trung thành của họ đối với Putin.

Hệ thống này đã ngăn cản giới tinh hoa Nga không được thúc đẩy các thay đổi (không giống như trong quá khứ, khi giới tinh hoa này đã nỗ lực để khởi xướng các cải cách), bởi nó ngăn ngừa khả năng xảy ra các âm mưu chống lại Putin. Và chế độ có vẻ tương đối ổn định, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Trong thực tế, chế độ chỉ trở nên vững vàng từ năm 2012, và hiện giờ, cùng với sự ủng hộ rộng rãi giành được từ sau sự kiện Crimea, chế độ đang cố gắng thích ứng với các khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội kéo dài mà nước Nga đang phải đối mặt.

Nhưng khoảng thời gian đó đương nhiên là có giới hạn. Đó là lý do tại sao trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9, chính quyền đang tăng cường hướng sự chú ý của người dân vào các “mối đe doạ” từ bên trong – ví dụ như các đối thủ chính trị và những kẻ được coi là “phản bội”. Một ví dụ điển hình là cựu chủ tịch công ty dầu khí Yukos Mikhail Khodorkovsky, người đã bị vào tù, và sau đó phải lưu vong vì thể hiện những nghi ngờ đối với vai trò lãnh đạo của Putin.

Hồi năm 1970, nhà bất đồng chính kiến Xô-viết là Andreu Amalrik đã đặt câu hỏi trong một bài luận mang tính tiên tri rằng “Liệu Liên Xô sẽ còn tồn tại đến năm 1984 không?”. Hiện giờ chúng ta cũng cần đặt câu hỏi chế độ của Putin sẽ còn tồn tại được bao lâu. Dường như nó sẽ còn kéo dài đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2018. Liệu nó có tiếp tục tồn tại được đến cuộc bầu cử diễn ra sau đó vào năm 2024 hay không là một câu hỏi mà những nhà nghiên cứu về nước Nga – một nhóm đang lớn mạnh trở lại rất nhanh – sẽ sớm phải tranh luận.

Andrei Kolesnikov là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chính trị nội bộ và Thể chế chính trị Nga tại Trung tâm Carnegie Moskva.

Xem thêm:

Liệu Putin có thể sống sót?

Copyright: Project Syndicate 2016 – Secret of Putin’s Survival
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]